Cuốn sách tư liệu toàn diện về Cuộc Duy Tân Minh Trị
Truyền thông - Ngày đăng : 11:39, 17/08/2021
Một cuộc cách mạng hiếm thấy trong lịch sử
Nước Nhật thời Minh Trị đã thành công trong sự nghiệp thống nhất quốc tế, nghĩa là đã tự mình kết hợp, kết nối được với thế giới văn minh cơ giới thời ấy. Không phải vì đã "kết hợp" một cách thụ động, mà thật ra, đã kết hợp có "thích ứng về mặt diễn dịch" một cách năng động.
Một nước bên rìa của hệ thống quốc tế nếu muốn gia nhập hệ thống này, nước đó hẳn coi như bị nuốt chửng vào cái trật tự vĩ đại của hệ thống quốc tế đó (ví dụ: "cơ chế thị trường", "chủ nghĩa dân chủ Âu - Mỹ"). Sự việc tựa hồ như quốc gia đó đã phải tự coi mình là lạc hậu, phải tự chối bỏ văn hóa truyền thống hoặc cấu trúc xã hội cũ của mình đi, để được "cải đạo", được "đổi đạo", để được gia nhập vào hệ thống toàn cầu tiến bộ đó. Nếu nhìn vào sự cách biệt rất xa về sức mạnh giữa các quốc gia tiên tiến và các quốc gia lạc hậu thì sự việc vừa kể có thể coi là chuyện đương nhiên phải làm.
Tuy nhiên, tuy bị nuốt chửng, nhưng quốc gia nhược tiểu không nên đương nhiên chấp nhận số phận đó. Du nhập các yếu tố ngoại lai đương nhiên làm cho một quốc gia thay đổi, nhưng phương hướng và tốc độ thay đổi không phải là do người nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế mà chính là do quốc dân và chính phủ quốc gia đó tự quyết định lấy.
Cuốn sách này có tiêu đề là "Cuộc Duy Tân Minh Trị 1858 - 1881 - một cuộc cách mạng hiếm thấy trong lịch sử", chủ yếu đưa ra một mô hình và những luận chứng về mô hình đó để giải thích lịch sử Nhật Bản trong khoảng thời gian 23 năm từ 1858 đến 1881, từ lúc Nhật Bản được đánh thức dậy khỏi giấc ngủ "tỏa quốc" (bế quan, tỏa cảng) triền miên cho đến lúc đã định hướng xong cho sự phát triển trong thể chế quân chủ lập hiến với dự định về san định Hiến pháp và thiết lập Nghị viện.
Cuốn sách này cũng không phải là kể lại lịch sử cuộc Duy Tân Minh Trị theo trình tự thời gian, với những sự kiện, những diễn biến lịch sử của nó. Bởi vì, khoảng thời gian 23 năm, từ 1858 đến 1881, chỉ là khoảng thời gian từ sau khi "đoàn tàu đen" của Mỹ do Đô đốc Perry chỉ huy đến Vịnh Edo, tức là Vịnh Tokyo ngày nay, nã đại pháo thị uy và yêu cầu Nhật Bản "mở nước".
Nghĩa là chấm dứt tình trạng "tỏa quốc", cho đến khi Thiên hoàng Minh Trị, sau khi nắm lại được đại quyền chính trị, đã xuống chiếu, như viết ở trên, coi như đã chuẩn bị xong cho một quá trình "cải cách", "lột xác" để trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến hiện đại.
Một cuộc đại cách mạng như cuộc Duy Tân Minh Trị, một cuộc đổi đời đã xoay một góc 180 độ về cơ chế chính trị, từ thể chế phong kiến lạc hậu "có vua lại có chúa" chuyển sang thể chế "quân chủ lập hiến" dân chủ nhất trong mọi chế độ quân chủ. Về cấu trúc xã hội thì chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp lạc hậu, nghèo nàn, một bước sang xã hội công nghiệp sản xuất đại trà.
