Tìm kiếm vai trò mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 21:08, 02/08/2021
Từ những bước chập chững 50 năm trước
Cố giáo sư Trần Đại Nghĩa từng ấp ủ giấc mơ xây dựng ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Việt Nam từ những năm 1970-1980. Ông đã từng đặt mua dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử của hãng chuyên công nghệ hàng không và quốc phòng Thomson CFS – tiền thân của tập đoàn Thales Group tại Pháp. Nhưng do cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ và ngành logistics còn quá kém lúc đó, giấc mơ của ông đã không thành.
Những nỗ lực sau đó của GS.TS Đặng Lương Mô – nhà khoa học Việt kiều Nhật có uy tín trong lĩnh vực bán dẫn trên thế giới – cũng chỉ mang lại các kết quả khiêm tốn. Ông cũng đặt nền móng cho sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kê vi mạch (ICDREC), sản xuất thành công nhiều con chip công nghệ cao, trong đó có chip vi xử lý VN1632 vào năm 2010. Những con chip đầu tiên “made in Vietnam” đã khiến chính phủ đi đến quyết định đặt công nghệ chip ở vị trí hàng đầu trong số 46 ngành công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại Việt Nam.
Với làn sóng đầu tư nước ngoài từ thập niên 1990 trở đi, đặc biệt là cuối những năm 2000 đến nay, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã trở thành trụ cột trong nền kinh tế xuất khẩu. Việt Nam hiện đứng thứ 9 trên toàn cầu về xuất khẩu hàng điện tử. Tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm smartphone và linh kiện cùng nhóm máy tính, đồ điện tử và linh kiện lên đến 95,8 tỉ đô la, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 281,5 tỉ đô la. Tổng cục Thống kê dự báo hai ngành hàng này sẽ đạt trên 100 tỉ đô la trong năm 2021.
Hàm lượng công nghệ Việt Nam bao nhiêu?
Ngành công nghiệp phụ trợ cho các hãng đại công nghệ như Samsung và Apple đã được hình thành và đang dần mở rộng tại Việt Nam. Nhưng hàm lượng chất xám của đội ngũ kỹ sư Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn trong những chiếc smartphone hay máy tính đắt tiền của hai gã khổng lồ này.
Năm 2008, khi đầu tư 650 triệu đô la để thành lập nhà máy đầu tiên ở Bắc Ninh, Samsung đã đề cập “vị trí đắc địa” của tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam – rất gần với nguồn linh kiện từ Trung Quốc, gần Hà Nội, gần sân bay Nội Bài và cảng Hải Phòng. Song song với việc mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh, Samsung đầu tư thêm gần 7 tỉ đô la để xây dựng tổ hợp sản xuất smartphone và các xưởng vệ tinh sản xuất linh phụ kiện tại Thái Nguyên từ năm 2013. Thái Nguyên được chọn vì khoảng cách đến Bắc Ninh và Hà Nội – nguồn cung cấp nhân lực cao cho trung tâm R&D của Samsung sau này.
Khảo sát danh sách 22 nhà thầu Apple tại Việt Nam cho thấy sự phân bố rải rác từ Bắc vào Nam: Cụm công nghiệp Bắc Ninh - Bắc Giang tập trung nhiều nhất với 9 công ty, gồm 5 công ty tại Bắc Ninh và 4 công ty ở Bắc Giang. Còn lại rải ra ở vùng phụ cận như Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, mỗi nơi 1 công ty. TPHCM, Đồng Nai và Tiền Giang mỗi nơi có một nhà thầu. Riêng Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Dương có 2 nhà máy ở mỗi địa phương.
Có tới 20 nhà thầu có duy nhất một nhà máy, trong đó có hai nhà thầu phụ có hai nhà máy tại hai địa phương, đó là Foster Electric Company Ltd với nhà máy tại Đà Nẵng và Bình Dương, Murata Manufacturing Company Ltd có xưởng tại Đà Nẵng và Tiền Giang.
TPHCM là nơi đặt nhà máy điện tử gia dụng duy nhất của Samsung tại miền Nam bởi lý do: “Các doanh nghiệp ở đây có thế mạnh trong ép nhựa và đúc chi tiết. Thành phố cũng có sân bay và cảng biển quốc tế, thuận tiện cho việc xuất hàng đi châu Âu, Mỹ và các nơi khác” – một cựu lãnh đạo cấp cao của Samsung Vina giải thích.
Trong hơn một thập niên qua, tập đoàn Hàn Quốc đã hình thành nên hệ thống công nghiệp phụ trợ gồm 28 nhà cung ứng tại Việt Nam, đều là các doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Họ chiếm 80% các giao dịch của Samsung và cung cấp 60% linh kiện. Họ cũng kéo các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc chuyển cơ xưởng sang Việt Nam. Chẳng hạn, tháng 10-2020, hai hãng thiết bị viễn thông hàng đầu KMW và Ace Technologies đã mở xưởng tại Việt Nam và trở thành nhà thầu phụ của Samsung.
Như vậy, yếu tố hàng đầu để Việt Nam trở thành “đất lành chim đậu” cho tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc vẫn là giá lao động, các ưu đãi về đất đai và thuế. Hàm lượng chất xám của đội ngũ kỹ sư Việt Nam mới chỉ được quan tâm từ năm 2020.
