Phát huy vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số của EVN

Xã hội số - Ngày đăng : 08:13, 28/08/2021

EVNICT đang thực thi rất nhiều công việc trong đề án Chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); trong đó tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở cho Chuyển đổi số chung của EVN.

Với vai trò, nhiệm vụ chính là nghiên cứu, xây dựng, triển khai, bảo trì-bảo dưỡng, vận hành các hệ thống Công nghệ thông tin, Viễn thông và Tự động hóa, Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) là đơn vị thực thi rất nhiều các công việc trong đề án Chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); trong đó tập trung chính vào việc xây dựng, triển khai những hạ tầng cơ sở cho Chuyển đổi số chung của EVN và các đơn vị trong Tập đoàn.

Cụ thể, trong lĩnh vực phần mềm, các hệ thống phần mềm dùng chung của EVN được EVNICT xây dựng một cách xuyên suốt và tích hợp về các hoạt động tài chính, sản xuất kinh doanh, tự động hóa của Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng khác nhau, hỗ trợ đắc lực cho việc ra quyết định của cấp quản lý các đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các thông tin cốt lõi cho cấp quản lý của Tập đoàn.

Các hệ thống phần mềm dùng chung cũng đã căn bản thống nhất nghiệp vụ trên từng lĩnh vực trong toàn Tập đoàn, đáp ứng những nghiệp vụ lõi trong quản lý của các đơn vị, như: Tài chính kế toán; Vật tư, tài sản; Quản lý kỹ thuật; Kinh doanh bán điện và dịch vụ khách hàng; Quản lý nhân sự; Quản trị văn phòng.

Ông Phạm Ngọc Hiển- Phó Giám đốc Công ty cho biết, với tầm nhìn, chiến lược của EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, các hệ thống phần mềm dùng chung (PMDC) nói riêng và các hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa nói chung đóng vai trò hết sức quan trọng đối với công tác chuyển đổi số của EVN và các đơn vị.

Phát huy vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số của EVN  - Ảnh 1.

Các kỹ sư Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin kiểm tra kỹ thuật và vận hành hệ thống viễn thông dùng chung. Ảnh: Ngọc Hà/BNEWS?TTXVN

Từ đó, hướng đến các hoạt động của Tập đoàn được số hóa, chưa tự động thành tự động và ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chất lượng dịch vụ; năng suất lao động; năng lực quản trị để EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.

Chính vì vậy, một trong những trọng tâm chính của Kế hoạch chuyển đổi số của EVNICT nói riêng và của EVN nói chung là đến năm 2025 phải hoàn thành xây dựng và triển khai các ứng dụng phục vụ cho công tác chuyển đổi số của EVN.

Cùng với việc hoàn thành chuyển dịch các hệ thống phần mềm dùng chung lên môi trường EVN’s Cloud, chuyển đổi các ứng dụng sang kiến trúc MicroService và kiến trúc SOA, EVN cũng tập trung vào 9 hệ thống phần mềm dùng chung gồm Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP); Hệ thống thông tin quản lý khách hàng sử dụng điện (CMIS); Phần mềm quản lý đầu tư- xây dựng (IMIS); Hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện, lưới điện (PMIS); Hệ thống quản lý nguồn nhân lực (HRMS); Hệ thống văn phòng số, (Digital Office), Smart EVN, Báo cáo Quản trị điều hành (BI); Hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm (EVNHES).

Phát huy vai trò nòng cốt trong chuyển đổi số của EVN  - Ảnh 2.

Công ty Truyền tải Điện 3 lắp đặt camera tại các vị trí xung yếu và sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu. Ảnh: Ngọc Hà/BNEWS/TTXVN

Trên thực tế, phục vụ cho việc chuyển đổi số theo lộ trình triển khai của EVN, EVNICT đã và đang tập trung vào việc nâng cấp 9 hệ thống phần mềm dùng chung trên để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị trong Tập đoàn nói riêng và EVN nói chung trong bối cảnh mới. Cụ thể 9 phần mềm bao gồm ERP, CMIS, IMIS, PMIS, HRMS, Digital Office, Smart EVN, BI, EVNHES.

Theo Phó Giám đốc EVNICT Phạm Ngọc Hiển, nội dung nâng cấp các hệ thống phần mềm được tập trung vào vấn đề số hóa, liên thông các quy trình nghiệp vụ chính trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và điều hành quản trị của EVN gồm kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng, tài chính và quản trị nội bộ.

