Phương pháp tiếp cận để xác định giá trị kinh tế số vào tăng trưởng GRDP các địa phương và GDP quốc gia
Kinh tế số - Ngày đăng : 08:15, 02/08/2021
Với một trong ba đột phá chiến lược là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thì văn kiện Đại hội Đảng đã nhấn mạnh một yếu tố rất mới, đó là chú trọng phát triển hạ tầng thông tin viễn thông tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số trong văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và đứng trong nhóm 50 Quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.
Mặc dù gần đây, các khái niệm về kinh tế số cũng được phổ biến nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhưng mô hình ước tính của kinh tế số vào GDP còn tồn tại nhiều cách hiểu, phương pháp luận khác
nhau. Theo UNCTAD1, ước tính giá trị của nền kinh tế số toàn cầu dao động trong khoảng 4,5% đến 22,5% GDP thế giới, nghiên cứu của Huawei và Oxford Economics (2017) ước tính rằng nền kinh tế số chiếm 18,4% GDP ở các nền kinh tế tiên tiến nhưng đạt 10% GDP ở các nước đang phát triển. Theo báo cáo kinh tế số của khu vực ASEAN của Temasek, Google, Bain (Google, Temasek và Bain Company, 2020), nền kinh tế số của 6 quốc gia2 đóng góp 3,7% vào GDP, trong đó Việt Nam, kinh tế số đóng góp vào 16% GDP (dự báo đến 2025, kinh tế số đóng góp 29%). Do việc đo lường quy mô GDP của kinh tế số rất phức tạp bởi khó khăn trong việc xác định ranh giới, thiếu dữ liệu đáng tin cậy và đan xen trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế để thống kê chính xác.
Phương pháp luận đo lường kinh tế số của một số đơn vị tư vấn quốc tế
Nghiên cứu của tập đoàn tư vấn McKinsey Global Institute (MGI): Theo các chuyên gia của McKinsey, trong số ba phương pháp có thể để tính GDP thì phương pháp tổng chi tiêu là được lựa chọn để tính GDP của kinh tế số (GDP=C+I+G+NX). Theo đó, các thành phần chỉ tiêu được quy định như sau:
Trong đầu tư tiêu dùng của các nhà đầu tư, chi phí đầu tư của khu vực tư nhân vào CNTT&TT được ước tính. Vốn đầu tư vào CNTT&TT được ước tính dựa trên tổng mức đầu tư của khu vực tư nhân, bao gồm cả phần đầu tư vào CNTT&TT trong tổng mức đầu tư. Vốn đầu tư vào R&D trong lĩnh vực CNTT&TT được tính bằng sản phẩm của tổng chi phí R&D và phần đầu tư vào R&D trong lĩnh vực CNTT&TT
Trong chi tiêu Chính phủ, mức chi tiêu công cho phần mềm doanh nghiệp, phần cứng, hệ thống trung tâm dữ liệu, lĩnh vực truyền thông và dịch vụ CNTT đã được đánh giá. Việc tính toán dựa trên ước tính của Gartner về chi tiêu công cho CNTT theo quốc gia.
Trong xuất khẩu ròng, xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số, cũng như xuất khẩu ròng của thương mại điện tử trong phân khúc B2B và B2C được ước tính dựa trên dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế UNCTAD cho các loại sản phẩm sau: máy tính và phần cứng ngoại vi, thiết bị viễn thông, điện tử tiêu dùng và linh kiện điện tử, dịch vụ truyền thông.
Nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG): Phương pháp tính GDP kinh tế số của các nước G20 được BCG cùng với Google phát triển vào năm 2010.Để tính toán đóng góp của nền kinh tế số vào GDP, các chuyên gia BCG đã sử dụng phương pháp tổng chi tiêu để tính toán GDP.
Chi tiêu tiêu dùng của cá nhân bao gồm mua thiết bị CNTT&TT của người dân, mua hàng hóa trên Internet và thanh toán cho truy cập Internet. Chi phí thiết bị truy cập được ước tính dựa trên tỷ lệ chi phí thiết bị truy cập (máy tính, điện thoại di động, bộ định tuyến, v.v.). Tỷ lệ chi phí thiết bị truy cập tương đương với tỷ lệ phần trăm thời gian người dùng sử dụng trực tuyến và tổng thời gian sử dụng một loại thiết bị cụ thể.
