Dấu hiệu nhận biết đa cấp biến tướng
Kinh tế số - Ngày đăng : 17:18, 09/09/2021
Người dân cần tỉnh táo phân biệt mô hình kinh doanh đa cấp chính thống và kinh doanh đa cấp bất chính để có nhận thức đúng đắn, tránh các rủi ro không đáng có cả về tài sản và pháp lý.
Thực tế cho thấy, những năm qua đã có nhiều người tham gia bán hàng đa cấp và thành công, có thu nhập cao song cũng có một số người dân chưa hiểu rõ về bán hàng đa cấp, bị dẫn dụ tham gia vào các hình thức đa cấp biến tướng, chịu tổn thất về sức khoẻ và tiền bạc.
Tình trạng biến tướng mô hình bất chính, tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, đặc biệt là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp. Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết những dấu hiệu của đa cấp biến tướng, khuyến cáo người tiêu dùng cần xác định được 4 biểu hiện chính: Không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; Sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; Không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; Nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.
Những doanh nghiệp này thường yêu cầu người tham gia mua hàng, đặt cọc, nộp tiền mới tham gia; Trả hoa hồng cho việc tuyển dụng; Thông tin gian dối về hoa hồng tiền thưởng, sản phẩm; Duy trì nhiều hơn một mã số đối với một người tham gia; Từ chối quyền lợi của người tham gia; Mua bán, chuyển giao mạng lưới người tham gia; Tổ chức các trung gian thương mại phục vụ cho việc duy trì, mở rộng, phát triển mạng lưới.
Sau đây là những dấu hiệu để nhận biết thủ đoạn núp bóng kinh doanh đa cấp để lừa đảo:
- Công ty đó yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp.
-Công ty đó không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán.
- Người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới.
- Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia.
- Công ty khuyến khích, hoặc đào tạo người tham gia tuyển người khác vào mạng lưới và hứa trả hoa hồng khi tuyển được người.
- Công ty cung cấp hàng hóa kém chất lượng hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng.
- Người trong công ty bán hàng đa cấp hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia mạng lưới.
- Công ty bán hàng đa cấp buộc và hối thúc người tham gia mua hàng để bán dù biết hàng hóa đó khó tiêu thụ, không thể bán ra thị trường để thu hồi vốn.