Công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 20:47, 03/08/2021

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, với sức lây lan của chủng Delta, công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả. Những nỗ lực triển khai công nghệ sẽ không bao giờ uổng phí vì khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ giúp thực hiện chuyển đổi số (CĐS), phát triển chính quyền số...

Công nghệ phải có sự triển khai thống nhất trên toàn quốc

Tại Hội nghị trực tuyến Phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc được tổ chức ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định, công nghệ là để phục vụ cuộc sống, là để giải quyết các vấn đề của xã hội. Trong đó, vấn đề lớn nhất và ngay lập tức của đất nước hiện nay là đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc. Với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế, Bộ TT&TT đã thống nhất, đồng lòng, cùng triển khai Trung tâm công nghệ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã đề nghị, ở địa phương, Sở Y tế, Sở TT&TT nhanh chóng tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh nhanh chóng phân công một lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai công nghệ, thành lập Tổ công nghệ do Sở Y tế, Sở TT&TT đồng chủ trì. 

‘Đặc biệt, nếu chúng ta có thể thành lập được các Tổ công nghệ cộng đồng đến tận phường, xã để hỗ trợ triển khai với sự tham gia của lực lượng thanh niên, của các doanh nghiệp thì sẽ rất hiệu quả", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, công nghệ không bao giờ là lời giải duy nhất vì tự thân nó không thể giải quyết vấn đề. Chính vì vậy, công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn. "Công nghệ, cũng giống như mọi công cụ khác trên đời, đều có khiếm khuyết, đều có lỗi", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Do đó, một mặt, phải liên tục sử dụng, liên tục ghi nhận lỗi, liên tục phản ánh lỗi, liên tục cập nhật, sửa lỗi. Mặt khác, cần phổ biến những kinh nghiệm, bài học, kết quả triển khai hiệu quả để chúng ta vững tin đi tiếp. Đó là một số kết quả tốt về triển khai Nền tảng tiêm chủng, Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm và Nền tảng hỗ trợ truy vết.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã gửi lời cảm ơn các ý kiến góp ý, phản ánh của đông đảo người sử dụng cho các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch. "Tôi cam kết sẽ cùng Trung tâm quốc gia ghi nhận, tiếp thu nghiêm túc, cầu thị, vì trách nhiệm trước xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định, công nghệ phải có sự bắt buộc, phải có sự triển khai thống nhất trên toàn quốc và đây là sự khác biệt cơ bản giữa thời bình và thời chiến. "Ở thời bình, chúng ta có thể triển khai theo cách đa dạng ứng dụng, theo hướng liên thông dữ liệu. Nhưng ở thời chiến, chúng ta bắt buộc phải triển khai một số nền tảng thống nhất trên toàn quốc".

Công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả - Ảnh 1.

Vì dịch bệnh là toàn quốc, người dân ở TP. Hồ Chí Minh có thể di chuyển Bình Dương hoặc ngược lại, nên phải có dữ liệu toàn quốc. Đồng thời, vì dịch bệnh diễn biến rất nhanh, không có thời gian cho các đơn vị liên quan ngồi lại để bàn bạc chuyện liên thông. Do đó, Trung tâm Công nghệ quốc gia đã phát triển một bộ công cụ để phục vụ phòng, chống dịch.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78, Bộ Y tế, Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch quốc gia đã biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết, đã gửi đến tất cả các đầu mối. Vì vậy, Thứ trưởng đã đề nghị các Sở căn cứ vào văn bản này để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo ở địa phương mình.

"Những nỗ lực triển khai công nghệ sẽ không bao giờ là uổng phí. Chúng ta hãy mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc dùng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ vẫn còn đó, để chúng ta thực hiện CĐS, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vì một tương lai tốt đẹp hơn", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kết luận.

Công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả - Ảnh 2.

Hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 ngày 3/8 được diễn ra trưc tuyến trên phạm vi toàn quốc.

Sẽ tìm các phương án công nghệ hỗ trợ ngành Y tế chống dịch

Cũng tại Hội nghị, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM, ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Sở TT&TT Bắc Giang đã chia sẻ những kinh nghiệm của địa phương trong việc ứng dụng các nền tảng công nghệ trong việc triển khai tiêm chủng, xét nghiệm cũng như phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đại diện Trung tâm công nghệ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã trình bày về việc triển khai Bluezone trong việc truy vết các ca nghi nhiễm.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT) cho biết, việc triển khai ứng dụng công nghệ trong việc triển khai tiêm chủng ở TP.HCM là những kinh nghiệm quý báu để triển khai trên toàn quốc. Nếu không ứng dụng công nghệ ngay từ đầu trong chiến dịch tiêm chủng thì người dân trên địa bàn sẽ thiệt thòi vì không được cấp chứng nhận điện tử. 

Công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả - Ảnh 3.

Ông Đỗ Công Anh: Ngành TT&TT cũng sẽ tìm các phương án công nghệ hỗ trợ ngành Y tế chống dịch.

Hơn thế, nếu số liệu không được đầy đủ do lưu trên giấy, excel thì sẽ không thể quản lý được người đi tiêm lần 1 để mời đi tiêm lần 2 hay chưa biết được người đó đã tiêm hay chưa. "Sở TT&TT cần phối hợp với Sở Y tế để thực hiện và tuyên truyền để người dân đăng ký trên Cổng tiêm chủng quốc gia hay qua ứng dụng di động Sổ sức khoẻ điện tử. Thậm chí, có thể kéo Đoàn thanh niên vào cuộc để cùng hỗ trợ, cài đặt, đăng ký cho người dân", ông Đỗ Công Anh đề nghị.

Thời gian tới, tại TP. HCM, để có thể tiêm chủng nhanh chóng, rộng khắp cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, TP. HCM dự kiến sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm di động đến từng hẻm, đến từng chung cư hay "gõ từng nhà" để tiêm cho người lớn tuổi. Các hệ thống liên quan đến việc tiêm chủng sẽ liên tục được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Công Anh cũng đã đánh giá cao việc triển khai xét nghiệm thông qua mã QR tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để giảm thiểu thời gian, tránh tụ tâp đông người và trả kết quả nhanh chóng qua ứng dụng. Hay tại Bắc Giang, mã QR trên Bluezone và các ứng dụng khác đã cho thấy có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Ngoài ra, ông Đỗ Công Anh cho biết, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế và làm việc với nhau hàng ngày, hàng giờ. Trong đợt dịch này, 2 đơn vị cũng đã chia nhau ra để hỗ trợ các địa phương phía Nam triển khai các nền tảng. "Ngành TT&TT cũng sẽ tìm các phương án công nghệ hỗ trợ ngành Y tế chống dịch", ông Đỗ Công Anh nói.

Do mỗi địa phương lại có tình hình khác nhau, nơi thì cần ứng dụng việc truy vết, nơi thì cần triển khai mã QR… "Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Bộ TT&TT sẽ tổ chức những Hội nghị ngắn gọn như hôm nay để phổ biến những kinh nghiệm đã triển khai để các Sở TT&TT chia sẻ thêm về việc thực hiện giải pháp, cách thức phối hợp với Sở Y tế trong việc sử dụng công nghệ phòng chống dịch bệnh", ông Đỗ Công Anh khẳng định./.

NK