Chi phí của các nhà đầu tư bao gồm các khoản đầu tư của các nhà khai thác viễn thông để phát triển Internet di động và cố định và đầu tư của các công ty tư nhân khác trong các thiết bị truy cập Internet. Khối lượng đầu tư của các nhà khai thác viễn thông vào GDP được ước tính dựa trên tỷ lệ đầu tư nhằm phát triển Internet di động và cố định. Khối lượng đầu tư của các công ty khác vào truy cập Internet được ước tính là một phần chi phí thiết bị truy cập Internet. Chỉ số này tương đương với tỷ lệ phần trăm thời gian sử dụng các thiết bị để truy cập Internet và tổng thời gian sử dụng thiết bị.
Chi tiêu của Chính phủ bao gồm chi phí phần cứng, phần mềm, viễn thông và dịch vụ cơ sở hạ tầng. Chi phí thiết bị CNTT&TT được tính là giá trị chi tiêu và chia sẻ chi phí thiết bị CNTT&TT và được tính theo tỷ lệ thời gian sử dụng thiết bị truy cập Internet vào tổng thời gian sử dụng thiết bị.
Xuất khẩu ròng được tính là xuất khẩu ròng thiết bị CNTT&TT và dịch vụ kỹ thuật số, cũng như xuất khẩu ròng liên quan đến thương mại điện tử. Khối lượng xuất khẩu ròng thiết bị CNTT&TT được tính toán dựa trên tổng khối lượng xuất khẩu ròng và tỷ trọng thiết bị CNTT&TT trong đó. Tỷ trọng xuất khẩu ròng thiết bị CNTT&TT trong tổng giá trị xuất khẩu ròng bằng tỷ lệ phần trăm thời gian sử dụng thiết bị để truy cập Internet và tổng thời gian sử dụng thiết bị.
Nghiên cứu của liên danh tư vấn Google, Temasek and Bain Company đối với nền kinh tế Internet của ASEAN: Thực hiện phân tích các xu hướng và dự báo mức độ đóng góp của kinh tế Internet vào GDP dựa trên tổng giá trị giao dịch của 7 lĩnh vực ở từng quốc gia: (1) Thương mại điện tử; (2) Phương tiện truyền thông trực tuyến; (3) Vận chuyển và thực phẩm; (4) Du lịch trực tuyến; (5) Dịch vụ tài chính; (6) Công nghệ trong sức khỏe; (7) Công nghệ trong giáo dục.
Ngoài ra, một số cách tiếp cận khác nhau để đo lường nền kinh tế số có thể được tìm thấy trong tài liệu: Đóng góp của kinh tế số vào GDP (Sedik et al., 2019), tập trung vào một số lĩnh vực trực tuyến quan trọng (ví dụ: du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, gọi xe, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính kỹ thuật số), bao gồm giá trị gia tăng của lĩnh vực CNTT&TT vào các lĩnh vực còn lại của nền kinh tế; Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA) áp dụng cách tiếp cận rộng rãi để đánh giá giá trị gia tăng của hệ sinh thái di động, với ước tính đạt được thông qua việc sử dụng công nghệ di động; Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đo lường kinh tế số dựa trên các số liệu giá trị về: hạ tầng CNTT&TT; mức độ sử dụng CNTT&TT của cá nhân; đóng góp của thương mại điện tử,..
Sự khác biệt về chỉ số đánh giá của các nghiên cứu do có nhiều khái niệm khác nhau về kinh tế số và khác nhau về phương pháp tính. Điều này có tác động không nhỏ đến việc sử dụng số liệu thống kê kinh tế số phục vụ cho dự báo, định hướng phát triển của từng quốc gia. Hơn nữa, chỉ số đánh giá còn đặc biệt quan trọng đối với tăng năng suất lao động, đó là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng quốc gia trong dài hạn.
Phương pháp tiếp cận cho Việt Nam
Phương pháp tiếp cận thống kê giá trị gia tăng của kinh tế số đối với GDP của Việt Nam trong đề xuất này được hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực thống kê kinh tế số và có thể được sử dụng để tính toán chỉ số GRDP của các địa phương (phương pháp tính và nội dung tính của chỉ tiêu GDP và GRDP là hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau ở phạm vi tính toán. GDP tính trên phạm vi quốc gia, GRDP tính trên phạm vi của một tỉnh/ thành phố cụ thể). Cách tiếp cận được đề xuất bao gồm các thuật toán để phân tách dữ liệu theo các thành phần tính toán tổng giá trị gia tăng theo nhóm hoạt động (đối với tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ - dựa trên chia sẻ doanh thu của các loại hoạt động kinh tế tương ứng; đối với tiêu dùng trung gian - dựa trên tỷ lệ tiêu thụ trung gian được tính trong tài khoản sản xuất ở cấp độ của nhóm tổng hợp tương ứng), giúp có thể có được ước tính chính xác về các chỉ số này.
