Doanh nghiệp đồng lòng vượt COVID: Mệnh lệnh từ trái tim
Tạp chí online - Ngày đăng : 14:50, 31/08/2021
Tấm lòng đến đúng thời điểm
Tối muộn 5/8/2021, lô thuốc điều trị COVID-19 Remdesivir đầu tiên đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất, chưa đầy 1 tuần kể từ khi Tập đoàn Vingroup công bố sẽ nhập khẩu được khoảng 100.000 lọ thuốc điều trị COVID-19. Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID. Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020, và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới. Việc nhập khẩu được số lượng lớn thuốc điều trị trong thời gian rất ngắn trong bối cảnh cả thế giới khó tiếp cận với thuốc Remdesivir là nỗ lực ấn tượng vì cộng đồng của Vingroup để giải quyết tình trạng cấp bách khi số ca mắc và tử vong vì COVID đang ngày một gia tăng tại Việt Nam, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh.
Tháng 7/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã chi gần 150 tỷ đồng mua 715 máy thở bao gồm 215 máy thở xâm nhập và không xâm nhập chức năng cao và 500 hệ thống làm ẩm thở oxy dòng cao để hỗ trợ khẩn cấp cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp.
Những sự hỗ trợ có thể là khác nhau, từ thuốc men, vật tư y tế, hàng hóa thiết yếu…, có thể đến từ các doanh nghiệp khác nhau nhưng có chung một điểm đến, đó là TP. Hồ Chí Minh – nơi đang trắng đêm chiến đấu với kẻ thù COVID, giành giật từng hơi thở cho mỗi bệnh nhân. Qua đó, góp phần gia tăng nguồn lực, hỗ trợ hiệu quả cho ngành Y tế các địa phương khu vực phía Nam trong công tác ứng phó với dịch COVID-19, đặc biệt là trong điều trị bệnh nhân nặng. Rõ ràng, TP. Hồ Chí Minh không đơn độc, tất cả đều hy vọng một ngày không xa, phương Nam yêu dấu lại thức dậy và đón chào bình minh ngày mới.
Cuộc chiến bộn bề gian khổ với COVID-19 sẽ cần rất nhiều nguồn lực để đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn. Những sự hỗ trợ dù lớn dù nhỏ của các doanh nghiệp trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đều đáng quý. Bởi họ đã cho thấy trách nhiệm không chỉ ở việc đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế mà còn song hành với trách nhiệm xã hội. Nhưng quan trọng hơn cả, những sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực ấy đến đúng lúc khi đất nước, nhân dân đang cần.
Ngay từ những ngày đầu của đại dịch, là một doanh nghiệp ở mảng dịch vụ, sự tham gia chủ động của Vietnam Airlines đã thể hiện quyết tâm lớn của Hãng Hàng không lớn nhất Việt Nam để "không một ai bị bỏ lại phía sau". Hàng nghìn chuyến bay được khẩn trương thực hiện đưa người dân Việt Nam đang học tập, sinh sống tại nước ngoài về Việt Nam - Những chuyến bay nghĩa tình, trách nhiệm mang theo tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm với cộng đồng cao cả.
Cũng trong thời gian qua, không chỉ ủng hộ bằng tiền cho các chương trình phòng chống dịch COVID-19, không chỉ mang đến các gói hỗ trợ khẩn cấp các trang thiết bị y tế thiết yếu cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, nhiều tổ chức tín dụng đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Trong đó, từ đầu năm 2021 đến nay, các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi... đặc biệt là đợt giảm lãi suất vừa được các ngân hàng đồng thuận triển khai từ ngày 15/7 vừa qua sẽ là động lực tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua đại dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh.
"Cho đi là còn mãi"
Từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát từ đầu năm 2020, với thế mạnh là doanh nghiệp công nghệ, Viettel đã hỗ trợ Chính phủ nhiều giải pháp quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch. Viettel đã xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa tới 1.300 cơ sở y tế trên toàn quốc; triển khai 700 điểm cầu tại các bệnh viện có các ca bệnh COVID-19. Cùng đó, xây dựng app "Sức khỏe Việt Nam", tờ khai y tế, bản đồ dịch bệnh, sổ sức khỏe điện tử, hộ chiếu vắc xin COVID-19 trên toàn quốc. Đặc biệt, chỉ trong 2 tuần, Viettel đã lắp đặt và kết nối tích hợp gần 4.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc. Tổng đài viên ảo của Viettel đã gọi hơn 200 nghìn cuộc gọi cho các thuê bao chưa cài Bluezone để vận động, hướng dẫn sử dụng nhằm bảo vệ mình và cộng đồng trước dịch COVID-19.
