Những chiến sỹ thầm lặng trên tuyến đầu triển khai các nền tảng phòng chống dịch

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 11:25, 20/08/2021

Đại dịch Covid-19 thêm một lần thử thách và minh chứng ý chí, tinh thần và sức mạnh Việt Nam. Cùng với sự tiên phong, đi đầu của đội ngũ y bác sĩ, bộ đội, công an, lực lượng tình nguyện, thiện nguyện, trên tuyến đầu còn có những chiến sỹ thầm lặng khác, đó là những cán bộ công nghệ âm thầm hỗ trợ các địa phương triển khai các nền tảng phòng chống dịch.

Nỗ lực vượt khó, chung tay tham gia đẩy lùi dịch bệnh

Đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, không ai có thể biết chính xác thời điểm dịch kết thúc hay có thể tiên liệu dịch bệnh nào khác sau Covid-19. Trong bối cảnh đó, một giải pháp được cho là hiệu quả nhất đối với xã hội chính là ứng dụng công nghệ số.

Theo cách tiếp cận mới về chống dịch Covid-19 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, chống dịch chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công, trong đó đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh. Từ 5K ban đầu, tháng 5 vừa qua, chúng ta phát triển thành "5K + Vắc-xin" và đến nay trở thành "5K + Vắc-xin + Công nghệ".

Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng thực tiễn các công nghệ mới để hỗ trợ cho cuộc chiến chống "kẻ thù vô hình". Những ứng dụng khai báo y tế, truy vết, sử dụng robot, xét nghiệm... đang phát huy sức mạnh của khoa học công nghệ trong việc phòng, chống dịch hiệu quả.

Trong gần hai năm dịch giã hoành hành, toàn Đảng, toàn dân ta đều căng mình đóng góp sức lực để phòng, chống dịch và những cán bộ công nghệ ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng không nằm ngoài cuộc, bằng những hành động cụ thể họ đã đóng góp một phần sức lực nhỏ bé để nhanh chóng đẩy lùi đại dịch và mang cuộc sống trở lại yên bình.

Dưới sự chỉ đạo chủ động, tích cực của Bộ TT&TT, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) viễn thông đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ để phòng chống dịch như Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm Covid-19), NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện), khai báo y tế cho người nhập cảnh (VietNam Health Declaration), hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR), hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19,...

Bộ TT&TT cũng đề nghị các địa phương thành lập Tổ công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là Tổ Công nghệ) là bộ phận giúp việc trực tiếp cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 địa phương. Tổ Công nghệ có nhiệm vụ tham mưu, triển khai, áp dụng các giải pháp công nghệ để chống dịch trên địa bàn. Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia sẽ cùng với các Tổ công nghệ tại địa phương - với nòng cốt là lực lượng Sở TT&TT và Sở Y tế, hình thành nên mạng lưới triển khai công nghệ phòng, chống dịch xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Cùng với đó, các địa phương cần triển khai nhanh, hiệu quả các nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc dùng chung trên toàn quốc do Trung tâm Ccông nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia phát triển gồm: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QRCode; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Đồng hành với những giải pháp trên, tại tâm dịch TP.HCM, Bộ TT&TT đã cử một Thứ trưởng vào TP.HCM để phối hợp cùng TP.HCM trong việc triển khai công nghệ chống dịch. Bộ TT&TT cũng bố trí nhiều cán bộ của Bộ ở TP.HCM để cùng Sở TT&TT triển khai các giải pháp nói trên.

Mới đây, chiều 8/8, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã công bố kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện trong cả nước. Chỉ trong hơn 2 ngày, các DN công nghệ gồm Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố.

Những chiến sỹ thầm lặng trên tuyến đầu triển khai các nền tảng phòng chống dịch - Ảnh 1.

Lễ công bố kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện trong cả nước

Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã bày tỏ sự cảm ơn với Bộ TT&TT trong việc hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế triển khai đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Theo Bộ trưởng Long, trước đây, mất 45 ngày để kết nối được 1.000 điểm, nhưng lần này chỉ trong 2,5 ngày đã kết nối được 328 điểm tới tất cả các huyện. "Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của ngành TT&TT", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ TT&TT, các cán bộ của VNPT và Viettel đã không quản ngại ngày đêm, gấp rút lên phương án và tiến hành kết nối nền tảng khám, chữa bệnh từ xa Telehealth tới 328 cơ sở y tế tuyến huyện trên cả nước, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra.

Để kết nối được số lượng điểm cầu lớn, trong thời gian ngắn trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, các cán bộ kỹ thuật đã vượt qua vô vàn khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Đảm bảo an toàn trong quá trình triển khai tại các điểm cầu đặc biệt này, không chỉ các y bác sỹ mặc áo bảo hộ y tế mà toàn bộ cán bộ kỹ thuật cũng khoác lên mình những bộ quần áo bảo hộ kín mít, gần như là "bọc trong nylon" khi nhiệt độ bên ngoài có lúc lên đến gần 40°C .

