Bắt tay TPBank ra mắt Ví trả sau, MoMo tham vọng "bình dân hoá" dịch vụ tài chính

Kinh tế số - Ngày đăng : 14:01, 10/08/2021

"Dùng trước - trả sau" đang là một xu hướng tiêu dùng nổi bật trong vài năm trở lại đây tại các nước và phát triển bởi các công ty fintech. Với vai trò dẫn dắt xu hướng này tại Việt Nam, MoMo là fintech tiên phong phối hợp cùng ngân hàng TPBank cho ra mắt sản phẩm Ví trả sau.

Xu hướng chi tiêu, thanh toán mới

"Dùng trước - trả sau" trong vài năm gần đây đang trở thành xu hướng tiêu dùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên thực tế hình thức này đã xuất hiện rất lâu đời, khi các tiệm tạp hóa, các cửa hàng quen biết,... vẫn dễ dàng cho khách quen "nợ" và thanh toán một lần hoặc nhiều lần mỗi tháng. Với sự tham gia của các ứng dụng fintech, hình thức "Dùng trước - Trả sau" đang trở nên đơn giản, tiện lợi và được mở rộng quy mô hơn rất nhiều so với các hình thức truyền thống.

Hãng nghiên cứu Coherent Market Insights dự đoán thị trường các ứng dụng "dùng trước - trả sau" sẽ tăng trưởng hơn 21% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2027. Thị trường bán lẻ có xu hướng dịch chuyển sang các hình thức mua bán trực tuyến cũng góp phần thúc đẩy các giải pháp "dùng trước - trả sau" tăng trưởng nhanh hơn nữa. Với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính tương đối trẻ và năng động, cùng cấu trúc dân số trẻ, yêu công nghệ, dễ thích ứng, không ngại thử công nghệ mới, châu Á là một trong những thị trường tiềm năng nhất của xu hướng này.

"Dùng trước - trả sau" cũng cho thấy một xu hướng mới trong tiêu dùng khi người trẻ hầu như không phải né tránh các khoản nợ cá nhân, mà dùng nó như một giải pháp tài chính tích cực. Không mất phí nếu thanh toán đúng hạn, các khoản nợ cá nhân còn trực tiếp giúp người dùng có được lịch sử tín dụng đáng tin cậy - cực kỳ cần thiết khi các tổ chức tín dụng xét duyệt các khoản vay lớn trong tương lai.

Bắt tay TPBank ra mắt Ví trả sau, MoMo tham vọng

Sau mốc 25 triệu người dùng, Ví MoMo đang thực hiện tham vọng "bình dân hóa" các dịch vụ tài chính.

Giải pháp tài chính dành cho mọi người

Theo đại diện MoMo, Covid-19 và những biến cố kinh tế, xã hội gần đây cho thấy "dùng trước - trả sau" là nhu cầu ngày càng cấp thiết của những người có thu nhập thấp, không ổn định. Trong khi đó cũng là nhóm người bị cản trở nhiều nhất khi tiếp cận các dịch vụ tài chính nói chung, dịch vụ "dùng trước - trả sau" nói riêng do thu nhập không ổn định, khó chứng minh tài chính (thu nhập chia từng khoản nhỏ, bằng tiền mặt…), khó hiểu các thuật ngữ tài chính phức tạp.

Sử dụng Ví trả sau, người dùng MoMo thanh toán được hàng trăm dịch vụ trên MoMo, đó là những dịch vụ thiết yếu hàng ngày như: nạp tiền/mua mã thẻ điện thoại, ăn uống tại nhà hàng/thức ăn nhanh/cà phê, thanh toán tất cả hoá đơn điện/nước/internet/điện thoại trả sau...

Chia sẻ về sản phẩm, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT, đồng sáng lập Ví MoMo cho biết, việc ra mắt sản phẩm Ví trả sau hợp tác với TPBank, Ví MoMo một lần nữa khẳng định sứ mệnh "bình dân hóa" các dịch vụ tài chính nói chung, dịch vụ "dùng trước - trả sau" nói riêng. Với Ví trả sau, mọi người đều dễ dàng tìm thấy giải pháp tài chính thông minh, hiện đại ngay trên ứng dụng, có thể bớt gánh nặng lo âu trong mùa dịch. MoMo không ngừng mở rộng mạng lưới các sản phẩm, dịch vụ có thể thanh toán bằng Ví trả sau đồng thời tăng hạn mức nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

"MoMo luôn đặt trải nghiệm người dùng là mục tiêu cuối cùng trong mọi nỗ lực cải tiến sản phẩm. Hợp tác với MoMo, các tổ chức tài chính có thể dễ dàng tiếp cận lượng khách hàng đông đảo, đa dạng, trong khi vẫn tập trung nguồn lực vào việc phát triển sản phẩm. Mọi nhu cầu về tài chính của người dùng đều được giải quyết chỉ với vài cú chạm", ông Diệp bổ sung.

Ví trả sau MoMo là sản phẩm TPBank và MoMo tiên phong cung cấp cho thị trường Việt Nam. Ví trả sau hiện có 3 hạn mức 1 triệu, 3 triệu và 5 triệu. Với mỗi hạn mức, hạn thanh toán sẽ tương ứng ngày 5, ngày 10, ngày 15 của tháng liền kề. Lãi phạt của Ví trả sau MoMo được tính dựa trên số tiền vay thực tế và số ngày trả chậm, hoàn toàn minh bạch và dễ hiểu, dễ tính toán, không có hiện tượng "lãi mẹ đẻ lãi con"./.

PV