Thực hiện chuyển đổi số để minh bạch hóa công tác hải quan
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:10, 06/09/2021
Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để tạo thuận lợi cho người khai hải quan trong việc giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch có hiệu quả vừa đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) được thông suốt, Tổng cục Hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, trong đó chấp nhận cho doanh nghiệp (DN) được nộp bản scan một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan phải nộp bản chính theo quy định, như: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận kiểm tra Nhà nước về chất lượng để DN có thể thực hiện ngay thủ tục thông quan hàng hóa và nộp bổ sung các bản chính sau khi hàng hóa được thông quan.
Để tháo gỡ, giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, ngày 2/8, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai áp dụng thủ tục hải quan tạm thời. Khuyến khích việc thông quan tại cảng Cái Mép - Thị Vải và bàn phương án thành lập Chi cục Hải quan để thông quan hàng hóa ngay tại cảng Cái Mép – Thị Vải, giảm tải cho cảng Cát Lái.
Bên cạnh đó, ngày 19/8, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, các hoạt động xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa đã trở lại trạng thái bình thường. Bên cạnh đó, một số chi cục thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo việc thông quan hàng hoá được nhanh chóng. Điều này cho thấy, các giải pháp mà Tổng cục Hải quan đã thực hiện mang lại hiệu quả thực sự, không chỉ giải quyết được tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng mà còn góp phần tạo điều kiện cho các DN các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có thể tiếp nhận hàng hóa ngay trên địa bàn của mình, không phải di chuyển đến TP Hồ Chí Minh, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa và phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh những nỗ lực đó, ngành Hải quan hiện đang thực hiện chuyển đổi số để minh bạch hóa công tác hải quan, thông quan nhanh hàng hóa và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hải quan. Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan Lê Đức Thành cho biết, ngành Hải quan đang tập trung nguồn lực, triển khai các nội dung công việc liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan.
Theo ông Lê Đức Thành, với khoảng 15 triệu tờ khai hải quan mỗi năm càng nhiều chứng từ, tài liệu kèm theo, chưa kể các hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực XNK… nên khối lượng công việc đặt ra trong tiến trình chuyển đổi số của ngành Hải quan là hết sức nặng nề.
Trước tiên là tái thiết kế quy trình nghiệp vụ với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý thông qua việc tăng cường tính công khai, minh bạch, đồng thời hạn chế sự can thiệp của con người và quan trọng nhất là phải chuyển đổi số. Ngoài số hóa hồ sơ, tài liệu, để có nguồn dữ liệu thông tin đầy đủ, phong phú, ngành Hải quan đã và đang đẩy mạnh áp dụng các trang thiết bị hiện đại trong công tác quản lý hải quan như seal điện tử, máy soi container, hệ thống camera giám sát…
Hiện, Tổng cục Hải quan đang triển khai các nội dung công việc liên quan đến thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số theo đúng mục tiêu, kế hoạch.
Trong dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030, Tổng cục Hải quan đã đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.
Tiếp đến là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, ngành Hải quan tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình quản lý hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.
Đồng thời, tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh; cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK tại cửa khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số.
Đổi mới tổ chức bộ máy hải quan với cơ cấu gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.
Hiện, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và DN, đến nay đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4, chiếm gần 91% tổng số thủ tục hành chính do Tổng cục Hải quan thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Đồng thời, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các bên liên quan chuẩn bị điều kiện kỹ thuật để tích hợp 26 DVCTT lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo kế hoạch đã đăng ký với Bộ.