Cần thúc đẩy sử dụng sản phẩm “Make in Viet Nam” và tránh tình trạng "bảo hộ ngược"
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 09:17, 01/09/2021
Cạnh tranh không công bằng giữa "tây" và "ta"
Mới đây, trình duyệt Cốc Cốc cho biết, họ sẽ chính thức chuyển tác nhân người dùng (user agent - UA) của Google Chrome trên di động và máy tính từ tháng 9/2021. Lý giải về quyết định này của mình, Cốc Cốc cho rằng đây là giải pháp bắt buộc để bảo vệ người dùng trước việc cạnh tranh không lành mạnh, chặn truy cập trên nhiều trang web, dịch vụ của Google. Cụ thể, Google đã liên tục chặn Cốc Cốc trong một số dịch vụ của họ. Điển hình nhất là vụ việc hồi tháng 5 vừa qua, người dùng Cốc Cốc không thể đăng nhập bằng tài khoản của Google như Gmail để đồng bộ trên trình duyệt. Đây cũng là tình trạng xảy ra ở một số trang web, khi người dùng Cốc Cốc truy cập những trang web này, sẽ có hiển thị cảnh báo với nội dung "hãy thay đổi trình duyệt của bạn sang Chrome" hoặc "vui lòng cập nhật trình duyệt của bạn".
Nhận xét về điều này, ông Nguyễn Vũ Anh - Phó Tổng giám đốc của Cốc Cốc cho biết: "Cốc Cốc là một trong số ít những đối thủ tại thị trường nội địa của Google. Trên thế giới chỉ có khoảng 10 công cụ tìm kiếm và trình duyệt nội địa có khả năng cạnh tranh với "ông lớn" này. Có thể chính vì vậy mà Cốc Cốc luôn gặp những khó khăn trong việc phát triển người dùng khi đối thủ của mình tận dụng lợi thế độc quyền vô cùng lớn của họ. Điển hình là việc sử dụng UA để chặn Cốc Cốc khỏi một số dịch vụ của Google như thời gian gần đây. Đây chắc chắn là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh".
Nếu như một sản phẩm "nội" tố một sản phẩm "tây" chơi xấu mình là câu chuyện chưa có tiền lệ thì việc cạnh tranh không công bằng hay bảo hộ ngược lại là "chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi", được nhắc đến từ thời kỳ đầu tiên của Internet Việt. Như thời điểm năm 2013-2014, một ca khúc có ngôn từ không phù hợp của một ca sĩ nhạc Rap đã khiến hàng loạt các trang nhạc số trong nước phải đóng tiền phạt với Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch. Sau đó là một loạt các cuộc thanh, kiểm tra về việc hoạt động của các trang nhạc này. Khách quan mà nói, việc này là bình thường vì không phù hợp với văn hóa của người Việt Nam nhưng chỉ một vài ngày sau đó, ca sĩ nhạc Rap đó thản nhiên tung video của ca khúc đó lên mạng YouTube mà không hề bị sờ gáy trong sự "hậm hực" của các trang nhạc số. Đây chỉ là một trong số nhiều ca khúc mà các trang nhạc số phải liên tục gỡ bỏ hoặc bị xử lý, trong khi nó vẫn xuất hiện nhan nhản trên YouTube.
Một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho rằng, bên cạnh sự phát triển bùng nổ của các sản phẩm số, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp vô vàn thử thách khi phải cạnh tranh trực tiếp với các DN xuyên biên giới khổng lồ từ Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách của Việt Nam chưa theo kịp xu thế, thậm chí còn bị bảo hộ ngược, dẫn đến việc chậm phát triển của các sản phẩm Việt.
Đánh giá về việc Cốc Cốc tố Google, vị chuyên gia này cho rằng, rất khó đánh giá đúng sai trong câu chuyện này, vì đây không phải là lần đầu tiên Google bị các trình duyệt khác phàn nàn. Tuy nhiên, sự việc này đã "rung lên hồi chuông" đối với các cơ quan quản lý về việc một sản phẩm trong nước đang bị cạnh tranh không công bằng.
"Câu chuyện này chủ yếu để thông báo cho người dùng Cốc Cốc hiểu và thông cảm, việc không truy cập được vào dịch vụ của Google trong thời gian qua nguyên nhân không phải đến từ phía trình duyệt này. Cũng như để họ biết được có một sự cạnh tranh khốc liệt giữa các trình duyệt với nhau", vị chuyên gia này chia sẻ.
Các DN xuyên biên giới cũng phải tuân thủ luật pháp trong nước
Đầu tháng 9/2018, Bộ TT&TT đã đưa ra mục tiêu phát triển hệ sinh thái số Việt Nam. Theo đó, việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đối với Việt Nam hiện nay, nhiệm vụ đặt ra là phát triển 5 nhóm sản phẩm, dịch vụ. Cụ thể sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm, dịch vụ gồm: tìm kiếm thông tin, mạng xã hội, trình duyệt web, hệ điều hành và phần mềm phòng chống mã độc.
