Điểm mặt bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo

Kinh tế số - Ngày đăng : 09:52, 28/08/2021

Cùng với sự phát triển của CNTT, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cũng đã có nhiều những thay đổi kèm theo những thủ đoạn biến tướng nhằm mục đích huy động vốn trái phép, lừa đảo và gây nhiều hệ quả tiêu cực trong xã hội.

 Một số dạng thức kinh doanh đa cấp biến tướng với đối tượng kinh doanh rất đa dạng như sau:

1. Sản phẩm công nghệ

Các đối tượng  "lạm dụng" các thuật ngữ mang xu hướng thời đại công nghệ như "blockchain 3.0", "big data", "trí tuệ nhân tạo", "hợp đồng thông minh" "hệ sinh thái số", "wifi 5G"…nhằm mục đích làm cho những người thiếu hiểu biết khi nghe sẽ lầm tưởng đây là những sản phẩm đi đầu thời đại và rất đáng để đầu tư. Sau khi giới thiệu sản phẩm "siêu việt" đó, những đối tượng này sẽ đưa ra những gói đầu tư để đầu tư mua sản phẩm theo phương thức đa cấp với lãi suất "không tưởng" bằng việc tuyển thêm người khác đầu tư để hưởng các khoản hoa hồng tiền thưởng theo cấp bậc, theo tầng tiếp sau đó.

Điểm mặt bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo - Ảnh 1.

"Dự án OWIFI 5G" đã bị cảnh báo vì dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép.

2. Cổ phần, phân quyền kinh doanh, vùng nguyên liệu sản phẩm

Các đối tượng huy động vốn theo phương thức này sẽ tạo ra hình ảnh về một doanh nghiệp hoặc một chủ doanh nghiệp rất tiềm năng để hợp tác đầu tư. Người tham gia sẽ được ghi nhận dưới dạng bỏ tiền đầu tư để sở hữu cổ phần; Phân quyền kinh doanh;  Vùng nguyên liệu cho các sản phẩm như macca, cà phê…với những "siêu" quyền lợi như: Được sử dụng hình ảnh của doanh nghiệp để kinh doanh kiếm lời, thu lợi nhuận khủng từ các hoạt động của doanh nghiệp và đặc biệt là khoản hoa hồng, tiền thưởng với việc dụ dỗ những nạn nhân tiếp theo tham gia hệ thống.

Điểm mặt bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo - Ảnh 2.

"GoldTime " bán phân quyền với dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép

3.Mạng xã hội

Các đối tượng này đưa ra những viễn cảnh về một mạng xã hội hướng tới lợi ích của toàn cộng đồng với việc toàn bộ lợi nhuận kiếm được từ các hoạt động quảng cáo, đầu tư của mạng xã hội này sẽ được chia cho người tham gia và làm từ thiện. Trong khi đó, hoạt động chủ yếu là lôi kéo người tham gia với những khoản tiền "tạo tài khoản" ban đầu để rồi được hưởng tiền hoa hồng từ việc tuyển thêm người sau tham gia "kết nối" như mình.


Điểm mặt bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo - Ảnh 3.

"Mạng xã hội Vitae" đã bị cảnh báo vì dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép

 4. Thương mại điện tử

Website thương mại điện tử: Trong bối cảnh xã hội thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, một số các đối tượng đã sử dụng thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép với nhiều tên gọi như "siêu thị trực tuyến", "thương mại điện tử tràn tầng"… Những "sàn thương mại điện tử tràn tầng" này dụ dỗ người tham gia mua gói sản phẩm ban đầu và tiếp tục dụ dỗ tuyển thêm người sau sắp xếp theo cấp và "tràn tầng" để hưởng những loại hoa hồng tối ưu nhất.

Điểm mặt bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo - Ảnh 4.

"Siêu thị trực tuyến An Phát Thịnh" và dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép.

- Ứng dụng mua sắm hoàn tiền: Là hình thức thương mại điện tử B2C kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử. Các đối tượng này đã đưa ra mô hình hoàn tiền hấp dẫn nhưng không có thực với giá trị hoàn tiền/chiết khấu cho mỗi giao dịch lê tới 80% tới 100%. Thậm chí cao hơn vậy dành cho cả bên bán và bên mua.

Hệ thống này thường đưa ra các hình thức để huy động vốn hoặc mời gọi người tham gia nộp thêm tiền để nâng cấp tài khoản lên các mức cao hơn để được hưởng hoa hồng, quyền lợi hấp dẫn theo tỷ lệ phần % số tiền của những người tham gia tuyến dưới, nhánh dưới nộp vào để tham gia và nâng cấp tài khoản trên hệ thống.

