Công nghệ, thương mại điện tử - "Chìa khoá" kinh doanh giữa COVID
E-magazine - Ngày đăng : 11:07, 17/08/2021
Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều biến động đối với mọi quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân. Hàng tỷ người trên thế giới phải học lại cách sống, làm việc, vui chơi và tương tác. Công việc và đời sống cá nhân của con người bắt buộc phải được thực hiện tại nhà. Những động lực này thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ môi trường vật lý sang kỹ thuật số (digital) ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người (kết nối, mua hàng, thanh toán, giải trí…) diễn ra với tốc độ mạnh mẽ chưa từng thấy.
Người tiêu dùng ngày càng đón nhận digital trong mọi nhu cầu thiết yếu hàng ngày, từ việc mua hàng ở tạp hoá, ăn uống cho đến giải trí. Nhiều ý kiến cho thấy họ sẽ tiếp tục thói quen mua sắm trực tuyến sau khi đại dịch kết thúc. Xu hướng này sẽ còn trở nên mạnh mẽ hơn bữa bởi “Silver Tech” – thế hệ đón nhận những lợi ích của digital.
Theo báo cáo US Retail Index của IBM, đại dịch đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ cửa hàng vật lý lên thương mại điện tử nhanh hơn 5 năm, buộc các trung tâm mua sắm phải áp dụng ngay các chiến lược digital thì mới “có cửa” tồn tại. Hiệu ứng của thương mại điện tử cũng thúc đẩy tỷ lệ chấp nhận fintech tăng, ví dụ như các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Australia đã chứng kiến mức sử dụng fintech tăng lên đến 60%. Trong khi từ năm 2015 và 2017, con số này chỉ tăng từ 16% lên 31%.
Vậy khi các quốc gia lên kế hoạch cho “bình thường mới”, các doanh nghiệp nên cân nhắc điều gì để đạt được thành công vào năm 2021?
Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính GDP toàn cầu giảm 5,2% do đại dịch; COVID-19 được dự đoán sẽ khiến 195 triệu người trên thế giới bị mất việc và đẩy nhanh các thay đổi công nghệ để thay thế 85 triệu công việc trong 5 năm tới. Nhiều chính phủ đã cam kết chi khoảng 100 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp và lực lượng lao động vượt qua cơn khủng hoảng này.
Triển vọng ảm đạm này giải thích lý do tại sao các hộ gia đình giảm mua sắm, kéo theo chi tiêu trên tát cả các ngành vào đầu năm 2020 ở mức thấp. Tuy nhiên, khả năng chi tiêu mạnh trên nền tảng thương mại điện tử cho thấy viễn cảnh trái ngược.
Ngày hội Singles Day 11/11/2020 trên Alibaba vừa qua đã mang về hơn 74 tỷ USD, gần gấp đôi mức kỷ lục trước đó của hãng. Số liệu còn thể hiện nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hồi phục để trở lại mức tiêu dùng trước đại dịch. Đặc biệt, khi kỳ nghĩ lễ đến, có lẽ, chi tiêu sẽ còn tăng cao.
Kỷ lục mới do Singles Day tạo ra phần lớn nhờ vào hình thức livestream. Đã có 583.000 đơn hàng được đặt mỗi giây trong ngày 11/11 nhờ livestream. Nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ tiếp tục áp dụng hình thức này, cùng các công nghệ hiện đại như thực tế ảo AR hay robot để bán được nhiều hàng hơn và thu hút sự chú ý của khách hàng.
Thương mại điện tử kết hợp livestream của Trung Quốc đã tạo ra 61 tỷ USD trong năm 2019, và được đạt 136 tỷ USD trong năm 2020, thậm chí sẽ còn tăng nhanh trong năm nay. Những con số đáng kinh ngạc này cho thấy cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực mới này là rất lớn. Hiện có hơn 900 trang livestream đang hoạt động tại quốc gia này.
