Chuyển đổi số doanh nghiệp từ lý thuyết đến thực tiễn
Xã hội số - Ngày đăng : 20:37, 31/08/2021
CĐS tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân
Đối thoại cùng báo chí 2021 với chủ đề Chuyển đổi số (CĐS) để bứt phá "Giải pháp công nghệ hay tư duy chiến lược của doanh nghiệp (DN)" ngày 31/8, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh các mô hình CĐS đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân. Đặc biệt, nhờ xu thế CĐS này, chúng ta đang tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu"
Ông Vinh cũng cho biết thêm, giờ đây CĐS không chỉ dừng lại ở việc DN tương tác với các khách hàng, đối tác, thị trường mà cốt lõi giá trị bên trong chính là toàn bộ sự CĐS trong hệ thống vận hành, quản trị nội bộ của các đơn vị, tổ chức.
Với vai trò là đơn vị tập hợp và đại diện cho cộng đồng DN, thời gian qua VCCI đã phối hợp tích cực với nhiều cấp, ngành, đơn vị nhằm thúc đẩy sự phát triển DN, doanh nhân trên các thế mạnh khoa học - công nghệ. Đặc biệt, gần đây, VCCI đã cùng Bộ TT&TT triển khai chương trình, kế hoạch CĐS cho các DN vừa và nhỏ. "Đây chính là việc làm cụ thể có ý nghĩa to lớn nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, song hành cùng cộng đồng các DN Việt Nam thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả việc CĐS, tăng cường, thúc đẩy sự phát triển toàn diện", Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh.
Thực tiễn triển khai CĐS tại DN
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chiến lược CNTT VNPT (VNPT-IT), CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức và cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số. CĐS DN là quá trình DN chủ động chuyển đổi bằng cách tích hợp công nghệ số để phát triển và sinh tồn trong tương lai số đang tới.
Trên quan điểm đại diện nhà cung cấp về các giải pháp công nghệ, ông Kiên cho rằng, công nghệ có vai trò quan trọng trong tiến trình CĐS các DN vì nó tạo ra các giá trị sản xuất, kinh doanh, mô hình hoạt động, cơ hội mới cho các DN.
Để thực hiện tốt điều này, nhất trong thời điểm hiện tại dịch bệnh, luôn cần các giải pháp công nghệ số như: Sử dụng AI và học máy để thu thập, quản lý, làm giàu, phân tích dữ liệu và hiển thị liên tục nhanh chóng; 5G và Wifi 6 để tạo ra sự việc liên thông đầu và cuối; phân tích dữ liệu RPA/IPA giúp tự động hóa mọi quy trình; Blockchain để xử lý và xác minh các giao dịch…
Bên cạnh đó, theo ông Kiên có có 04 trụ cột chính khi DN thực hiện CĐS cần phải tập gồm: Nâng cao trải nghiệm khách hàng; tăng năng suất của đội ngũ nhân viên; tối ưu hóa hoạt động của DN; chuyển đổi sản phẩm dịch vụ.
"Hiện VNPT đã xây dựng phương pháp luận CĐS cho SME gồm 04 bước: Đánh giá mức độ trưởng thành; xác định điểm mạnh, yếu, cơ hội, thách thức; xác định cơ hội, mục tiêu, chỉ số đo lường; xác định lộ trình CĐS triển khai và đo lường hiệu quả", ông Kiên cho biết.
Vị chuyên gia của VNPT cũng khuyến nghị mỗi DN cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, trong đó có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, chất lượng giảm, giảm việc làm…
Đồng tình quan điểm chia sẻ của ông Kiên, trên quan điểm của DN CĐS thành công, ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen cho biết thêm, Nestlé đã tiếp cận và thực hiện việc CĐS hiệu quả, nhất là việc ứng dụng các giải pháp số để vận hành quá trình: Sản xuất, người tiêu dùng, khách hàng. Đó là các quy trình vận hành khép kín đầu - cuối thông minh. "Chính điều này giúp Nestlétăng trưởng, ổn định sản xuất".
Cũng theo Giám đốc Nestlé, việc CĐS công ty đang áp dụng hiện nay gồm 05 nền tảng: Định hướng chiến lược; quản trị tập trung; hạ tầng (IT, OT); nhân lực trình độ cao; liên kết hỗ trợ.
Đặc biệt, công ty luôn xác định việc xây dựng tương lai định hướng dữ liệu có vai trò quan trọng vì giúp tăng 40% việc số hóa không (không còn dùng giấy tờ thủ công) và giảm: 60% các hoạt động không đem lại giá trị, 50% lượng giấy sử dụng.
Bên cạnh đó, Nestlé không ngừng đầu tư vào các công nghệ như: ứng dụng Robot và tự động hóa; kho tự động hóa; ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) trong làm việc và đào tạo từ xa.
Từ những thực tế khi áp dụng các nền tảng công nghệ số mà đơn vị mình triển khai, ông Urs Kloeti đưa ra 04 đề xuất nhằm giúp DN CĐS bứt phá, phát triển: Tiếp cận ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới đem lại hiệu quả và gia tăng lợi nhuận DN; tiềm hiểu cơ hội phát triển thông qua việc số hóa dữ liệu trước khi đầu tư vào công cụ; xây dựng lộ trình phát triển công nghệ rõ ràng, bồi đắp năng lực nhân viên để thích nghi với sự chuyển mình của DN; tuyển chọn và phát triển năng lực nhân viên nhằm hiện thực hóa, vận hành và duy trì hiệu quả DN.
Ở góc độ khác, bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Traphaco cho rằng trong quá trình CĐS tại DN, việc xây dựng dữ liệu khách hàng là rất quan trọng vì đây được coi là tài sản cho các DN phát triển bền vững. "Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì việc chúng ta nắm được dữ liệu các khách hàng và thông qua các nền tảng số - công cụ giúp chúng ta kết nối trực tuyến, tương tác với khách, nắm bắt nhu cầu khách hàng sẽ giúp DN hiểu được điều cần phải tập trung giải quyết. Đây sẽ là một thế để giúp đưa ra hành động, quyết sách cho sự triển của DN".
Từ kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ CĐS và là một đối tác chiến lược uy tín chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật mạng di động tiên tiến cho tất cả các nhà mạng viễn thông lớn tại Việt Nam, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam cho rằng, công nghệ hạ tầng số là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình số hóa.
Tuy nhiên, đối với các DN Việt Nam, điều cần lúc này là cần tăng cường hợp tác, hợp lực cùng các công ty công nghệ để ứng dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ số mới. Chúng ta cần sự phối hợp nội bộ và các thí điểm, sáng kiến mới.
Cần lựa chọn giải pháp ứng dụng công nghệ số để triển khai cho các DN nhỏ, thử nghiệm trước và nếu có kết sẽ tiếp tục nhân rộng phạm vi, mô hình cho các DN lớn. "Cần những bước đi chắc chắn để tránh lãng phí đầu tư, nguồn nhân lực", ông Denis Brunetti nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Ericsson Việt Nam, hiện Việt Nam đang có thế mạnh về hạ tầng viễn thông, đây là cơ hội cho phát triển 5G. Khi biết chủ động tận dụng điều này, các DN Việt Nam có thế mạnh trong việc kết nối thông tin, kết nối các khâu trong các dây chuyền sản xuất. "Tiềm năng của 5G chính là việc không có độ trễ về thời gian và nếu DN muốn tăng tốc thì đây chính là thời điểm, cơ hội để thử sức, thực hiện".