Bước ngoặt "tỷ đô" của kỹ sư Việt
Kinh tế số - Ngày đăng : 14:59, 31/08/2021
Nguyễn Thế Vinh, sinh năm 1992, là một trong những tên tuổi đáng chú ý của cộng đồng blockchain và tiền mã hóa Việt Nam. Anh là đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành VIC Group - cộng đồng nghiên cứu và đầu tư tiền điện tử lớn nhất Việt Nam năm 2017. Hai năm sau, Vinh trở thành đồng sáng lập và CEO của Coin98 Finance - startup tiên phong và tập trung vào công nghệ blockchain. Ngày 25/8, giá trị vốn hóa thị trường của C98 cán mốc 1 tỷ USD, vào top 98 trên thị trường tiền mã hóa toàn cầu theo số liệu của CoinGecko.
Cơ duyên với blockchain, tiền ảo
Giống nhiều tài năng công nghệ của Việt Nam, Vinh tiếp xúc với máy tính từ khá sớm. Những năm 2000, quán Internet trở thành một phần không thể thiếu của thế hệ 9x Việt Nam. Trong khi bạn bè xin tiền cha mẹ chơi game, Vinh lại ra quán net để "vọc" về máy tính, lập trình. "Mình nhớ những ngày đầu, xung quanh mọi người đều chơi game, còn mình cứ lọc cọc gõ code, tự học lập trình trên MS-DOS, Pascal. Lúc đó rất ngại vì mọi người nhìn mình bằng ánh mắt rất lạ. Sau đó, tiền tiết kiệm được bao nhiêu tiền, mình cũng 'nướng' hết vào các đĩa CD game, phần mềm", Vinh kể lại.
Vinh nhận được học bổng toàn phần của Đại học FPT và làm việc tại FPT Software ở TP HCM sau khi ra trường. "Hai năm làm ở FPT, mình được tạo nhiều điều kiện để sáng tạo, thử sức với nhiều vị trí khác nhau. Nhưng bản thân vẫn thấy như vậy chưa đủ và muốn tạo ra một cái gì đấy đột phá, mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn", Vinh nói.
Đến đầu 2017, Vinh bắt đầu tìm hiểu về tiền mã hóa và blockchain, vào đúng giai đoạn thị trường đi lên. Việc đầu tư mang về cho 9x nguồn thu nhập lớn. Anh quyết định nghỉ việc, "ra khỏi vùng an toàn để làm cái gì đó ra trò".
Vinh gọi đây là một trong những ngã rẽ quan trọng nhất cuộc đời. "Gia đình, bạn bè lo lắng rất nhiều vì quyết định của mình. Khi ấy, tiền mã hóa vẫn còn rất xa lạ với nhiều người, xã hội thậm chí còn nhiều hoài nghi, định kiến. Mọi người không hiểu rõ những gì mình đang làm. Lo ngại nhiều, nhưng bố mẹ cũng không phản đối. Còn mình quyết tâm rồi, cứ đơn độc mà làm thôi", CEO Coin98 kể.
May mắn của Vinh là gia nhập đúng giai đoạn thị trường bùng nổ, chỉ cần mua các token để đó cũng có lời. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm đủ sâu và chưa trải nghiệm trong một chu kỳ đầy đủ của thị trường để cảm nhận và học hỏi, nên giai đoạn này anh cũng gặp không ít sự cố. Đến cuối 2017, Vinh cùng một số bạn bè xây dựng VIC Group - Cộng đồng nghiên cứu, đầu tư tiền mã hóa có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Mọi thứ diễn ra êm xuôi cho đến giai đoạn 2018, thị trường tiền mã hóa lao dốc khiến lợi nhuận đầu tư ngày một vơi đi. Lúc này, gia đình nhỏ của Vinh cũng chuẩn bị đón em bé đầu lòng. Áp lực tài chính đè nặng lên anh.
Chưa dừng ở đó, nửa sau 2019, VIC Group do anh đồng sáng lập cũng bắt đầu có vấn đề về quản trị. "Thị trường ảm đạm, đội ngũ sáng lập lục đục, không tìm được tiếng nói chung. Cuối cùng, dù rất tâm huyết, mình vẫn phải ra đi", Vinh nhớ lại. Tuy nhiên, lựa chọn này lại đưa Vinh sang một ngã rẽ hoàn toàn mới.
