Giải pháp thanh toán số e-RUPI của Ấn Độ có gì mới?

Kinh tế số - Ngày đăng : 16:04, 09/08/2021

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt tay vào phát triển hệ thống tiền tệ và thanh toán số của riêng họ, thì năm nay, Ấn Độ đã đi theo một con đường khác - một giải pháp thanh toán số mới ra đời nhắm đến những cá nhân và mục đích cụ thể, nhằm nâng cao tính minh bạch và cung cấp phúc lợi đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố một phương thức thanh toán số mới được gọi là e-RUPI thuộc UPI của quốc gia (Giao diện thanh toán hợp nhất).

Sáng kiến e-RUPI sẽ là một trong những chương trình được triển khai trong vài năm tới nhằm đảm bảo phúc lợi được cung cấp đến đúng người thụ hưởng mà không bị thất thoát, đồng thời hạn chế các khâu tiếp xúc giữa chính phủ và người thụ hưởng.

e-RUPI kết nối các nhà tài trợ của dịch vụ với những người thụ hưởng và nhà cung cấp dịch vụ theo hình thức số mà không có bất kỳ giao tiếp vật lý nào. Và bất kỳ cơ quan chính phủ hoặc công ty tư nhân nào cũng có thể tạo e-RUPI thông qua các ngân hàng đối tác của họ.

Không hoàn toàn là hình thức thanh toán kỹ thuật số bình thường

e-RUPI không phải là tiền điện tử hay tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), cũng không phải là ví tiền điện tử hay kỹ thuật số. Đây là hình thức thanh toán số dưới dạng một phiếu chi tiêu điện tử (e-voucher) trả trước từ UPI.

Cách thức hoạt động là e-voucher có thể được phát hành sau khi xác minh đơn giản số điện thoại di động và danh tính của người nhận. Thay vì gửi tiền mặt vào tài khoản ngân hàng, ví hoặc ứng dụng kỹ thuật số, phiếu này sẽ được phát hành dưới dạng mã QR hoặc e-voucher dựa trên chuỗi SMS, được gửi đến điện thoại di động của người thụ hưởng.

Giải pháp thanh toán kỹ thuật số e-RUPI của Ấn Độ có gì mới? - Ảnh 1.

Những người dùng có mã QR và SMS này sau đó có thể sử dụng các e-voucher này để đổi lấy hàng hóa.

Những người có mã QR và SMS sau đó có thể sử dụng các e-voucher này để đổi lấy hàng hóa mà mục đích là thanh toán.

Bản thân nền tảng này được cho là "được nhắm mục tiêu cao", có nghĩa là nó chỉ có thể được sử dụng để thanh toán cho mục đích mà nó đã được phát hành.

Ví dụ: nếu phiếu này được tạo ra nhằm mục đích thanh toán cho thuốc, thì nó chỉ có thể được sử dụng để thanh toán cho việc mua thuốc.

Nhắm mục tiêu đến những người không có ngân hàng và kém may mắn

Với dân số 1,27 tỷ người, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ hai thế giới và lớn thứ bảy thế giới với 3,288 triệu km2.

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa những người không sử dụng ngân hàng, người thụ hưởng hoặc người dùng cơ chế thanh toán này sẽ không yêu cầu thẻ, ứng dụng thanh toán số hoặc quyền truy cập ngân hàng trực tuyến mặc dù toàn bộ hệ thống là kỹ thuật số, không tiếp xúc và không dùng tiền mặt. Quy trình giao dịch e-RUPI được cho là an toàn và sẽ giữ bí mật hoàn toàn thông tin chi tiết của người thụ hưởng, duy trì quyền riêng tư của họ.

Sáng kiến này dường như là một trong những cách mà chính phủ Ấn Độ đang cố gắng số hóa, đồng thời mang lại cơ hội và nguồn lực cho những người yếu thế, những người không có tài khoản ngân hàng.