Những chiến sỹ thầm lặng trên tuyến đầu triển khai các nền tảng phòng chống dịch - Ảnh 2.

Cán bộ kỹ thuật của VNPT lắp đặt thiết bị tại điểm cầu Trung tâm y tế huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

Quá trình di chuyển đến địa bàn cũng gặp nhiều trở ngại khi phải qua các trạm, chốt kiểm tra giấy tờ đi đường hoặc quy định giới nghiêm tại địa bàn TP. HCM.

Thậm chí, nhiều điểm cầu trong hệ thống khám chữa bệnh từ xa phải triển khai là điểm mới nên cáp không có sẵn mà phải kéo cáp mới, một số điểm cầu thi công rất khó khăn nên anh em lập kế hoạch chi tiết, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận, đồng thời trao đổi, thuyết phục các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện để quá trình thi công được diễn ra nhanh nhất và tốt nhất.

Việc triển khai các điểm cầu thành công, đảm bảo chất lượng, ngoài việc kéo cáp thì thiết bị đầu cuối cũng là một thách thức. Các điểm cầu mới đồng nghĩa với việc không có sẵn thiết bị truyền hình. Đây cũng là một nỗ lực vượt khó rất lớn của các đơn vị trong việc huy động thiết bị và đồng bộ thiết bị.

Những chiến sỹ thầm lặng trên tuyến đầu triển khai các nền tảng phòng chống dịch - Ảnh 3.

Quá trình kết nối đảm bảo liên lạc gặp nhiều khó khăn

Một dự án có thiết bị đồng bộ khi triển khai cũng gặp không ít khó khăn chứ chưa nói đến triển khai một dự án với nhiều điểm cầu mới trong thời gian ngắn và thiết bị không đồng bộ nên càng khó khăn và vất vả hơn. Do thiết bị không đồng nhất nên quá trình kết nối đảm bảo liên lạc mất rất nhiều thời gian. Anh em kỹ thuật phải thức trắng đêm và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình cho đồng đội để hoàn thành nhiệm vụ.

"Thủ tướng hỏi tôi cách đây 5 ngày, còn bao nhiêu bao nhiêu trung tâm y tế tuyến huyện chưa kết nối truyền hình, tôi trả lời còn trên 300 huyện, tức là khoảng 45%. Thủ tướng cũng hỏi, có thể làm nhanh được không? Đây là tình huống rất khẩn cấp, tôi cũng không ngờ Viettel và VNPT đều hứa quyết tâm làm xong trong 2 ngày", Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Miệt mài bám trận địa, hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 tại TP.HCM

Ngày 21/7, 150 cán bộ nhân viên Tập đoàn Viettel đã sẵn sàng hỗ trợ TP. HCM công tác vận hành, ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia trong đợt tiêm chủng quy mô lớn tại đây. Đây là nền tảng được Viettel Solutions triển khai khẩn trương để phục vụ người dân TP.HCM cũng như cả nước trong việc đăng ký tiêm vắc-xin.

Thời gian này, người dân toàn thành phố mang tên Bác tạm thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Nhưng người Viettel vẫn sẵn sàng thực hiện các chiến dịch theo tiếng gọi trái tim và tinh thần người lính: "Đời chúng ta đâu có giặc thì ta cứ đi...".

Ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions, đại diện Viettel trực tiếp chỉ đạo tại TP.HCM cho biết: "Là Tập đoàn công nghệ chủ lực của quốc gia, Viettel nhận thức việc hỗ trợ đất nước, nhân dân chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Viettel sẽ nỗ lực để đảm bảo nền tảng vận hành ổn định, đóng góp vào thành công của chiến dịch. Đây là cơ sở để mở rộng chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, trong diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay".

Tham gia điều hành, hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng tại TP.HCM còn có đoàn công tác của Bộ TT&TT do Cục trưởng Cục Tin học Đỗ Công Anh làm trưởng đoàn. Không quản khó khăn, các cán bộ ngành TT&TT vẫn miệt mài bám trận địa, tiếp tục đồng hành cùng người dân TP.HCM, lực lượng quản lý y tế và các cơ quan chức tại Thành phố hướng dẫn các cán bộ y tế tại điểm tiêm cũng như người dân cách sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Những chiến sỹ thầm lặng trên tuyến đầu triển khai các nền tảng phòng chống dịch - Ảnh 4.

Đoàn công tác của Bộ TT&TT, Viettel Solutions tham gia hỗ trợ TP. HCM trong chiến dịch tiêm chủng

Tính từ ngày 22/7 đến hết ngày 16/8, nhờ ứng dụng công nghệ rút ngắn quy trình tiêm chủng, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3,7 triệu người. Với nền tảng này, người dân đăng ký tiêm tiện lợi hơn, cán bộ quản lý kiểm soát lượng người tiêm vắc-xin chính xác hơn. Qua đó, lực lượng chức năng có nhiều thời gian hơn để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác giúp Thành phố mau chóng kiểm soát bệnh dịch.