Thời khắc nguy hiểm nhất
Rời VIC Group, Vinh đồng hành cùng Lê Thanh - nhà sáng lập đời đầu của Coin98 Community. Ra mắt cùng thời điểm với VIC, nhưng Coin98 đi theo hướng xây dựng cộng đồng, chuyên viết nghiên cứu, phân tích về thị trường và các dự án. Do đã có quan hệ thân thiết và hiểu nhau từ trước, Vinh nhận lời mời của Thanh, chọn Coin98 làm bến đỗ tiếp theo.
Anh cùng Thanh tái cấu trúc Coin98 trở thành hệ sinh thái Coin98 Finance, tập trung vào nghiên cứu và phát triển phục vụ DeFi với ba chân kiềng: Coin98 Labs, Coin98 Ventures và Coin98 Network.
Khác với nhiều startup khác, Coin98 Finance không gọi vốn từ bên ngoài. Để có tiền "nuôi quân" và phát triển dự án, đội ngũ sáng lập dùng vốn vào việc đầu tư, hỗ trợ các dự án trong và ngoài nước. Tuy nhiên giai đoạn này, thị trường vẫn đang trong thời kỳ khủng hoảng chung, có thời điểm nguồn quỹ duy trì bị cạn kiệt. "Tiền mã hóa rớt giá, ngay cả các sàn cũng 'khóc' vì không ai giao dịch, không ai đầu tư. Người tham gia đa số thua lỗ, cộng đồng chán nản, tâm lý đi xuống. Tin tức xấu cũng liên tục ập đến, như bong bóng Bitcoin sắp vỡ, mọi thứ có thể về giá trị bằng 0", Vinh kể.
Thời khắc nguy hiểm đến với Vinh và Coin98 Finance vào năm 2020. Song song với việc làm sản phẩm, công ty vẫn tiếp tục xây dựng cộng đồng, cung cấp thông tin và phân tích các dự án trên thị trường. "Việc này diễn ra miễn phí nhằm chia sẻ thông tin, kiến thức với mọi người. Tuy nhiên, nó lại dẫn đến một sự cố mà mình không bao giờ muốn nhắc lại", CEO Coin98 nói.
Đó là khoảng nửa sau năm ngoái khi Vinh và cộng sự phát hiện và đầu tư rất sớm vào Solana - blockchain thế hệ mới. Khi này, mọi người chưa tin vào sự phát triển của dự án trong tương lai. Ban đầu, mỗi token của Solana chỉ dưới 1 USD. Vinh và đội ngũ bắt đầu chia sẻ những phân tích cá nhân và nhận định với mọi người về dự án. Tuy nhiên, khi đó, rất ít người biết đến, còn người biết lại không đầu tư nhiều. Sau đó, dự án tăng trưởng mạnh khoảng 3 - 5 USD một token. Nhiều người biết đến và bắt đầu tìm mua. Từ tháng 9 tới cuối năm 2020, thị trường điều chỉnh mạnh, token của Solana giảm từ 5 USD về 1 USD. Những người chỉ nghe theo gợi ý, không có phân tích vững vàng và niềm tin vào dự án, bắt đầu bán tháo, cắt lỗ.
Việc nhà đầu tư thua lỗ trở thành "đại nạn" của Coin98 Finance. Số người tự đầu tư cá nhân rất lớn và họ quay ra căm ghét anh và những người đưa ra lời khuyên nhận định về dự án. Sự phẫn nộ lên đến đỉnh điểm, thậm chí họ tạo ra các bot trên Telegram, Facebook, lấy hình ảnh của nhóm lẫn các nhà sáng lập đi spam khắp cộng đồng tiền mã hóa ở Việt Nam và thế giới. "Có giai đoạn, nguy hiểm chạm đến cuộc sống ngoài đời thực, chứ không đơn thuần là khủng bố trên mạng xã hội. Đó là thời gian cực kỳ tồi tệ.", Vinh nhớ lại.
Anh và đồng đội quyết định giữ im lặng, chờ thị trường đi lên. Đến ngày 30/8, Solana đã vượt mốc 104 USD, giá trị gấp hơn 100 lần thời điểm Vinh đưa ra nhận định, phân tích dự án. Blockchain này cũng được xem là một trong những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các mạng lưới lớn như Ethereum, Bitcoin.
Ông Đinh Viết Hùng, nhà sáng lập JoomlArt kiêm Chủ tịch VIC Partners - một quỹ khởi nghiệp công nghệ và Blockchain, cho rằng: "Tiền điện tử nói chung cũng như Solana nói riêng là thị trường không có đáy và đỉnh. Mỗi cá nhân khi đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, dù có nghe ai cũng chỉ để tham khảo. Ở góc độ người tư vấn, nên nhắc nhở cộng đồng rằng nhận định của mình chỉ để tham khảo và luôn có phần miễn trừ trách nhiệm".
