Sẵn sàng nắm bắt cơ hội ngay khi đại dịch được kiểm soát
Tạp chí online - Ngày đăng : 21:17, 31/08/2021
Chuyển đổi số - bệ phóng cho quỹ đạo tăng trưởng mới của Việt Nam
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030. Ông nhìn nhận như thế nào về động thái này?
PGS.TS. Nguyễn Trí Hiếu: Với xu hướng phát triển chung của thế giới hiện nay, tôi cho rằng chuyển đổi số là điều tất yếu. Trong những năm trở lại đây, toàn cầu đã và đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mà chúng ta thường gọi là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ năm 2020 đến nay thì vấn đề chuyển đổi số lại càng trở nên cấp thiết hơn cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Khi việc tiếp xúc giữa người với người là mầm mống của COVID-19 thì mọi hoạt động kinh tế - xã hội bao gồm thương mại, giáo dục, y tế… đều áp dụng nền tảng kỹ thuật số ở mức cao nhất có thể. Ngay đến tiền tệ giờ cũng đang bước vào giai đoạn số hóa. Vì lẽ đó, tôi cho rằng Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030 tuyệt đối phù hợp với xu thế chung.
Để thực hiện Chiến lược này, Chính phủ đã ban hành một số văn bản liên quan như Quyết định số 645 về Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại Điện tử Quốc gia 2021-2025; Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 (Quyết định số 942). Đây là những văn bản có ảnh hưởng rất quan trọng đến việc phát triển kinh tế số và chuyển đổi số cho nền kinh tế Việt Nam.
Vậy chuyển đổi số sẽ tác động như thế nào cho sự tăng trưởng mới của Việt Nam?
PGS.TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng chuyển đổi số có thể coi là bệ phóng cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu một nền kinh tế phát triển theo truyền thống ngoài vốn thì cần có những yếu tố khác như quản trị, nhân lực, nguồn đất đai,… nhưng với nền kinh tế kỹ thuật số chủ yếu dựa vào 02 yếu tố quan trọng: nguồn nhân lực chấtlượng cao và trí tuệ con người. Tất nhiên, vẫn cần các yếu tố khác như hạ tầng cơ sở, công nghiệp sản xuất vì chúng ta vẫn phải sản xuất linh kiện điện tử, công cụ để sử dụng trí tuệ nhân tạo. Thế nhưng, vấn đề của nó vẫn là trí tuệ và con người.
Tính đến tháng 1/2021, dân số Việt Nam đạt mốc 97.8 triệu dân, trong đó, có khoảng 68.17 triệu người đang sử dụng Internet (chiếm 70.3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút. Việt Nam cũng đạt tỷ lệ áp dụng kỹ thuật số tối thiểu 10% trên tất cả các lĩnh vực và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet là 80%.
Về mặt nguồn nhân lực, chúng ta đang ở thời điểm dân số vàng với đội ngũ lao động đông đảo, tiếp thu nhanh chóng các tiến bộ phát triển của thế giới, có trí tuệ và năng động. Những yếu tố trên tạo cho chúng ta cơ hội lớn bước vào mô hình kinh tế kỹ thuật số và tận dụng nó như là một bệ phóng, đưa Việt Nam lên một tầm mức phát triển cao hơn. Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng công nghệ không dây nhanh hơn nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển.
Bài học nhiều nước cho thấy họ có thể tăng trưởng nhanh nhờ xuất hiện của "nền kinh tế số" không dây, không tiền mặt. Các công ty Internet mới cũng đang tăng lên nhanh tại Việt Nam. Với kiến thức về thị hiếu và đa ngôn ngữ, họ đang mở rộng khả năng tiếp cận với nhiều loại dịch vụ như ngân hàng và hoạt động văn phòng, giúp các công ty khởi nghiệp dễ dàng tiến hành. Trung bình, doanh thu từ kỹ thuật số đang tăng và chi phí khởi nghiệp giảm tại các nước có nền kinh tế mới nổi so với các nước có nền kinh tế phát triển. Đây là cơ sở hạ tầng mềm cho kinh tế số Việt Nam đột phá vào tương lai. Tuy nhiên, với quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD, chúng ta vẫn đang là một nền kinh tế khiêm tốn.
