Chuyện nghề Caddie: Những giọt mồ hôi ẩn sau nụ cười
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 16:50, 28/08/2021
Bạn nghĩ như thế nào là một công việc vất vả?
- Phụ hồ, xây dựng, bốc vác?
Bạn nghĩ như thế nào về một công việc đòi hỏi nhiều trí tuệ ?
- Nhân viên văn phòng, kinh doanh, hay làm lãnh đạo?
Trong golf, có một nghề mà trên vai phải gánh cả hai trách nhiệm ấy, đó chính là nghề caddy.
Người ta thường nói caddie là một nghề hào nhoáng, có lẽ sự hào nhoáng ở đây là mỗi ngày đều được đồng hành và hỗ trợ cho những con người ưu tú, tài năng. Được tiếp xúc, học hỏi từ mọi ngành nghề xã hội. Thế nhưng để có được cơ hội ấy, mỗi caddie cũng phải không ngừng nỗ lực trau dồi bản thân, trau đồi kiến thức, kỹ năng để xứng tầm với golfer, đủ tầm nhìn để trở thành một người bạn, người đồng hành mang đến trải nghiệm tốt nhất cho golfer trên sân.
Không chỉ cần trí tuệ mà caddie cũng là nghề yêu cầu rất nhiều về sức khỏe và sự dẻo dai. Chắc phải những người thực sự yêu golf và đang chơi golf mới hiểu hết được nỗi vất vả, cực nhọc của nghề này.
Dù là dưới cái nắng như đổ lửa của mùa hè miền Bắc hơn 40 độ hay cái lạnh thấu xương của mùa đông, mưa gió, bão bùng chỉ cần có golfer là sẽ có caddie.
Có những lúc Caddie phải vác trên vai túi gậy nặng tới 15 cân bất kể nam hay nữ, hay luôn phải đi trước dẫn đường, che mưa, che nắng, phải liên tục di chuyển, hoạt động, phân tích đoán được hướng của gió, phán đoán khoảng cách từ bóng đến hố cờ, đọc line cho golfer khi bóng trên green.
Không chỉ có thế, công việc của caddie cũng phụ thuộc rất nhiều vào tâm trạng của golfer. Sẽ không quá khi nói rằng caddie là nghề làm dâu trăm họ.
Áp lực của nghề caddie lớn lắm, thế nhưng với caddie Tràng An đôi khi còn lớn hơn vì không chỉ thực hiện các công việc trên sân, mà caddie tại Tràng An Golf còn phải liên tục tham gia các chương trình đạo tạo của công ty để nâng cao năng lực, tay nghề và hoàn thiện bản thân.
Thế nhưng, dù có bao nhiêu thách thức đi chăng nữa thì nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi, những khuôn mặt rạng rỡ vẫn ánh lên niềm hạnh phúc. Giống như là mỗi ngày đều là ngày tận hưởng, chứ không còn là công việc nữa. Chẳng bao giờ phàn nàn, chỉ thấy suốt ngày rôm rả kể chuyện khách hàng mà thôi.
Người ta đến với nghề có thể vì nhiều lý do như sự thuận tiện, tiền bạc, địa vị, đam mê nhưng để gắn bó với nó thì chỉ có thể là yêu thôi. Yêu nghề như yêu cuộc sống, để cho dù bao nhiêu vất vả, khó khăn mỗi ngày đều chẳng cảm thấy nề hà mà bước tiếp. Lấy việc mang lại giá trị cho khách hàng làm động lực để phấn đấu, làm thước đo cho sự thành công trong sự nghiệp.
Cảm ơn các bạn vì đã luôn nỗ lực hết mình vì sự phát triển của môn golf!