Xây dựng đô thị thông minh: Hiệu quả, bài học từ triển khai thực tế tại Việt Nam

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:00, 30/08/2021

Phát triển Đô thị thông minh (ĐTTM) được Chính phủ định hướng triển khai từ năm 2018 với Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, một số thành phố đã triển khai xây dựng ĐTTM và thu được kết quả bước đầu. Bài học nào thu được từ công tác triển khai thực tế ĐTTM tại Việt Nam trong thời gian qua?

Theo các chuyên gia của Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology - MIT), Cisco và các nhà quy hoạch dự báo mỗi tuần có khoảng một triệu người dân chuyển đến đô thị sinh sống. Dự kiến đến 2050, dân số thành thị sẽ vào khoảng 6,3 tỷ người. Riêng Trung Quốc và Ấn Độ, trong 20 năm nữa sẽ có 800 triệu người đến thành phố sinh sống. Diện tích của các thành phố chỉ chiếm 2% diện tích trái đất nhưng chứa 50% dân số hoặc nhiều hơn và các thành phố tiêu thụ khoảng 75% năng lượng, thải ra 80% lượng CO2

Xu thế ngày càng nhiều người dân đổ về khu vực thành thị tạo ra các áp lực về giao thông, năng lượng, môi trường, y tế, thực phẩm, nước sạch,... Do vậy cần phải ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) để giải quyết các vấn đề của đô thị, trong đó ưu tiên ứng dụng các công nghệ có tính đột phá, sáng tạo.

Xây dựng đô thị thông minh hiệu quả: Bài học từ triển khai thực tế tại Việt Nam  - Ảnh 1.

Trên thế giới, việc triển khai ĐTTM đã trở nên cấp thiết từ những năm cuối thế kỷ 20 tại nhiều quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết, đặc thù của đô thị. Đặc biệt, một số tiến bộ trong các lĩnh vực CNTT&TT như Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (cloud computing),... đã thúc đẩy các quốc gia đẩy mạnh hơn việc triển khai ĐTTM tại một số thành phố lớn để giải quyết các vấn đề của đô thị. Một số ĐTTM đã hình thành và đang tiếp tục hoàn thiện “tính thông minh hơn” như Amsterdam, Eindhoven của Hà Lan, Barcelona của Tây Ban Nha, Copenhagen của Đan Mạch, Espoo của Phần Lan, Nice của Pháp hay Vienna của Áo.

Tại Việt Nam, ngày 01/08/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018), trong đó xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam. Đến nay, đã có 28 địa phương đã ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch phát triển ĐTTM, 11 địa phương đã ban hành Kiến trúc CNTT&TT phát triển ĐTTM. Trong năm 2020, Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT đã tiến hành kiểm tra công tác triển khai ĐTTM tại một số địa phương. Kết quả từ công tác kiểm tra phần nào đã cho thấy bức tranh sơ bộ về tình hình triển khai xây dựng ĐTTM hiện nay tại Việt Nam: Phát triển ĐTTM bước đầu chúng ta đã có kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết.

Kết quả khả quan bước đầu

Bình Dương - Phát triển ĐTTM với mô hình hợp tác Ba nhà

Là tỉnh đi đầu cả nước trong phát triển ĐTTM, tháng 11/2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Thành phố thông minh – Bình Dương. Đề án ra đời tạo sự đột phá phát triển toàn diện, cả công nghệ lẫn phi công nghệ để nâng cao hàm lượng tri thức và sáng tạo trong đời sống và kinh tế, đưa Bình Dương từ sản xuất truyền thống lên nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn mà đổi mới sáng tạo là động lực phát triển, tạo tiền đề vươn đến kinh tế tri thức, kinh tế số.

Xây dựng đô thị thông minh hiệu quả: Bài học từ triển khai thực tế tại Việt Nam  - Ảnh 2.

Bình Dương đang nỗ lực triển khai chiến lược phát triển ĐTTM. Ảnh:TTXVN

Tỉnh đã triển khai một kế hoạch hành động tổng thể dựa trên mô hình Ba nhà, thúc đẩy sự hợp tác giữa Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường/Viện nghiên cứu. Đây là mô hình mà tỉnh học tập từ thành phố Eindhoven của Hà Lan. Với mô hình này, mỗi nhà đảm nhận một phần vai trò của các nhà còn lại để cùng san sẻ thông tin và đóng góp ý kiến cho nhau, cùng hướng đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trong thời đại mới.

