Thanh toán không dùng tiền mặt: Chỉ mới là chất xúc tác, chưa trở thành động lực
Ý kiến chuyên gia - Ngày đăng : 10:51, 03/08/2021
PV: Ông nhận định như thế nào về điểm mới này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Một công ty làm đại lý cho NH là cánh tay nối dài của NH. Chẳng hạn như NH có thể liên kết với công ty ở một tỉnh nào đó để thực hiện một số dịch vụ của NH như đổi tiền, nhận tiền trả nợ của khách hàng, cho phép khách hàng rút tiền tại quầy. Dịch vụ này cũng phổ biến tại một số quốc gia.
Tuy nhiên, tại các nước phát triển, việc có đại lý được ủy quyền bởi NH chỉ áp dụng cho một vài dịch vụ thu hẹp, chẳng hạn như dịch vụ thu đổi ngoại tệ ở vùng có nhiều du khách, hoặc NH kết nối với công ty bảo hiểm mở đại lý tại chi nhánh phòng giao dịch của công ty bảo hiểm.
Tại Việt Nam, đại lý NH chưa phổ biến, vì vậy ngành NH có thể quan tâm đến, đặc biệt phục vụ cho những người ở vùng sâu vùng xa. Song thời điểm này, các chi nhánh, phòng giao dịch của các NH được phủ khá rộng, các ví điện tử, mobile money đã khá phổ biến, nên cũng không nhìn thấy sự cần thiết của các đại lý.
Nhưng tôi cho rằng, nếu càng ngày hệ thống mạng lưới NH ngày càng mở rộng, những dịch vụ kết nối như đại lý NH cũng có thể kết nối cung cấp như điểm đổi tiền ở vùng có nhiều du khách, hoặc giúp các NH thực hiện thu hộ một số loại dịch vụ (trừ đòi nợ thuê) ở vùng sâu vùng xa, nơi NH không có chi nhánh, phòng giao dịch.
Trong khi đó, có một vấn đề tôi đặc biệt quan tâm qua hệ thống đại lý NH, đó là hệ thống hạch toán, kế toán của NH có thể bị xâm nhập, bị tấn công. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro khi triển khai chính sách này, sự liên kết giữa công ty đại lý và NH phải được tính toán trong chừng mực thích hợp.
Hai bên có thể tiếp nhận thông tin, tuy nhiên đại lý không thể thâm nhập vào hệ thống của NH, không thể thâm nhập vào tài khoản của khách hàng để loại bỏ rủi ro tài khoản khách hàng bị hack.
PV: TTKDTM trong bối cảnh dịch bệnh tăng trưởng nhanh, ông đánh giá như thế nào về chuyển biến này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Các hình thức TTKDTM tăng trưởng nhanh là điều đáng mừng. Tuy nhiên cũng phải nhìn thấy rằng, tăng trưởng nhanh đó là do xuất phát điểm thấp, nhìn vào con số tăng trưởng với tỷ lệ hơn 100% thì rất lớn, song quy mô vẫn rất nhỏ. Tình hình TTKDTM của Việt Nam có tiến triển nhưng chưa nhiều. Công cụ hỗ trợ TTKDTM đã đầy đủ nhưng tỷ lệ sử dụng tiền mặt vẫn rất lớn, đặc biệt là những người ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Điều này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ hay Nhật Bản cũng vậy. Hiện ở Việt Nam, chỉ có những người sinh sống ở đô thị, ở thành phố, giới trẻ, những người sử dụng công nghệ mới áp dụng các phương pháp TTKDTM như thẻ, mobile banking, ví điện tử, mã QR.
Còn lại đại bộ phận dân số vẫn sử dụng tiền mặt, chỉ sử dụng thẻ NH hoặc thẻ tín dụng trong một số trường hợp. Đa số người dân vẫn dùng tiền mặt mua món hàng nhỏ.
Dịch Covid-19 có thay đổi thói quen thanh toán, nhưng đây chỉ mới là chất xúc tác, nhưng chưa trở thành động lực chính.