Vingroup cũng là một trong những đơn vị tiên phong, khi ngay từ đầu dịch đã hỗ trợ 20 tỷ đồng cho nghiên cứu vắc xin, 100 tỷ đồng bổ sung trang thiết bị cho các bệnh viện, tài trợ một chuyến bay đưa hơn 200 người Việt từ Ukraine về Tổ quốc. Tập đoàn này còn tuyên bố dừng sản xuất ô tô để chuyển sang sản xuất máy thở, đồng thời tặng Nhà nước 5.000 máy. Đây được đánh giá là hành động kịp thời cả về mặt dịch tễ và công nghệ. Máy thở khi đó đang là mặt hàng khan hiếm, nên việc chủ động sản xuất tại Việt Nam là bước tiến lớn, góp phần chủ động trong việc chống dịch.
Tháng 8/2020, Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn do Tập đoàn Sun Group thi công đã nhanh chóng được hoàn thành trong thời gian thi công chỉ 3-5 ngày. Đây là bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo mô hình lắp modul dưới sự tư vấn và tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế và cũng là Bệnh viện dã chiến đầu tiên do một doanh nghiệp tư nhân tài trợ và thi công, góp sức giúp Đà Nẵng chống dịch vào thời điểm cam go nhất của dịch tại thành phố này.
Trong suốt hành trình chống dịch COVID, SunGroup - đã thể hiện tinh thần của một doanh nghiệp tư nhân hàng đầu: "Cho đi là còn mãi" để tạo nên một sức mạnh phi thường. Tại tâm dịch Bắc Giang những ngày tháng 5/2021, SunGroup đã cung cấp thiết bị và lắp đặt hoàn thành trong vòng 7 ngày, kể từ ngày được bàn giao mặt bằng đủ điều kiện thi công cho Trung tâm Hồi sức tích cực được đặt tại Bệnh viện Tâm thần (xã Song Mai, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Toàn bộ các trang thiết bị y tế do Sun Group tài trợ tuân thủ những tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể do các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai và tổ công tác Bộ Y tế đưa ra, nhằm đảm bảo chất lượng thiết bị đạt chuẩn với quy mô100 giường bệnh đa năng trang thiết bị y tế hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ngay sau Bắc Giang, Sun Group tiếp tục tài trợ tỉnh Bắc Ninh một Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) quy mô 100 giường, trang thiết bị y tế hoàn chỉnh với tổng trị giá 50 tỷ đồng, để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng…
Luôn xuất hiện ở các tâm dịch trên cả nước trong những thời khắc nước sôi lửa bỏng, SunGroup là một trong những doanh nghiệp tiên phong đồng hành, tiếp sức nhiều địa phương trong công tác chống dịch một cách thần tốc. Tính đến nay, tổng chi phí Sun Group đã ủng hộ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương trên cả nước là khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu đặt con số ấy bên cạnh thực tế kinh doanh của SunGroup trong suốt 2 năm COVID, khi các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, sân bay, cảng biển nằm im lìm để phòng dịch, mới thấy hết tầm trân quý và sức nặng nghĩa tình. Và điều này chỉ có thể lý giải bởi "Mệnh lệnh từ trái tim".
Theo các con số thống kế chưa đầy đủ, đến tháng 7/2021, Tập đoàn Vingroup đã ủng hộ công cuộc phòng chống dịch COVID-19 lên tới hơn 2.287 tỉ đồng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát 2.000 tỷ đồng; Tập đoàn Sun Group hơn 1.000 tỷ đồng; Tập đoàn Thaco gần 800 tỷ đồng, Tập đoàn Viettel 450 tỷ đồng,Tập đoàn T&T 270 tỉ đồng; VPBank 250 tỷ đồng...
Trong cơn bão COVID, doanh nghiệp - kể cả các doanh nghiệp hàng đầu cũng phải vật lộn vượt qua. Khó khăn trong tiếp cận khách hàng, gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu thị trường sụt giảm… khiến hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản. Một số doanh nghiệp nếu trụ được cũng phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Khó khăn của doanh nghiệp không hẳn chỉ đến từ trong nước, từ giãn cách xã hội mà còn một phần do thị trường thế giới, khi các nền kinh tế lớn đều tăng trưởng chậm lại, tiêu dùng giảm mạnh.
Doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân đã vượt qua chính sự khó khăn nội tại của doanh nghiệp, đưa trái tim mình hòa cùng một nhịp với Tổ quốc và đồng bào mình. Tinh thần tự chủ, nhanh nhạy, quyết liệt đã giúp họ vượt qua các rào cản về thủ tục hành chính và tâm lý lo sợ, đóng góp kịp thời để giải quyết các vấn đề cấp thiết mà công cuộc chống dịch đang cần.
Truyền cảm hứng
Những ngày này, tinh thần doanh nhân Việt Nam tiếp tục được "thắp lửa" khắp nơi khi đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Theo các con số thống kế chưa đầy đủ, đến tháng 7/2021, Tập đoàn Vingroup đã ủng hộ công cuộc phòng chống dịch COVID-19 lên tới hơn 2.287 tỉ đồng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát 2.000 tỷ đồng; Tập đoàn SunGroup hơn 1.000 tỷ đồng; Tập đoàn Thaco gần 800 tỷ đồng; Tập đoàn Viettel 450 tỷ đồng; Tập đoàn T&T 270 tỉ đồng; VPBank 250 tỷ đồng...
Nhưng cao hơn, mạnh hơn, có ý nghĩa hơn con số hàng ngàn tỷ đồng vật chất, chính là bằng sự đóng góp của mình, cộng đồng doanh nghiệp đã lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái rộng khắp trong cộng đồng, để tạo nên một Việt Nam đoàn kết, tự tin chiến thắng dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, "giấc mơ vắc xin" đang ngày một gần với sự chung tay của cả xã hội. Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 ra đời ngay chính thời điểm cả nước bước vào giai đoạn cam go của cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Ngay trong ngày đầu ra mắt, nhiều doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế có tiềm lực tài chính trên khắp đất nước đã nhanh chóng đóng góp vào Quỹ mua vắc xin với số tiền rất lớn. Phải kể đến như: Công ty Golf Long Thành ủng hộ 500 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup ủng hộ 480 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn đầu tư Địa ốc Nova ủng hộ 100 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Massan ủng hộ 60 tỷ đồng; Tập đoàn Hưng Thịnh ủng hộ 50 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Hòa Phát ủng hộ 50 tỷ đồng; CTCP địa ốc Hải Đăng ủng hộ 50 tỷ đồng; Tập đoàn TH 46 tỷ đồng; Trungnam Group ủng hộ 23 tỷ đồng; Ngân hàng Tiên Phong và Tập đoàn DOJI ủng hộ 20 tỷ đồng; CTCP VNG ủng hộ 20 tỷ đồng…
Có thể nói, các doanh nghiệp đang tiên phong và góp phần quan trọng trong các hoạt động ủng hộ Chính phủ và các địa phương chống dịch, là lời mở đầu, thúc giục sục sôi mọi nguồn lực trong xã hội đóng góp để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.
Đông đảo quần chúng nhân dân, thậm chí cả các cụ già hay các em nhỏ, đến những con người Việt Nam sống xa quê hương, cũng không đứng ngoài cuộc. Chỉ trong ngày ra mắt quỹ 05/6/2021 đã có hơn 6.600 tỷ đồng đóng góp vào quỹ và con số này từng ngày được nhân lên. Số tiền đóng góp ít hay nhiều, cao hay thấp, là người dân hay doanh nghiệp không quan trọng bằng việc khơi dậy được tinh thần tương thân tương ái, huy động được sức mạnh dân tộc khi đất nước gặp khó khăn, dịch bệnh.
Truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân tương ái của người Việt, đang được phát huy và tỏa sáng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 hơn một năm qua. Chưa bao giờ hai tiếng Việt Nam lại trở nên thiêng liêng tha thiết, trở thành điểm tựa tinh thần, trở thành nơi an toàn của con người trước đại dịch toàn cầu như hôm nay.
Có thể nói rằng, mọi đóng góp lớn lao hay bé nhỏ của các doanh nghiệp đều đáng trân quý. Tất cả đã và đang kết nối tình người, kết nối "một vòng tay lớn", toàn dân một lòng vì công cuộc chống dịch. Từ mệnh lệnh trái tim, các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp vào giai đoạn Việt Nam chống dịch nhiều kỳ tích.
Tin tưởng một ngày không xa... khi đất nước sạch bóng COVID, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cống hiến vào sự phát triển của nền kinh tế hậu đại dịch. Giờ là lúc, song hành cùng nhiệm vụ tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội; các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực nuôi dưỡng nguồn lực, nỗ lực chuẩn bị cho sự phục hồi ở giai đoạn hậu dịch, không ngừng cập nhật, đổi mới về công nghệ để sẵn sàng quay trở lại bứt tốc./.
Bài viết đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021)