Ưu tiên ứng dụng CNTT trong phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030

Truyền thông - Ngày đăng : 14:32, 10/09/2021

Để hòa nhập cùng các bước tiến trong thời đại mới, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn là vấn đề trọng tâm của đất nước. Dựa trên tình hình thực tại, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra các chính sách phù hợp, thể hiện tầm nhìn phát triển giai đoạn 2021 - 2030. Đặc biệt, với sự ưu tiên cao nhất, Chính phủ đã và đang có những quyết sách phù hợp về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Áp dụng CNTT: Ưu tiên tối đa

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo, ban hành các chính sách nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống xã hội cho người dân miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng đến việc từng bước ứng dụng CNTT vào phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025" đã được Chính phủ ban hành ngày 12/4/2019 dựa trên Quyết định số 414/QĐ-TTg. Mục tiêu đến năm 2023 thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh trật tự.

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đó là: Từng bước kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho đồng bào dân tộc thiểu số; Tổ chức mô hình đào tạo từ xa dạy tiếng dân tộc, kiến thức về công tác dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo; dạy nghề cho thanh niên các dân tộc thiểu số tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam; Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số: Đảm bảo 80% các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số Việt Nam được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện (Multi-media) và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước; Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin; xây dựng thư viện điện tử về công tác dân tộc; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đồng bào dân tộc thiểu số chủ động, không bị bất ngờ trong mọi tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ưu tiên ứng dụng CNTT trong phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi (Sơn La) phát biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV. (Ảnh: PV)

Gần đây nhất, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội (KT-XH) tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu đã kiến nghị Quốc hội cần đẩy mạnh sự quan tâm, đến phát triển KT-XH tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) kiến nghị trong giai đoạn 2022-2025, định mức chi ngân sách cần phù hợp với một số yếu tố đặc thù của các tỉnh miền núi. Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng cần bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Như vậy, trước tình hình còn nhiều khó khăn, Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết các vấn đề tồn đọng và đề ra hướng phát triển trong giai đoạn mới.

Ngay sau Kỳ họp thứ Nhất, ngày 7/9 vừa qua, Thường trực Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội Khóa XV đã tổ chức Phiên họp Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: "Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư nhiều chính sách cho đồng bào DTTS để phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là thể hiện sự chuyển biến của cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm, triển khai, đầu tư cho sự phát triển KT-XH. Mục tiêu cuối cùng là lo cho Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, của đồng bào DTTS được nâng lên".

Ưu tiên ứng dụng CNTT trong phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 - Ảnh 2.

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030. (Ảnh: Báo Dân Tộc).

Quyết liệt triển khai các giải pháp, đề án về CNTT từ địa phương

Dựa trên ý kiến chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, hàng loạt các tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, miền núi… đã nghiêm túc triển khai đề án trên. Tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 1961/KH-UBND Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển KT-XH và đảm bảo  an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019-2025", trong đó Mục tiêu đến năm 2023 là 100% người có uy tín, 90% đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 80% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng chống các bệnh đặc thù; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về pháp luật và các chính sách về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phòng chống thiên tai; 90% đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt thông tin về an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống vùng dân tộc thiểu số và bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số…

Kế hoạch đưa ra 5 nhóm giải pháp bao gồm: (1) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực KT-XH và an ninh quốc phòng; (2) Nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; (3) Đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số; (4) Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; (5) Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông cho cán bộ làm công tác dân tộc.

Tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND, ngày 5/5/2021 thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2025". Theo đó, đến năm 2023: 100% người có uy tín, 90% đồng bào dân tộc thiểu (DTTS) số nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 80% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường… Đến năm 2025, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc và các ứng dụng hỗ trợ đồng bào DTTS. Phấn đấu 100% đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Cùng với đó, hoàn thiện bộ dữ liệu về DTTS Việt Nam, hoàn thiện thư viện điện tử về công tác dân tộc.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển KT-XH. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu đến năm 2023 sẽ thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và an ninh trật tự. Đến cuối năm 2023 có 95% người có uy tín, 90% đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với mọi lĩnh vực thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin an ninh trật tự, chính sách bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai; 70% đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường; 80% tiếp cận thông tin, kiến thức về y tế, phòng chống các bệnh đặc thù…

Đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc và các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu 90% đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mọi nguồn thông tin khác về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường… Qua đó, thúc đẩy đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Lâm Đồng đặt ra các giải pháp như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực KT-XH và an ninh quốc phòng; nâng cấp công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn; đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức việc ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư đóng góp vào bộ dữ liệu dân tộc thiểu số của tỉnh; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông cho người làm công tác dân tộc…

Một số địa phương khác cũng triển khai một cách sâu, rộng và đạt hiệu quả cao như Đăk Lăk, Sóc Trăng, Hà Giang…

Ứng dụng CNTT vào phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi

Báo cáo "Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019" vừa được công bố ngày 4-8 vừa qua cho thấy khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân tộc thiểu số (DTTS) đã tăng lên đáng kể tuy nhiên không đồng đều ở các khu vực và các dân tộc. Chính vì vậy, việc ứng dụng CNTT vào phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi càng có cơ hội để triển khai một cách hiệu quả.

Tầm nhìn phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030: Ưu tiên áp dụng CNTT trong phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Dùng điện thoại thông minh để chăm sóc vườn rau sạch tại Đà Lạt. (Ảnh: Báo Lâm Đồng).

Về phía Trung ương, Ủy ban Dân tộc (UBDT) với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trong phạm vi cả nước, đang triển khai đề án "Hỗ trợ đồng bào DTTS tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam", thực hiện trong vòng 7 năm từ 2018 – 2025, phạm vi triển khai trên mọi địa bàn đất nước. Đề án được xây dựng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước góp phần ổn định chính trị tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững vùng DTTS. Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng hiệu quả CNTT trong phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam. Hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng CNTT nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng DTTS với các địa bàn trong cả nước, thúc đẩy phát triển KT-XH. Chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương.

Trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS, Đề án chú trọng việc xây dựng bộ dữ liệu về các DTTS, xây dựng hệ thống ứng dụng CNTT thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối chính sách, pháp luật cho đồng bào DTTS. Cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của đồng bào DTTS. Xây dựng, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào DTTS. Xây dựng diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc; chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc gây mất an ninh trật tự. Xây dựng và phát triển Bộ từ điển tiếng dân tộc điện tử. Tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận và ứng dụng CNTT.

Còn với cá nhân bà con DTTS cũng đã biết áp dụng CNTT vào phát triển kinh tế. Ví dụ như 740 hộ gia đình ở 2 xã Nậm Tha và Liêm Phú của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã tham gia dự án trồng quế hữu cơ với tổng diện tích hơn 1.250 ha. Nông dân trồng quế tại đây ứng dụng "Nhật ký điện tử QGS", sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) vào canh tác quế, đã nâng chuỗi giá trị quế của địa phương lên tầm quốc tế. Hay người dân tộc thiểu số ở Đà Lạt đã biết đưa công nghệ số vào sản xuất, chăm sóc cây trồng…

PV