Sử dụng nền tảng số an toàn, lành mạnh giúp tạo lập thêm giá trị niềm tin số
An toàn thông tin - Ngày đăng : 18:16, 19/08/2021
Tuy nhiên, để giữ vững, gặt hái thêm những thành quả quan trọng trên, thì giờ đây, một nhiệm vụ quan trọng mang tính cấp thiết, cần phải chủ động, thường xuyên, lâu dài chính là việc phải đẩy mạnh phát triển, sử dụng nền tảng số an toàn, lành mạnh. Như thêm sự khẳng định về tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Bộ TT&TT vừa ban hành Chỉ thị số 49/CT-BTTTT cùng về nội dung trên.
Thúc đẩy phát triển các nền tảng số có khả năng tự bảo vệ
Theo Bộ TT&TT đánh giá, hiện nay tình trạng lộ, lọt thông tin, dữ liệu trên các nền tảng số vẫn diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Hiện tượng phát tán tin giả, thông tin vi phạm pháp luật, đặc biệt là trên các nền tảng số xuyên biên giới vẫn diễn ra nhiều, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, văn hóa, hoang mang, lo lắng trong xã hội.
Do đó, để khắc phục các tình trạng và hiện tượng tiêu cực, cũng như vì mục tiêu tạo lập niềm tin số, đảm bảo an toàn không gian mạng Việt Nam, Chỉ thị yêu cầu:
Các doanh nghiệp (DN) chủ quản nền tảng số: Cần phát triển các nền tảng số có khả năng tự bảo vệ; có các công cụ xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) cá nhân, tài khoản, mật khẩu tin nhắn…
Đặc biệt, cần phải công khai biện pháp xử lý, bảo vệ thông tin cá nhân (chỉ được tiến hành thu thập thông tin cá nhân khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin và rõ ràng về mục đích) và không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân của người sử dụng đã thu thập cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, cần chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật theo thỏa thuận hợp đồng, chính sách cung cấp dịch vụ nền tảng số; cung cấp cơ chế cho phép người dùng phản ánh, khiếu kiện, khiếu nại tin giả, thông tin xúc phạm danh dự, xâm phạm đời tư cá nhân; công khai chính sách và quy trình hỗ trợ người sử dụng dịch vụ nền tảng số…
Các DN viễn thông: Thiết lập, nâng cấp các hệ thống giám sát và điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục ATTT); quản lý, phối hợp ngăn chặn sự cố, nguy cơ mất ATTT mạng xuất phát từ Internet, người dùng; thực hiện cảnh báo, khuyến cáo khi có yêu cầu từ Cục ATTT; thông báo cho Bộ TT&TT (Cục ATTT) khi phát hiện và phối hợp xử lý nghiêm các hành vi tấn công mạng, vi phạm pháp luật về ATTT…
Đối với tổ chức, cá nhân khi sử dụng dịch vụ nền tảng số: Khuyến khích sử dụng các nền tảng số; thận trọng khi cung cấp thông tin, dữ liệu; sử dụng công cụ của nền tảng số phản ảnh các tin giả, thông tin và hành vi vi phạm pháp luật hoặc báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.
Ngoài ra, Chỉ thị nhấn mạnh đến việc cá nhân không được phép chia sẻ, bình luận hoặc tương tác với trang thông tin, tài khoản trên nền tảng số có dấu hiệu đăng tải tin giả, vi phạm pháp luật; cần thực hiện yêu cầu cơ quan có thẩm quyền về việc gỡ bỏ các tin giả, vi phạm pháp luật; cần chi sẻ lan tỏa các thông tin, hình ảnh chính thống, tin cậy đã được kiểm chứng…
Đẩy mạnh hơn trong công tác tuyên truyền
Chỉ thị yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước như: Cục ATTT, Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử; Thanh tra Bộ TT&TT; Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát các yêu cầu nội dung của Thông tư để thực hiện việc tốt việc giám sát, thanh tra, tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên, người dân, DN cùng thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.
Đặc biệt, Cục ATTT ngoài việc hỗ trợ các DN viễn thông, DN nền tảng số cần tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTT, gỡ, ngăn chặn kịp thời các mã nhiễm độc, nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng trên các nền tảng số. Đồng thời theo dõi, đôn đốc, báo báo Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc thực hiện Chỉ thị này.
Cùng với đó, Cục PTTH&TTĐT đẩy mạnh việc công bố công khai các xử phạt vi phạm pháp luật về thông tin điện tử; cùng phối hợp với Cục Báo chí, các cơ quan thông tấn, báo chí, tổ chức, mạng xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách pháp luật để phát triển sử dụng hiệu quả nền tảng số an toàn, lành mạnh./.