Với những nỗ lực của mình, vùng thông minh Bình Dương đã trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ICF vào năm 2018, được vinh danh là 1 trong 21 khu vực có chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu nhất 02 năm liên tiếp (2019, 2020). Cũng trong năm 2018, Bình Dương trở thành thành viên của Hiệp hội Đô thị Khoa học Công nghệ Thế giới (WTA). Các thành quả trên đã tạo ra danh tiếng quốc tế, niềm tin cho nhà đầu tư, góp phần gia tăng vượt bậc trong thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như các viện trường nghiên cứu trên thế giới.

Đà Nẵng - Phát triển ĐTTM gắn cùng xây dựng Chính quyền số

Với tầm nhìn, mục tiêu trở thành Thành phố đáng sống, trên cơ sở kết quả đã đạt được trong triển khai Chính quyền điện tử và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và khá hiện đại, TP. Đà Nẵng có nhiều thuận lợi hơn khi triển khai các dịch vụ ĐTTM.

Thành phố đã sớm hoàn thiện hạ tầng Mạng đô thị kết nối 100% các cơ quan nhà nước; hình thành Trung tâm dữ liệu, Trung tâm Thông tin dịch vụ công bảo đảm sẵn sàng cho Chính quyền điện tử và triển khai ĐTTM. Thành phố đã triển khai 15 dịch vụ ĐTTM, trong đó đặc biệt Cổng góp ý, phản ánh và hệ thống tổng đài 1022 (đưa vào sử dụng từ năm 2016) cho phép người dân phản ánh mọi hoạt động của đô thị, từ phản ánh hiện trường đến thái độ phục vụ của công chức. 

Xây dựng đô thị thông minh hiệu quả: Bài học từ triển khai thực tế tại Việt Nam  - Ảnh 3.

Khu đô thị FPT City Đà Nẵng được quy hoạch để trở thành khu đô thị Xanh, thông minh, hiện đại do Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng làm chủ đầu tư với tổng diện tích hơn 181 ha, cũng là một trong những dự án lớn nhất tại Đà Nẵng.

Năm 2018, Đà Nẵng vượt qua 132 thành phố của 23 quốc gia trên thế giới để đạt danh hiệu “Thành phố Xanh Quốc gia” của Việt Nam do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) trao giải. Đà Nẵng cũng đã tham gia thành viên của Tổ chức Thành phố thông minh bền vững thế giới (World Smart Sustainable Cities Organization - WeGO), ký kết hợp tác triển khai thành phố thông minh với KOICA và Thành phố Deagu của Hàn Quốc.

Trong năm 2019, Thành phố vinh dự nhận Giải thưởng Thành phố thông minh của Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO). Năm 2020, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) trao tặng Đà Nẵng Giải thưởng Thành phố thông minh cho 03 nội dung gồm “Dịch vụ công thông minh”, “Hạ tầng số thông minh” và “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.

Thừa Thiên - Huế - Người dân là trung tâm trong phát triển dịch vụ ĐTTM

Ngay từ khi bắt đầu phát triển ĐTTM, Thừa Thiên - Huế đã xác định bước đầu tập trung phát triển dịch vụ ĐTTM để từng bước tiến tới hoàn thiện mô hình ĐTTM toàn diện của tỉnh.

Thừa Thiên - Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai và đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM (IOC) từ đầu năm 2019. Một số dịch vụ ĐTTM cơ bản đã được triển khai hiệu quả, trong đó nổi bật là dịch vụ phản ánh hiện trường được tích hợp trong ứng dụng di động Hue-S.

Hue-S được cung cấp cho người dân sử dụng với ý tưởng mỗi người dân Huế như một cảm biến giúp phát hiện và phản ánh các vấn đề về cảnh quan môi trường, giúp cho thành phố trở nên xanh, sạch và đẹp, qua đó thu hút được khách du lịch đến với Cố đô Huế. Chỉ sau khoảng 03 tháng đưa vào sử dụng, với sự quyết tâm của chính quyền các cấp, vấn đề vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị của thành phố Huế được cải thiện rõ rệt, giải quyết được vấn đề vứt rác bừa bãi từ nhiều năm về trước một cách nhanh chóng.