Thời gian gần đây, Tổng Bí thư cũng như Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã nói đến vấn đề phát triển nền kinh tế Việt Nam từ nay cho đến năm 2025, từ 2025 cho đến 2030 và từ giai đoạn 2030 cho đến 2045. Theo đó, trong 5 năm tới, Việt Nam phải lên được tốp đầu của nhóm những quốc gia có thu nhập trung bình trong khi hiện tại, chúng ta chỉ vừa mới thoát ra khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập thấp, nhưng vẫn nằm ở tốp dưới của nhóm có thu nhập trung bình. Đây là một thách thức rất lớn vì GDP đầu người của Việt Nam còn rất là thấp và sự phát triển của Việt Nam so với thế giới cũng tương đối thấp.
Chính vì thế, Chính phủ điện tử, Thương mại điện tử, xu hướng kĩ thuật số của nền kinh tế chắc chắn phải được sử dụng như một tên lửa, đẩy nền kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu như Tổng Bí thư và Chủ tịch nước mong muốn.
Tháng 6 vừa qua, Techwireasia.com nhận định sự tăng trưởng đều đặn của nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam cho dù đại dịch COVID-19 đang tấn công nghiêm trọng, đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp. Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, các chính sách kinh tế tiến bộ và mức tăng trưởng kinh tế số bền vững, nhờ vậy, các nhà đầu tư cùng các bên tham gia trong nước đều có cơ hội kiếm được lợi nhuận khi khai thác tiềm năng kinh tế to lớn của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đem lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ thương mại điện tử, tài chính số, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ hỗ trợ công nghệ để thúc đẩy cách mạng công nghệ 4.0. Trong đó, dịch vụ tài chính số được đánh giá là mảng rất hấp dẫn để phát triển dịch vụ cho vay và thanh toán.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là COVID-19 đang hoàn toàn tạo điều kiện cho chúng ta trong quỹ đạo tăng trưởng mới của kỷ nguyên số. COVID-19 cũng đang khiến cho nền kinh tế của chúng ta lao đao không ít khi tạo ra rào cản khó lường. Đơn cử một lý do là tính đến thời điểm hiện nay, không ai dám nói chắc khi nào COVID-19 được kiểm soát. Mà chỉ khi dịch bệnh được ngăn chặn, kinh tế nói chung và kinh tế số nói riêng mới có cơ hội phát triển. Động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tiến độ triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, mở rộng hoạt động thương mại, tận dụng cơ hội từ FTA, chuyển đổi số, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…
Để có được bước đi lớn trong quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế số, chúng ta cần lường trước những rào cản nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta có lợi thế về dân số, nguồn nhân lực dồi dào và có tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bản chất người Việt là thông minh, nhưng có phần mạo hiểm. Ngay lúc này, ngoài kia, hàng trăm nghìn người vẫn lao đầu vào những cái đầu tư rất rủi ro để kiếm tiền. Sự mạo hiểm đó là con dao hai lưỡi. Nó có thể đưa xã hội đến quá đà, đi vào những cái xu thế đầy rủi ro. Một trong những rủi ro đó là tin tặc. Nhiều tội phạm công nghệ thông tin là những người đã làm việc cho các ngân hàng và các cơ quan chức năng. Họ nắm được chìa khóa của công nghệ thông tin và họ chạy ra ngoài làm "chuyện bậy" để kiếm tiền cho bản thân và đưa nền kinh tế Việt Nam vào một trong những rủi ro rất lớn.
Mặt khác, bảo mật thông tin hiện cũng đang là rào cản lớn trong chuyển đổi số, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Rào cản thứ ba là hệ thống cơ sở dữ liệu. Thực tế cho thấy hệ thống dữ liệu của chúng ta chưa hoàn thiện, chưa thống nhất. Mỗi ngành, địa phương,… đều có hệ thống dữ liệu riêng. Nếu chúng ta chưa có một hệ thống dữ liệu quốc gia thống nhất thì sao có thể quản lý được kế hoạch quốc gia một cách hoàn hảo và xuyên suốt?
