Trở thành quốc gia thông minh nhờ siêu kết nối
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:35, 26/08/2021
Là quốc gia tiên phong trên toàn cầu trong các sáng kiến về thành phố thông minh (TPTM), Singapore cho rằng sự gián đoạn công nghệ là vấn đề mà toàn cầu phải đối mặt và cần phải giải quyết. Đây cũng là động lực để nước này thúc đẩy tham vọng trở thành quốc gia thông minh (smart nation), nhằm chuyển đất nước sang giai đoạn công nghiệp tiếp theo.
Các thành phố siêu kết nối là những nơi đang sử dụng ngày càng nhiều các công nghệ tiên tiến trong hệ sinh thái đô thị. Đây là một thành phố có thể mở ra các giá trị kinh tế, kinh doanh và xã hội bằng cách tận dụng công nghệ để chuyển đổi và kết nối an toàn các khu vực quan trọng của hệ sinh thái đô thị phục vụ người dân.
Một thành phố như vậy vượt xa cách hiểu thông thường về TPTM vì nó không chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ; mà còn kết nối chính phủ, doanh nghiệp (DN), trường học... và công dân để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ thông minh.
Bản thân Singapore đã được xếp hạng là quốc gia đi đầu trong phát triển siêu kết nối (hyperconnected) và thậm chí còn được mệnh danh là "TPTM nhất thế giới". Có được kết quả như vậy, một phần không nhỏ là nhờ vào các biện pháp đổi mới chủ động mà chính phủ và các DN tại đây đã và đang thực hiện phù hợp với các nỗ lực để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thông minh.
IoT đang thúc đẩy một kỷ nguyên mới tại Singapore
Là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực siêu kết nối, Singapore đang liên tục nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), thu thập và phân tích dữ liệu, viễn thông và các giải pháp di động để tạo sức mạnh cho sự chuyển đổi toàn diện. Một công nghệ có liên quan là Internet of Things (IoT) mà Singapore đã công nhận là công cụ hỗ trợ để giúp các thực thể sử dụng tốt nhất các giải pháp kỹ thuật số nhằm cải thiện cách người dân và DN sử dụng cơ sở hạ tầng đô thị hiện tại và tương lai.
Singapore đã và đang ủng hộ việc áp dụng IoT rộng rãi hơn trong các lĩnh vực chính như chăm sóc sức khỏe. Trước đây, phần lớn việc sử dụng IoT tại đây là để phục vụ cho tình trạng dân số ngày càng già hoá. Tuy nhiên, thời gian gầy đây, nhu cầu đổi mới IoT trong lĩnh vực sức khoẻ do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã phát triển mạnh tại Singapore.
Một thách thức khác mà Singapore đang phải tìm cách giải quyết thông qua IoT là hệ sinh thái giao thông đường bộ còn hạn chế. Ví dụ, quốc gia này sẽ bắt đầu triển khai hệ thống Định giá đường bộ điện tử (ERP) thế hệ tiếp theo, sử dụng IoT để giúp theo dõi và quản lý các điều kiện giao thông trên toàn bộ Đảo quốc.
Dữ liệu thúc đẩy đổi mới giúp TPTM hơn
Các thành phố siêu kết nối cũng là những nơi có thể sử dụng đồng bộ các công nghệ tiên tiến và dữ liệu để cải thiện việc quản lý và tính bền vững của đô thị. Nhiều thành phố trên thế giới đã tận dụng dữ liệu để quản lý cơ sở hạ tầng CNTT và viễn thông tốt hơn, ngoài việc áp dụng cho các lĩnh vực từ dịch vụ tài chính, giao thông vận tải, và an ninh (cả vật lý và kỹ thuật số) đến an toàn công cộng, y tế và sức khoẻ.
Tại Singapore, chính phủ đã khuyến khích việc sử dụng dữ liệu nhiều hơn trong hệ sinh thái tương ứng. Điều này bao gồm việc tạo ra một cổng dữ liệu mở của chính phủ cung cấp cho mọi người trong nước quyền truy cập vào các bộ dữ liệu có sẵn, công khai. Với những nền tảng như vậy, các bên liên quan sẽ có cơ sở để áp dụng dữ liệu vào vô số lĩnh vực như y tế, giao thông, giáo dục và nhà ở.
Một Singapore siêu kết nối
Singapore cũng đang sử dụng thương hiệu TPTM đã có để gia tăng lợi nhuận đầu tư. Ví dụ, nước này đang củng cố vai trò dẫn đầu của mình trong nền kinh tế đổi mới bằng cách tạo ra cơ sở hạ tầng kinh doanh đô thị, giúp áp dụng các công nghệ đột phá của công nghiệp 4.0, dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ vốn đã phát triển mạnh tại đây.
Ngoài việc đầu tư vào công nghệ, quốc gia này cũng đang đầu tư vào con người. Với việc Singapore triển khai 5G - dự kiến sẽ được áp dụng cho các lĩnh vực quan trọng như sản xuất và khai thác cảng - họ đang xây dựng nguồn nhân lực phù hợp để giúp quốc gia tận dụng các cơ hội mới do nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng phát triển mang lại.
Theo một nghiên cứu, các thành phố trên toàn cầu có thể nhận được tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư (ROI) vào TPTM lên tới 60 tỷ USD nếu các thành phố trở nên "siêu kết nối" hoàn toàn.
Báo cáo của ESI ThoughtLab dựa trên nghiên cứu toàn cầu tại 100 thành phố nơi đã sử dụng dữ liệu và công nghệ để cải thiện sự phát triển của thành phố và đời sống của cư dân. 100 thành phố được khảo sát trong báo cáo nói trên cho biết họ sẽ chi 141 tỷ USD cho các dự án siêu kết nối. Con số đầu tư trung bình là 1,4 tỷ USD cho mỗi thành phố và 1.220 USD cho mỗi người dân.
Theo ước tính của báo cáo, lợi tức đầu tư trung bình vào các sáng kiến TPTM dao động từ 3 - 4%. Khi các thành phố trở nên siêu kết nối, ROI của của các thành phố sẽ tăng lên. Lợi nhuận tính theo USD có thể dao động từ 19,6 triệu USD mỗi thành phố (những nơi mới bắt đầu đầu tư vào siêu kết nối) đến 83 triệu USD mỗi thành phố (cho những nơi được coi là đi đầu trong việc ứng dụng siêu kết nối, nhóm này bao gồm: Singapore, Hồng Kông, New York, Seoul, London, Melbourne, Copenhagen và Dublin). Siêu kết nối sẽ tạo ra các lợi ích xã hội, chất lượng cuộc sống và môi trường, cũng như giảm tội phạm, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm, đồng thời cải thiện sức khỏe cộng đồng và điều kiện sống.
Ví dụ, nghiên cứu cho thấy việc sử dụng công nghệ để liên kết những khu vực khác nhau trong các chương trình giao thông công cộng giúp làm tăng 38% sự hài lòng của hành khách, phương tiện đến đúng giờ tăng 33%, và lượng hành khách tham gia giao thông công cộng tăng 29%. Các hệ thống thanh toán số cho các phương tiện công cộng được 72% thành phố tham gia khảo sát sử dụng, đặc biệt hiệu quả với nhóm các thành phố dẫn đầu siêu kết nối với ROI đạt 6,5%.
Nhóm các thành phố dẫn đầu siêu kết nối cũng cho biết lợi nhuận của họ tăng 4,9% đối với các ứng dụng giao thông công cộng theo thời gian thực, 4,8% đối với hệ thống thanh toán số.../.