Điểm mặt bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo - Ảnh 5.

"App mua sắm hoàn tiền MyAladdinz" và dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép.

5. Núp bóng khởi nghiệp, tuyển dụng việc làm

Mục tiêu hướng tới của loại hình này là lừa gạt những người trẻ tuổi đang tìm kiếm việc làm hoặc các bạn sinh viên muốn đi làm thêm. Sau khi các bạn trẻ tuổi nộp hồ sơ xin việc, các đối tượng này bằng nhiều các thủ đoạn: Dụ dỗ (Vẽ ra tương lai tươi sáng thu nhập hàng trăm triệu một tháng, những chuyến du lịch, đào tạo tại nước ngoài…): Hướng dẫn làm giả giấy tờ du học lừa phụ huynh mình: Ép buộc các ứng viên là các em sinh viên phải nộp tiền cho chúng để "khởi nghiệp" với những gói sản phẩm vô giá trị, tham gia những khóa học "dạy làm giàu" của chúng.

Thực chất hoạt động kinh doanh của nhóm đối tượng này chỉ là tuyển được thêm người, bán hàng hóa với mức giá cao vô lý hoặc nộp thêm nhiều tiền nữa lên cấp bậc. Nếu không làm các các công việc trên thì họ cũng không nhận thêm được bất kỳ các khoản thu nhập nào.

Điểm mặt bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo - Ảnh 6.

Một buổi "đào tạo hội viên" của nhóm Khởi nghiệp 360 – Nhóm đối tượng với vỏ bọc là công ty khởi nghiệp để dẫn dụ các bạn trẻ, nhưng thực chất là hình thức đa cấp trá hình.

6. Sàn đầu tư tài chính

Những sàn đầu tư tài chính này phát ra các thông tin quảng cáo, kêu gọi đầu tư vàng và ngoại hối thông qua hình thức đầu tư thị trường ngoại hối (Foreign Exchange hay Forex) và đầu tư quyền chọn nhị phân (Binary Options hay BO) là hình thức đầu tư mang nhiều ý nghĩa may rủi.

Để kích thích nhà đầu tư, các sàn đầu tư tài chính này sử dụng phương thức đa cấp để lôi kéo người tham gia bằng hình thức trả thưởng, hoa hồng cho việc mời thêm thành viên mới tham gia đầu tư theo nhiều cấp nhiều nhánh. Đồng thời trong khi đó, các sàn đầu tư ngoại hối này đều không được bất kỳ cơ quan quản lý nào cấp phép hoạt động.

Điểm mặt bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo - Ảnh 7.

Yokef – Một sàn đầu tư nhị phân và dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép.

7. Sàn tài chính phi tập trung - DEFI

Mô hình DEFI (Decentralized Finance hay tài chính phi tập trung/tài chính mở) được nhắc đến như là môt xu thế đầu tư thời thượng. Ngoài dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép, mô hình này kêu gọi người dân đầu tư, mua bán cổ phiếu dự án thông qua các loại tiền ảo, ví điện tử tiền ảo (Đều không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam), đồng thời các giao dịch được thực hiện trên hệ thống Internet thường có máy chủ đặt tại nước ngoài. Người đầu tư có rủi ro rất lớn về mặt tài chính khi bị hệ thống bị sập.

Điểm mặt bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo - Ảnh 8.

Dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép của Defi.eco.

Trên đây là tổng hợp một số dạng thức biến tướng của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong thời gian gần đây. Những đối tượng tổ chức, vận động và tham gia các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép này phải đối mặt với các rủi ro sau:

- Bị xem xét và xử lý hình sự về tội phạm kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép với hình phạt tới là 05 năm tù giam hoặc 05 tỷ đồng (Điều 217a Bộ Luật Hình sự), ngoài ra các đối tượng này còn có thể bị xử lý theo các quy định liên quan khác như: Tài chính, ngoại hối, thương mại điện tử, chất lượng sản phẩm…

- Thiệt hại lớn về mặt tài chính khi thành quả đầu tư không được đảm bảo: Nạn nhân phải nộp tiền thật khi tham gia, trong khi kết quả đầu tư ghi nhận trên hệ thống chỉ thường ở những dạng điểm số, coin, tiền ảo, ví điện tử… mà không được cơ quan nhà nước công nhận và sẵn sàng biến mất bất kỳ lúc nào.

Do đó, người dân cần tỉnh táo nhận thức các biểu hiện biến tướng để tránh là nạn nhân của những hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép này.

CTV