Những fintech giá trị và đáng chú ý nhất Đông Nam Á
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 14:51, 07/08/2021
Công nghệ tài chính, hay fintech, là một trong những lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á - đây là loại hình đầu tư mạo hiểm lớn nhất tính theo số lượng các công ty khởi nghiệp được đầu tư.
Với các ứng dụng như quyền truy cập cá nhân hoá vào Robo-advisor (nền tảng số cung cấp các dịch vụ lập kế hoạch tài chính tự động dựa trên thuật toán mà không cần hoặc cần rất ít sự giám sát của con người), hệ thống thanh toán di động và giao dịch xuyên biên giới tức thì, Fintech có khả năng thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trong một khu vực có tổng dân số 570 triệu người, và có 360 triệu người dùng Internet, cùng với 22 triệu thuê bao Internet di động hàng năm.
Những fintech giá trị nhất Đông Nam Á
Theo Dealroom - nền tảng dữ liệu dành cho các nhà đầu tư và nhà phát triển kinh doanh, tổng giá trị của các công ty khởi nghiệp fintech ở Đông Nam Á là 108 tỷ USD. VNPay của Việt Nam; Akulaku, Ovo và Payfazz của Indonesia; và FinAccel của Singapore là những công ty khởi nghiệp fintech có giá trị nhất khu vực, với mức định giá hơn 250 triệu USD/mỗi fintech. Trong hệ sinh thái này, Indonesia và Singapore là những quốc gia có những fintech giá trị nhất, với hệ sinh thái công nghệ trị giá lần lượt là 60 tỷ USD và 35 tỷ USD. Indonesia và Singapore là ngôi nhà của 12 công ty khởi nghiệp trị giá 1 tỷ USD, hay còn gọi là "kỳ lân".
Trong khu vực, Singapore, Indonesia và Việt Nam đã nổi lên như những điểm nóng hàng đầu của các nhà cung cấp fintech. Singapore, với hơn 490 fintech, đã củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này nhờ các yếu tố thuận lợi như sự hiện diện của ngành tài chính mạnh mẽ và hệ sinh thái các nhà đầu tư, các luật lệ thân thiện của chính phủ, cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số vượt trội.
Tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, việc áp dụng phương án cho vay theo cách thức mới, và tiền điện tử đã được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ. Theo ước tính của Dealco, các giao dịch tiền điện tử tại đây đã tăng 173% từ tháng 1/2019 đến tháng 1/2020. Việt Nam cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực này, nhờ sự hỗ trợ của chính phủ và lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) đang bùng nổ.
Các fintech ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục thu hút được các nguồn tài trợ bất chấp đại dịch Covid-19. Theo công ty phân tích tài chính S&P Global, các công ty fintech châu Á - Thái Bình Dương đã thu về 3,1 tỷ USD thông qua 113 thương vụ trong quý 4/2020 - đây là hoạt động tài trợ hàng quý cao nhất trong năm 2020. Tổng mức đầu tư vào fintech trong khu vực là 6,8 tỷ USD trong năm 2020.
Các công ty fintech Đông Nam Á có 28% hoạt động giao dịch tại châu Á - Thái Bình Dương và 17% giá trị tài trợ của khu vực, tăng lần lượt 2% và 3% so với năm 2019. Con số này không bao gồm việc vốn huy động của hai gã khổng lồ TMĐT và giao hàng trong khu vực là: Grab Holdings của Singapore và tập đoàn GoTo của Indonesia (sự hợp nhất gần đây giữa Tokopedia và Aplikasi Karya Anak Bangsa, GoTo được biết đến nhiều hơn với tên gọi Gojek).
Lý do để M_Service là fintech đáng chú ý
Ngoài những người khổng lồ nói trên, những fintech có trụ sở tại Đông Nam Á hoặc hoạt động tại thị trường Đông Nam Á từ các trụ sở chính đặt tại châu Á - Thái Bình Dương khác đáng để các nhà đầu tư để mắt đến bởi những lý do như dịch vụ họ cung cấp, công nghệ và ứng dụng triển khai dịch vụ, khả năng kinh doanh và mở rộng, khả năng gọi vốn v.v... M_Service tại Việt Nam là ví dụ điển hình. Fintech này đang nổi lên là một trong 12 fintech đáng được chú ý nhất tại Đông Nam Á, theo Tạp chí CIO Mỹ.
CIO Magazine giải thích lý do tại sao M_Service được chọn là một trong 12 fintech nóng nhất tại khu vực Đông Nam Á, giá trị của M_Service đã tăng hơn 100 triệu USD vào tháng 1/2021. M_Service đang có kế hoạch sử dụng số tiền đầu tư này để nâng cấp ứng dụng của họ với công nghệ sinh trắc học, nhằm tăng gấp đôi cơ sở dữ liệu người dùng, lên đến 50 triệu trong hai năm tới. CIO Magazine cho biết, tại Việt Nam Payoo, VNPay, ZaloPay... đang là các đối thủ cách tranh của M_Service.
M_Service được thành lập vào năm 2007 có trụ sở chính tại TP.HCM do ông Nguyễn Bá Diệp và ông Nguyễn Mạnh Tường là các đồng sáng lập. Momo của M_Service là ví điện tử lớn nhất Việt Nam tính theo số lượng người dùng. M_Service có khởi điểm là một ứng dụng cung cấp thẻ SIM điện thoại di động, cho phép mọi người chuyển tiền và mua thẻ cào điện thoại di động, thẻ cào trò chơi, sau đó trở thành ứng dụng ví điện tử di động vào năm 2014, hiện nó đã được phát triển thành một siêu ứng dụng, cung cấp loạt các dịch vụ từ bảo hiểm, thanh toán, tiếp thị kỹ thuật số cho người bán, và đóng góp từ thiện v.v...
Trước khi TP.HCM đóng cửa các cửa hàng cà phê vì làn sóng Covid-19 lần thứ 4, công ty có trụ sở tại TP.HCM đã thực hiện các chương trình khuyến mãi với một số chuỗi cà phê lớn như Highlands - một thương hiệu phát triển nhanh với hơn 300 cửa hàng. Người dùng MoMo sẽ được giảm giá khi sử dụng ứng dụng đặt và thanh toán đơn hàng trước và nhận hàng sau. Chương trình khuyến mãi được thiết kế để mang đến cho người dùng sự tiện lợi của ứng dụng tất cả trong một.
Chương trình nói trên nhằm khuyến khích người tiêu dùng Việt Nam sử dụng MoMo cho các giao dịch mua hàng nhỏ lẻ. Đây là một phần trong chiến lược của công ty nhằm đưa MoMo trở thành ứng dụng quan trọng trên điện thoại của người dùng. Với suy nghĩ, ở một đất nước mà 80% các hoạt động thương mại vẫn là ngoại tuyến, mua một tách cà phê là một giao dịch hợp túi tiền và đủ phổ biến để khuyến khích người dùng mở ứng dụng hàng ngày - hoặc thậm chí nhiều lần trong ngày. Do đó, điều đó có thể tăng cơ hội sử dụng các dịch vụ khác của MoMo, chẳng hạn như mua vé xem phim, đặt đồ ăn, đặt vé máy bay hoặc chơi game...
Theo asia.nikkei.com, trong bài viết được đăng ngày 6/8/2021: "Sự nổi lên của MoMo đã thu hút sự chú ý của các đối thủ ở nước ngoài, giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường fintech cạnh tranh nhất châu Á, nơi có hàng chục công ty, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á như Sea và Grab đã tham gia vào".
Các fintech đáng chú ý tại Đông Nam Á
NgoàiM_Service của Việt Nam, sau đây là danh sách 11 fintech đáng chú ý nhất tại Đông Nam Á do Tạp chí CIO liệt kê:
Airwallex (thành lập năm 2015, trụ sở: Hồng Kông). Công ty cung cấp các sản phẩm tài chính xuyên biên giới như tài khoản ngoại tệ và thẻ ghi nợ, chuyển tiền quốc tế. Airwallex đã huy động được 100 triệu USD vào tháng 3/2021, nâng mức định giá của công ty lên 2,6 tỷ USD. Đến nay, Airwallex đã huy động được 300 triệu USD.
Akulaku (thành lập năm 2014, trụ sở: Jakarta, Indonesia), là nền tảng tài chính tiêu dùng, cung cấp các khoản vay không bảo đảm. Akulaku đang có hơn 100.000 người dùng hoạt động hàng tháng.
Akulaku đã mở rộng từ Indonesia sang Philippines, Việt Nam và Malaysia, nơi họ đang phục vụ hơn 6 triệu người dùng và có giá trị giao dịch hàng năm hơn 1,5 tỷ USD. Akulaku đã huy động được 40 triệu USD từ Ant Financial vào năm 2019.
Distributed Ledger Technologies (thành lập năm 2017, trụ sở: Singapore). Còn được gọi là DTLedgers - nền tảng blockchain dành cho thương mại xuyên biên giới, tài trợ thương mại và số hóa chuỗi cung ứng. DTLedgers đã huy động được 7 triệu USD vào tháng 3/2021 và bắt đầu mở rộng hoạt động ra khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Đông.
Endowus (thành lập năm 2019, trụ sở: Singapore), là nền tảng đầu tư. Endowus đã huy động được 17 triệu USD vào tháng 4/2021. Endowus đang muốn mở rộng các hoạt động của mình ở châu Á.
MoneyMatch (thành lập năm 2015, trụ sở: Kuala Lumpur, Malaysia), cho phép thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới rẻ, nhanh và thuận tiện hơn so với các ngân hàng truyền thống.
MoneyMatch đang phục vụ hơn 20.000 cá nhân và hơn 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Malaysia. Công ty đã mở rộng hoạt động sang Úc, Brunei, và đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ Malaysia đến hơn 70 quốc gia với trị giá hơn 550 triệu USD. Vào tháng 7/2021, MoneyMatch đã huy động được 4,4 tỷ USD.
Mynt (thành lập năm 2015, trụ sở: Taguig, Philippines) cung cấp các dịch vụ như thanh toán, chuyển tiền, cho vay. Mynt đã huy động được 175 triệu USD vào tháng 1/2021 bằng nguồn vốn từ ASP Philippines, đẩy mức định giá lên gần 1 tỷ USD.
Ovo (thành lập năm 2017, trụ sở: Jakarta, Indonesia) với tên chính thức là Visionet Internasional - dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, cung cấp các dịch vụ tài chính và thanh toán đơn giản. Một khảo sát gần đây của Rapyd cho thấy, ví điện tử Ovo là phương thức thanh toán được ưa thích nhất ở Indonesia. Ovo được định giá 2,9 tỷ USD vào thời điểm tháng 10/2019. Cả Grab và GoTo Group đều đang sử dụng Ovo làm ví điện tử ở Indonesia.
Payfazz (thành lập năm 2016, trụ sở: Jakarta, Indonesia), là mạng lưới giúp cho nhiều người Indonesia tiếp cận các dịch vụ tài chính hơn. Payfazz hiện đang phục vụ 10 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Mạng lưới của Payfazz bao gồm khoảng 250.000 đại lý trên toàn quốc. Vào tháng 7/2020, Payfazz đã huy động được 53 triệu USD, nâng tổng số tiền đầu tư đạt được là hơn 74 triệu USD. Công ty cũng đã đầu tư chiến lược 30 triệu USD vào Xfers của Singapore, để thành lập Fazz Financial Group.
ShopeePay (thành lập năm 2018, trụ sở: Singapore) là dịch vụ ví điện tử được cung cấp bởi sàn TMĐT Shopee. ShopeePay là nhà cung cấp thanh toán kỹ thuật số mới nhưng đã trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong bối cảnh TMĐT bùng nổ trong đại dịch ở Indonesia. Theo khảo sát của NeuroSensum, với mức thâm nhập người dùng cao nhất (68%), ShopeePay đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh như Ovo (62%), Dana (54%), GoPay (53%) và LinkAja (23%).
Sunday (thành lập năm 2017, trụ sở: Bangkok, Thái Lan) là tập đoàn công nghệ bảo hiểm cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ như: bảo hiểm ô tô, bảo hiểm y tế và bảo hiểm du lịch. Sunday đã huy động được 10 triệu USD trong năm 2018 và đang nhắm đến việc mở rộng hoạt động sang Singapore, Malaysia và Indonesia. Vào tháng 9/2020, công ty đã huy động được 9 triệu USD.
TranSwap (thành lập năm 2017, trụ sở: Singapore), cung cấp hệ thống tích hợp thanh toán, thu tiền, và tài khoản đa tiền tệ... Ngoài cổng giao dịch trực tuyến, dịch vụ thanh toán xuyên biên giới do TranSwap cung cấp cũng có trên cổng VAS của Networked Trade Platform - một sáng kiến của chính phủ Singapore. TranSwap đã huy động được 2,5 triệu USD đầu tư./.