Theo quan sát của tôi, đối với việc mua thực phẩm trong đại dịch, phần lớn vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Người dân ưa chuộng mua hàng trực tuyến, nhưng thống kê của ngành thương mại điện tử cho thấy 80% vẫn giao dịch thanh toán tiền mặt. Tức là thương mại điện tử nhưng chỉ mới trực tuyến ở khâu đặt hàng.
PV: Ông có đề xuất gì về giải pháp để nền kinh tế Việt Nam tiến đến TTKDTM như kỳ vọng của cơ quan quản lý?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Nền kinh tế Việt Nam muốn tiến tới TTKDTM, vì điều này mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Hơn nữa, sử dụng tiền mặt phát sinh nhiều chi phí như in tiền, kiểm soát, lưu kho, vận chuyển tiền giấy.
Ngoài ra, còn có điểm quan trọng là sử dụng tiền mặt sẽ dễ rửa tiền. Khi những người có hoạt động phạm pháp như đánh bạc, bán ma túy sử dụng tiền mặt là phương tiện tốt nhất, vì không để lại dấu vết. Tại thời điểm này, khi Việt Nam muốn đi vào nền kinh tế kỹ thuật số, nên vai trò tiền mặt cũng phải giảm đi.
Chính vì vậy, thị trường thanh toán hiện có rất nhiều sản phẩm. Song theo tôi, mấu chốt không chỉ là nhiều loại hình thanh toán mà mấu chốt nằm ở 2 đầu mối: người tiêu dùng có sẵn sàng bỏ thói quen sử dụng tiền mặt để chuyển qua những công cụ khác, và người bán hàng có chấp nhận phương thức này hay không.
Công cụ đã có, vậy muốn người tiêu dùng chuyển đổi, phải khuyến khích các điểm bán lẻ chấp nhận hình thức thanh toán phi tiền mặt. Tỷ lệ này hiện nay vẫn còn thấp, nhất là đối với các tiểu thương nhỏ lẻ.
Trong TTKDTM, chỉ có các doanh nghiệp tham gia đồng bộ, trả lương, chi tiêu qua hệ thống NH. Còn về cá nhân, người sử dụng tiền mặt nhiều và người nhận tiền mặt cũng nhiều.
Trong bối cảnh chung hiện nay, muốn giảm dần tỷ trọng tiền mặt trong thanh toán cần phải có thời gian, khoảng 10 năm, trong đó chia ra mục tiêu cho các mốc 3 năm, 5 năm và 10 năm. Cụ thể, trong vòng 3 năm tới, nỗ lực giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt của người dân từ khoảng 80% hiện tại xuống mức 70%, đến 5 năm giảm xuống mức 50% và 10 năm tới giảm xuống mức 20%.
Đây là mức thành công, phải chấp nhận luôn luôn có tỷ lệ người dân dùng tiền mặt thanh toán, trừ trường hợp khi đó NHNN không phát hành tiền giấy nữa mà phát hành tiền kỹ thuật số.
Một điểm cần lưu ý khi đẩy mạnh TTKDTM là bảo mật thông tin là vấn đề tiên quyết để người dân tin tưởng và thay đổi thói quen. Hiện nay, hệ thống các TCTD vẫn còn một số lỗ hổng làm lộ thông tin khách hàng hay tình trạng bỗng nhiên mất tiền trong tài khoản đang là nỗi lo cho nhiều người.
Vì vậy, bảo mật là yêu cầu tối quan trọng, không chỉ yêu cầu bảo mật cho tài khoản NH, ví điện tử, tiền di động mà kể cả các cơ quan của Chính phủ, bệnh viện, trường học, để người dân tin tưởng giao dịch.
Tôi cho rằng ngành tài chính thế giới sẽ có những thay đổi lớn trong và sau dịch bệnh, Chính phủ phải yêu cầu các cơ quan áp dụng TTKDTM nắm bắt tình hình để có những thay đổi kịp thời về công nghệ, tăng cường bảo mật để đảm bảo vấn đề an ninh tiền tệ cho quốc gia và thúc đẩy các phương thức thanh toán mới.
Xin cảm ơn ông./.
Đỗ Linh (thực hiện)