Tiếp đà thành công này, đến nay Trung tâm IOC của tỉnh đã triển khai thêm rất nhiều các dịch vụ khác nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân Huế. Năm 2019, Thừa Thiên Huế vừa được Ban tổ chức Telecom Asia Awards trao Giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” với mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh.

Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh - Dịch vụ ĐTTM giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành

Việc triển khai ĐTTM tại thành phố Móng Cái được thực hiện theo Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh mà tỉnh đã phê duyệt. Móng Cái là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong cả nước kết nối Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tới Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Xây dựng đô thị thông minh hiệu quả: Bài học từ triển khai thực tế tại Việt Nam  - Ảnh 4.

Trung tâm Điều hành thành phố Móng Cái hiện đại, cập nhật thông tin. (Ảnh: baoxaydung.vn)

Thành phố đã triển khai Hệ thống giám sát, điều hành thông minh. Hệ thống đi vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực: đã làm thay đổi nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố, chuyển từ lề lối làm việc giấy tờ sang phong cách làm việc mới trên môi trường mạng; làm thay đổi căn bản ý thức, cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Trong năm 2020, Thành phố được vinh dự nhận Giải thưởng “Thành phố quản lý điều hành thông minh” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trao tặng.

Những vấn đề còn tồn tại

Bên cạnh những thành quả ban đầu tại một số địa phương, việc triển khai xây dựng ĐTTM vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, cụ thể như sau:

Một là: Một số địa phương còn nóng vội trong triển khai ĐTTM, chưa hiểu thấu đáo về nội hàm, ý nghĩa của việc triển khai ĐTTM mà chỉ học hỏi một cách máy móc mô hình của địa phương khác hoặc mô hình quốc tế để triển khai trong khi chưa xem xét mức độ phù hợp với đặc thù của địa phương mình.

Hai là: Hiện nay phần lớn các địa phương đang tập trung nhiều cho dịch vụ ĐTTM, chưa quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông,...). Nếu chỉ tập trung cho phát triển dịch vụ ĐTTM thì mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề quản lý và phát triển đô thị, chưa giải được những vấn đề căn cơ, những bài toán lớn của đô thị như quy hoạch, giao thông, môi trường, năng lượng, rác thải,...

Ba là: Một số địa phương chưa chủ động và làm chủ trong việc đặt đầu bài cụ thể để giải quyết các vấn đề đặc thù của địa phương mà phụ thuộc vào tư vấn và các sản phẩm sẵn có của doanh nghiệp dẫn đến việc nhiều địa phương triển khai các nội dung đơn lẻ, thiếu tính tổng thể và thiếu một kiến trúc nhất quán.

Bốn là: Nhiều các địa phương chưa chú ý đúng mức đến việc hình thành hạ tầng dữ liệu, chưa có chiến lược dữ liệu, chưa quan tâm xây dựng hệ thống định danh, định vị thống nhất.

Năm là: Phát triển ĐTTM, dịch vụ ĐTTM cần phải thực hiện song song với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích mang lại của ĐTTM. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tham gia cùng với chính quyền trong phát triển ĐTTM.

Sáu là: Phần lớn các địa phương hiện nay khi triển khai mới chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nội bộ của đô thị/thành phố hay địa phương đó, chưa tính toán đến các yếu tố để có thể tận dụng được những lợi thế mang lại từ công tác quy hoạch liên kết vùng, khu vực.

Khuyến nghị từ thực tiễn

Việc triển khai xây dựng ĐTTM là một quá trình, cần xuất phát từ yêu cầu, điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương. Để việc phát triển ĐTTM tại các địa phương mang lại hiệu quả thiết thực, một số nội dung khuyến nghị sau cần được các địa phương quan tâm thích đáng trong quá trình tổ chức triển khai:

Một là: Cần thống nhất nhận thức xuyên suốt, phát triển ĐTTM là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, không tách rời, không trùng lặp. Cần hiểu việc xây dựng ĐTTM cũng chính là quá trình chuyển đổi số trong đô thị đó.

Hai là: Vai trò trung tâm của người dân trong quá trình xây dựng ĐTTM cần được hiểu theo cả 2 phía: vừa là đối tượng phục vụ vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa phù hợp. Một hạ tầng thông tin ĐTTM hiện đại nhưng người dân không biết, không muốn hay không đủ khả năng khai thác sử dụng thì cũng không mang lại lợi ích.

