Những kết quả ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại Tuyên Quang
Truyền thông - Ngày đăng : 15:52, 10/09/2021
Những mục tiêu, lộ trình cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin
Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025" (Đề án) thực hiện theo Quyết định phê duyệt số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2020, tỉnh Tuyên Quang đã lập Kế hoạch thực hiện Đề án. Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch đến năm 2023, sẽ ứng dụng CNTT nhằm đa dạng hình thức tuyên truyền phố biến, giáo dục pháp luật tới đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo 100% người có uy tín, 80% đồng bào dân tộc thiểu số nắm vững được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chủ động nắm bắt thông tin về an ninh, trật tự, bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai, các thông tin, kiến thức về y tế, phòng chống các bệnh đặc thù, từ đó thay đổi nhận thức, đổi mới cách thức sản xuất để nâng cao đời sống.
Đồng thời, bảo tồn văn hóa dân tộc, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, tài liệu...; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, vật phẩm địa phương tới cộng đồng trong và ngoài nước. Hằng năm, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Kế hoạch cũng nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa truy cập thông tin nhanh chóng, thuận lợi; đảm bảo thông tin hai chiều từ tỉnh đến cơ sở, qua đó giải quyết những bức xúc của người dân ở cơ sở, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin trong nhân dân.
Cùng với đó, đào tạo nâng cao nhận thức, chất lượng ứng dụng CNTT cho cán bộ làm công tác dân tộc; tuyên truyền, phổ biến ứng dụng CNTT cho đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống.
Đến năm 2025, Tuyên Quang sẽ hoàn thiện bộ dữ liệu dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng CNTT cơ bản. Phấn đấu tối đa đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ; đa dạng hóa tài liệu thư viện điện tử để phục vụ người dân khai thác và sử dụng thông tin. Hoàn thiện diễn đàn đối thoại trực tuyến để kết nối người dân và cơ quan quản lý, hỗ trợ người làm công tác dân tộc truyền tải và nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng, chủ động đưa ra các chính sách phù hợp với tình hình tại địa phương.
Ứng dụng CNTT về công tác dân tộc đáp ứng được yêu cầu thực tế
Theo báo cáo số 52/BC-BDT của Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, để đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, năm 2021, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí ưu tiên triển khai một số nội dung về nâng cấp nền tảng CNTT. Đồng thời, Ban Dân tộc đang tổ chức, triển khai thực hiện nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc song song với việc xây dựng thư viện điện tử về công tác dân tộc trong năm 2021
Trong nhiệm vụ về đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng CNTT cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, Tuyên Quang đã tiến hành đào tạo cán bộ công chức, viên chức làm công tác dân tộc về kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT, an toàn, an ninh mạng. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập các kiến thức về CNTT nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo vùng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp đó, từ năm 2020 đến 2021, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch và triển khai đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng CNTT để tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước tại vùng dân tộc thiểu số; Nâng cao chất lượng, hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về CNTT.
Trong khi đó, triển khai hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc (hệ thống) đã thu được những kết quả đáng chú ý. Cụ thể, hệ thống đã được xây dựng, triển khai cài đặt, đào tạo, hướng dẫn sử dụng đến các đơn vị liên quan, liên thông quy trình khai thác, cập nhật, truy vấn, dữ liệu từ các đơn vị đến Ban Dân tộc. Địa chỉ truy cập hệ thống: tuyenquang.dantocts.vn. Sau khi triển khai đã hình thành quy trình cập nhật thông tin dữ liệu phản ánh thực trạng về kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay, nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc.
Ban Dân tộc đã có được hệ thống công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý, điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần tích cực vào chương trình cải cách hành chính nâng cao chính sách hỗ trợ các đồng bào dân tộc.
Thực tế, hệ thống triển khai giúp các đơn vị có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu dân tộc thiểu số hiệu quả, giảm chi phí, thời gian, công sức, thuận tiện trọng việc tra cứu tìm kiếm dữ liệu phục vụ công tác dân tộc. Hệ thống hỗ trợ các tính năng cho phép phân quyền đến từng phòng, ban, cán bộ, công chức, chuyên viên nhằm đảm bảo tính bảo mật của thông tin.
Quan trọng hơn, thông qua việc ứng dụng CNTT về công tác dân tộc, hệ thống đáp ứng các yêu cầu về chức năng và tính năng hệ thống tại các văn bản 650/UBDT-TTTT ngày 12/07/2017, văn bản số 935/UBDT-TTTT ngày 11/9/2017 của Ủy ban Dân tộc. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ danh mục thông tin phù hợp với danh mục chỉ tiêu điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế- xã hội căn cứ theo Quyết định 669/QĐ-UBDT ngày 07/12/2015 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phương án điều chỉnh thu thập thông tin về thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số. Dữ liệu điều tra được quy trình hóa, thu thập cập nhật từ cấp đơn vị cơ sở (thôn, xã) tổng hợp đến cấp cao hơn đảm bảo đáp ứng tính chính xác của dữ liệu điều tra sát với thực tế.
Kinh phí và nhân lực chuyên trách CNTT là những ưu tiên cần giải quyết
Dù đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng quá trình triển khai QĐ 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã ghi nhận một số vấn đề phát sinh cần phải được quan tâm tháo gỡ.
Thứ nhất là vấn đề kinh phí. Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, còn khó khăn trong tự cân đối ngân sách. Thu ngân sách hàng năm mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu chi (tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương). Để triển khai đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025" thì hàng năm phải được bố trí đủ kinh phí.
Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đề nghị Ủy ban Dân tộc tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Do điều kiện của tỉnh nên rất khó khăn về kinh phí nên rất mong Uỷ ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bố trí nguồn kinh phí ngân sách Trung ương cho các địa phương còn khó khăn, hạn chế kinh phí và chưa tự cân đối được ngân sách để tổ chức thực hiện Đề án.
Thứ hai là nhân sự chuyên trách về CNTT. Đây là vấn đề chung của rất nhiều địa phương ở các vùng dân tộc, các tỉnh nghèo, do điều kiện thu nhập, môi trường làm việc không có sức hấp dẫn. Ban Dân tộc cũng đề nghị UBND tỉnh giao bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế cán bộ chuyên trách về CNTT cho Ban Dân tộc để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đánh giá về việc đảm bảo tính kết nối, liên thông đến hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tại Ủy ban Dân tộc: Hệ thống tại Tuyên Quang đã đảm bảo việc kết nối dữ liệu liên thông đến hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tại Ủy ban Dân tộc; Phương thức kết nối giữa hai hệ thống thông qua API được cài đặt lên hạ tầng máy chủ đảm bảo tính ổn định, đồng bộ dữ liệu khi có yêu cầu; Hệ thống được thiết lập đồng bộ tự động giữa các trường thông tin như: Nhóm chỉ tiêu, chỉ tiêu, danh mục dân tộc, danh mục tôn giáo, danh mục đơn vị hành chính, dịch vụ lấy biểu, dịch vụ lấy phiếu, truy vấn nhóm văn bản, truy vấn văn bản.