Giải pháp tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP an toàn trong mùa dịch
Kinh tế số - Ngày đăng : 20:51, 15/08/2021
Kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng qua nền tảng công nghệ 4.0
Cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn, mới đây, thành phố Hà Nội tiếp tục dừng hoạt động một số chợ đầu mối, chợ dân sinh và siêu thị đã khiến việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản, thực phẩm gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, các đơn vị kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP hiện nay vẫn đang lúng túng trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa kịp thời tiếp cận nguồn cung sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng, giá hợp lý và phòng chống dịch an toàn. Để tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn thì việc bán hàng qua các trang thương mại điện tử, bán hàng online và livestream trên mạng xã hội được xem là giải pháp an toàn, hiệu quả cho cả người bán và người mua.
Là hệ thống cung cấp thực phẩm online trên nền tảng công nghệ 4.0 kết nối trực tiếp từ người tiêu dùng đến nhà sản xuất dựa trên tiêu chí minh bạch, đảm bảo chất lượng và tuyệt đối an toàn, anh Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc điều hành Công ty CP Ubofood Việt Nam cho biết: Sản phẩm chủ đạo của Ubofood là thực phẩm đặc sản vùng miền; Thực phẩm tươi sống như thịt lợn sinh học, thịt gà, thịt bò, rau củ quả, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng gia cầm, gạo và thực phẩm khô…
Tất cả được thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào, giống vật nuôi, thức ăn, cơ sở vật chất đến khâu giết mổ, chế biến dưới sự giám sát của các đơn vị chức năng. Vì thế, thực phẩm luôn tươi ngon và có giấy kiểm định nguồn gốc trước khi giao hàng.
“Kinh doanh online là xu thế tất yếu với nhiều lợi thế và tính ưu việt, mặc dù đối với thực phẩm là điều vô cùng khó khăn bởi thói quen mua bán truyền thống tại chợ của người dân và đặc thù của nhóm hàng hóa nông sản thực phẩm khó bảo quản. Với kinh nghiệm 15 năm kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm an toàn, công ty đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các khâu trong quá trình vận hành: Như liên kết vùng sản xuất; Kho hàng tập kết trung chuyển; Điểm sơ chế đóng gói đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; Hệ thống giao vận để phục vụ khách hàng và đội ngũ nhân viên trẻ trung giàu nhiệt huyết...
Với những chuẩn bị đó, chúng tôi sẵn sàng cung ứng thực phẩm tốt nhất cho Nhân dân trong thời gian giãn cách xã hội mặc dù lượng tiêu thụ hàng hóa gấp 10 lần so với những tháng trước đó”, anh Thạch chia sẻ.
Anh Thạch cũng tiết lộ thêm, trong một tháng trở lại đây nhu cầu mua thực phẩm qua hình thức online tăng cao. Chính vì vậy, khách hàng tự tải App và đặt hàng tăng nhanh gấp 10 - 15 lần, doanh thu tăng khoảng 10 lần so với những tháng trước đó.
“Đội ngũ nhân viên của công ty làm với công suất trên 200%, mặc dù rất vất vả song niềm vui được nhân lên gấp bội lần. Chúng tôi cảm thấy nền tảng online Ubofood mà công ty xây dựng trong rất nhiều năm đã phát huy được giá trị cho cộng đồng. Điều đó đã giúp cung ứng phong phú nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng với giá bình ổn. Người dân "đi chợ online" dễ dàng mọi lúc mọi nơi, không tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc góp phần phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, nền tảng này hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay”, anh Thạch nhấn mạnh.
Hiện Ubofood cũng đã có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị sản xuất sản phẩm của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố như: Thịt lợn sinh học của HTX Hoàng Long sản phẩm 4 sao; Sản phẩm mỳ miến OCOP 4 sao của Công ty Thực phẩm minh Dương; Sản phẩm trà xạ đen của Công ty CP MDQueen...
Nhân rộng các mô hình kinh doanh online trong mùa dịch
Trước những ưu việt của phương án kinh doanh online, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các quận, huyện trên địa bàn, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chủ thể OCOP tăng cường kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hình thức bán hàng online, livestream.
Đồng thời, các đơn vị kinh doanh phải bố trí đội ngũ shipper chuyên nghiệp thực hiện công tác vận chuyển hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng với yêu cầu nghiêm ngặt, tuân thủ chặt chẽ những quy định phòng chống dịch. Các công ty sản xuất, kinh doanh online phải gửi danh sách nhân viên giao hàng lên Sở Công thương để Sở gửi Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động giao hàng và cấp mã QR Code luồng xanh cho ô tô chở hàng. Toàn bộ đội ngũ shipper phải được tiêm phòng vắc xin Covid-19 đầy đủ, 3 ngày được test nhanh một lần.
Cùng với đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần phải có sự liên kết chặt chẽ, đảm bảo đủ nguồn cung nông sản thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm OCOP để tạo lòng tin đối với khách hàng, người tiêu dùng.
Các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm cũng cần tuyên truyền, lan tỏa thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là trên các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook và fanpage, App Store, Google play, Zalo... để người tiêu dùng Thủ đô nắm bắt thông tin.
Đặc biệt để giúp các nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN và Công xưởng 1102 phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố hỗ trợ các lớp tập huấn trực tuyến miễn phí chương trình học bán hàng online, livestream bán hàng nông sản thực phẩm an toàn và sản phẩm OCOP với thời gian 3 buổi/khóa học.
Có thể thấy rằng, kinh doanh online, bán hàng qua hình thức livestream trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang là xu thế phát triển đúng hướng của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Mở rộng kênh phân phối, áp dụng khoa học công nghệ 4.0 giúp tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân.