Bước phát triển mới của thanh toán điện tử
Kinh tế số - Ngày đăng : 14:43, 25/08/2021
Tiềm năng, cơ hội lớn
Mặc dù các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ, ví điện tử, mobile App… phát triển bùng nổ trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, các số liệu thống kê cho thấy thanh toán tiền mặt trong nền kinh tế vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, tỷ lệ tiền mặt trong nền kinh tế so với tổng phương tiện thanh toán từ tháng 5/2020 – 4/2021 ở khoảng 11,5%. Lượng tiền mặt trong lưu thông chiếm 11-12%. Điều đó có nghĩa vẫn còn nhiều dư địa để phát triển thanh toán không tiền mặt.
Đứng ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Minh Tâm – Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, hiện số lượng tài khoản thanh toán tại Việt Nam là hơn 100 triệu tài khoản nhưng tỷ lệ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt không cao, vẫn còn rất nhiều giao dịch rút tiền ATM. Các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ rơi vào một số nhóm khách hàng nhất định. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hầu như đều có tài khoản nhưng lại ít sử dụng để thanh toán, do đó, dư địa để phát triển còn rộng.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 ở một góc độ nào đó lại chính là chất xúc tác góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Thực tế cũng cho thấy, số lượng và giá trị giao dịch qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021.
Đặc biệt nhiều chuyên gia như ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc VNPay cho rằng, mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng nhanh, nhưng mới chỉ tập trung ở thành phố lớn. Bởi vậy việc Chính phủ cho phép triển khai thí điểm Mobile Money sẽ giúp thúc đẩy nhanh hơn và phủ sóng rộng hơn thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Phạm Minh Tú - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ số của MobiFone cho rằng, tại khu vực ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, thanh toán tiền mặt vẫn phổ biến trong đại bộ phận người dân, trong khi khu vực này chiếm đến hơn 60% dân số quốc gia. Nếu các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán chiếm lĩnh được thị phần này, xã hội thanh toán không dùng tiền mặt sẽ biến đổi sang một hình thái khác với giá trị thị trường sẽ lớn hơn. Với lợi thế tài khoản viễn thông bao phủ rộng khắp, Mobile Money hướng đến thị trường nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa là những nơi người dân chưa có tài khoản ngân hàng.
Liên kết để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Minh Tâm, công nghệ đang là một thách thức lớn bởi thị trường luôn xuất hiện những nhân tố mới đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia cần đầu tư cho công nghệ, cập nhật thường xuyên. Như Sacombank, ngân hàng luôn phải đảm bảo cập nhật, nâng cấp bảo mật, chuyển đổi thẻ chip, chưa kể luôn phải nâng cao các dịch vụ tiện ích cho khách hàng… Do đó, để có sự đa dạng dịch vụ cho khách hàng đòi hỏi cả thị trường phải tham gia đa dạng sản phẩm. Ngoài ra, tâm lý khách hàng luôn e ngại rủi ro trong hoạt động thanh toán không tiền mặt vì vậy cả hệ sinh thái phải đảm bảo sự tiện lợi, an toàn cho khách hàng.
Trên thực tế, hiện có khá nhiều sản phẩm thanh toán phi tiền mặt, nhưng mới chỉ có hệ thống thẻ ngân hàng là được kết nối liên thông. Trong khi các app thanh toán hiện vẫn trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Bằng chứng là thị trường có 50-60 ví điện tử, song không liên kết với nhau và mỗi ví sử dụng một QR Code khác nhau. Chưa kể sắp tới khi thị trường có thêm sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông với hệ thống tài khoản viễn thông riêng, không kết nối với tài khoản ngân hàng.
Vì vậy các chuyên gia cho rằng, phải tạo lập một hệ thống liên thông giữa các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt để tạo tiện lợi cho khách hàng. Các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán phải tạo lập ra các hệ sinh thái để người tiêu dùng quẹt thẻ, quét mã không phải đắn đo thẻ hay POS của ngân hàng nào. Ông Phạm Tấn Lộc - Giám đốc khối dịch vụ Ngân hàng số của Vietbank cũng cho rằng, ngân hàng nên có sự hợp tác trong việc chia sẻ dữ liệu đỡ tốn tài nguyên, nguồn lực, chi phí. Chẳng hạn như việc xác thực eKYC, mỗi ngân hàng tự thực hiện cách riêng. Nếu có sự hợp tác, chắc chắn sẽ tiết kiệm nhiều chi phí.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch câu lạc bộ Fintech Việt Nam cho rằng, thị trường thanh toán hai năm gần đây tăng rất nhanh nhưng vẫn nằm trong quy mô nhỏ. Để cải thiện được những điều này pháp lý phải đi trước một bước mở đường cho thị trường, sau đó các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán phải phát triển trong các hệ sinh thái trả lương, thanh toán dịch vụ công, thương mại điện tử… Đặc biệt, trong cơ chế thanh toán dịch vụ công các đơn vị nhà nước phải đi đầu để người dân làm theo. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán điện tử phải gắn với hệ thống thương mại điện tử mới tạo ra một hệ sinh thái phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Thắng đề nghị, ví điện tử cần có một “sàn” chung để liên thông thanh toán như các ngân hàng có Napas. Hiện nay ngân hàng, ví điện tử và tới đây là Mobile Money đều cung cấp dịch vụ thanh toán. Vì vậy 3 nhà cung cấp phải tiến tới “hòa nhịp chung” là một để người dùng không phải cài đặt quá nhiều ứng dụng thanh toán trên điện thoại.
Các chuyên gia thanh toán cũng cho rằng, phải có một cơ chế liên minh giữa các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải quyết những khúc mắc của người dùng như khi xảy ra những trường hợp như máy ATM nuốt thẻ, chuyển tiền nhầm tài khoản, quẹt thẻ quá số tiền cần thanh toán… Từ đó mới tạo niềm tin cho người dùng sử dụng các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt./.