Thị trường thương mại số Đông Nam Á chứng kiến sự lên ngôi của "shoppertainment"

Kinh tế số - Ngày đăng : 14:16, 10/08/2021

Trong một môi trường bão hòa cao hiện nay, sự cạnh tranh giữa những nhà bán hàng trực tuyến không còn đơn thuần là cuộc chiến giá cả mà đã phát triển thêm một chiều hướng khác, trong đó công nghệ thúc đẩy sự tham gia của khách hàng và đóng vai trò là yếu tố khác biệt đối với nhiều nhà bán hàng.

Mới đây, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu Đông Nam Á Lazada đã công bố các kết quả từ Chỉ số Niềm tin về ngành thương mại kỹ thuật số, được thực hiện hai năm một lần. Theo đó, trong nửa đầu năm 2021, Chỉ số Niềm tin đã khảo sát 750 nhà bán hàng tại 6 thị trường tại Đông Nam Á (Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Singapore).

Báo cáo tiết lộ 52% số nhà bán hàng có mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2021, với 70% số nhà bán hàng dự kiến tăng trưởng hơn 10% trong quý 3/2021. Trong số 70% này, khoảng 1/3 (33%) nhà bán hàng được khảo sát tự tin rằng doanh số bán hàng của họ sẽ tăng hơn 30% so với cùng kì năm ngoái. Theo báo cáo, Chỉ số tổng thể cho thấy số điểm "lạc quan" đạt được là 64, với mức điểm 0 là "rất bi quan" và mức điểm 100 là "rất lạc quan".

Như vậy, bất chấp những bất ổn của đại dịch Covid-19, trong nửa đầu năm 2021, lĩnh vực TMĐT tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ và những nhà bán hàng trực tuyến cũng thể hiện sự lạc quan nhất định về mức tăng trưởng trong tương lai.

Theo Lazada, động lực chính dẫn đến tâm lý tích cực của nhà bán hàng có thể là do sự thay đổi đáng kể trong thói quen tiêu dùng của người dùng tại khu vực Đông Nam Á với sự đa dạng hóa hơn giữa cách thức mua hàng trực tuyến và trực tiếp.

Với 47% người tiêu dùng giảm mua hàng trực tiếp và 30% số người tăng chi tiêu cho việc mua hàng trực tuyến vào năm 2020, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình mở rộng thương mại số và biến nó trở thành một mặt trận chủ chốt cho những nhà bán muốn mở rộng quy mô kinh doanh của họ.

Tận dụng công nghệ để thúc đẩy doanh số bán hàng hơn nữa

Các xu hướng gần đây cho thấy người mua sắm trực tuyến thích "shoppertainment" (mua sắm kết hợp giải trí). Cùng với các chương trình khuyến mại hấp dẫn, các sàn TMĐT cũng không ngừng "chạy đua" để tối ưu công nghệ, đa dạng hóa hình thức giải trí tích hợp trên ứng dụng mua sắm, từ đó tăng tỷ lệ hiện diện trực tuyến của các thương hiệu, nhà bán, đồng thời kích thích hành vi mua hàng.

Dưới tác động của Covid-19, khi người dùng hạn chế di chuyển và phải trì hoãn nhiều kế hoạch thì mua sắm đã trở thành hoạt động giải trí tại nhà. Theo kết quả khảo sát của TikTok, cứ 3 người thì có 1 người nói rằng họ muốn mua sắm và việc mua sắm khiến họ cảm thấy vui vẻ.

Ng Chew Wee, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh TikTok, khu vực Đông Nam Á chia sẻ: "Năm nay, chúng ta đang chứng kiến sự lên ngôi của shoppertainment - một sự kết hợp giữa sáng tạo nội dung và TMĐT. Với shoppertainment, nhu cầu của người dùng không chỉ dừng lại ở việc mua hàng mà họ muốn được giải trí khi đi mua sắm. Thay vì người tiêu dùng chủ động tìm kiếm sản phẩm phù hợp nhu cầu như trước, giờ đây, các sản phẩm này sẽ tự tìm đến người tiêu dùng".

Với người tiêu dùng, shoppertainment không chỉ cung cấp thông tin mua sắm bổ ích mà còn mang lại cảm giác sống động, hào hứng khi mua hàng. Còn với doanh nghiệp, shoppertainment mang đến cơ hội xây dựng thương hiệu, tương tác với người dùng và tăng trưởng kinh doanh.

Theo techwireasia, Hakim Mehmood, phụ trách mảng video và thoại tại công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ truyền thông đám mây Twilio, cho biết: "Sự gia tăng của trải nghiệm ảo và sự phổ biến của các nền tảng như Clubhouse và TikTok đã báo hiệu rằng kênh truyền thông lớn tiếp theo để thu hút khách hàng là phát trực tiếp video (livestream) và âm thanh (audio)".

Mới đây, Twilio đã công bố một bộ API mới cho phép công nghệ phát trực tiếp có thể nhúng thoại và video, nhằm cung cấp trải nghiệm thoại và video tương tác dựa trên đám mây trong thời gian thực và trên quy mô lớn.

"Twilio Live cung cấp độ trễ thấp trên quy mô lớn và sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng đáng tin cậy và an toàn của Twilio, kết hợp với trải nghiệm tốt nhất dành cho nhà phát triển đẳng cấp. Các doanh nghiệp trong nhiều ngành, từ bán lẻ, giáo dục đến trò chơi và giải trí, có thể xây dựng trải nghiệm phát trực tiếp độc nhất cho thương hiệu của họ", công ty này cho hay.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nhận định của Lazada. Theo Raj, đối tác của Redseer, hình thức bán hàng qua livestream là một động lực lớn đối với nhiều nhà bán hàng vì cách thức này tạo ra một môi trường tương tác để người tiêu dùng mua sắm.

Trong khi đó, TikTok đã tạo ra các trải nghiệm mua sắm sáng tạo và thú vị. Thông qua một loạt tính năng tiếp thị như Branded Effect, Hashtag Challenge và TikTok LIVE, kết hợp cùng định dạng nội dung video ngắn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận và tác động lên quyết định của người mua hàng. Theo nghiên cứu khoa học tiếp thị tính chân thực của các nền tảng trên toàn cầu được thực hiện bởi Nielsen vào tháng 4/2021, 91% người dùng nhận thấy nội dung trên TikTok độc đáo và khác biệt so với các đối thủ trên thị trường.

Rõ ràng, trong một môi trường bão hòa cao hiện nay, sự cạnh tranh giữa những nhà bán hàng trực tuyến không còn xảy ra trên khuôn khổ đơn thuần là cuộc chiến giá cả nữa mà đã phát triển thêm một chiều hướng bổ sung khác, trong đó công nghệ thúc đẩy sự tham gia của khách hàng và đóng vai trò là yếu tố khác biệt đối với nhiều nhà bán hàng.

Bên cạnh các phương pháp tương tác, những người tham gia khảo sát của Lazada cũng chia sẻ rằng yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh là khả năng khai thác thông tin chi tiết về dữ liệu. Ngoài ra, việc phát triển một dịch vụ độc đáo và khác biệt sẽ thúc đẩy nhiều lưu lượng người dùng hơn./.

TH