Bảo hiểm xã hội chuyển đổi số
Multimedia - Ngày đăng : 15:12, 18/08/2021
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong những năm gần đây triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ các khâu, hướng tới đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp. Từ việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT để kiểm soát chống trục lợi đến đưa nền tảng bảo hiểm xã hội số (VssID) vào phổ biến đã mang lại những kết quả ban đầu.
Tiện tích trên VssID bước đầu phát huy tác dụng
Từ 1/6/2021, người dân cài đặt ứng dụng VssID có thể sử dụng ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng này để đăng ký khám chữa bệnh. Việc này đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân..
Do quên thẻ BHYT, khi đến chỗ tiếp đón bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, chị Nguyễn Thị Hồng Phúc đã mở ứng dụng VssID đã được cài đặt sẵn trên điện thoại của mình, rồi vào mục thẻ BHYT đưa cho cán bộ của bệnh viện xác nhận đăng ký khám chữa bệnh (KCB). Sau vài thao tác nhập mật khẩu trên di động, chị Phúc đã hoàn tất việc đăng ký KCB của mình.
Chị Phúc phấn khởi cho biết: “Vừa qua, tôi được cán bộ BHXH địa phương hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID. Nhờ có ứng dụng, tôi không chỉ biết được quá trình tham gia BHXH, BHYT mà còn nắm rõ được cả lịch sử đi KCB BHYT của mình. Nay, ứng dụng lại có thêm tiện ích thẻ BHYT, tôi thấy quá tiện lợi cho những người đi KCB như tôi”, chị Nguyễn Thị Hồng Phúc chia sẻ.
Cũng đã cài đặt và đăng ký thành công tài khoản ứng dụng VssID, anh Đặng Tiến Hà (35 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đến khám chữa bệnh tại bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ: “Thẻ BHYT giấy của tôi hiện đang để ở quê Bắc Ninh nhưng dịch COVID-19, tôi không thể về để lấy được. Cho nên, giờ có thẻ BHYT trên ứng dụng VssID đã giúp tôi yên tâm hơn nếu cần phải đi KCB trong tình hình dịch bệnh diễn biễn phức tạp, không còn phải lo tìm cách lấy thẻ ở quê lên nữa”.
Từ khi triển khai vào tháng 6 cho đến nay, nhiều cơ sở khám chữa bệnh như: Bệnh viện Bạch Mai, BVĐK Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Xanh-Pôn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… đều đã tiếp nhận đăng ký khám chữa bệnh qua ảnh thẻ BHYT trên VssID thay cho thẻ BHYT giấy.
PGS-TS.Phạm Thị Bích Đào - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: Bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp người bệnh sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID tại Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực. Về mặt kỹ thuật, Bệnh viện đã trang bị cơ sở hạ tầng CNTT đầy đủ và hiện đại để phục vụ công tác triển khai.
Tại Hòa Bình, hiện BHXH tỉnh đang quản lý 23 cơ sở KCB (trong đó tại tỉnh có 12 cơ sở KCB và huyện có 11 cơ sở KCB) và hầu hết các cơ sở KCB đều có đủ trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID cho người dân khi KCB.
Việc sử dụng VssID cũng giúp người bệnh có thể tự kiểm tra được lịch sử KCB của bản thân, nắm rõ được các cơ sở KCB đã cung cấp các loại thuốc, vật tư y tế và dịch vụ y tế gì cho mỗi lần KCB.
Không chỉ có lợi ích khi KCB, ứng dụng, theo dõi qua ứng dụng VssID giúp người lao động biết được quá trình đóng hưởng BHXH để nắm được quyền lợi đóng hưởng. Mới đây, qua tra cứu quá trình tham gia đóng BHXH, BHYT trên ứng dụng, 20 người lao động (NLĐ) thuộc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu (Khu công nghiệp Sa Đéc - TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã phát hiện bị doanh nghiệp “ngâm” tiền đóng BHXH, BHYT của mình. Trước các bằng chứng, dữ liệu cụ thể trên ứng dụng VssID, những NLĐ này đã tích cực yêu cầu Ban Giám đốc Công ty xử lý số tiền BHXH, BHYT, BHTN mà Công ty chưa đóng cho NLĐ. Đặc biệt, với sự vào cuộc của cơ quan BHXH thành phố Sa Đéc, tổ chức công đoàn nên đơn vị khắc phục toàn bộ số nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hơn 2 tỷ đồng, nhờ đó quyền lợi của hơn 170 người lao động đã được đảm bảo đúng quy định.
