Giáo dục không phải lĩnh vực có thể "làm giàu nhanh", cần đặt cái tâm lên trên hết
Multimedia - Ngày đăng : 19:22, 08/09/2021
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài, một trạng thái mới được thiết lập. Để duy trì hoạt động, một số ngành nghề phải thay đổi hình thức hoạt động sang trực tuyến. Công nghệ là lựa chọn bắt buộc của các ngành nghề, bao gồm cả giáo dục.
Nhiều trường học phải đóng cửa, các lớp học từ offline chuyển sang online để thích ứng và không bị gián đoạn. Trong bối cảnh đó, cuộc đua đầu tư vào công nghệ giáo dục ngày càng nóng, đây trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các startup.
Là người đã theo đuổi và đã thành công trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, chia sẻ với BizLIVE, ông Cao Xuân Hoài Vương, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Unica - một trong những trường học trực tuyến lớn nhất Việt Nam cho rằng đại dịch COVID-19 là cú hích cực lớn để thúc đẩy giáo dục online phát triển.
PV: Quá trình ông tạo ra Unica như thế nào? Vì sao trước đây ông lại quyết định khởi nghiệp với một mô hình giáo dục trực tuyến mà không phải mô hình khác?
Ông Cao Xuân Hoài Vương:Ngay từ hồi tôi học cấp 3, tôi đã có một ước mơ là làm gì đó để đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bắt đầu tìm hiểu và khám phá Internet, bắt đầu xây dựng Petalia Network năm 2004. Sau đó tôi sang Pháp học cao học và khoa học giáo dục và phát triển Petalia thành một trong những diễn đàn đầu tiên về chia sẻ tri thức với hơn 100.000 thành viên tại Việt Nam.
Năm 2016, tôi quyết định khởi nghiệp và may mắn tìm được người cùng chí hướng là anh Nguyễn Trọng Thơ, founder của iNET. Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn về một website giáo dục để chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn tới hàng triệu người Việt Nam. Unica được ra đời với mong muốn lan toả các khoá học tới 10 triệu người Việt Nam, giúp kết nối hàng ngàn chuyên gia từ khắp nơi trên cả nước.
Sở dĩ chúng tôi chọn mô hình giáo dục online là vì đây chính là xu hướng tất yếu trên thế giới, mô hình cho phép các giảng viên, chuyên gia thay đổi hoàn toàn cách họ chuyển tải tri thức và kỹ năng. Giờ đây, các chuyên gia có thể chia sẻ các khoá học của mình tới hàng chục ngàn người, hàng trăm ngàn người thay vì cách mở lớp vừa tốn kém vừa ít học viên theo cách offline. Đây cũng là mô hình có thể xoá nhòa khoảng cách kỹ năng giữa các tỉnh thành, để bất kỳ ai từ bất kỳ nơi nào đều có cơ hội tiếp cận tri thức.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không ngừng đổi mới để tạo ra các sản phẩm giáo dục khác như giải pháp dạy học online, giải pháp đào tạo nhân sự cho doanh nghiệp, giúp các trung tâm, tổ chức tự triển khai xây dựng các trường học, trung tâm đào tạo online một cách dễ dàng và tiết kiệm thay vì bỏ ra nhiều trăm triệu đồng để nghiên cứu và tự làm.
PV:Hiện nay thị trường xuất hiện không ít các công ty xây dựng mô hình giáo dục trực tuyến với nhiều lĩnh vực khác nhau, Unica có chiến lược thế nào để trở nên khác biệt?
Ông Cao Xuân Hoài Vương: Chúng tôi tập trung vào chất lượng và khách hàng. Chúng tôi liên tục nỗ lực từng ngày để cải thiện chất lượng của sản phẩm cũng như lắng nghe khách hàng để làm sao đáp ứng được tốt hơn các yêu cầu của khách hàng.
Theo tôi nếu có khác biệt thì đó là chúng tôi kiên trì, bền bỉ với sứ mệnh phục vụ khách hàng, liên tục đổi mới. Chúng tôi cũng định hướng trở thành một hệ sinh thái giáo dục toàn diện, xây dựng các sản phẩm công nghệ giáo dục có tính tương hỗ lẫn nhau.
PV:Có sự phân biệt "khó" và "dễ" trong xây dựng trường học theo hình thức truyền thống và trường học trực tuyến không, thưa ông? Vì sao?
Ông Cao Xuân Hoài Vương:Trước kia, việc xây dựng 1 trường học trực tuyến có thể nói là rất khó khăn do rào cản kỹ thuật và công nghệ cũng như việc phải đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như đội ngũ kỹ thuật rất tốn kém.
Ngày nay, việc tạo trường học online trở nên vô cùng dễ dàng chỉ với vài click chuột với các công cụ như Edubit.vn và Acabiz.vn. Các giải pháp công nghệ cũng giúp việc dạy học online trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Cái khó của trường online đó chính là tư duy của người quản trị. Người đứng đầu có thực sự muốn đổi mới để thay đổi cách làm cũ hay không.
Cái khó thứ hai đó là tính hiệu quả và tương tác của đào tạo online.
