Đổ vốn vào công nghệ trí tuệ nhân tạo
Kinh tế số - Ngày đăng : 11:30, 29/08/2021
Một nguồn lực khổng lồ đang được các doanh nghiệp Việt như Vingroup, Viettel, FPT… đổ vào lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu tiên phong, đột phá và chiếm lĩnh thị trường.
Cuộc đua được mong chờ
Trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, AI được coi như một công nghệ đột phá chiến lược, giúp doanh nghiệp, tổ chức đi nhanh, đi đầu, chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng và hiệu quả nhất. Theo dự báo của Analytics Insight, thị trường AI toàn cầu sẽ đạt trên 150 tỷ USD vào năm 2023. Đó chính là lý do mà các doanh nghiệp Việt không tiếc tiền, nhân lực, thời gian để đầu tư vào AI.
Mới nhất, FPT tuyên bố chi 300 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển AI trong vòng 5 năm tới. “FPT có một khát vọng, đó là trở thành công ty hàng đầu thế giới về chuyển đổi số. Điều này cũng có nghĩa, FPT phải vươn lên vị trí top đầu thế giới về AI, đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực và thế giới”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ tại sự kiện FPT AI Conference 2021.
Một số mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI
- Đến năm 2025: Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI; xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển được 1 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; hình thành 2 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về AI và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI; nâng cấp, hình thành mới được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm về AI.
- Đến năm 2030: Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển được 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng…
FPT cho biết, đến nay, có hơn 100 doanh nghiệp sử dụng các giải pháp AI của FPT, phục vụ hơn 14 triệu người dùng thiết bị đầu cuối.
Vingroup sau khi thành lập Viện Nghiên cứu AI (VinAI Research) vào năm 2019, mới đây tiếp tục thành lập Công ty cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng AI (VinAI) với mục tiêu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật - công nghệ.
Không đứng ngoài xu hướng, Viettel cũng vừa đưa vào vận hành siêu máy tính sử dụng AI là Hệ thống tính toán hiệu năng cao tại Trung tâm dữ liệu Viettel, giúp huấn luyện cải tiến mô hình liên tục, rút ngắn thời gian nâng cao chất lượng các mô hình AI. Cùng với đó, Viettel đã thành lập Nền tảng mở trí tuệ nhân tạo Viettel nhằm trợ giúp và tối ưu hóa hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp.
“Viettel quyết tâm đầu tư vào AI, là lĩnh vực quan trọng để thực hiện sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số. Khoản đầu tư này sẽ cho phép Viettel thỏa sức sáng tạo, thu hút các chuyên gia đầu ngành về AI, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ lớn của đất nước về lĩnh vực này”, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết.
Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã và đang đưa AI ứng dụng vào các lĩnh vực bảo vệ thông tin cá nhân khách hàng; triển khai đô thị thông minh cho 30 tỉnh, thành phố trên cả nước cùng nhiều giải pháp “make in Vietnam” khác…
Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp đang dồn sức đầu tư cho lĩnh vực mới này. MoMo vừa mua lại Pique - start-up trong mảng AI để tăng cường hoạt động của mình trên thị trường; MK Group rót 500.000 USD vào Pavana phát triển camera AI; Bkav đầu tư lớn vào AI ứng dụng trong camera AI và smarthome; VNG dự kiến đầu tư 619 tỷ đồng trong năm 2021 cho thanh toán, AI…
Tạo thương hiệu Việt về AI
GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup (VinBigdata) - nơi cho ra đời giải pháp ứng dụng AI xử lý hình ảnh y tế, thử nghiệm xe điện tự hành cấp độ 4 ở Nha Trang và mới đây nhất là sự xuất hiện của trợ lý ảo Vivi trên xe VinFast - khẳng định: “Với việc xây dựng big data, AI bằng cách tận dụng công nghệ tiên tiến thế giới vào những ứng dụng thiết thực trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hoàn toàn có thể “đi tắt đón đầu” và ứng dụng vào các ngành y tế, nông nghiệp, giao thông - vận tải…”.
Thời gian qua, các sản phẩm ứng dụng AI của Việt Nam đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và xuất khẩu ra thế giới.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud đánh giá cao việc nhiều sản phẩm AI của Việt Nam đã tận dụng nguồn dữ liệu đặc trưng của người Việt và cho kết quả vượt trội. Chẳng hạn, ứng dụng EQIC do người Việt phát triển, được phần lớn ngân hàng trong nước sử dụng. “Các sản phẩm AI đạt mức độ đủ tốt, cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác trong khu vực và thế giới hay không, phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nghiên cứu cơ bản”, ông Việt nhận định.
Đề cập vấn đề đội ngũ, theo PGS-TS. Bùi Thu Lâm (Viện Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (FISU), Việt Nam cần thu hút nguồn lực từ các trường, viện nghiên cứu; tận dụng cơ hội xuất hiện dòng đầu tư nước ngoài đào tạo nhân lực AI tại Việt Nam; tổ chức triển khai nghiên cứu cơ bản, tập trung giải mã công nghệ, làm chủ công nghệ, bắt kịp các tiến bộ công nghệ về AI, bước đầu đóng góp các phương pháp mới. Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu phát triển một số tổ chức nghiên cứu về toán và công nghệ thông tin phát triển sản phẩm AI dựa trên nguồn dữ liệu và trí tuệ đặc thù của Việt Nam...
Các chuyên gia đều nhấn mạnh, để tạo ra các thương hiệu AI quốc gia, Việt Nam cần chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực AI tài năng, tăng cường phát triển các công nghệ AI lõi, triển khai công nghệ AI phục vụ cộng đồng, mở rộng hệ sinh thái AI thương mại... Trước mắt, Nhà nước nên tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI, cùng với đó, quan tâm phát triển hệ sinh thái AI, thúc đẩy ứng dụng AI và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này./.