Theo ông Hùng, tiền điện tử cũng giống nhiều loại tài sản khác như đất đai, vàng bạc. Trong khi một lô đất mất 1 năm mới tăng giá 2-3 lần, 1 token có thể tăng 100 lần hay giảm 100 lần trong vài giờ. "Vì vậy, khi phân tích một dự án, tôi luôn cố gắng xoay quanh các thông tin về đội ngũ, năng lực, tính khả thi và luôn kết thúc bằng một dòng nhắc nhở NFA - Not Financial Advice (Không phải lời khuyên đầu tư) để nhắc mọi người về việc tự chịu trách nhiệm", ông nói.
Chung bài học ông Hùng đưa ra, Nguyễn Thế Vinh chia sẻ: "Giờ mình nhìn lại thời khắc ấy như một bài học để đời. Từ đó về sau, mình và Coin98 Finance không đưa ra bất kỳ khuyến nghị đầu tư và nhận định về giá trị của dự án nào nữa".
Bước ngoặt tỷ USD
Vượt qua nhiều biến cố để đời, niềm vui đến với Vinh vào năm 2021, ví tiền điện tử không lưu ký Coin98 Wallet trở thành một trong những ví Multichain nổi bật tại Đông Nam Á, thu hút hơn 300.000 người dùng với khối lượng giao dịch hàng tháng hàng trăm triệu USD. Đầu tháng 4, Coin98 nhận đầu tư 4 triệu USD từ quỹ Alameda Research (Mỹ). Hai tuần sau, đến lượt Coin98 Labs hoàn thành vòng gọi vốn 1,25 triệu USD với sự tham gia của các quỹ đầu tư lớn trong giới blockchain, như ParaFi Capital, Multicoin Capital, CoinGecko, Kyber Network...
Ngày 23/7, Coin98, tên mã C98, chính thức đặt chân lên Binance - sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới - với khối lượng giao dịch 24h lớn kỷ lục trong lịch sử của Binance Launchpad. Một tháng sau, ngày 25/8, mỗi đồng C98 có giá 6,24 USD. Với 185 triệu đồng đang được lưu hành, giá trị vốn hóa thị trường của C98 tương đương 1,15 tỷ USD, đứng thứ 98 trên thị trường tiền mã hóa toàn cầu. Coin98 cũng là dự án liên quan đến tiền mã hóa thứ hai của người Việt đạt giá trị hơn 1 tỷ USD, sau Axie Infinity.
Khác với hầu hết dự án tiền mã hóa khác, ngay từ đầu, Coin98 Finance đã được xây dựng như một hệ sinh thái cung cấp giải pháp tài chính phi tập trung (DeFi), với các sản phẩm chủ lực, gồm ví tiền mã hóa, sàn giao dịch phi tập trung, hệ thống quản lý tài sản...
Theo Vinh, trong vòng 5-10 năm tới, DeFi vẫn sẽ là tương lai, xu hướng của công nghệ Blockchain, khi mọi người muốn tạo ra mạng lưới giao dịch không cần sự tin tưởng lẫn nhau mà vẫn có thể hoạt động qua SmartContract. Hiện tại, hầu hết mọi người đang sử dụng các sàn giao dịch tập trung để đầu tư, có những rủi ro nhất định khi bị hack, lừa đảo hoặc sập. Với DeFi, mỗi người sẽ có ví riêng và trực tiếp nắm giữ tài sản của mình.
Điều Vinh tự hào nhất trong hành trình cùng cộng sự đưa Coin98 Finance vượt mốc vốn hoá tỷ USD là 100% thành viên trong dự án đều là người Việt và tất cả thành viên nóng cốt vẫn được duy trì từ lúc thành lập đến bây giờ. "Thành công của Coin98 Finance còn là để cộng đồng trong nước và quốc tế thấy kỹ sư Việt có thể làm ra những sản phẩm công nghệ giá trị, đón đầu xu hướng và được thế giới công nhận", Vinh nói.
Trước làn sóng Blockchain nói chung và tiền mã hóa nói riêng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn để đồng hành cùng thế giới và tạo ra những sản phẩm đột phá. "Mục tiêu của nhóm là phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp thuần 100% trong lĩnh vực công nghệ, phần mềm. Coin98 Finance có thể đạt được vốn hoá hàng chục tỷ USD để có thể so sánh với những tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam hiện nay", Nguyễn Thế Vinh chia sẻ./.