Ba là: Phát triển ĐTTM phải được bắt đầu từ khâu quy hoạch theo tinh thần Đề án 950. Quyết tâm xây dựng ĐTTM phải được khẳng định trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị. Cần có các quy chế, quy chuẩn đảm bảo các cấu phần ĐTTM có thể kết nối với nhau thành một tổng thể ĐTTM bền vững.

Bốn là: Cần coi ĐTTM như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả chứ không phải một tập hợp rời rạc các ứng dụng CNTT của các sở ngành. Các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể giải quyết riêng rẽ các vấn đề giao thông, giáo dục, y tế, môi trường,...

Năm là: Cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội khác. Một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị.

Sáu là: Việc xây dựng ĐTTM đòi hỏi sự thamCgia tích cực của tất cả các cấp các ngành, không phải nhiệm vụ riêng của bất kỳ ngành hay cơ quan cụ thể nào. 

MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT CỤ THỂ CỦA TRIỂN KHAI ĐTTM

* ĐÀ NẴNG

- Dịch vụ phản ánh hiện trường (https://gopy.danang. gov.vn và ứng dụng mobile): đưa vào sử dụng từ năm 2016, cho phép người dân gửi phản ánh tới lãnh đạo thành phố về tất cả lĩnh vực. Trung bình mỗi tháng tiếp nhận và xử lý hơn 1000 lượt góp ý với tỷ lệ người dân đánh giá hài lòng đạt 98%.

- Hệ thống camera giám sát thông minh: 1.800 camera an ninh, 200 camera giao thông tại các khu vực công cộng, nút giao thông trọng điểm của thành phố. Hệ thống cho phép xác định chính xác phương tiện vi phạm giao thông, truy vết lộ trình xe vi phạm, xử phạt nguội; nhận dạng khuôn mặt, phát hiện tụ tập đám đông, phát hiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, phát hiện cáp viễn thông treo mất mỹ quan,... Hệ thống đã phát hiện tự động 5.400 trường hợp vi phạm, làm giảm 70% tỷ lệ các vụ giết người ngoài đường và giảm 45% tỷ lệ các vụ cướp giật tài sản.

* THỪA THIÊN - HUẾ

- Hệ thống Camera tích hợp trí tuệ nhân tạo: đã triển khai khoảng 300 Camera giao thông chất lượng cao, hình ảnh của camera được sử dụng vớiphần mềm trí tuệ nhân tạo để Cảnh báo cháy; xử phạt vi phạm giao thông, cảnh báo mật độ phương tiện giao thông để giảm ùn tắc, cảnh báo xâm nhập; giám sát khu vực Hành chính công; Nhận diện không đeo khẩu trang;...

- Dịch vụ đô thị thông minh (Hue-S): có ứng dụng

cho mobile, ứng dụng cung cấp 12 nhóm dịch vụ cơ bản: Phản ánh hiện trường; Thông báo cảnh báo; Chống dịch bệnh; Taxi; Dịch vụ thiết yếu; Giáo dục đào tạo; Y tế sức khỏe; Giao thông di chuyển; Du lịch dịch vụ; Môi trường tài nguyên; Quy hoạch đất đai; Chống bão lụt. Chỉ riêng trong năm 2020, hệ thống đã tiếp nhận 24.768 ý kiến phản ánh. Khoảng 82% người dân đánh giá hài lòng và chấp nhận với phản hồi của chính quyền. Đến nay, ứng dụng Hue-S đã có gần 450.000 tài khoản đăng ký với tỷ lệ khoảng 70% người dân ở độ tuổi trưởng thành của tỉnh có cài đặt ứng dụng.

* THÀNH PHỐ MÓNG CÁI – QUẢNG NINH

Hệ thống camera giám sát thông minh: Thành phố đã lắp đặt, kết nối 29 camera tại các vị trí khu vực biên giới, cửa khẩu, trạm kiểm soát, các điểm cách ly tập trung. Hệ thống đã giúp giảm 85% số vụ việc nhập cảnh trái phép so với trước, góp phần mang lại sự an toàn cho người dân trong tỉnh và cả nước trong bối cảnh đại dịch Covid/19./.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2021)