Để đảm bảo hai yếu tố này, nhà trường, tổ chức đào tạo cần thật sự coi chất lượng đào tạo là ưu tiên quan trọng nhất. Giáo viên cần đặt mình vào địa vị người học, lấy người học làm trung tâm để liên tục cải thiện và đổi mới chất lượng giảng dạy, tạo ra những bài giảng sinh động hơn, thú vị hơn khiến mỗi tiết học online trở thành một tiết học đầy hào hứng, khơi dậy được đam mê học tập của người học.
PV:Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay thì giáo dục trực tuyến là lựa chọn, một giải pháp, song vẫn có ý kiến cho rằng học qua màn hình thì không thể đạt hiệu quả tuyệt đối. Đây hẳn cũng là bài toán cho các mô hình giáo dục trực tuyến, và quan điểm của ông như thế nào?
Ông Cao Xuân Hoài Vương:Theo tôi, tính hiệu quả của học trực tuyến phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể nói yếu tố quan trọng nhất là khả năng truyền đạt của giáo viên có giúp học sinh hào hứng không, có tạo ra sự tương tác tốt không.
Rất nhiều giáo viên đã biến những tiết giảng của mình trở nên hấp dẫn bằng cách áp dụng và kết hợp nhiều công cụ giáo dục khác nhau như Zoom, Kahoot, Quizzez, Blooket… Các học sinh được tương tác trực tiếp với nhau qua các trò chơi, hào hứng thi đua theo nhóm để xem đội nào về nhất qua các câu hỏi trắc nghiệm.
Việc đo lường kết quả học tập của các em cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Thay vì chấm bài của từng em, giờ đây các thầy cô nắm được kết quả học tập của cả lớp chỉ với 1 click chuột.
Đối với một số bộ môn như kỹ năng mềm, nghệ thuật… việc dạy học online sẽ khó có thể hiệu quả bằng hình thức học tập offline. Và việc dạy những bộ môn này cũng đòi hỏi giảng viên phải sáng tạo hơn.
PV:Như ông đề cập ở trên, giáo dục trực tuyến là xu hướng tất yếu. Xu hướng này được thúc đẩy thêm bởi cú hích COVID-19 và sự phát triển của công nghệ. Vậy ông đánh giá thế nào về sự phát triển của công nghệ trong giáo dục, hiện có đáp ứng được xu hướng và nhu cầu không?
Ông Cao Xuân Hoài Vương: Thị trường giáo dục online được ước tính trị giá khoảng 250 tỷ đô la Mỹ năm 2020 và sẽ tăng tới 1.000 tỷ đô trong 6 năm tới.
COVID-19 đã góp phần thay đổi hàng loạt các lĩnh vực, và đặc biệt là một cú hích cực kỳ lớn để thúc đẩy giáo dục online.
Giờ đây, các trường học từ mầm non, tiểu học, trung học phổ thông cho đến đại học đều thích nghi và có phương án chuyển sang đào tạo từ xa.
Hay ở Ấn Độ, có hàng chục unicorn (công ty công nghệ có giá trị hơn 1 tỷ đô la) trong lĩnh vực giáo dục.
Như vậy có thể nói, giáo dục online là tương lai tất yếu, sẽ có ngày càng nhiều hơn các công nghệ để giúp việc chinh phụ tri thức, kỹ năng ngày càng trở nên dễ dàng hơn, bình đẳng hơn như VR/AR (thực tế ảo), AI (Trí tuệ nhân tạo)...
PV: Là một startup tự thân, ông có quan điểm hay triết lý nào trong khởi nghiệp để dẫn đến thành công?
Ông Cao Xuân Hoài Vương: Triết lý khởi nghiệp của tôi là: Đi rồi bạn sẽ đến.
Một khi đã xác định mục tiêu và khả tính của nó, hãy tập trung toàn lực để đi thẳng tới nó. Khi đó, mọi khó khăn và trở ngại sẽ chỉ là những thách thức để chúng ta vượt qua.
PV: Ông có lời khuyên nào cho các startup mới trong lĩnh vực giáo dục công nghệ hiện nay không?
Ông Cao Xuân Hoài Vương: Điều đầu tiên startup cần làm là trả lời 3 câu hỏi: Tôi đang giải quyết vấn đề gì của thị trường? Vấn đề tôi giải quyết có đủ lớn hay không? Và tại sao tôi lại nên giải quyết nó chứ không phải ai khác?
Bên cạnh đó, startup cũng phải xác định mô hình kinh doanh một cách rõ ràng: mình sẽ thu tiền như nào? bao giờ thì hoà vốn? đối tượng khách hàng chính của mình là ai?
Làm startup trong giáo dục cần đặt cái tâm lên trên hết, xác định rõ đây là một lĩnh vực khó, không phải là một lĩnh vực có thể "làm giàu nhanh". Tâm ở đây nghĩa là bạn xác định bạn làm startup để đóng góp giá trị gì cho xã hội, cho Việt Nam và rộng hơn là cho thế giới. Với tâm thế đó, bạn sẽ xác định đây là một cuộc "phiêu lưu" dài hạn, để thành công có thể bạn phải mất 5 năm, 10 năm thậm chí lâu hơn.
Ngày nay, các công nghệ mới liên tục xuất hiện và hoàn toàn có thể thay thế cho các công nghệ đang phát triển. Startup có thể tìm hiểu về những công nghệ mới như blockchain, AI để có nhiều lợi thế hơn và đi nhanh hơn những công ty giáo dục hiện tại.