Mở lòng với sách nói và sách điện tử trong mùa dịch
Truyền thông - Ngày đăng : 11:44, 09/09/2021
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều khu bị phong tỏa, cách ly, việc vận chuyển sách giấy gặp khó khăn. Dẫu vậy, trên thế giới, dịch Covid-19 ập đến cũng là lúc các nhà xuất bản loay hoay tìm cách "giải cứu", đưa sách đến tận tay độc giả.
Bỉ là quốc gia châu Âu đưa sách vào danh mục hàng hóa thiết yếu từ rất sớm. Nhật Bản xem sách là mặt hàng thiết yếu khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, các hiệu sách ở Đức vẫn duy trì việc bán hàng, cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
Trên thực tế, số hóa là xu hướng tất yếu. Chuyển đổi số và hạn chế đọc sách giấy cũng là một cách bảo vệ môi trường. Đặc biệt, giữa tình hình dịch bệnh, vận chuyển sách khó khăn, chúng ta hãy thử mở lòng với những hình thức khác để không thể hoãn việc học và đọc.
Dễ đọc, dễ tra cứu với sách điện tử
Sách điện tử là phiên bản số hóa của sách giấy. Với việc biên tập bản thảo trên máy tính, sách điện tử mới là định dạng nguyên bản nhất của một cuốn sách. Trên thế giới, việc xuất bản song song sách điện tử với sách giấy đã trở thành xu thế của thời đại.
Ưu điểm của sách điện tử là gọn nhẹ, dễ mang đi, có thể đọc trên nhiều thiết bị như máy tính, điện thoại, máy đọc sách chuyên dụng và rất tiện tra cứu.
Bạn hoàn toàn có thể mang bên mình cả một thư viện hàng nghìn cuốn sách. Đây là điều không tưởng với sách giấy. Sách điện tử cũng là lựa chọn thay thế nếu cuốn sách giấy xuất bản đã lâu và đã bán hết.
Nhược điểm của sách điện tử là không tạo cảm giác “thật” được như sách giấy. Đọc lâu trên máy tính, điện thoại sẽ mỏi mắt. Một chiếc máy đọc sách chuyên dụng với công nghệ e-ink sẽ mô phỏng trang sách giấy tốt hơn và đỡ hại mắt.
Vì chỉ phục vụ cho mục đích đọc sách nên dung lượng pin máy đọc sách thường rất dài, tùy theo tần suất sử dụng như máy có thể được từ vài tuần đến hàng tháng mới cần sạc.
"Đọc" thụ động cho người bận rộn qua sách nói
Một thế mạnh vượt trội của sách nói là giúp bạn có thể đọc thụ động trong những khoảng thời gian “chết” như chờ ở sân bay, ga tàu, ngồi trên xe buýt, xe khách đường dài. Bạn cũng có thể tranh thủ nghe sách nói trong lúc làm việc nhà như quét dọn, rửa bát.
Ngay cả khi không rảnh tay, rảnh mắt, bạn vẫn có thể tiếp thu được một cuốn sách. Sách nói là giải pháp cho những người muốn đọc nhưng lại không có nhiều thời gian.
Sách nói còn thường kèm các âm thanh sống động như tiếng mưa rơi, tiếng gió, sóng biển, tiếng động cơ, tiếng động vật mô tả cho tác phẩm. Điều này làm tăng tính hấp dẫn của cuốn sách, kích thích các giác quan của người đọc.
Tuy nhiên, nhược điểm của sách nói là số lượng hạn chế, không phong phú bằng sách giấy hay ebook. Sách nói cũng đòi hỏi đường truyền mạng tốt hoặc yêu cầu dung lượng lưu trữ lớn hơn so với sách điện tử.
Bên cạnh đó, việc nghe sách dễ gây xao nhãng, khó tập trung như khi đọc bằng mắt, không tiện để ghi chú và tra cứu.
Trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, sách được đề xuất trở thành mặt hàng thiết yếu. Nó giúp chúng ta bớt cô đơn trong những ngày giãn cách, xoa dịu và đồng điệu cùng các tâm hồn trong nghịch cảnh.
Song, khi chưa thể tiếp cận sách in trong thời gian cách ly, khó vận chuyển, chúng ta có thể thay thế bằng sách nói và sách điện tử. Một khi đã quen với cả ba loại hình sách này, bạn sẽ có sự kết hợp linh động, uyển chuyển để phục vụ cho công việc của mình mà không quá phụ thuộc vào một loại hình nào.
Theo thạc sĩ Thái Thu Hoài - Phó trưởng khoa Xuất bản, phát hành, ĐH Văn hóa TP.HCM - sách góp phần giải tỏa tâm lý căng thẳng trong tình hình dịch bệnh, là nhu cầu rất cần thiết để góp phần ổn định tâm lý người dân.
Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành tại Việt Nam cũng đề nghị đưa sách vào nhóm mặt hàng thiết yếu để phục vụ đời sống tinh thần người dân trong lúc giãn cách xã hội. Bà Võ Thiên Hương - phụ trách truyền thông NXB Kim đồng - bày tỏ sách là sản phẩm văn hoá thiết yếu về mặt tinh thần, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Người dân có nhiều thời gian hơn với sách.