Bình Phước: Chuyển đổi số bằng sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 19:45, 09/08/2021

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là một bước cụ thể Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vì vậy, thời gian qua công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Bình Phước được triển khai quyết liệt trên mọi lĩnh vực với sự chung tay của toàn hệ thống chính trị.

CĐS là một trong  những nhiệm vụ quan trọng

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, công nghệ số thì việc CĐS, nhất là xây dựng chính quyền số, kinh tế số là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở đó, thực hiện Chương trình CĐS quốc gia với mục tiêu người dân là trung tâm, thời gian qua tỉnh Bình Phước đã tập trung ứng dụng công nghệ số để tăng cường tương tác giữa người dân với chính quyền và cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) để phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, số lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 tăng cao với 1645 dịch vụ chiếm 87,55% trên tổng số 1879 DVCTT. Theo đó, cơ bản các thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố được đưa lên Cổng Dịch vụ công để xử lý, giải quyết. Hệ thống phần mềm ứng dụng đã giúp các cơ quan nhà nước phối hợp giải quyết TTHC trên môi trường mạng xuyên suốt, liên thông; các phần mềm chuyên ngành được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

Đồng thời, Bình Phước cũng là một trong những địa phương sớm triển khai xây dựng ĐTTM, bước đầu mang lại kết quả tích cực và rút được những kinh nghiệm quý. Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) đưa vào vận hành giúp lãnh đạo tỉnh thuận tiện trong việc giám sát, chỉ đạo, điều hành. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh ngày càng được công khai, minh bạch…

Tỉnh cũng đã thiết lập hệ thống camera giám sát giao thông và an ninh trật tự, với 300 camera lắp đặt tại các vị trí trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Xây dựng bản đồ GIS, số hóa 90% quy hoạch của tỉnh, hỗ trợ công tác tra cứu thông tin quy hoạch, tra cứu dữ liệu hạ tầng kỹ thuật, thông tin các doanh nghiệp để xúc tiến đầu tư; Hệ thống ứng cứu khẩn cấp EOC hợp nhất các hệ thống tổng đài 113 - 114 - 115 nhằm liên thông xử lý các thông tin các đơn vị…

Đánh giá về hiệu quả của công tác CĐS của tỉnh, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT tỉnh Bình Phước cho biết: Theo số liệu từ Bộ TT&TT, cuối năm 2020, cả nước đạt tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng là 30% thì tỉnh Bình Phước đã tăng lên 33%. Hiện nay, tỷ lệ này đã tăng đột biến lên 50% trên tổng số hồ sơ dịch vụ công của toàn tỉnh, trong đó, dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 được giải quyết trên môi trường mạng chiếm 99%.

Cùng với đó, quá trình CĐS gắn với xây dựng ĐTTM cũng tạo ra những chuyển biến đột phá trong công tác quản lý điều hành của tỉnh, đem lại hiệu qur hết sức thiết thực – ông Nguyễn Minh Quang cho biết thêm.

Đẩy mạnh CĐS trên nhiều lĩnh vực và hỗ trợ DN CĐS

Không chỉ tập trung CĐS trong công tác quản lý điều hành, tỉnh Bình Phước còn đẩy mạnh triển khai CĐS trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, kinh tế... Theo đó, đơn cử như trong lĩnh vực kinh tế, tỉnh đã ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (SME) trên địa bàn tiếp cận và thực hiện CĐS trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).

Bình Phước: Chuyển đổi số bằng sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị - Ảnh 2.

Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước phát biểu tại Hội nghị hỗ trợ các SME CĐS được tổ chức vào tháng 4/2021.

Cụ thể như mới đây, trong tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã phối hợp Bộ TT&TT tổ chức hội nghị hỗ trợ DN SME CĐS. Các hoạt động của trong khuôn khổ hội nghị đã giúp các DN SME tối ưu hoá hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, góp phần phát triển kinh tế số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Ông Trần Duy Khánh, Giám đốc chi nhánh 2, Công ty CP đầu tư Thái Bình, Nhà máy Đồng Xoài (sản xuất ở lĩnh vực giày da) chia sẻ: Với sự nỗ lực của DN cũng như phía tỉnh, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là xây dựng chiến lược CĐS gắn liền với chiến lược kinh doanh, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của DN. Trrên cơ sở đó, CĐS bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, như số hóa văn bản dữ liệu đầu vào cho tới số hóa việc sản xuất…

Bình Phước: Chuyển đổi số bằng sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị - Ảnh 3.

Các đại biểu DN trên địa bàn tỉnh Bình Phước tham gia Hội nghị hỗ trợ SME CĐS tổ chức vào tháng 4/2021.

Với sự vào cuộc quyết liệt, thời gian qua tỉnh Bình Phước đã trở thành điểm sáng trên toàn quốc đẩy mạnh trong công tác CĐS. Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Bình Phước xác định, giai đoạn 2021 - 2026 là thời cơ để tỉnh Bình Phước phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn bằng các chương trình hành động cụ thể, trong đó có việc phát triển hạ tầng, cải cách TTHC và ứng dụng CNTT một cách mạnh mẽ. Để đạt được mục tiêu này thì việc CĐS tiếp tục được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Theo đó, tại Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ủy Bình Phước về CĐS đến năm 2025, Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Các giao tiếp giữa chính quyền và người dân, DN đều diễn ra trên không gian mạng.

Nghị quyết cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: 100% dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử trong tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; Các hồ sơ công việc đều được xử lý trên môi trường mạng; Phấn đấu đến năm 2025, Kinh tế số chiếm 20% GRDP; Mọi người dân và DN sử dụng DVCTT sẽ được định danh và lưu giữ dưới dạng số hóa; 100% hộ gia đình sử dụng phương tiện kết nối thông minh….

Với mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ mục tiêu CĐS quốc gia bằng sự quyết liệt và chung tay của toàn hệ thống chính trị nhằm CĐS thành công trên mọi lĩnh vực./.

Đỗ Thêu