Một rào cản nữa là trình độ kiến thức của người dân không thống nhất, chưa có sự cân bằng. Người dân ở thành phố lớn dĩ nhiên tiếp xúc với công nghệ thường xuyên, họ sử dụng điện thoại di động, Internet, phương tiện đời sống hiện đại, nhưng 60% người Việt Nam ở nông thôn còn rất xa vời với công nghệ thông tin. Vì vậy, làm cách nào để giúp những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, đặc biệt là vùng nghèo và cận nghèo có điều kiện tiếp cận với công nghệ số mới là điều cần phải làm ngay.
Như ông vừa đề cập ở trên, để phát triển được kinh tế số, chúng ta cần 2 yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực chất lượng cao và trí tuệ. Với tình hình hiện tại, theo ông, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta có đủ tầm để bước vào cuộc chơi này, ít ra có thể sánh tầm được với các nước khác như Singapore…
PGS.TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nếu nói đến Singapore, tôi khẳng định quốc gia này là một mô hình phát triển rất giá trị cho cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Vốn là một đất nước có diện tích nhỏ, dân số ít, nên xét một cách toàn diện, nếu Chính phủ muốn làm gì, thay đổi như thế nào cũng dễ dàng hơn.
Một điểm nữa mà tôi rất ấn tượng với quốc gia này là trình độ dân trí và nhận thức của người dân rất đồng đều và rất cao, từ người bán hàng trên đường phố đến các công chức làm việc tại công sở. Từ sự cân bằng đó, Singapore đã và đang xây dựng một xã hội rất đồng nhất, rất ổn định và phát triển rất nhanh và mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Trở lại với Việt Nam, một đất nước giàu tài nguyên, dân số cao nhưng có nhiều khu vực văn hóa khác nhau, trình độ hiểu biết và tri thức rất khác biệt. Gần đây, một hiện tượng đang diễn ra mà tôi cho rằng Chính phủ nên quan tâm, đó là khoảng cách giữa giàu - nghèo ngày càng lớn lên. Nhất là trong 2 năm gần đây, khi đối mặt với đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đang thể hiện
Theo hình chữ K, trong đó 1 nhánh đi lên và 1 nhánh đi xuống. Nhánh đi lên là một số doanh nghiệp khá thành công, và một số thị trường vẫn tăng trưởng trong đại dịch như thị trường chứng khoán, bất động sản… Còn nhánh đi xuống lại là các doanh nghiệp nhỏ trong ngành du lịch, giao thông, bán lẻ và đại đa số người dân. Với thực tế đó, khoảng cách giàu - nghèo càng giãn ra, gây ra trở ngại trong việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, đồng thời tạo ra lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế. Và khi khoảng cách ngày càng lớn, một lúc nào đó, nó sẽ gây ra sự bất ổn trong xã hội.
Như vậy, dù chúng ta có tiến lên kĩ thuật số, kinh tế số nhưng nền kinh tế nói chung vẫn chậm phát triển. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không nhìn thấy cánh cửa mới. Tôi cho rằng khi chúng ta tận dụng những phát triển trong lĩnh vực kĩ thuật số để tăng năng lực lao động và cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, trình độ học vấn được nâng cao, cuộc sống sẽ trở nên sung túc, hạnh phúc hơn, tạo ra nền tảng phát triển cho xã hội trong tương lai.
Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta sẽ có lại thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư
Bối cảnh bất ổn chính trị, căng thẳng và chiến tranh thương mại, cạnh tranh giữa các nước lớn, cùng với sự xuất hiện bất ngờ và tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19 đã tạo nên một bức tranh tối màu trên toàn cầu. Theo ông, chúng ta có cơ hội để các dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào và chúng ta có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất mới?
