Người cần giúp đỡ và nhà hảo tâm đã có thể tìm thấy nhau bằng ứng dụng

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 20:58, 12/08/2021

Đây là một trong những nền tảng công nghệ quan trọng đang được triển khai nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng.

Nền tảng giúp người dân tương trợ nhau trong đại dịch  

Zalo Connect là một trong nhiều nền tảng công nghệ chống dịch đang được quản lý bởi Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia.

Nền tảng này hiện được tích hợp như một tính năng trên ứng dụng Zalo. Người dùng có thể truy cập tính năng này ngay phần đầu trang Nhật ký Zalo. Tùy theo nhu cầu của mình, họ có thể chọn vào phần “Tôi cần giúp đỡ” hoặc “Tôi muốn giúp đỡ”.

Người cần giúp đỡ và nhà hảo tâm đã có thể tìm thấy nhau bằng ứng dụng - Ảnh 1.

Nền tảng hỗ trợ người khó khăn Zalo Connect. Ảnh: Trọng Đạt

Chức năng chính của Zalo Connect là giúp người dân dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp từ cộng đồng về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm hoặc kết nối nhanh với các bác sĩ, chuyên gia y khoa để được tư vấn y tế từ xa.

Ở chiều ngược lại, nền tảng Zalo Connect cũng kết nối các cá nhân, tổ chức thiện nguyện để nhanh chóng phát hiện những trường hợp đang gặp khó khăn gần khu vực sinh sống. Điều này giúp cộng đồng có thể tương trợ lẫn nhau một cách kịp thời trong dịch bệnh mà vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ thị giãn cách.

Với những người đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng, nền tảng này đã tạo sẵn biểu mẫu các hạng mục cần thiết như lương thực (gạo, trứng, thịt cá, rau củ, bánh mì...), nhu yếu phẩm (giấy vệ sinh, bột giặt...), vật dụng y tế (thuốc, cồn, dung dịch kháng khuẩn...) và tư vấn y khoa (tư vấn bệnh từ xa). Người dân chỉ cần chọn hạng mục và điền thêm họ tên, số điện thoại, địa chỉ để cộng đồng liên hệ.

Người cần giúp đỡ và nhà hảo tâm đã có thể tìm thấy nhau bằng ứng dụng - Ảnh 2.

Khi phát đi yêu cầu cứu trợ, thông tin sẽ được chia sẻ và cập nhật trên hệ thống bản đồ để nhận được giúp đỡ từ cộng đồng. Người dân xung quanh khu vực sinh sống của người cần trợ giúp hoặc các tổ chức, nhóm thiện nguyện có thể thấy được thông điệp “cần giúp đỡ” này và tương trợ.

Cá nhân, tổ chức thiện nguyện muốn giúp đỡ người gặp khó khăn có thể vào mục “Tôi muốn giúp đỡ”. Nền tảng sẽ trả về danh sách hoặc bản đồ những trường hợp cần trợ giúp quanh đó với đầy đủ thông tin cá nhân, địa chỉ và tình trạng.

Các tỉnh, thành phố giãn cách đều có thể sử dụng nền tảng cứu trợ

Theo Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, sau khoảng 1 tuần triển khai, tính năng Zalo Connect đã thu hút hơn 98.000 lượt kêu gọi giúp đỡ, với hơn 130.000 yêu cầu. Đây là công cụ hỗ trợ người dân dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp từ cộng đồng.

Trao đổi với đơn vị phát triển, ông Đoàn Quốc Anh (Project Manage Zalo) - Trưởng dự án Zalo Connect cho biết, nhu cầu cần được hỗ trợ, giúp đỡ của người dân khá đa dạng.

Người cần giúp đỡ và nhà hảo tâm đã có thể tìm thấy nhau bằng ứng dụng - Ảnh 3.

Phần lớn yêu cầu trợ giúp trong mùa dịch Covid-19 liên quan đến vấn đề lương thực.

Theo thống kê của đơn vị, có đến 93% yêu cầu hỗ trợ của người dân thời gian qua liên quan đến vấn đề lương thực. Ngoài ra, 24% số yêu cầu đề cập tới nhu yếu phẩm, 8% cần thuốc men và 7% cần bác sĩ tư vấn về sức khỏe.

Ở thời gian đầu, Zalo Connect mới chỉ triển khai tại TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương. Tuy vậy, đến nay đã có thêm một địa phương nữa là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ông Quốc Anh, dự án đang có kế hoạch mở tính năng Zalo Connect cho các tỉnh, thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Dự kiến, khoảng từ 1-2 ngày tới, tính năng này sẽ được mở để phục vụ người dân tại thành phố Hà Nội.

Người cần giúp đỡ và nhà hảo tâm đã có thể tìm thấy nhau bằng ứng dụng - Ảnh 4.

Trong trường hợp gặp khó khăn, người dân có thể tìm đến Zalo Connect trên ứng dụng Zalo để yêu cầu cứu trợ. Các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện cũng có thể thông qua nền tảng này để trợ giúp những người cần giúp đỡ. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ với VietNamNet, ông Đoàn Quốc Anh cho biết, thời gian tới Zalo Connect sẽ bổ sung thêm nhiều tính năng khác để hỗ trợ người dân tốt hơn.

Cụ thể, nhóm dự án sẽ phát triển thêm cơ chế để các cá nhân, tổ chức thiện nguyện cập nhật thông tin về các trường hợp mình đã giúp đỡ để phân bổ nguồn lực xã hội sao cho hợp lý.

Bên cạnh đó, với việc tư vấn khám bệnh từ xa, người dân cũng sẽ được hướng dẫn cách cung cấp thông tin đầy đủ để bác sĩ có thể nắm rõ tình trạng bệnh và đưa ra tư vấn từ xa hiệu quả. Điều này sẽ có ý nghĩa trong việc giúp giảm tải cho các bác sĩ, chuyên gia y tế cũng như giúp người dân có thể nhận được sự hỗ trợ một cách tốt nhất.

Đơn vị phát triển nền tảng cũng đang hoàn thiện tính năng nhằm giúp các bác sĩ nhanh chóng xác định các trường hợp cần ưu tiên và chủ động tương tác với bệnh nhân./.

Trọng Đạt