Bao giờ Việt Nam mới có tỷ phú công nghệ rầm rộ như thế giới?
Kinh tế số - Ngày đăng : 14:33, 16/08/2021
Vào đầu tháng 4/2021, Forbes công bố Việt Nam có 6 tỉ phú đô la nhưng ở mọi lĩnh vực, chứ chưa rầm rộ ở khái niệm chuyên biệt "tỷ phú công nghệ". Vậy lý do đằng sau câu chuyện này thực sự là gì.
Càng phải có thêm nhiều "kì lân công nghệ"- đó là điều kiện cần
Tính tới hiện tại, 2 doanh nghiệp được gọi là "kì lân công nghệ" tại Việt Nam hiện nay là công ty VNG và VNPay – là các doanh nghiệp có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, hoặc sản phẩm và dich vụ họ cung cấp thuộc lĩnh vực công nghệ.
Được biết, VNG là một doanh nghiệp tư nhân chuyên phát triển các dịch vụ trên nền tảng Internet, được thành lập từ năm 2004. Đến năm 2014, đúng 10 năm thành lập, VNG đạt giá trị 1 tỉ USD theo World Startup Report.
Còn VNPay là doanh nghiệp chuyên về thanh toán điện tử, được thành lập năm 2007. Đến tháng 11/2020, VNPay chính thức trở thành "kì lân công nghệ" thứ 2 của Việt Nam theo Báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020. Giá trị doanh nghiệp của VNPay vượt qua ngưỡng 1 tỉ USD sau thương vụ rót vốn mới từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Gần đây, giới truyền thông Việt Nam cũng xôn xao trước thành tựu của startup Sky Mavis của nhà sáng lập, CEO Trung Nguyễn, khi công ty này đã đạt giá trị vốn hóa lên 2,44 tỷ USD chỉ trong 3 năm, một thời gian kỷ lục trong giới công nghệ Châu Á.
Hiện nay, Việt Nam cần có thêm nhiều "kì lân công nghệ" mới ngoài các doanh nghiệp kể trên. Và theo các chuyên gia, đây cũng chính là điều kiện cần để Việt Nam có thêm những tỷ phú mới xuất thân từ lĩnh vực công nghệ. Nhưng phải hiểu rõ một điều, đây mới chỉ là điều kiện cần ban đầu, bởi thực tế có kì lân công nghệ chưa chắc đã có các tỷ phú công nghệ.
Có 2 lý do để giải thích cho quan điểm này. Đầu tiên, doanh nghiệp đạt giá trị tỷ đô song các cá nhân là thành viên sáng lập dù chiếm tỉ lệ cổ phần lớn từ 5% trở lên (gọi là cổ đông lớn) cũng chưa thể giúp họ đạt tới giá trị tài sản 1 tỉ USD. Thứ hai, riêng 2 kì lân công nghệ kỳ cựu tại Việt Nam hiện đều chưa chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán, chính vì thế chưa thể đo lường được giá trị vốn hóa trên sàn niêm yết so với giá trị doanh nghiệp là bao nhiêu.
Cần thêm yếu tố lên sàn niêm yết chính thức, tạo thêm cơ hội cho giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp kì lân tăng mạnh
Trong một bài viết trên mạng xã hội, tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho rằng: "Khả năng cao là trong vòng một thập niên tới sẽ xuất hiện các "kì lân" của Việt Nam và các tỷ phú của thế hệ tiếp theo sẽ là trong lĩnh vực công nghệ" khi ông đề cập tới làn sóng trở về Việt Nam của các tài năng và lao động có kĩ năng chất lượng cao người Việt. Trong vòng 6 năm (2014-2020), Việt Nam có thêm một "kì lân công nghệ". Vậy thì trong vòng một thập niên tới là 10 năm, cũng có thể xuất hiện thêm một số kì lân công nghệ khác nữa.
Tuy nhiên, một điều dễ thấy rằng, nếu các kì lân công nghệ Việt Nam với giá trị doanh nghiệp chỉ dao động từ 1-2 tỉ USD thì sẽ rất khó xuất hiện các tỉ phú công nghệ thế hệ mới tại Việt Nam. Bởi tỉ lệ cổ phiếu mà các cá nhân thành viên sáng lập nắm giữ thường không thể quá lớn – hơn 30%, chứ chưa nói là chiếm tới hơn 50%.
Một khi đã có doanh nghiệp "kì lân công nghệ" rồi, nhưng cũng cần thêm yếu tố kích thích là lên sàn niêm yết chính thức, điều đó sẽ tạo thêm cơ hội cho giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp kì lân gia tăng giá mạnh trên thị trường. Điều này có thể thấy rất rõ qua các kì lân công nghệ của Trung Quốc như Alibaba, Tencent…, các ông lớn công nghệ của Mỹ như Facebook, Amazon, Google…
Điển hình là Facebook, vào quí I/2016 giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt khoảng 350 tỉ USD. Đến thời điểm ngày 10/4/2021, sau khoảng 5 năm, giá trị vốn hóa trên sàn chứng khoán của Facebook đạt xấp xỉ 890 tỉ USD.
Trong khi đó, VNG đạt ngưỡng trạng thái kì lân công nghệ năm 2014. Đến năm 2020, sau 6 năm, giá trị doanh nghiệp này được xác định từ 1,5-1,6 tỉ USD, độ nở khoảng 50% như vậy là khá khiêm tốn.
Đổi mới công nghệ là yếu tố nền
Đổi mới là kỹ thuật tốt trong việc xem xét thị trường công nghệ chủ đạo hiện tại. Những nhà đổi mới công nghệ thành công sẽ xác định nhu cầu thực sự đằng sau nhu cầu của khách hàng và sẽ đáp ứng cho khách hàng bằng một sản phẩm công nghệ thông minh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn, hoặc với một dịch vụ cung cấp nhiều hơn các đối thủ cạnh tranh.
Những người khác có thể phát triển một doanh nghiệp hoạt động theo một cách vừa đủ khác biệt để nổi bật so với phần còn lại. Như vậy, đổi mới cũng là một trong những yếu tố nền quan trọng để giới tỷ phú công nghệ Việt dễ dàng lộ diện hơn.