Chính phủ cần có những quyết sách gì để phát triển kinh tế số?

Kinh tế số - Ngày đăng : 08:04, 03/08/2021

Thực sự bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích nhiều tiến bộ công nghệ, sẽ đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách có một kiến ​​trúc quy định hiện đại hơn, tổng thể hơn trong điều hành và xây dựng nền kinh tế số.

Các chính phủ trên thế giới đã và đang phải vật lộn với nhiều thách thức trong công tác điều hành nền kinh tế, khi có nhiều ngành công nghiệp mới và mở rộng nhanh chóng trong thời đại mới. Nhiệm vụ của các chính phủ là đảm bảo phát triển tốt những ngành công nghiệp này, đồng thời chống lại những rủi ro tiềm ẩn khi công nghệ đổi thay. Trong thế kỷ 18 và 19, các chính phủ phải hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp hoàn toàn mới đồng thời giải quyết các vấn đề trong các lĩnh vực như lao động trẻ em, vệ sinh và chất lượng không khí.

Ngày nay, các chính phủ phải đối mặt với thách thức tương tự với việc điều hành nền kinh tế số toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các chính sách công phải cho phép các công ty phát triển các sản phẩm và dịch vụ số mới sáng tạo, đồng thời xây dựng các biện pháp an toàn theo quy định để chống lại các tác hại có thể xảy ra. Chính phủ cần đưa ra các hướng dẫn rõ ràng để các công ty có thể hoạt động một cách an toàn.

Ở mỗi thời đại lại có những thách thức khác nhau. Song điều đáng nói là, các thể chế khu vực công đều bắt nguồn từ thế kỷ 20, vốn quen thuộc với công tác điều hành, tổ chức các ngành công nghiệp, ngành kinh doanh đơn lẻ. Trong khi đó, ở thời đại nền kinh tế số, các doanh nghiệp (DN) lớn ngày càng mở rộng hoạt động trong nhiều lĩnh vực, và đó là một phần của nền kinh tế số mới. Chẳng hạn với dịch vụ tài chính: các hoạt động như mua sắm và thanh toán hàng hóa trên phương tiện truyền thông xã hội có cả các thành phần bán lẻ và dịch vụ tài chính. Những hoạt động này nằm dưới sự điều hành của nhiều tổ chức. Do đó, mỗi cơ quan, tổ chức lại đưa ra các quy định mới và tiếp tục triển khai, giám sát, nhằm bao quát các lĩnh vực bổ sung. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) điều này đang tạo ra sự chắp vá của các cơ quan quản lý cả trong nước và quốc tế.

Ngay cả các quy định liên ngành mới cũng cần được mở rộng để giải quyết một cách công bằng, đầy đủ của các hoạt động kỹ thuật số đang mở rộng nhanh chóng. Ví dụ, quy định về quản lý, bảo vệ dữ liệu General Data Protection Regulation (GDPR) ở châu Âu, một chính sách được thiết kế để bảo vệ người tiêu dùng bằng cách bảo vệ dữ liệu cá nhân, có thể gây khó khăn cho các công ty khởi nghiệp và các DN trong quá trình mở rộng quy mô, trong việc tiếp cận lượng lớn dữ liệu người tiêu dùng do các công ty lớn nắm giữ. Tuy nhiên, thông thường, các công ty lớn hơn vẫn có thể chia sẻ dữ liệu trên các nền tảng của riêng họ. Điều này tạo ra những thách thức cạnh tranh mới, được điều chỉnh bởi một loạt các thể chế khác nhau.

Vậy các chính phủ cần làm gì? Theo WEF, để có hiệu quả, các chính phủ phải thiết kế lại cách họ điều hành nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng của thế giới, có tính đến 4 thách thức kỹ thuật số mới, và đang nổi lên cùng một lúc.

Thứ nhất là phạm vi

Trong thế kỷ qua, các cơ quan quản lý (CQQL) đã xác định những thách thức bên trong các thị trường riêng cụ thể. Thông thường, các CQQL sẽ phát triển hoặc mở rộng các đơn vị quản lý, để xử lý, giải quyết từng thị trường cụ thể đó - chẳng hạn như năng lượng hoặc viễn thông. Hoặc CQQL sẽ tập trung vào một thách thức cụ thể, chẳng hạn như giải pháp đối phó với tình trạng độc quyền.

Nhưng trong nền kinh tế số, các công ty lớn nhất có hoạt động kinh doanh trải dài trên mọi lĩnh vực từ hàng tiêu dùng và bán lẻ, đến viễn thông và năng lượng. Vì thế, các CQQL cũng cần được tập trung xoay quanh các định nghĩa rộng lớn hơn về các vấn đề và thị trường.

Ví dụ: ở Vương quốc Anh, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) và Văn phòng Ủy viên Thông tin (ICO) là các cơ quan bảo vệ dữ liệu và giải quyết các vấn đề cạnh tranh xuyên ngành. Các cơ quan này sẽ thiết lập các tiêu chuẩn trên toàn bộ nền kinh tế. Trong một đánh giá gần đây về thị trường kỹ thuật số, CMA đã bắt đầu xác định lại thị trường và sức mạnh thị trường.

Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang coi việc bảo vệ dữ liệu là một phần trong nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng. Ủy ban này cũng có kinh nghiệm xem xét quy trình ra các quyết định tự động. Cơ quan này có thể áp dụng một quan điểm toàn diện hơn về bảo vệ dữ liệu và cạnh tranh khi có Chủ tịch mới.

Chính phủ cần có những quyết sách gì để phát triển kinh tế số? - Ảnh 1.

Quy mô

Ngoài tính đến phạm vi bao quát của nền kinh tế số khi hoạch định chính sách, các CQQL cũng cần tìm ra cách để bắt kịp với sức mạnh tài chính chưa từng có. Sức mạnh tài chính này có thể giúp các công ty công nghệ lớn có khả năng vượt qua cơ quan quản lý trên nhiều mặt. Một số công ty lớn nhất đang có ngân sách hàng năm lớn hơn cả GDP của hầu hết các quốc gia. Với các dịch vụ kỹ thuật số không thể thiếu trong mọi thứ, từ cách chúng ta mua sắm đến cách chúng ta đi lại cho đến cách xử lý các dịch vụ tài chính của chúng ta, hoạt động của các công ty số lớn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với hoạt động của các nền kinh tế số quốc gia. 

Do đó, một số nhà hoạch định chính sách đang xem xét các khuôn khổ pháp lý, bổ sung yêu cầu về khả năng phục hồi hoạt động của nền kinh tế số. Khả năng phục hồi hoạt động là cả một quá trình và một đặc tính của nền kinh tế để thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi môi trường và nhu cầu. Khả năng phục hồi hoạt động sẽ cho phép thực hiện nhiệm vụ hoặc hoạt động kinh doanh bất chấp những diễn biến căng thẳng hoặc gián đoạn, ví dụ như trong đại dịch COVID-19. Nói cách khác, đó là khả năng của quốc gia để xử lý và kiểm soát các yếu tố bên ngoài có thể cản trở hoạt động.

Ngoài ra, nhiều dịch vụ kỹ thuật số hiện nay có quy mô trải dài trên các biên giới địa lý. Kết quả là, quy định trong một lĩnh vực có thể không cung cấp giải pháp đầy đủ nếu không có thỏa thuận giữa nhiều quốc gia và thành phố. Đây chính là nơi các cơ quan siêu quốc gia, các tổ chức quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho hoạt động điều hành, hoạch định chính sách của các quốc gia và cung cấp hướng dẫn về các vấn đề toàn cầu như chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới.

Điều này không phải quá xa lạ. Chẳng hạn, trong thị trường dịch vụ tài chính, những tổ chức như Ủy ban Ổn định Tài chính - cơ quan giám sát thị trường tài chính, điều phối các cơ quan tài chính và đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế - đã ra đời. Quy mô lớn, quốc tế va đa ngành của thị trường kỹ thuật số sẽ tạo ra những vấn đề mới và gây khó khăn cho việc điều phối quốc tế. Tuy nhiên, các chính phủ không có lý do gì để né tránh nó, bởi vì trước mắt, thực tế cho thấy cần phải có sự phối hợp của các quốc gia cùng chí hướng trong khu vực và toàn cầu.