PGS.TS. Nguyễn Trí Hiếu: Năm 2020, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia tại vùng châu Á Thái Bình Dương có tăng trưởng dương, đó là: Việt Nam, Trung Quốc và New Zealand. Thành quả có được là do chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh. Từ đó, các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy Việt Nam là một điểm đến hấp hẫn. 6 tháng đầu năm 2021 chúng ta tăng trưởng tốt với GDP tăng 5,64%, CPI bình quân được kiểm soát ở mức độ 1,47%, đồng nghĩa với việc kiểm soát lạm phát tốt, về ngoại thương xuất nhập khẩu hai chiều lên đến 317 tỉ đồng và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái…
Nhưng thực tế dịch bệnh COVID-19 trong Quý II/2021 đã làm đảo ngược tình thế hiện tại. Nhiều thành phố lớn trong cả nước đang thực hiện Chỉ thị 16 và 16+ và việc kiểm soát dịch bệnh đang rất khó khăn. Nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, trong đó hơn 80.000 doanh nghiệp đóng cửa hoặc phá sản hoặc ngưng hoạt động. Về ngoại thương, chúng ta trở lại nhập siêu thay vì xuất siêu như năm ngoái. Nhập siêu là 1,47 tỷ. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, khách sạn, giao thông và các cửa hàng bán lẻ. Một số khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương,… bị tác động bởi dịch bệnh sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại.
Năm ngoái, một số nhận định về việc các nhà đầu tư rời bỏ thị trường Trung Quốc và đem những dây chuyền sản xuất kinh doanh của họ vào Việt Nam, đã không xảy ra. 6 tháng đầu năm nay, dòng tiền đầu tư nước ngoài mới lên tới mức 15,27 tỉ $ và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, tôi không lạc quan cho rằng Việt Nam hiện nay đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Song, đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn chung cho nhiều thị trường khác.
Do khó khăn của dịch bệnh tác động lên thị trường nên các nhà đầu tư chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống. Họ đầu tư vào chứng khoán, bất động sản tại các quốc gia tiên tiến thay vì mạo hiểm vào các thị trường cận biên, thị trường mới nổi. Với quan điểm của một nhà phân tích kinh tế, tôi nghĩ nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh trong vòng 3 tháng nữa, chúng ta sẽ có lại thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Còn nếu không, hậu quả sẽ vô cùng tai hại, bắt đầu từ 2 thành phố đầu tàu của đất nước và lan truyền ra các thành phố khác nữa
Gần đây, Việt Nam đã ký được một số hiệp định thương mại mới như RCEP, EVFTA,... tạo cơ hội tốt để tiếp cận được với nguồn vốn và công nghệ cao từ các nước phát triển. Tuy nhiên, muốn hút được dòng dịch chuyển vốn đầu tư thông qua các hiệp định trên, Việt Nam cần có thêm hay cần thay đổi điều gì?
PGS.TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chưa bao giờ, như trong vòng một năm, Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định thương mại lớn, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA). Những hiệp định lớn nhất này đã mở ra cho Việt Nam nhiều thị trường mới không chỉ về thương mại, về đầu tư, đây là những điều thuận lợi.
Tuy nhiên, hậu quả nhãn tiền mà COVID-19 mang đến là chúng ta chưa thể tận dụng được lợi thế của những hiệp định này. Chỉ riêng mảng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng vẫn là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Nhưng hiện tại, những quốc gia trong các khu vực này cũng đang chao đảo vì dịch bệnh. Do đó, nhu cầu nhập hàng hóa từ Việt Nam như hàng tiêu dùng, nông sản, điện tử... chậm lại rất nhiều. Từ đó, ở thời điểm hiện tại thì chúng ta khó tận dụng được cơ hội từ những hiệp định trên.
Ngay cả vấn đề nông sản trong thời gian tới khả năng sẽ dư thừa lớn mà không xuất khẩu được do chuỗi logistics bị đứt gãy và giá cước vận chuyển hàng hải tăng hàng trăm lần so với trước đại dịch . Ngay ở trong nước, việc di chuyển các containers từ các vùng nông nghiệp sang đến thành phố lớn còn khó khăn, huống chi là sang các thị trường quốc tế. Chỉ hy vọng trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, phương tiện vận chuyển hàng không quốc tế được khôi phục mới có thể nhìn thấy những tín hiệu mới.
