Ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại các khu công nghiệp

Bản tin ICT - Ngày đăng : 15:06, 17/08/2021

Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại các khu công nghiệp rất lớn do mật độ công nhân tập trung đông, công nhân đi lại bằng phương tiện công cộng và thuê trọ ở chung… Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm thế nào để sản xuất an toàn là vấn đề hết sức cấp thiết.

Thực trạng và nhu cầu ứng dụng công nghệ phòng chống Covid-19 của các DN khu công nghiệp, công nghệ

Hai đợt dịch Covid-19 liên tục tấn công vào các khu công nghiệp trọng điểm ở phía Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh) và phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…) liên tiếp trong 3 tháng qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung ứng hàng hóa, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất. Lời giải nào cho bài toán mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất" vẫn luôn là câu hỏi làm đau đầu các cơ quan chức năng và doanh nghiệp (DN). Giải pháp "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến" mà TP. HCM đang áp dụng bộc lộ nhiều bất cập, chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế.

Chia sẻ tại hội thảo "Công nghệ phòng chống Covid-19 trong các khu công nghiệp, khu công nghệ" do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Hội Tin học TP.HCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết trong thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ vào trong công tác truy vết, công tác quản lý xét nghiệm, công tác quản lý tiêm chủng… Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng giải pháp công nghệ vào công tác phòng chống dịch hiện nay còn rất nhiều hạn chế, do thiếu tính tổng thể và không gắn với nhu cầu của DN.

Các DN cần những giải pháp công nghệ hiệu quả, căn cơ đảm bảo sản xuất an toàn lâu dài trong dịch. Theo đó, giải pháp công nghệ mới cần đảm bảo hai yêu cầu: DN tổ chức sản xuất an toàn với dịch và người lao động an toàn.

Ông Nguyễn Anh Thi cho biết khi cao điểm của dịch bệnh, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM càng nhận diện rõ hơn vấn đề "Nếu không có công nghệ thì không thể nào quản lý được các rủi ro về lây nhiễm tại các DN trong hệ thống". Theo ông Thi, dịch bệnh còn kéo dài nên DN cần sống chung và thích nghi với điều kiện này sớm nhất có thể. DN cần các giải pháp công nghệ xoay quanh người lao động, quan trọng hơn là xoay quanh nhu cầu của DN.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM cũng đang tổ chức Chương trình "Tìm kiếm và kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch Covid-19 tại TP.HCM năm 2021" (HIS - COVID 2021), với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh của Thành phố và các giải pháp hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để có sự thích ứng và có chiến lược phát triển phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, góp phần giúp thành phố ứng phó với đại dịch.

Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhấn mạnh: "TP.HCM đang rất cần những giải pháp có khả năng quy mô triển khai rộng khắp ở các khu công nghiệp, khu công nghệ, khu chế xuất trên địa bàn Thành phố".

Tăng cường công nghệ phòng, chống Covid-19 trong các khu công nghiệp

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện một số DN tại TP.HCM đã chủ động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng thử nghiệm nhiều giải pháp công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong việc phòng chống Covid-19.

Ông Hoàng Minh Thắng, Trưởng phòng Marketing của TMA Innovation cho biết thiết bị khai báo y tế và kiểm soát ra vào T-Check của công ty có thể khai báo nhanh chóng, có tính năng nhận diện khuôn mặt hoặc căn cước công dân, kết hợp điểm danh chấm công cho DN.

Giải pháp này còn có khả năng phát hiện người có thân nhiệt hoặc yếu tố dịch tễ bất thường. Theo đó, khi có người đi qua, hệ thống sẽ tự động đo thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang (nếu không đeo khẩu trang); người nào vượt quá 37,5°C, máy sẽ đưa ra cảnh báo. Giải pháp này phù hợp áp dụng tại các tòa nhà, khu vực cần kiểm soát người ra vào, mục đích thay thế người kiểm tra thân nhiệt như hiện nay, nhằm giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

Hệ thống giúp tiết kiệm nhân sự cũng như tránh quá tải và ùn tắc khi khai báo bằng giấy; tích hợp hệ thống kiểm soát thông tin từ xa, dễ dàng truy xuất dữ liệu khi cần, sàng lọc các đối tượng nghi nhiễm theo các nhóm nguy cơ từ thấp đến cao. Hiện nay hệ thống đang được triển khai tại Khu công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, TP.HCM), và UBND tỉnh Bình Định.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần HPT Việt Nam chia sẻ bài toán đặt ra khi Bộ Y tế yêu cầu tất cả các DN phải tiến hành cho người lao động khai báo y tế, thực hiện 5K và đo thân nhiệt. Với những DN nhỏ, việc đo thân nhiệt được thực hiện bằng tay nhưng đối với các DN trên 1.000 thì thế nào? Giải pháp đo thân nhiệt truyền thống (đo bằng tay), người bảo vệ phải đứng ra đo thân nhiệt cho công nhân nên không đảm bảo được yêu cầu 5K do khoảng cách tiếp xúc gần, rủi ro rất cao. Kịch bản đặt ra là chỉ cần 1 công nhân là F0 thì khả năng người bảo vệ đó trở thành F0 rất cao, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong nhà máy. Rõ ràng, việc đo thân nhiệt truyền thống là công việc nguy hiểm cho người bảo vệ và gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong nhà máy rất cao.

Ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại các khu công nghiệp - Ảnh 1.

Giải pháp camera đo thân nhiệt tự động tích hợp AI của HPT Việt Nam

Giải pháp camera đo thân nhiệt tự động tích hợp AI (nhận dạng, điểm danh, đo nhiệt độ...) của HPT Việt Nam thiết kế, chế tạo có nhiều tính năng thiết thực. Giải pháp có thể đo nhiệt độ tự động từ xa (từ 2 - 6m), có khả năng đo cùng lúc đến 30 người (kể cả người đi bộ hoặc xe máy). Giải pháp này có độ chính xác cao (sai số chỉ 0,3 - 0,5°C), loại bỏ trường hợp đo thân nhiệt bằng tay (vừa có nguy cơ lây nhiễm, vừa mất thời gian). Giải pháp đã được triển khai quy mô lớn tại Khu chế xuất Linh Trung 1, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, Tổng Công Ty Sonadezi, các nhà máy chế biến cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP. HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cũng đã nhanh chóng phát triển và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý lao động trên nền GIS. Các DN được yêu cầu tiến hành cập nhật đầy đủ, chính xác danh sách người lao động cùng địa chỉ cư trú, kể cả số lao động thời vụ và lao động ở đơn vị khác (đến công tác, tham gia vận chuyển hàng hóa…) để phòng chống dịch bệnh một cách chủ động và khi xảy ra dịch bệnh thì dễ truy vết. Từ nguồn dữ liệu của người lao động, kết hợp với thông tin các ca F0/F1/F2 và bản đồ dịch tễ của Thành phố, DN có khả năng giám sát được lộ trình của người lao động, từ đó hoạch định tổ chức sản xuất an toàn hơn.

Thực tế việc triển khai ứng dụng các công nghệ trên trong hoạt động sản xuất đã giúp sàng lọc tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và đảm bảo an toàn hơn cho người lao động, mang đến các lợi ích tối đa về quản trị DN và sức khỏe cộng đồng. Các giải pháp rất cụ thể, góp phần giữ vững thành quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà cả nước đã chung tay đạt được trong thời gian qua, đồng thời tái thiết lập cuộc sống "bình thường mới"./.

Bùi Huyền