Chị Lan, một nữ công nhân cho biết: "Trước chúng tôi chỉ biết sổ BHXH giấy, nay biết được sự tiện ích khi cài đặt ứng dụng VssID biết được quá trình đóng hưởng để tự kiểm tra, giám sát nên sẽ giới thiệu để mọi người cùng cài đặt và theo dõi”.
Với ý nghĩa thiết thực đó, ngành BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai cài đặt ứng dụng tới người dân và NLĐ trong cả nước. Tính đến ngày 10/8, tổng lượt tải, cài đặt ứng dụng VssID đạt hơn 13,9 lượt và đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của người sử dụng.
Giảm những nội dung chi quá mức cần thiết
Từ tháng 6/2016, BHXH Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám định BHYT với việc đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin giám định BHYT, thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) của trên 12.280 cơ sở y tế từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc. Việc kết nối tất cả các cơ sở y tế với Hệ thống đã góp phần thay đổi quy trình KCB tại cơ sở y tế, giúp người bệnh giảm thời gian làm thủ tục khi đến KCB, cập nhật kịp thời các thay đổi về thông tin trên thẻ BHYT, đặc biệt là gia hạn thẻ BHYT ngay khi đang điều trị, các thông tin về quyền lợi được hưởng trong mỗi lần KCB được cung cấp cho người bệnh ngay khi ra viện.
Với các cơ sở KCB, Hệ thống đã cung cấp các chức năng giúp nhân viên y tế xác định chính xác thông tin, quyền lợi hưởng BHYT của người bệnh; cung cấp cho các bác sĩ lịch sử KCB và các chỉ định, kết quả điều trị trước đó của người bệnh. Đặc biệt, việc công khai, minh bạch thông tin thường xuyên cùng với những cảnh báo, phân tích của cơ quan BHXH về sự bất thường trong thanh toán BHYT giúp các cán bộ quản lý bệnh viện (BV) điều chỉnh, giảm những nội dung chi quá mức cần thiết.
Với cơ quan BHXH, Hệ thống đã cung cấp các chức năng theo dõi, hiển thị bằng các bản đồ, biểu đồ trực quan, các báo cáo được tự động cập nhật hàng ngày thông qua phần mềm giám sát giúp BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh có thông tin cập nhật, tổng quan, theo dõi tình hình sử dụng quỹ BHYT, thực hiện dự toán, đánh giá mức độ gia tăng tần suất KCB, chi phí ở từng tuyến, hạng BV và chi tiết đến từng cơ sở y tế, qua đó dễ dàng nhận định và phát hiện nhanh chóng các biến động, diễn biến giữa các kỳ, các tháng ở tất cả các cơ sở y tế; cảnh báo trục lợi từ người tham gia BHYT, cơ sở y tế và cập nhật các yêu cầu kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương.
Qua kiểm tra, BHXH Việt Nam xử lý kịp thời các trường hợp thanh toán sai quy định như: Thanh toán dịch vụ kỹ thuật (DVKT) không đúng với kỹ thuật đã thực hiện cho người bệnh; thanh toán thừa số lượng DVYT so với thực tế người bệnh được sử dụng, thanh toán trùng lặp, tách DVKT, thanh toán sai ngày giường phẫu thuật; DVKT, thuốc, VTYT thanh toán không đúng điều kiện thanh toán; chỉ định bệnh nhân mắc bệnh nhẹ vào nội trú; KCB nhiều lần; cấp trùng thuốc… Đồng thời, cũng kịp thời ngăn chặn các trường hợp lạm dụng BHYT như: Sử dụng thẻ BHYT của người khác đi KCB BHYT, sử dụng thẻ của người đã tử vong đi KCB; nhân viên y tế sử dụng thông tin thẻ BHYT của người đã tử vong, lập khống hồ sơ thanh toán BHYT…
Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, năm 2017, hệ thống ghi nhận kết quả giám định từ chối số chi không hợp lý trên 2,5 nghìn tỷ đồng, gấp gần 4 lần khi chưa áp dụng giám định điện tử; năm 2018 là 2,3 nghìn tỷ đồng; năm 2019 số tiền giảm trừ là 2,4 nghìn tỷ đồng; năm 2020 là 1,2 nghìn tỷ đồng.
Với các thông tin được cập nhật, công khai minh bạch thường xuyên, nhiều cơ sở KCB đã có những chuyển biến tích cực trong chỉ định điều trị, góp phần tiết giảm các khoản chi không cần thiết. So với năm 2017, các chỉ tiêu chi bình quân toàn quốc năm 2018 về xét nghiệm giảm 6,44%, chẩn đoán hình ảnh giảm 4,1%, khám giảm 11,42%, ngày giường giảm 2,17%, ngày điều trị bình quân giảm 4,17%, tỷ lệ vào điều trị nội trú giảm 1,1%,… giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi KCB mỗi năm.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện giám định điện tử kết hợp với giám định truyền thống, kết quả giám định được ghi nhận trên Hệ thống và những phản hồi từ các địa phương cho thấy đã có những thay đổi tích cực trong công tác giám định nói riêng, trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT nói chung. Chất lượng liên thông dữ liệu được cải thiện và nâng cao rõ rệt: năm 2019 tiếp nhận dữ liệu của 184,19 triệu lượt KCB, tỷ lệ liên thông 92,04%. Tỷ lệ gửi hồ sơ đúng ngày ra viện được cải thiện vào năm 2019 với 89,4%.
Phát huy vai trò cơ quan chủ quản CSDLQG về Bảo hiểm
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, BHXH Việt Nam luôn lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Do đó việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) người tham gia BHXH, BHYT luôn được BHXH Việt Nam ưu tiên triển khai. Hiện nay, CSDL của BHXH Việt Nam đang quản lý thông tin của toàn bộ người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Năm 2020, toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết 87 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chưa kể khoảng 170 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí KCB liên thông trên hệ thống Giám định BHYT). Việc xây dựng các CSDL này góp phần giúp ngành BHXH Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, cũng như hiệu quả quản lý và cải cách hành chính phục vụ nhân dân, đáp ứng các yêu cầu xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Với vai trò là cơ quan chủ quản CSDLQG về bảo hiểm, đến nay, BHXH Việt Nam đã ban hành và triển khai trong toàn ngành kế hoạch ứng dụng CNTT phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2021-2025; thực hiện kết nối với CSDLQG về dân cư để xác thực thông tin công dân khi đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, CSDL của BHXH Việt Nam đang quản lý 15,047 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 1,127 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; 13,308 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp; 87,772 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,92% dân số; Trung bình hàng năm quản lý khoảng 167 triệu lượt KCB BHYT; 47 triệu hồ sơ giao dịch điện tử hàng năm. Nhờ đó, BHXH Việt Nam đã vinh dự là đơn vị đầu tiên ngoài ngành Công an được Bộ Công an lựa chọn và triển khai dịch vụ kết nối và xác thực dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Công an để thực hiện kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do BHXH Việt Nam quản lý. Đây là 2 trong số 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân được Chính phủ ưu tiên triển khai để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi số của Quốc gia.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thực hiện xác thực đối với thông tin nhân khẩu thuộc cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT (đối với các trường hợp có dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), qua đó rà soát, đối chiếu, chuẩn hóa dữ liệu nhân khẩu trong dữ liệu của BHXH Việt Nam.
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đó không chỉ dừng ở việc xác thực mà sẽ đề nghị Bộ Công an phối hợp để triển khai việc khai thác dữ liệu gốc từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “thông tin cơ bản cá nhân” để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo tiền đề để BHXH Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và sẵn sàng chia sẻ cho các tổ chức, cá nhân liên quan, góp phần rất quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, cắt giảm các chi phí không cần thiết trong thực hiện thủ tục hành chính.
“BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hoàn thiện các thông tin gốc trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Rà soát rút gọn quy trình, cải cách thủ tục hành chính để bỏ các yêu cầu đính kèm giấy tờ tùy thân đối với cá nhân đã được xác thực thông tin; Đề xuất cho phép sử dụng CCCD có gắp chíp thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Các bệnh viện có thể đọc thông tin từ mã vạch QR code trên CCCD sau đó gửi yêu cầu đến cơ quan BHXH và nhận được các thông tin do cơ quan BHXH Việt Nam quản lý và thực hiện việc khám chữa bệnh theo đúng quy định, giống như việc sử dụng thẻ BHYT giấy hoặc thẻ BHYT trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam trong khám chữa bệnh hiện nay”, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết.
Bài, clip: Xuân Minh
Ảnh: CTV