Có thể nói, trường hợp Nhật Bản từ một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn với chế độ chính trị phong kiến lạc hậu lỗi thời, đã hầu như chỉ trong "khoảnh khắc ngắn ngủi", nếu so sánh với quãng thời gian mấy ngàn năm của bất cứ một quốc gia nào khác chỉ riêng trong vùng Đông và Đông Nam châu Á này thôi, vươn lên một cách đột xuất thành quốc gia hàng đầu.
Nhật Bản trở thành một nước văn minh, hiện đại, có nền công nghiệp và kỹ thuật hoàn chỉnh, có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, có chế độ chính trị và pháp luật tiến bộ, có nền giáo dục và y tế phổ cập, tất cả đều có thể so sánh với bất cứ một nước nào khác trên thế giới ngày nay, quả là một ví dụ đáng cho các nước đang phát triển, mà Việt Nam cũng là một, muốn học tập làm theo.
Cuốn sách hướng đến nhiều mục đích
Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những lý giải vì sao cuộc Cách Mạng Minh Trị đã có thể xảy một cách "nhanh gọn" để đưa Nhật Bản lên xếp ngang hàng với các cường quốc Âu - Mỹ thời đầu thế kỷ thứ 20.
Trong quá trình này, tác giả đã đưa ra một mô hình gọi là "cấu trúc mềm" để giải thích cho sự "nhanh gọn" đó trong bối cảnh phức tạp mà Nhật Bản lúc đó phải đối mặt, nghĩa là một mặt phải đáp ứng yêu sách của các cường quốc Âu-Mỹ, một mặt vẫn phải giải quyết những mâu thuẫn, những khúc mắc, những bất cập nội tại.
Tác phẩm cũng chứng minh bản chất của cuộc Cách Mạng Minh Trị không phải là một cuộc cải cách có tính "độc tài", "cưỡng chế" , "chuyên quyền", "phi dân chủ" chỉ một mực chú trọng đến "phát triển", có khi phải "hi sinh dân chủ" hoặc "trì hoãn tự do" như đã thấy ở những cuộc cải cách lớn đã hoặc đang còn diễn ra ở các nước/vùng đất Đông Á (Đài Loan, Hàn Quốc) và các nước Đông Nam Á (Inđônêxia, Xingapo, Malêxia, Thái Lan).
Cuốn sách cũng cho người đọc thấy cuộc Cách Mạng Minh Trị đó là "duy nhất trong lịch sử", là "có một không hai", bởi vì không thể nào làm tái hiện được những điều kiện xã hội, lịch sử, chủ quan và khách quan, thậm chí cả điều địa lý đặc thù mà Nhật Bản có được.
Và cuối cùng, như chính các tác giả đã viết, mặc dầu không thể làm "tái hiện" được những điều kiện như Nhật Bản đã có ở thời điểm một thế kỷ rưỡi trước đây đó để có thể "tái diễn" lại một cuộc cách mạng kiểu Cuộc Duy Tân Minh Trị. Nhưng người ta vẫn có thể dùng nó làm một tấm gương phản chiếu những gì còn thiếu sót đối với mỗi trường hợp cá biệt khác để có thể nỗ lực bổ sung.
Hy vọng rằng cuốn sách sẽ là tư liệu hữu ích để độc giả tham khảo và đưa ra nhận định đúng đắn về sự phát triển của một quốc gia còn yếu kém về nhiều mặt, nhưng đang nỗ lực trên đường phát triển để mong sớm được xếp ngang hàng với các quốc gia tiên tiến trên thế giới ngày nay.
Các tác giả cuốn sách Banno Junji và Ohno Ken-ichi, đều là giáo sư đại học. Banno Junji là Giáo sư danh dự Đại học Tokyo về Lịch sử Chính trị. Ohno Ken-ichi là Giáo sư Viện Đại học Nghiên cứu Chính sách (National Graduate Institute for Policy Studies, viết tắt là GRIPS) Tokyo, Nhật Bản.
Tác giả Banno Junji (sinh 1937), năm nay, đã trên 80 tuổi, còn tác giả Ohno Ken-ichi (sinh 1957) hãy còn ở độ tuổi 60. Các tác giả này đã có kinh nghiệm thảo luận với các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới, kể cả Việt Nam. Banno Junji và Ohno Ken-ichi đã từng được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục của Việt Nam ngày 28/11/2011./.