Bắc Giang đẩy mạnh CCHC, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp
Truyền thông - Ngày đăng : 21:25, 07/09/2021
Xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp
Tại Kế hoạch số 5580/KH-UBND về cải cách hành chính (CCHC) nhà nước năm 2021 đã được tỉnh Bắc Giang ban hành, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân…
Cùng với đó, hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ công; cải cách TTHC, giảm phiền hà, giảm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Duy trì, cải thiện Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh.
Để đảm bảo triển khai hiệu quả và bảo đảm mục đích và yêu cầu đặt ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh chủ động, kịp thời tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về chế độ, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực quản lý trên địa bàn tỉnh theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ; đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm chi phí, thời gian giải quyết TTHC, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm, liên quan đến sản xuất, kinh doanh...
Các cấp, các ngành thường xuyên rà soát, cập nhật, công khai, minh bạch TTHC trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương và tại Bộ phận Một cửa các cấp; thực hiện việc số hóa, mẫu hóa đối với TTHC mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân trong giải quyết TTHC.
Đi liền đó, triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định... Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp. Lựa chọn, bố trí đội ngũ công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn, thường xuyên thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCCVC làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan ngành dọc và các cơ quan, địa phương của tỉnh trong giải quyết TTHC...
UBND tỉnh cũng yêu cầu, các cấp, các ngành triển khai đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, bám sát các nhiệm vụ được giao. Quan tâm đầu tư hạ tầng CNTT, phát triển nguồn nhân lực CNTT. Nâng cao chất lượng các Trang thông tin điện tử, tăng cường công tác điều hành công việc trên môi trường mạng. Sử dụng hiệu quả các hệ thống phần mềm, ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu, đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, liên thông các cấp, phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang, phiên bản 2.0.
Kế đó, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện và sử dụng hiệu quả Hệ thống thông tin một cửa điện tử liên thông 3 cấp (tỉnh - huyện - xã), tích hợp với Cổng Dịch vụ công của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định... phấn đấu tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại cấp tỉnh đạt 90%, cấp huyện đạt 80%, cấp xã đạt 60%; tăng cường triển khai thực hiện chữ ký số cơ quan, chữ ký số cá nhân...
Các nhiệm vụ về kiểm soát TTHC được triển khai nghiêm túc, chất lượng
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, quý II/2021, cơ bản các nhiệm vụ về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện trên môi trường điện tử trên địa bàn tỉnh được triển khai nghiêm túc, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, trong Quý II, Bắc Giang đã triển khai một số nhiệm vụ sau:
Về kiểm soát TTHC, Bắc Giang đã thực hiện đánh giá tác động 01 TTHC lĩnh vực ngoại vụ tại 01 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; ban hành 10 quyết định công bố danh mục 279 TTHC, nâng tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh lên 2.001 TTHC; thực hiện công khai 279 TTHC.
Đồng thời, tiếp nhận, hoàn thành xử lý và đăng tải công khai kết quả xử lý 07 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính (trong đó có 02 phản ánh, kiến nghị lĩnh vực tư pháp, 02 phản ánh, kiến nghị lĩnh vực tài nguyên và môi trường; 03 phản ánh, kiến nghị lĩnh vực y tế). Số hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt tỷ lệ 99, 4% (trong đó 64, 3% hồ sơ được giải quyết trước hạn và 35, 1% hồ sơ giải quyết đúng hạn).
Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, có 1.850/2.001 TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đã được xây dựng quy trình nội bộ, gồm: 1.495 TTHC cấp tỉnh, 248 TTHC cấp huyện và 107 TTHC cấp xã.
Thực hiện Quyết định 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó đề ra các mục tiêu, lộ trình và trách nhiệm thực hiện của các cơ quan đơn vị.
Về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, với mục tiêu đặt ra là số hóa toàn bộ kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực do cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh quản lý, thời hạn hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
Cũng trong Quý II, Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-UBND ngày 09/4/2021 về việc công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch công tỉnh Bắc Giang. Tỉnh đã công bố 1.380 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, trong đó mức độ 3: 513 dịch vụ; mức độ 4: 877 dịch vụ (cấp tỉnh: 1128, cấp huyện 183 dịch vụ, cấp xã: 79 dịch vụ).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai công tác kiểm soát TTHC trong Quý II vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số sở, ngành, địa phương vẫn còn giải quyết TTHC chậm cho tổ chức, cá nhân, tập trung vào các lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp; số TTHC thực hiện theo "4 tại chỗ" còn thấp (67 TTHC); số lượng hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích của cấp huyện còn thấp.
Do đó, trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai những nhiệm vụ như: Kiểm soát tốt việc ban hành TTHC trong văn bản QPPL của địa phương theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật ban hành văn bản QPPL; giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật, nhất là bảo đảm về thời hạn giải quyết.
Trong đó, kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý dứt điểm các hồ sơ chậm giải quyết; tổng hợp, phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC và quy định có liên quan đang còn vướng mắc, bất cập hoặc không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng.