Sử dụng mã QR qua Bluezone giúp giảm 50% thời gian chờ đợi khi lấy mẫu xét nghiệm

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 18:02, 04/08/2021

Theo ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thay vì mất trung bình khoảng 1 phút/người để khai báo thông tin, nhờ ứng dụng Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm qua ứng dụng Bluezone đã giúp người dân tiết kiệm 50% thời gian chờ đợi cũng như tránh tụ tập đông người.

Giải pháp giúp dữ liệu xét nghiệm đồng nhất, trùng lặp, không xảy ra sai lệch

Chia sẻ kinh nghiệm việc áp dụng nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến tại một số địa bàn trong tỉnh tại Hội nghị trực tuyến Phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng này trên toàn quốc được tổ chức ngày 3/8., ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đối với việc xét nghiệm PCR, việc thự hiện cần phải được tiến hành nhanh để có thể "bóc tách" được F0 ra khỏi cộng đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu có những ngày phải xét nghiệm lên đến 30.000 - 40.000 mẫu trong thời điểm dịch lên cao.

Trước khi áp dụng nền tảng này, hiện trạng tại tỉnh cho thấy thời gian lấy mẫu xét nghiệm lâu, công tác nhập liệu thủ công qua nhiều giai đoạn, dẫn đến việc xét nghiệm và trả kết quả mất nhiều thời gian chờ đợi. Cụ thể, quy trình như sau, một cán bộ xét nghiệm viết tay thông tin người dân (thời gian trung bình khoảng 1 phút/người) trong khi thời gian lấy mẫu chỉ khoảng 10 giây. Sau khi hoàn thành đợt lấy mẫu, danh sách viết tay này phải nhập một lần nữa vào excel rồi mới gửi cho CDC tỉnh. 

"Việc này dẫn đến việc tổng hợp số liệu báo cáo khi lấy mẫu tại các địa bàn lệch nhau, dẫn đến báo cáo có thể chưa trùng khớp số liệu. Đồng thời, việc theo dõi tình trạng lấy mẫu tại bàn thủ công (gọi điện, nhắn tin) tổng hợp số liệu báo cáo lên CDC tỉnh khi hoàn thành tổng hợp bị mất thời gian", ông Tuấn nói.

Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến dựa trên mã QR khai báo y tế của ứng dụng Bluezone - giải pháp đã được các tỉnh vận động người dân cài đặt trong công tác truy vết, để lấy các thông tin cần thiết như họ tên, địa chỉ… - những trường thông tin cần thiết người dân cần khai khi lấy mẫu xét nghiệm. 

"Nền tảng này giúp tận dụng những thông tin có sẵn của người dân. Qua đó giúp tiết kiệm thời gian cho người nhập liệu, khi chỉ cần quét mã QR thông qua smartphone là dữ liệu có thể đưa vào hệ thống", ông Tuấn chia sẻ.

Sử dụng mã QR qua Bluezone giúp giảm 50% thời gian chờ đợi khi lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Nền tảng đơn giản, dễ sử dụng nên có thể huy động Đoàn thanh niên hỗ trợ nhập liệu, hướng dẫn người dân cài đặt Bluezone.

Chưa kể đến, do nền tảng này sử dụng tương đối đơn giản, dễ sử dụng nên có thể dễ dàng huy động người tham gia hỗ trợ ngành Y tế với thời gian đào tạo khá nhanh. Do mọi thông tin đều được đưa lên trực tuyến tại nên người tổng chỉ huy chiến dịch có thể điều phối nhân sự hỗ trợ tại các điểm khác nhau.

Để ứng dụng nền tảng này hiệu quả, người dân phải cài đặt ứng dụng Bluezone từ trước. Do đó, trước khi tiến hành xét nghiệm, tỉnh đã gửi trước file âm thanh để phát triển loa phường, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone hoặc nếu gia đình chỉ có một người có smartphone thì có thể tiến hành khai hộ thông tin xét nghiệm của các thành viên. 

Còn khi đến xét nghiệm, điểm lấy mẫu tại địa phương cần chia thành 2 luồng: người cài Bluezone và người chưa cài. Đồng thời, cần bố trí khu vực đoàn viên thanh niên để hỗ trợ người dân chưa biết cách cài đặt cũng như thiết lập các điểm mạng WiFi tại điểm lấy mẫu. "Để tránh trường hợp sai lệch thông tin khi khai trên Bluezone, các tình nguyện viên sẽ phải kiểm tra thông tin mà người dân đã khai trên giấy để có sự điều chỉnh kịp thời", ông Tuấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Hùng (22/40D1/5 Chi Lăng, phường 12, TP. Vũng Tàu) có mặt sớm tại trường THCS Nguyễn Gia Thiều để làm thủ tục xét nghiệm. Thay vì phải điền các thông tin vào tờ khai y tế, sau khi được cán bộ y tế cung cấp mật khẩu WiFi, ông Hùng mở ứng dụng Bluezone, cán bộ y tế quét mã QR-code là xong phần nhập thông tin khai báo và tiến hành xét nghiệm.

Ông Hùng cho biết, đã hơn 50 tuổi rồi, ông không rành công nghệ nhưng việc sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng Bluezone và dùng mã QR-code cho khai báo thông tin khi xét nghiệm rất đơn giản, dễ làm, kể cả những người lớn tuổi cũng dễ dàng sử dụng.

Theo ông Lê Văn Tuấn, kết quả cho thấy, đối với người dân: Giảm 50% thời gian chờ đợi so với trước kia; Khai báo thông tin nhanh chóng dễ dàng trên điện thoại; Sẽ nhận kết quả trực tuyến qua các ứng dụng, tránh tụ tập đông người. Còn với cơ quan y tế: không phải làm thủ công nhập liệu, báo cáo, khi lấy mấu xét nghiệm; Giảm thời gian lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả; Theo dõi được số lượng mẫu lấy, chủ động công việc, tiết kiệm nhiều thời gian ở các khâu; truy vết, khoanh vùng nhanh chóng.

"Đặc biệt dữ liệu sẽ đồng nhất, trùng lặp, không xảy ra sai lệch và được sử dụng cho nhiều hệ thống qua kết nối API hoặc xuất file báo cáo, truy vết", ông Tuấn nói.

Theo Giám đốc Sở, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ 23/7 đến nay đã lấy tổng cộng: 1860 mẫu gộp cho 20.262 người. Hiện tại, nền tảng này đã được triển khai tại CDC tỉnh và thành phố Vũng Tàu, và thành phố Bà Rịa. Sắp tới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai tới tất cả các quận, huyện đồng thời đưa phần trả kết quả xét nghiệm qua ứng dụng Bluezone và các kênh thông tin trực tuyến cho người dân. "Bộ TT&TT cần ban hành bộ hướng dẫn chính thức để các địa phương triển khai trên diện rộng", ông Tuấn kiến nghị.

Cần đơn giản hoá chức năng để phù hợp với Chiến dịch tiêm chủng

Cũng tại Hội nghị, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 tại địa phương. Cụ thể, theo bà Trinh, TP.HCM vừa hoàn thành việc tiêm chủng đợt 5. Trước đó, thành phố đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để lập kế hoạch đăng ký tiêm trực tuyến dành cho tổ chức thuộc nhóm đối tượng ưu tiên đợt 5 trên hệ thống từ ngày 3/7. Kết quả cho thấy, trên hệ thống ghi nhận 1.843.914 trường hợp đã đăng ký.

Sử dụng mã QR qua Bluezone giúp giảm 50% thời gian chờ đợi khi lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh 3.

Để đạt được mục tiêu 70% người dân tại TP.HCM được tiêm chủng, thành phố đang đẩy mạnh việc lập danh sách tiêm trên Cổng tiêm chủng quốc gia và ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử của Bộ Y tế.

Đối với hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia, TP.HCM đã chuyển dữ liệu đăng ký của thành phố vào hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia cũng như triển khai ứng dụng tại TP Thủ Đức và 21 quận, huyện để từ đó lập kế hoạch tiêm, nhắn tin mời tiêm, nhập kết quả. "Trong quá trình thực hiện, thành phố đã vận dụng nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận công tác tiêm chủng, bao gồm cả việc sử dụng hệ thống để nhắn tin SMS thông qua Cổng 1022", bà Trinh cho biết.

Bên cạnh đó, TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn công tác của Bộ TT&TT, Viettel để thống nhất phương án ứng dụng CNTT, xử lý các tình huống phát sinh để công nghệ có thể đáp ứng được điều kiện thực tiễn. Qua đó, đưa ra các yêu cầu và giải pháp xử lý để Tập đoàn Viettel hoàn thiện phần mềm. Đoàn công tác cũng đã cử nhân sự hỗ trợ TP Thủ Đức, 21 quận huyện để lắng nghe ý kiến của từng đơn vị để chuẩn hoá dữ liệu đăng ký tiêm, sử dụng phần mềm, nhập kết quả tiêm hàng ngày. 

"Chúng tôi cũng đã làm việc với lãnh đạo các quận, huyện để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện", bà Trinh nói.

Kết quả tiêm đến ngày 2/8/2021, TP.HCM đã tiêm được cho 930.239 người, trong đó có 114.101 người lớn hơn 65 tuổi cũng như bệnh nền, đưa vào hệ thống 642.330 mũi tiêm. Thành phố đã áp dụng nhiều hình thức linh hoạt, đơn vị nào sẵn sàng ứng dụng về công nghệ, hạ tầng, con người thì thực hiện theo đúng quy trình. Còn những đơn vị nào chưa sẵn sàng thì có giải pháp hỗ trợ đưa dữ liệu vào hệ thống sau ngày tiêm chủng. "Chúng tôi đang thực hiện dần dần và từng bước để đưa dữ liệu tiêm chủng của TP.HCM vào hệ thống quốc gia", bà Trinh khẳng định.

Thời gian tới, TP.HCM hướng đến mục tiêu 70% người dân tại TP.HCM được tiêm chủng. Để đạt được kết quả này, Thành phố đang đẩy mạnh việc thực hiện các công việc sau: Lập danh sách tiêm trên Cổng tiêm chủng quốc gia và ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử của Bộ Y tế; Sử dụng dữ liệu dịch bệnh để tham mưu cho Thành phố các điểm "nóng", đối tượng cần phải triển khai tiêm chủng nhanh; Phối hợp chặt chẽ với Đoàn công tác Bộ TT&TT trong chiến dịch tiêm chủng.

Cuối cùng, bà Trinh đã kiến nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện, đơn giản hoá các chức năng, quy trình ứng dụng Hệ thống tiêm chủng quốc gia để phù hợp cho Chiến dịch tiêm chủng.

Sử dụng mã QR qua Bluezone giúp giảm 50% thời gian chờ đợi khi lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh 4.

Bắc Giang đã sử dụng Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR Code hiệu quả tại các điểm công cộng.

Kiến nghị liên thông mã QR của Bluezone với các nền tảng khác

Từng là "điểm nóng" Covid của cả nước, Bắc Giang đã sử dụng các điểm check-in khai báo y tế để khoanh vùng các khu công nghiệp, địa điểm có nguy cơ lây nhiễm

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang cho biết, trong giai đoạn tỉnh bùng phát dịch bệnh, đoàn công tác của Bộ Y tế đã tư vấn khoanh vùng công nhân ở khu công nghiệp để dập dịch.

Trước đây, việc khai báo y tế của công nhân được thực hiện bằng tay nên thống kê rất khó khăn. Sau đó, phía Bộ TT&TT đề xuất tỉnh tăng cường ứng dụng CNTT trong khai báo y tế, càng nhiều người khai báo càng tốt. Việc này đảm bảo nắm thông tin nhanh nhất các khu vực, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm để khoanh vùng.

Sau đó, tỉnh đã ban hành chỉ thị yêu cầu người dân cài đặt phần mềm khai báo y tế; giao các địa phương phải hoàn thành chỉ tiêu số lượng người cài đặt ứng dụng. Tại những địa điểm này sẽ có mã QR để người dân quét và khai báo. Nếu không có smartphone thì phải có thẻ bảo hiểm y tế hoặc mã QR cứng được in ra, trình tại các điểm checkin.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang đề xuất Bộ TT&TT phối hợp với Bộ GTVT và Bộ Y tế để liên thông mã QR đang dùng hiện nay vì mã QR của Bluezone đang không liên thông với mã QR mà Bộ GTVT cấp cho tài xế xe tải.

Ngoài ra, trong phần mềm khai báo y tế nên có thêm kết quả xét nghiệm và liên thông phần mềm tiêm chủng, xét nghiệm với Bluezone để thuận tiện, thống nhất trong việc quản lý.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) cho biết, do mỗi địa phương lại có tình hình khác nhau, nơi thì cần ứng dụng việc truy vết, nơi thì cần triển khai mã QR…

Ngày 24/7, Bộ TT&TT đã có văn bản hỏa tốc gửi các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Bộ TT&TT đã đề nghị các Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo địa phương triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc dùng chung trên toàn quốc gồm có: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR Code; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Cục Tin học hóa, đơn vị thường trực của Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia, là cơ quan được Bộ TT&TT giao làm đơn vị đầu mối phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai những nền tảng công nghệ phòng, chống Covid-19. Các địa phương có thể xem tài liệu hướng dẫn triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống Covid-19 tại trang: https://covid19.tech.gov.vn.

NK