Quan điểm của Bộ TT&TT là hệ sinh thái số Việt Nam phải được phát triển và cung cấp bởi DN Việt Nam, hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường. Nhà nước sẽ tạo ra "luật chơi" chung thông qua các cơ chế chính sách thuận lợi để DN nội có thể tạo ra sản phẩm, dịch vụ của hệ sinh thái số. Bộ TT&TT đóng vai trò thúc đẩy, huy động nguồn lực từ xã hội, từ các nhà đầu tư để giúp đỡ cho DN.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV ngày 8/11/2019, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam không đặt mục tiêu tạo ra mạng xã hội để thay thế mạng xã hội nước ngoài vì mỗi mạng có chức năng riêng, không gian riêng, khách hàng riêng. Việt Nam đã hội nhập, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta có một điều kiện, đó là ai vào đây làm ăn đều phải tuân thủ luật pháp và làm cho Việt Nam thịnh vượng. "Các mạng xã hội Việt Nam sẽ song song tồn tại với điều kiện các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật pháp như các mạng trong nước", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ đóng vai trò tạo hành lang pháp lý, khuyến khích các DN Việt Nam, đồng thời tạo cơ chế bình đằng giữa DN nước ngoài và DN trong nước.
Để hiện thức hóa điều này, trong năm 2020, Bộ TT&TT đã tổ chức giải thưởng "Make in Viet Nam" để tìm ra những sản phẩm "nội" xuất sắc hay công bố 5 nền tảng điện toán đám mây "Make in Viet Nam" đáp ứng được bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ chính phủ điện tử/chính quyền điện tử để các địa phương có thể lựa chọn sử dụng.
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được Bộ TT&TT lấy ý kiến, các DN cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, tuân thủ những quy định chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam như: mạng xã hội, cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, kho ứng dụng… Từ đó, cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi biện pháp ngăn chặn trong các trường hợp dịch vụ xuyên biên giới cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Các dịch vụ xuyên biên giới cũng phải thực hiện quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. Các DN viễn thông thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm ngăn chặn nội dung vi phạm cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam.
Cần cơ chế thúc đẩy các sản phẩm "Make in Viet Nam"
Trao đổi với phóng viên Tạp chí TT&TT, đại diện các sản phẩm "Make in Viet Nam" đều cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm có cơ chế để thúc đẩy sử dụng hơn nữa các sản phẩm "nội".
Bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Trưởng nhóm nghiên cứu dự án AI Smart Warning, sản phẩm được giải nhất hạng mục Sản phẩm số tiềm năng tại giải thưởng Make in Viet Nam năm 2020, cho rằng dù chiến lược "Make in Viet Nam" đã tạo động lực cho các DN công nghệ nghiên cứu, phát triển sản phẩm nội địa và sản phẩm giải quyết bài toán toàn cầu có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đối với thị trường Việt Nam, khâu khó khăn nhất vẫn là người dùng chấp nhận trải nghiệm một sản phẩm mới. Vì vậy, cần hơn nữa các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, môi trường mở, chủ trương đặt hàng mua - thuê các sản phẩm, ứng dụng Make in Viet Nam, đặc biệt là đối với các sản phẩm, giải pháp hệ thống an ninh để đảm bảo an toàn thông tin, quy định về thông tin dữ liệu cá nhân.
Ông Trần Anh Thái - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống Kỹ thuật ứng dụng (ATS), đơn vị sở hữu ứng dụng đạt giải nhất hạng mục Giải pháp số xuất sắc tại giải thưởng Make in Viet Nam 2020, cũng kiến nghị cần quán triệt chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ điều khiển trong mua sắm và đấu thầu, nhất là các lĩnh vực trọng yếu để đảm bảo bí mật quốc gia. Đồng thời, cần nghiêm cấm các chủ đầu tư đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và kinh nghiệm có tính định hướng cho các sản phẩm nước ngoài để loại các sản phẩm công nghệ cao đã có kinh nghiệm sản xuất và sử dụng sử dụng tại Việt Nam.
Bộ Công Thương trong quá trình thẩm định và phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam cần yêu cầu các chủ đầu tư phải ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt Nam đã sản xuất được thuộc Danh mục sản phẩm Công nghệ cao được ưu tiên phát triển, như các hệ thống điều khiển nhà máy điện, trạm biến áp và trung tâm điều khiển. "Các ngành công nghiệp khác cần có đề án ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao do Việt Nam nghiên cứu phát triển để có định hướng cũng như chỉ đạo phù hợp theo tinh thần "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị", ông Thái đề xuất.
Còn theo bà Đào Thu Phương, Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực đối với các sản phẩm "Make in Viet Nam" để có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
Cụ thể, cần có các tổ chức trung gian chống độc quyền, như tại châu Âu hay Nga đang được áp dụng quy định, các ứng dụng không được cài đặt sẵn trên điện thoại mà phải tạo ra môi trường cạnh tranh đồng đều giữa các sản phẩm. Ví dụ như với điện thoại Android, các sản phẩm của Google không được cài đặt từ khi xuất xưởng mà khi người dùng mua máy, họ có quyền lựa chọn ứng dụng, công cụ tìm kiếm mà mình sẽ cài đặt. "Nếu Việt Nam cũng áp dụng quy định này, người dùng sẽ được gợi ý những sản phẩm, ứng dụng "Make in Viet Nam" được cơ quan nhà nước kiểm chứng. Khi đó, Cốc Cốc có thể được cạnh tranh công bằng hơn với những sản phẩm khác của nước ngoài", bà Phương nhấn mạnh./.