Giãn cách xã hội – tương lai của con người buộc các thương hiệu phải giới hạn số lượng nhân viên và khách hàng trong cửa hàng. Do vậy, việc livestream để giới thiệu sản phẩm và tương tác với khách hàng sẽ được nhiều thương hiệu tận dụng triệt để.
Việc miễn cưỡng thanh toán tiền mặt sẽ thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt và thanh toán số trở thành phương thức giao dịch yêu thích trên ngoại tuyến lẫn trực tuyến. Trong quý III/2020, PayPal ghi nhận có thêm 15,2 triệu tài khoản mới được kích hoạt – đây là mức cao kỷ lục thứ hai của thương hiệu này về số lượng người dùng, cộng với 1,5 triệu người bán mới tham gia – gấp đôi tỷ lệ thông thường của thương hiệu này trong một quý.
Báo cáo của Salesforce đã cho thấy người tiêu dùng hiện dành 60% quỹ thời gian của họ để tương tác với các công ty trực tuyến, tăng 42% so với thời điểm trước đại dịch. Bằng cách kết hợp mô hình Online to Offline (O2O), thương hiệu sẽ cải thiện được chất lượng dịch vụ, tối ưu trải nghiệm và gia tăng tập khách hàng trung hành. Đối với mô hình O2O, có nhiều kỳ vọng rằng người tiêu dùng cũng sẽ lựa chọn các phương thức đóng vai trò là cầu nối giữa trực tuyến và ngoại tuyến, chẳng hạn như ví điện tử có tích hợp mã QR.
Cùng với xu hướng tăng trưởng của thương mại điện tử, các doanh nghiệp cũng sẽ cần tìm cách tối ưu hoá và bảo vệ lợi nhuận biên. Trung bình, 88% giỏ hàng trên toàn cầu bị bỏ qua vì lý do phổ biến nhất: Quy trình thanh toán phức tạp.
Các doanh nghiệp nếu muốn phát triển mối quan hệ khách hàng trong môi trường cạnh tranh này, thì quy trình thanh toán cần phải đơn giản, nhanh và trực quan hơn với các tuỳ chọn thanh toán liền mạch. Quan trọng nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dùng.
Điểm sáng là ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển lên môi trường trực tuyến của người tiêu dùng. Thế nhưng, thật quan ngại khi nhiều công ty và người tiêu dùng lại đang trở thành con mồi của những trò gian lận trên Internet. Sự tăng trưởng của thương mại điện tử và kỹ thuật số đã thu hút sự chú ý của những kẻ xấu chuyên lợi dụng những lỗ hổng để phục vụ cho mục đích bất chính của mình. Lừa đảo qua email liên quan đến COVID-19 đã tăng 667% chỉ trong tháng 3/2020, và có thể sẽ tiếp tục khi những kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý của người dùng để lấy được thông tin cá nhân và tài chính.
Những lo ngại về bảo mật trực tuyến ngày càng tăng thúc đẩy việc áp dụng ví điện tử sử dụng mã hoá dữ liệu để giữ cho các tài khoản thanh toán an toàn, ngăn chặn gian lận và bảo vệ quyền lợi cho người mua lẫn người bán.
Tại Singapore, Hội nghị Thông tin và Truyền thông do Bộ Truyền thông tổ chức đã chia sẻ một điểm mấu chốt: “Các doanh nghiệp hiện nay đang nắm trong tay nhiều công cụ để chuyển đổi số, tuy nhiên sự thành công lại phụ thuộc vào khả năng tận dụng chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Khi nhìn về tương lai, các doanh nghiệp bắt buộc phải số hoá và đổi mới dựa trên chiến lược tăng trưởng đặt khách hàng làm trọng tâm”.
Sự tăng trưởng của thương mại điện tử, thanh toán số cùng với những thay đổi trong hành vi mua hàng của người tiêu dùng cần được thương hiệu đào sâu hơn nữa nếu họ muốn thành công trong bình thường mới. Trên hết, khi sự phụ thuộc của con người vào công nghệ và thương mại điện tử tăng, thương hiệu cũng nên cảnh giác khi vạch ra những con đường mới để phục hồi kinh tế./.