Tương tự như vậy là chuỗi cung ứng cho Apple tại Việt Nam.
Trung Quốc hiện chiếm 51 trong tổng số 200 nhà thầu hàng đầu của Apple trong năm tài chính 2020 với các cơ sở sản xuất tại đại lục và đặc khu Hồng Kông – theo danh sách các nhà thầu Apple được hãng này công khai. Các chuỗi cung ứng của Trung Quốc cũng giúp Apple tăng số lượng ở các vệ tinh bên ngoài Trung Quốc.
Số nhà cung ứng của Apple tại Việt Nam cũng tăng lên 22 trong năm tài chính vừa rồi, so với con số 14 trong năm 2018 khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra. Bảy trong số này thuộc các sở hữu các công ty đặt tại Trung Quốc hay Hồng Kông. Trong số này có Luxshare Precision Industry và GoerTek chuyên sản xuất tai nghe không dây AirPod mở nhà máy tại Bắc Giang và Bắc Ninh trong năm 2020.
Samsung, LG và các nhà thầu phụ của họ tại Bắc Ninh và Bắc Giang cùng với nhà máy của Intel tại TPHCM cũng là nhà cung ứng linh kiện cho các dây chuyền lắp ráp của Apple tại Việt Nam.
Các tín hiệu mới cho thời hoàng kim của công nghiệp bán dẫn?
Hồi tháng 1-2021, công ty Intel Products Việt Nam đầu tư thêm 475 triệu đô la để xây dựng xưởng sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm chip hiện đại nhất tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP). Đợt châm vốn lần thứ ba đã giúp tổng vốn đầu tư của Intel vào Việt Nam lên đến 1,5 tỉ đô la. Tập đoàn công nghệ chip của Mỹ đang đặt mục tiêu vượt qua hai gã khổng lồ về chip hiện tại– Samsung của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan – để giành lại ngôi quán quân trước đây vào năm 2025.
Công ty điện tử gia dụng của Samsung tại TP.HCM vừa được phép chuyển đổi từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất, góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị vệ tinh công nghệ phụ trợ, đặc biệt là công nghệ chất bán dẫn. Hãng SNST & Finger Vina của Hàn Quốc đã đầu tư 1 triệu đô la để mở xưởng thiết kế vi mạch điện tử tích hợp tại SHTP.
Nhà máy của hãng này đã hoạt động từ quí 1-2021.
Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đang mở ra cơ hội mới cho ngành công nghiệp chip cũng như công nghệ dựa trên Internet vạn vật (IoT) tại Việt Nam – theo Tiến sỹ David Bray thuộc tổ chức People Centered Internet Coalition tại Mỹ. Ông nói trung tâm của phát triển trong tương lai phụ thuộc công nghệ điện tử và tự động bởi tất cả đều nhờ vào các chip công nghệ cao.
Nhưng liệu định vị trong tương lai của ngành bán dẫn Việt Nam sẽ ra sao khi con chip vi xử lý “made in Vietnam” chỉ dừng lại ở mức 32 bit từ thời của GS.TS Đặng Lương Mô hơn 10 năm trước?
Một báo cáo mới nhất chưa công bố của Văn phòng Thương vụ Úc (Austrade) mà chúng tôi có được đã chỉ ra rằng: Một số các công ty hàng đầu tại Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đã tiên phong và dẫn dắt trong việc ứng dụng công nghệ cao vào dây chuyền sản xuất. Có thể kể đến Samsung, FPT Software, Tổng Công ty May 10, nhà máy bia Habeco và hãng xe Vinfast. Tháng 6-2017, Samsung SDS thuộc Samsung Electronics đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với CMC – hãng dịch vụ tin học và truyền thông lớn thứ hai tại Việt Nam – về xây dựng hệ sinh thái nhà máy thông minh.
Tại nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh, hiện có 6.000 robot đang hoạt động trong các dây chuyền lắp ráp. Tương tự, 1.200 robot đang hoạt động trong các nhà máy sản xuất xe hơi và xe điện của Vinfast…
Trong tương lai, các nhà thầu phụ sẽ mở thêm nhà xưởng tại Việt Nam và hình thành chuỗi cung ứng có mạng chân rết rộng hơn. Nhưng chất lượng – thể hiện qua giá tiền của các con chip – vẫn quan trọng hơn số lượng. Kim ngạch xuất khẩu chip của Intel trong sáu tháng đầu năm 2021 chiếm đến 64% sản lượng xuất khẩu của SHTP, theo bà Uyên Hồ, Giám đốc truyền thông của Intel tại Việt Nam và Malaysia.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm smartphone và linh kiện cùng nhóm máy tính, đồ điện tử và linh kiện lên đến 95,8 tỉ đô la, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 281,5 tỉ đô la. Tổng cục Thống kê dự báo hai ngành hàng này sẽ đạt trên 100 tỉ đô la trong năm 2021.
Trong sáu tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm smartphone và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 25,1 tỉ đô la, chiếm 15,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm máy tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 23,7 tỉ đô la, tăng 22,1%. Nhóm máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 17 tỉ đô la, dệt may 15,2 tỉ đô la và giày dép 10,4 tỉ đô la.