"Lần này thuận lợi hơn nhờ vào việc ứng dụng CNTT đã giúp khâu trả giấy chứng nhận tiêm vắc-xin tại chỗ và cập nhật thông tin tiêm vắc-xin hoặc thông tin sức khỏe của người dân rõ ràng, nhanh chóng, ít sai sót hơn", TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP HCM, cho biết.

Sẵn sàng đi vào tâm dịch

Đến nay, các nhà mạng di động Việt Nam đã lắp đặt hơn 6.000 camera giám sát tại các khu cách ly để giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát, theo dõi những người nghi nhiễm. Các nhà mạng cũng đang đầu tư hệ thống hạ tầng để đáp ứng kết nối 10.000 camera giám sát tại các khu cách ly, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của công tác phòng, chống dịch.

Tại điểm nóng Covid-19 Bắc Giang hồi tháng 5/2021, hàng nghìn mắt camera giám sát đã được Viettel lắp đặt trong 5 ngày cho các khu cách ly tập trung. Giữa cái nắng hè oi bức, mồ hôi ướt hết cả quần áo bảo hộ, những cán bộ kỹ thuật Viettel vẫn đang miệt mài đo đạc, kéo lắp hệ thống camera giám sát y tế tại khu cách ly Trường tiểu học thị trấn Đồi Ngô - Lục Nam Bắc Giang, để đảm bảo số lượng camera nhanh chóng phủ khắp khu vực cách ly tại địa bàn... Xong ở điểm nào là ghi chép, nghiệm thu, rồi các anh bàn giao hệ thống quản lý giám sát cho địa phương đồng thời luôn có nhân sự túc trực sẵn sàng xử lý nếu địa phương gặp sự cố cần hỗ trợ...

Những chiến sỹ thầm lặng trên tuyến đầu triển khai các nền tảng phòng chống dịch - Ảnh 5.

Lắp đặt hệ thống camera giám sát y tế tại khu cách ly tập trung của Bắc Giang

Một cán bộ Viettel chia sẻ: Bảo đi vào vùng dịch có sợ không, sợ chứ ạ, trước một con virus không nhìn thấy hình dáng, nhưng nó lại có sức tàn phá hơn cả chiến tranh kia, bảo không sợ thì lại là nói dối... Nhưng để bà con sớm được sống cuộc sống bình thường, những người lính Viettel trên mọi ngả đường tổ quốc đang miệt mài lắp hệ thống camera giám sát y tế, để phần nào giúp các địa phương và Bộ Y tế kiểm soát được tình hình một cách tốt nhất.

Bắc Giang là một trong những điểm nóng Covid-19 tại thời điểm đó và cũng là 1 trong 31 tỉnh thành phía Bắc mà Viettel được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ triển khai lắp đặt toàn bộ hệ thống camera giám sát y tế tại 100% khu vực cách ly.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, VNPT cũng đã hoàn thành lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đặt hàng của chính quyền thành phố. Cụ thể, số lượng khu cách ly tập trung được TP.HCM yêu cầu triển khai lắp đặt là 62 điểm với tiến độ khẩn cấp phải hoàn thành trong vòng 36 giờ, trong bối cảnh số bệnh nhân dương tính trên địa bàn này vẫn đang tăng lên từng ngày và rất đáng quan ngại. Vì vậy, VNPT đã phát động thi đua hoàn thành vượt tiến độ công tác "Kết nối camera điểm cách ly phòng, chống dịch Covid-19".

Nhân viên kỹ thuật của VNPT tại TP.HCM đã khẩn trương hoàn thành trong thời gian được yêu cầu, đầy đủ số camera hợp chuẩn đảm bảo chất lượng thu nhận hình ảnh; đồng thời kết nối về Trung tâm giám sát tập trung của Thành phố. Các hình ảnh được gửi về từ 62 điểm mới này đã giúp cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tăng cường tổ chức giám sát, bao quát được hết tình hình hoạt động tại các khu cách ly trên toàn địa bàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

Dù gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm vì đây là những khu vực cách ly tập trung rất đông người, cùng với việc khác cấu hình, khác thông số kỹ thuật, đường truyền của nhà mạng khác,... nhưng với quyết tâm cao, vì trách nhiệm của DN sát cánh cùng chính quyền TP.HCM trong công tác phòng chống dịch, VNPT TP.HCM đã hoàn thành nhiệm vụ được giao/

Trước đó, đầu tháng 6 vừa qua, Tập đoàn VNPT đã hoàn thành lắp đặt hơn 2.400 camera giám sát trên 150 cơ sở cách ly tập trung tại 32 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào (trong tổng số 10.000 camera giám sát).

Covid-19 mang đến những giọt nước mắt, sự đau thương cho hàng trăm triệu người dân từ đông sang tây, làm đảo lộn cuộc sống và đánh gục mọi nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, các cán bộ công nghệ ngành TT&TT cũng không chùn bước, sẵn sàng đóng góp sức mình thông qua những hành động thiết thực để hỗ trợ công tác phòng chống dịch, chung tay cùng cả nước đẩy lùi Covid-19, phát huy truyền thống vẻ vang, cao đẹp của Ngành./.

Bùi Huyền