Hướng đi nào cho startup: Tăng trưởng nóng hay bền vững?
Diễn đàn - Ngày đăng : 17:58, 11/08/2021
Đại dịch Covid-19 khiến số lượng doanh nghiệp (DN) đóng cửa tăng mạnh. Cùng với đó, cũng ít DN mới được thành lập hơn. Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm nay, có 59,8 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Đây không chỉ là thực trạng ở Việt Nam mà là tình cảnh chung trên cả thế giới.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà hệ sinh thái khởi nghiệp hạ nhiệt. Ngược lại, thị trường khởi nghiệp Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Theo báo cáo quý 1 được Nextrans - Quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Hàn Quốc công bố, trong 3 tháng đầu năm 2021 ghi nhận có 16 thương vụ đầu tư vào các startup Việt Nam với tổng giá trị các khoản đầu tư đạt khoảng 150 triệu USD, tăng 50% so với mức 100 triệu USD trong quý 1/2020.
Một tín hiệu khả quan cho thấy thống kê những tháng đầu năm nay số lượng DN thành lập mới với số vốn đăng ký lớn tăng mạnh, cụ thể: số DN có vốn đăng ký 10 - 20 tỷ đồng tăng gần 25%; DN có vốn đăng ký 20 - 50 tỷ đồng tăng 16,7%; DN có vốn đăng ký 50 - 100 tỷ đồng tăng 36,7% và DN có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng tăng 52,9%.
Sự gia tăng về số lượng các DN có số vốn đăng ký lớn cho thấy niềm tin của cộng đồng khởi nghiệp đang được dần dần cải thiện, điều này có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hoạt động của các DN Việt Nam hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, với các DN vừa khởi sự, bài toán đặt ra là lựa chọn con đường nào để tăng trưởng: một bên là phát triển bùng nổ để nhanh chóng nắm bắt cơ hội, một bên là đi theo con đường dài để đảm bảo phát triển bền vững. Nội dung này đã được thảo luận sôi nổi tại hội thảo video trực tuyến (webinar) với chủ đề "Hướng đi nào cho startup: Tăng trưởng nóng hay bền vững", một sự kiện bên lề cuộc thi "Viet Solutions 2021", được tổ chức sáng 11/8 nhằm tìm ra lối đi cho các DN khởi nghiệp trong bối cảnh đại dịch.
Các diễn giả tham dự sự kiện gồm ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom - Trưởng Ban tổ chức Viet Solutions 2021; ông Bùi Thành Đô, Founding Partner và CEO của ThinkZone Ventures; ông Nguyễn Minh Đức, founder của CyRadar, giải 3 Viet Solutions 2020. Điều phối chương trình là ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm CEO của Le Group of Company.
Tăng trưởng nóng hay bền vững: Hướng đi nào cho startup
Theo ông Lê Quốc Vinh bất cứ một chủ DN nào khi khởi sự kinh doanh đều tự hỏi xây dựng để bán (Built to Sell) hay xây dựng để trường tồn (Built to Last), và các thế hệ trước đều nghĩ rằng khởi nghiệp để xây dựng một tương lai, một sản phẩm và có thể sống với nó, thậm chí chết với nó trong một giai đoạn dài.
Tuy nhiên đến nay, đối với các thế hệ tiếp theo, đặc biệt là trong giới startup về công nghệ, điều này đã có nhiều thay đổi, mục tiêu được xác định theo một phương thức khác như gọi vốn rất nhanh, thậm chí là "đốt tiền" để đổi lấy tăng trưởng nóng. Vậy có phải tăng trưởng nóng là xu hướng đang thịnh hành của hiện nay của các DN khởi nghiệp?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Thành Đô cho biết hiện nay làn sóng đầu tư đã thay đổi và các bạn founder cũng thay đổi rất nhiều. Trong 3 năm gần đây, các startup tập trung nhiều hơn vào các công nghệ cốt lõi, giá trị cốt lõi của DN. Theo ông Đô, thực ra, một founder chấp nhận cuộc chơi thực sự của một startup thì họ luôn vẫn phải chọn một mô hình có mức tăng trưởng nhanh bởi vì các quỹ đầu tư thường nhắm vào các startup có tiềm năng tăng trưởng nhanh để có cơ hội thu hồi vốn. Tuy nhiên, các startup tăng trưởng nhanh nếu có công nghệ và giá trị cốt lõi thì sau đó họ sẽ tập trung nghiên cứu vào các vấn đề cốt lõi nên hoàn toàn có thể tăng trưởng bền vững. Vì vậy, các startup hoàn toàn có thể thực hiện hai việc này song song.
Còn theo ông Nguyễn Minh Đức, nếu kết hợp được tăng trưởng nóng trong những giai đoạn nhất định và tăng trưởng bền vững trong dài hạn là tốt nhất. Với CyberRadar, kịch bản tăng trưởng bây giờ đã có nhiều thay đổi so với ban đầu. Với đặc thù là hoạt động trong lĩnh vực ATTT, một lĩnh vực hẹp, ngay từ đầu CyberRadar đã định hướng là sẽ ứng dụng các công nghệ mới để giải quyết các bài toán cũ.
Thực tế cho thấy các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi và phức tạp nên việc phát hiện tấn công sẽ rất khó và thậm chí là luôn đi sau những kẻ tấn công. Vì vậy CyberRadar đã ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo công, phân tích dữ liệu lớn và học máy (Machine Learning) để phát hiện tấn công. Theo ông Đức, tại Việt Nam không có nhiều công ty phát triển các sản phẩm và dịch vụ ATTT, nên CyberRadar lựa chọn con đường ưu tiên phát triển bền vững. Ông Đức cho biết để tăng trưởng bền vững các startup cần phải tìm ra thế mạnh của mình và tập trung phát triển.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, cho biết mô hình đốt tiền để tăng trưởng nóng (Burn cash to scale up) không còn phù hợp và thể hiện sự yếu thế trong bối cảnh thị trường chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Khi thị trường biến động, các nhà đầu tư có xu thế thận trọng hơn khi đầu tư mạo hiểm, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới các startup tăng trưởng nhanh gặp thất bại do thiếu nguồn vốn. Theo ông Thanh, ở Việt Nam, lựa chọn hướng đi ngách an toàn sẽ phù hợp hơn với các startup.
Chia sẻ thêm về một số yếu tố dẫn tới thất bại của các startup, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết các DN này thường dựa vào một dòng sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định, sau đó đưa ra chiết khấu và khuyến mại lớn, tức là bỏ tiền để thu hút khách hàng nhằm tạo lập một tập khách hàng. Khi phát triển lượng khách hàng tới mức ngưỡng thì sẽ phát triển các dịch vụ phái sinh nhằm gia tăng giá trị trên mỗi khách hàng. Tuy nhiên, do không tính toán chính xác thì chưa đạt tới điểm ngưỡng này DN đã hụt hơi và chết.
Khởi nghiệp và xây dựng lộ trình phát triển
Sự thay đổi hành vi khách hàng trong giai đoạn đại dịch đã dẫn tới nhiều rủi ro nhưng đấy cũng chính là cơ hội tốt, nếu DN thích ứng nhanh. Thực tế, nhiều DN "đang làm ăn yên ổn" thì trở nên lao đao vì đại dịch. Tuy nhiên, không thể phủ nhận có những startup lại tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ đằng sau nó phù hợp với những thay đổi mà đại dịch gây ra với thói quen người dùng.
Chính vì vậy, các founder cần phải xác định được giá trị cốt lõi của mình cũng như lựa chọn được những công nghệ phù hợp được với xu thế trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, nhiều startup có ý tưởng hay nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế về nhận biết nhu cầu khách hàng cũng như kết nối với thị trường. Do đó, startup cần xác định giá trị cốt lõi của mình và tập trung nguồn lực vào đó, làm cho nó trở nên khác biệt, vượt trội hơn so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình này, DN thiếu gì hoặc gặp khó khăn gì thì cần hợp tác với các DN lớn, hay gọi vốn từ các quỹ đầu tư để khắc phục "điểm yếu", hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường nhanh nhất.
Ông Bùi Thành Đô, CEO của ThinkZone Ventures cho biết thêm hệ sinh thái khởi nghiệp bây giờ rất khác biệt so với trước đây với hàng trăm quỹ đầu tư. Vì vậy các startup có nhiều cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư thông qua các cuộc thi, fangape,... từ đó tìm kiếm thông tin về quỹ đầu tư và cách thức gọi vốn ở thị trường Việt Nam. Việc lựa chọn, chọn lọc đầu tư như thế nào phụ thuộc vào chiến lược và khẩu vị của từng nhà đầu tư.
"Các DN khởi nghiệp để tăng trưởng nóng nên đi vào cái gì có sẵn giống như việc đã có cao tốc rồi họ chỉ cần tích hợp vào thôi, một khi đã có chính sách chỉ cần đi đúng đường, đúng làn... nên tư duy như vậy và tập trung vào giá trị cốt lõi, thiết kế cuộc chơi linh hoạt để đi được tới nhiều đối tác nhanh hơn và bền vững", ông Đô nhấn mạnh./.