Indonesia: Phát triển thành phố thông minh để thúc đẩy năng suất cộng đồng
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:22, 08/08/2021
6 trụ cột thành phố thông minh của Indonesia
Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức ngày 5/8 tại thành phố Trieste của Italy, nhằm thúc đẩy đối thoại về vấn đề chuyển đổi số (CĐS) kinh tế và xã hội như một đòn bẩy cho sự phục hồi bền vững, bao trùm và có sức chống đỡ.
Tham gia Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Trieste, Italy, Bộ trưởng Bộ TT&TT Indonesia Johnny G Plate đã chia sẻ về sự phát triển của các chương trình TPTM ở Indonesia.
Thực tế, khái niệm "TPTM" không chỉ là một thành phố tích hợp kỹ thuật số, mà quy hoạch phát triển đô thị thông minh ảnh hưởng rất nhiều đến mức độ hạnh phúc và khả năng sáng tạo của người dân. Do đó, các TPTM phải xem xét những yếu tố cơ bản như văn hóa, cấu trúc xã hội, lịch sử và nền kinh tế của cộng đồng địa phương. Bộ trưởng Johnny G Plate khuyến khích các nước thành viên G20 phát triển các chương trình TPTM để tạo ra những thành phố có cuộc sống bền vững và hiệu quả hơn.
Trước đó, phát biểu trong lễ kỷ niệm của ngành Quy hoạch quốc gia vào ngày 17/4, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết Indonesia sẽ thiết kế và quy hoạch Thủ đô mới ở Đông Kalimantan trở thành TPTM tiên phong để các thành phố trên thế giới tham khảo. Tổng thống Joko Widodo cũng cho rằng không để quy hoạch TPTM khiến người dân cảm thấy bị cô lập trong chính ngôi làng của họ, gây ra tắc nghẽn và làm cho chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn.
Tổng thống đã yêu cầu các nhà quy hoạch Indonesia phải xây dựng các thành phố và khu vực hòa nhập, mở cửa cho mọi công dân; bắt đầu từ việc làm thế nào để xây dựng những con đường an toàn và thoải mái cho người đi bộ, đi xe đạp, cho người sử dụng phương tiện giao thông, đến việc xác định cách xây dựng những cửa hàng không dành riêng cho giới thượng lưu mà còn phục vụ cho tiêu dùng của tầng lớp thu nhập thấp.
"Có 6 trụ cột tạo nền tảng cho việc triển khai các chương trình phát triển TPTM ở Indonesia, đó là: (1) quản trị thông minh; (2) xây dựng thương hiệu thông minh; (3) kinh tế thông minh; (4) xã hội thông minh; (5) môi trường thông minh; và (6) cuộc sống thông minh. Bằng cách hiện thực hoá 6 trụ cột này, các TPTM được kỳ vọng sẽ là những không gian thông minh giúp duy trì năng suất cộng đồng", ông Johnny G Plate giải thích.
Theo Bộ trưởng Johnny G Plate, sáng kiến TPTM ở Indonesia là một phần của chương trình CĐS quốc gia. Ông cho biết: "Chính phủ Indonesia coi 6 trụ cột này là điểm khởi đầu để thảo luận về phát triển TPTM trong năm tới".
Indonesia đã khởi xướng phong trào TPTM từ năm 2017. Năm 2020, chính phủ Indonesia đã xây dựng kế hoạch tổng thể TPTM cho 100 thành phố và các quận trên khắp Indonesia.
"Năm nay, chúng tôi tiếp tục thúc đẩy việc triển khai 48 quy hoạch tổng thể TPTM tại các khu vực siêu ưu tiên, chẳng hạn như ở Bali và Labuan Bajo cũng như thủ đô mới ở Đông Kalimantan của Indonesia", ông Johnny G Plate cho biết.
Theo Bộ trưởng, đổi mới TPTM liên quan mật thiết đến sự phát triển của xã hội trong nền kinh tế số. Ông nhấn mạnh: "Sáng kiến triển khai TPTM ở Indonesia là một phần của chương trình CĐS quốc gia lớn hơn".
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ TT&TT Indonesia mong muốn sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên G20 để việc triển khai đổi mới sáng tạo và TPTM diễn ra tốt đẹp. Ông cho biết: "Cần có sự hỗ trợ và khuyến khích từ các nước thành viên G20 để tiến hành một cuộc đối thoại chuyên sâu và sáng tạo hơn về TPTM ở Indonesia và các nước G20".
Bộ trưởng Johnny G Plate cũng đánh giá cao hai tài liệu tham khảo, đó là sáng kiến di chuyển thông minh do Chủ tịch G20 Ả Rập Xê-út xây dựng năm 2020 và các thông lệ G20 cho mua sắm công đổi mới cho các thành phố và cộng đồng thông minh do Chủ tịch G20 là Italia xây dựng năm nay.
Ông nhấn mạnh: "Từ hai tài liệu tham chiếu này, khái niệm TPTM sẽ phải hỗ trợ việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc".
Tiếp tục chuyển đổi số để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Trong phiên thảo luận về "CĐS để phục hồi kinh tế", Bộ trưởng Johnny G. Plate cũng chia sẻ về những nỗ lực của Chính phủ Indonesia trong việc đẩy nhanh CĐS, nhằm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng cho biết các nước G20 cần tập trung vào CĐS vì đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Hơn nữa, đẩy nhanh CĐS cũng góp phần xây dựng một quốc gia kiên cường và hùng mạnh hơn. CĐS có thể khuyến khích thay đổi mô hình kinh doanh, tăng cơ hội gia tăng giá trị và thúc đẩy thay đổi tư duy kinh doanh đa ngành. Vì mục tiêu này, Indonesia đã lên tiếng cam kết tiếp tục CĐS để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Tại đây, Bộ trưởng Johnny G. Plate đã trình bày về Lộ trình kỹ thuật số 2021-2024 của Indonesia. Theo đó, lộ trình này được thiết kế để trở thành kim chỉ nam CĐS của Indonesia, trong đó bao gồm 4 trụ cột là: cơ sở hạ tầng số, quản trị số, công dân số và nền kinh tế số.
Theo Bộ trưởng, sự tồn tại của một cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ và bình đẳng là điều kiện tiên quyết để CĐS có thể tiếp cận và được mọi người cảm nhận.
Để đảm bảo sự thành công của phát triển cơ sở hạ tầng số, chính phủ đã thực hiện một kế hoạch tài trợ kết hợp, với mục tiêu nâng cao tỷ lệ kết nối Internet một cách bền vững và giảm sự chênh lệch về kỹ thuật số của Indonesia. Cụ thể, các nỗ lực để phát triển cơ sở hạ tầng số đồng đều do Chính phủ Indonesia thực hiện như triển khai mạng đường trục cáp quang, phát triển mạng liên kết cáp quang và liên kết vi ba, phóng vệ tinh viễn thông, và xây dựng trạm thu phát sóng (BTS).
Cho đến nay, Chính phủ Indonesia và các công ty viễn thông đã triển khai mạng lưới cáp quang dài 342.000 km trên đất liền và trên biển, tạo thành xương sống của hạ tầng ICT. Trong đó hơn 12.000 km được xây dựng theo dự án Vành đai Palapa trị giá 1,5 tỷ USD của chính phủ nước này, nhằm kết nối tất cả các hòn đảo của Indonesia thành một mạng cáp quang.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang nỗ lực hướng tới việc tạo ra những công dân số thông qua đào tạo năng lực và hiểu biết kỹ thuật số. Đồng thời tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có đủ năng lực hơn để phát triển doanh nghiệp của mình trên các nền tảng số./.