Cùng với đó, áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp để giải quyết các bài toán nghiệp vụ và điều hành ví dụ như: Business Intelligent, AI, Datawarehouse cho lưu trữ, phân tích dữ liệu, Mobile cho các ứng dụng hiện trường, hợp đồng, hồ sơ giấy tờ điện tử áp dụng chữ kí số…

Đến thời điểm hiện tại, theo EVNICT, một số kết quả đã đạt được bao gồm triển khai hệ thống Digital Office cho cơ quan EVN và 21 đơn vị hạch toán phụ thuộc; trong đó, dự kiến hoàn thành trong tháng 9 đối với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia-A0; triển khai module nhật kí thi công điện tử trong phạm vi hệ thống IMIS 2.0 nâng cấp; triển khai module báo cáo giao ban EVN trên nền tảng hệ thống báo cáo quản trị điều hành (BI).

Các hệ thống/module phần mềm được nâng cấp đã được các đơn vị đánh giá cao về mặt tính năng nghiệp vụ, hỗ trợ đắc lực cho người sử dụng.

Mặc dù vậy trong quá trình triển khai nâng cấp hay phát triển các phần mềm trên, EVNICT cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Lãnh đạo EVNICT cho biết, mô hình kiến trúc tổng thể hệ thống hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin còn phân tán, chưa thống nhất nên dẫn đến việc khai thác sử dụng chưa phát huy được hết khả năng, năng lực của hệ thống công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, tính tích hợp và liên thông giữa các hệ thống phần mềm dùng chung chưa cao. Các hệ thống thông tin phục vụ trực tuyến cho lãnh đạo quản lý các cấp còn ít và không được cập nhật thông tin.

Mặt khác, việc bổ sung, hiệu chỉnh các yêu cầu nghiệp vụ, quản lý, điều hành cũng như các tiện ích hỗ trợ cho người sử dụng đôi khi  chưa được kịp thời, làm giảm hiệu quả sử dụng các chương trình phần mềm.

Đáng chú ý là khó khăn về nhân lực. Theo đó, nhận thức của cán bộ công nhân viên về chuyển đổi số nói riêng và về vai trò, nhiệm vụ của cá nhân trong kế hoạch, định hướng chuyển đổi số của EVN/EVNICT chưa đồng đều và toàn diện.

Trong khi đó, EVN/EVNICT chưa hoàn thiện hệ thống khung năng lực, làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực nói chung và nhân lực chuyển đổi số nói riêng.

Hiện nay, do EVN chưa có quy định về chuyên gia cấp EVNICT nên Công ty chưa có cơ sở xây dựng tiêu chuẩn, tổ chức đào tạo, công nhận chuyên gia cấp EVNICT; trong đó có chuyên gia về viễn thông và công nghệ thông tin, chuyên gia chuyển đổi số.

Để khắc phục các khó khăn trên, EVNICT đã xây dựng nhiều giải pháp; trong đó, tập trung hóa và chuyên nghiệp hóa các bộ phận sản xuất phần mềm về tổ chức, chính sách thực hiện, con người, quy trình, môi trường làm việc.

Cùng với việc ưu tiên phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ theo hướng: Xử lý tính toán tập trung và đa nền tảng; Lấy yếu tố người dùng làm trung tâm; Liên kết và chia sẻ thông tin tối đa, EVNICT còn tăng cường đầu tư, hợp tác phát triển các nguồn nhân lực chất lượng cao.

Song song với đó, tăng cường đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu các bài toán nghiệp vụ kết hợp với các công nghệ mới để áp dụng phù hợp với nhu cầu, điều kiện của EVN và các đơn vị trong lĩnh vực điện, thay đổi quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng tối ưu hóa, nâng cao năng suất lao động.

“Thời gian tới, EVNICT sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư, hợp tác để chuyển giao các công nghệ và các tài nguyên phục vụ cho công tác sản xuất phần mềm.

Đồng thời, duy trì mối liên kết với các đơn vị công nghệ thông tin  của các Tổng Công ty, đảm bảo phân giao trách nhiệm và lợi ích rõ ràng để kết hợp tối đa các nguồn lực công nghệ thông tin  trong ngành”, ông Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh.

Ngoài ra, EVNICT cũng tăng cường truyền thông và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ phần mềm, đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng./.

Mai Phương/BNEWS/TTXVN