Các sản phẩm số

Tương tự, việc quản lý dữ liệu số và các loại hàng hóa khác cũng cần được hình dung lại. Hiện nay, dường như đang có một giả định ngầm rằng các sản phẩm vật lý được bán trên nền tảng  số cũng được bảo đảm bởi các chế độ quản lý hiện hành.

Tuy nhiên, việc thiếu cơ quan bảo vệ người tiêu dùng liên ngành hiện nay ở bất kỳ quốc gia nào đều khiến người tiêu dùng rơi vào ranh giới giữa các quy định về trực tuyến và vật lý khi khai thác các tiềm năng số. Chẳng hạn, người tiêu dùng có thể nhầm tưởng rằng thực phẩm được bán bởi các nhà bán lẻ trực tuyến, hay đơn giản là thực phẩm mua qua mạng, cũng tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc gia. Trong khi đó, chế tài áp dụng với hoạt động mua bán online nhiều khi chưa đầy đủ. Nghĩa là, trong khi khách hàng có thể cảm thấy các hoạt động giống nhau, song các biện pháp bảo vệ được cung cấp lại khác nhau.

Ngay cả khi các công ty phải chịu cùng một quy định, thì trong thực tế, việc giám sát các hoạt động số hàng ngày  thường chưa được xem xét kỹ lưỡng theo cùng một cách và do đó không phải chịu cùng cường độ giám sát. Nói đúng ra, nhiều quốc gia vẫn chưa có bộ luật quản lý đầy đủ các sản phẩm kỹ thuật số, các hoạt động kinh doanh qua mạng.

Hành vi của người tiêu dùng trong thời đại số

Cuối cùng, bên cạnh việc quản lý các sản phẩm số, các quy định cũng cần được thiết kế để giải quyết các dạng hành vi số mới. Một trong những bài học lớn nhất từ các cuộc cải cách quy định trong quá khứ là các cá nhân không phải lúc nào cũng phản ứng theo cách mà các CQQL mong đợi. Ví dụ, khi chính phủ Anh bắt đầu mở cửa mạnh mẽ thị trường điện và khí đốt, mọi người đều nghĩ rằng thị trường tự do sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng có thể chuyển đổi nhà cung cấp, để có được thỏa thuận tốt hơn.

Những suy nghĩ này dựa trên các giả định kinh tế tiêu chuẩn về cách thức người tiêu dùng tìm cách tối đa hóa lợi ích cá nhân của họ. Nhưng hóa ra là đại đa số mọi người đều gắn bó với nhà cung cấp đương nhiệm.

Vì vậy, các phương pháp tiếp cận quy định kỹ thuật số cần được xây dựng dựa trên sự hiểu biết tinh vi hơn về những gì mọi người thực sự đang làm với các sản phẩm và dịch vụ số mới, thay vì cách chúng ta có thể mong đợi họ hành xử - ngay cả khi bản thân người tiêu dùng không phải lúc nào cũng nhận thức được dữ liệu của họ đang được sử dụng như thế nào và giá trị trích xuất của nó.

Xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số bền vững

Các đổi mới công nghệ ngày càng trở nên sâu sắc hơn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, tạo ra những cơ hội mới có giá trị nhưng cũng có những rủi ro kỹ thuật số đang gia tăng theo cấp số nhân. Thực sự bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích nhiều tiến bộ công nghệ hơn, sẽ đòi hỏi một kiến trúc quy định hiện đại hơn, tổng thể hơn từ các chính phủ.

Như một điểm khởi đầu, các nhà hoạch định chính sách có thể bắt đầu hòa giải cuộc chiến số giữa các CQQL bằng cách tạo ra các tổ chức quản lý và các diễn đàn hợp tác giúp đưa ra giải pháp cho một số thách thức xuyên ngành mà nền kinh tế kỹ thuật số mới đang phải đối mặt. 

Các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng điều thực sự cần thiết khi hoạch định chính sách kinh tế số là một kiến trúc giám sát mới phù hợp với mục đích trong thời đại kinh tế số. Một kiến trúc quy định nền kinh tế kỹ thuật số như vậy nên tập hợp lại và giải quyết một cách tổng thể các rủi ro liên ngành mới xuất hiện về phạm vi, quy mô, sản phẩm và hành vi số./.

Bảo Bình