Như vậy, để có thể thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số thành công, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có 3 thành phần chính trong quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, tiên phong là Nhà nước với khung pháp lý hoàn thiện. Khung pháp lý cho chuyển đổi số phải được hoàn thiện. Quyết định số 942 của Chính phủ cũng đã nói rất nhiều đến các giải pháp từ việc muốn phát triển hạ tầng số thì phải có hạ tầng mạng, phát triển nền tảng số, hệ thống quy mô quốc gia, phát triển các dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng, ... Chính phủ phải thực hiện tất cả những vấn đề đó cho dù dịch bệnh ảnh hưởng thế nào. Trong Quyết định số 942 có một phụ lục, trong đó, tất cả các cơ quan, ban ngành đều được giao phó những trách nhiệm cụ thể.
Có lẽ, Quốc hội phải là cơ quan theo dõi, giám sát những hoạt động và phải thông báo cho tất cả người dân biết là sau 12 tháng, Chính phủ đã làm được những gì? Bên cạnh đó, chúng ta phải xây dựng dữ liệu quốc gia một cách thống nhất.
Về các doanh nghiệp, họ là những con tàu đẩy đất nước lên một tầm phát triển mới nên phải có những kế hoạch riêng cho mình, không kể là lớn hay nhỏ.
Về người dân, phải làm sao để đưa kĩ thuật số tới mọi nơi trên đất nước, không chỉ những người ở trong thành phố mà còn là cả vùng sâu vùng xa, hộ nghèo, dân tộc thiểu số. Mỗi người phải tự lên một kế hoạch riêng cho mình là chuyển đổi số như thế nào và điều này rất cần sự hướng dẫn của Chính phủ. Từ việc làm, quản lý thu nhập, kinh doanh, giáo dục con cái, y tế cũng đều cần phải kĩ thuật hóa. Nếu chúng ta làm đồng bộ ở cả 3 thành phần thì có lẽ chúng ta sẽ thực hiện được chuyển đổi số theo đúng mục tiêu của Chính phủ.
COVID-19 sẽ khiến cơ cấu kinh tế toàn cầu thay đổi theo chiều hướng nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cho rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn đi theo xu hướng kĩ thuật số, từ sản xuất cho đến tiếp thị, phân phối hàng hóa và thanh toán. 3 mảng chủ yếu của mọi nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Ở Việt Nam, nông nghiệp đóng góp khoảng 12% GDP, công nghiệp 38% và dịch vụ 41%.
Tại thời điểm này, cả 3 mảng trong nền kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng. Nông nghiệp thì bị đứt gẫy chuỗi cung ứng đầu ra, đầu vào. Sản xuất công nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng vì tình hình hoạt động trì trệ tại các khu công nghiệp do những biện pháp phòng chống dịch bệnh. Mảng dịch vụ trừ một vài mảng như ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư đang sa sút trầm trọng vì những biện pháp cách ly trên toàn quốc.
Không riêng gì Việt Nam mà trên thế giới, ngành du lịch, giao thông vận tải, bán lẻ bán buôn, hệ thống tài chính cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Bản thân Việt Nam là một quốc gia đang ngày một xâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì tình hình thế giới càng tác động mạnh mẽ vào nền kinh tế Việt Nam, trong đó chúng ta đang chịu ảnh hưởng lớn của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng ta là quốc gia có sản lượng xuất nhập khẩu rất lớn, năm 2020, lên đến hơn 545 tỉ $ tương đương với 159% GDP của Việt Nam. Trong nước, dù người nông dân ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như trong các khu công nghiệp nhưng vấn đề ở đây là việc đứt gẫy chuỗi cung ứng. Nhiều hộ nuôi lợn hiện nay còn không đủ cám cho lợn ăn vì thiếu cám nhập khẩu, ảnh hưởng hoạt động nuôi trồng và chế biến thực phẩm.
Mảng dịch vụ, khách sạn trong 2 năm tới tôi nghĩ là vẫn tê liệt. Nếu may mắn, chúng ta có thể phục hồi vào năm 2023, khi mà các đường bay hàng không quốc tế được nối lại. Hiện tại cho tới nửa đầu năm 2022, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn khó khăn nhưng phải chuẩn bị để nắm bắt những cơ hội trong giai đoạn phục hồi từ nửa sau của năm 2022.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(Bài viết đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021))