"Mục tiêu chính và tầm nhìn dài hạn đằng sau e-RUPI là tiếp cận 190 triệu công dân không có ngân hàng, đưa họ vào một hệ thống tài chính chính thức và thu hẹp một phần khoảng cách số. Hệ thống thanh toán số này có thể cung cấp quyền truy cập bình đẳng vào các dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi cho mỗi người dân của đất nước", Hitesh Malviya, người sáng lập itsblockchain.com, nền tảng xuất bản tiền điện tử và blockchain đầu tiên và lâu đời nhất của Ấn Độ, đã chia sẻ với ThePrint.

Do đó, với hình thức này, tất cả mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận hỗ trợ tài chính hơn cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, phúc lợi trẻ em, thuốc men, trợ cấp,...

Hệ thống này cũng được sử dụng để cung cấp các dịch vụ cung cấp thuốc và hỗ trợ dinh dưỡng trong các chương trình phúc lợi cho bà mẹ và trẻ em, các chương trình xóa bỏ bệnh lao...

Bên cạnh đó, e-RUPI cũng là nền tảng cho phép người thụ hưởng dễ dàng đặt lịch hẹn tiêm chủng COVID-19.

e-RUPI cũng có thể được sử dụng trong khu vực tư nhân cho các chương trình phúc lợi nhân viên và CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp). Các văn phòng có thể phát hành phiếu mua hàng e-RUPI cho các chuyến du lịch, ăn uống, chăm sóc sức khỏe và các loại khác tương tự như phiếu giảm giá cho nhân viên.

e-RUPI khác với tiền kỹ thuật số như thế nào?

Mặc dù sự ra đời của e-RUPI là bước đầu tiên hướng tới việc có một loại tiền kỹ thuật số ở Ấn Độ, nhưng bản thân nó không phải là một loại tiền kỹ thuật số mà là một hệ thống chứng từ dịch vụ xã hội, để đảm bảo mang lại những lợi ích cụ thể cho những người thụ hưởng đủ điều kiện mà không có bất kỳ sự khác biệt và trì hoãn nào.

Tiền điện tử cho phép người dùng mua hàng hóa và dịch vụ hoặc giao dịch chúng để kiếm lời. Còn e-RUPI được chính phủ quản lý và phần lớn do chính phủ chi trả, ít nhất là ban đầu, để cung cấp các khoản trợ cấp phúc lợi cho người dân.

Liên quan đến việc giới thiệu tiền kỹ thuật số ở Ấn Độ, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) vào tháng 1 năm nay đã thông báo rằng họ đang tìm hiểu nhu cầu về tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Ấn Độ như một biện pháp để tăng cường sự bao phủ tài chính.

Ấn Độ không phải là một trong những nước đi đầu trong cuộc đua phát hành tiền ảo, như Trung Quốc, châu Âu và một số quốc gia khác, nhưng sự gia tăng của tiền điện tử, đã khuyến khích các nhà chức trách của quốc gia này thúc đẩy các dự án thí điểm trong phân khúc bán buôn và bán lẻ trong tương lai gần.

Theo OpenGov Asia, chỉ số thanh toán kỹ thuật số (RBI) của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng trưởng 30,2% trong giai đoạn 2020 - 2021. Chỉ số này đã tăng lên 270,59 vào cuối tháng 3/2021, tăng từ mức 207,84 của năm trước. Dữ liệu cho thấy sự chấp nhận nhanh chóng và ngày càng sâu rộng của thanh toán số ở Ấn Độ. 

Trong năm 2020, quốc gia này đã xử lý 25,5 tỷ giao dịch thanh toán theo thời gian thực. Dự báo đến năm 2025, thanh toán số ở Ấn Độ có thể chiếm 71,7% tổng khối lượng thanh toán. Năm ngoái, thị phần giao dịch trong nước lần lượt là 15,6% và 22,9% đối với thanh toán tức thời và thanh toán điện tử khác. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy đáng kể phương thức thanh toán không tiếp xúc và phụ thuộc nhiều hơn vào thời gian thực và thanh toán số./.

Tâm An