Tỷ trọng tổng giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP được tính như sau:
Trong đó:
shGVADS (Share Gross Value Added Digital Sector) - tỷ trọng tổng giá trị gia tăng của lĩnh vực kỹ thuật số trong tổng giá trị gia tăng của tất cả các ngành công nghiệp của quốc gia theo giá hiện hành cơ bản.
GVADS - tổng giá trị gia tăng của lĩnh vực kỹ thuật số.
GVA - tổng giá trị gia tăng của tất cả các ngành công nghiệp của quốc gia theo giá hiện hành cơ bản.
Tổng giá trị gia tăng của lĩnh vực kỹ thuật số được tính như sau: GVADS = ODS - ICDS
Trong đó, ODS ( Output Digital Sector) - tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh có hoạt động chính trên lĩnh vực kỹ thuật số. ODS được tính như sau:
Oi: giá trị hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh có hoạt động chính về kỹ thuật số của i ngành có trong hệ thống tài khoản quốc gia (SNA).
Oj: giá trị hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh trong j ngành không hoạt động chính về kỹ thuật số có trong hệ thống tài khoản quốc gia (SNA)
αj: tỷ trọng giá trị hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh thuộc loại hoạt động kinh tế tương ứng trong lĩnh vực kỹ thuật số trong tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ của i ngành trong hệ thống tài khoản quốc gia (SNA). αj được tính như sau:
GPk - doanh thu của các doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh của k loại hoạt động kinh tế khu vực kỹ thuật số của i ngành trong hệ thống tài khoản quốc gia.
GPi - doanh thu của các doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh của i ngành trong hệ thống tài khoản quốc gia
ICDS (Intermediate Consumption Digital Sector) - tổng mức tiêu dùng trung gian của các doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, hoạt động chính trên lĩnh vực kỹ thuật số. Tổng mức tiêu dùng trung gian của các đơn vị kinh tế trong kinh tế quốc gia hoạt động chính trong lĩnh vực kỹ thuật số, được tính như sau:
Trong đó, shICi: tỷ trọng tiêu dùng trung gian trong sản lượng của i ngành trong hệ thống tài khoản quốc gia tương ứng. Tỷ trọng tiêu dùng trung gian của hoạt động kinh tế trong lĩnh vực kỹ thuật số được xác định ở mức tỷ trọng tiêu dùng trung gian trong tài khoản sản xuất ở cấp của nhóm cao hơn tương ứng.
Để đo lường một cách toàn diện nền kinh tế số, cần khái quát toàn diện được ba vấn đề cơ bản: (i) khái niệm kinh tế số trong GDP; (ii) chi phí thực của các sản phẩm kỹ thuật số; (iii) doanh thu chưa được tính của ngành kỹ thuật số trong nền kinh tế. Trong việc đo lường, để nâng cao mức độ chính xác của chỉ số chủ yếu liên quan đến việc xây dựng danh mục chỉ tiêu trong SNA cho nền kinh tếsố. Do đó, để có cơ sở đánh giá GDP của nền kinh tế một cách đầy đủ và hướng dẫn các địa phương trong việc định lượng kinh tế số trong GRDP làm cơ sở định hướng các chính sách phát triển kinh tế -xã hội, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ, các bộ ngành cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tài khoản thành phần trong hệ thống tài khoản quốc gia (SAN) về công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định mới của các tổ chức quốc tế về công nghệ thông tin và chuyển đổi số: Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Quyết định số 749/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; Bộ chỉ tiêu đánh giá Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của Liên minh Viễn thông quốc tế.
Thứ hai, xây dựng các công cụ thu thập, đo lường và phân loại hiệu quả để định lượng số hóa các hoạt động kinh tế.
Thứ ba, xây dựng các quy định, định mức về giá trị dữ liệu như là tài sản công để thống nhất trong quản lý.
Thứ tư, nâng cao năng suất lao động, cải thiện các ngành công nghiệp dựa trên tri thức thông qua công nghệ. Cải cách cơ cấu, phát triển kỹ năng và giáo dục.
Lời kết
Để kinh tế số trở thành con đường tạo ra những bứt phá quan trọng cho Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao, chỉ số của nền kinh tế số cần định lượng rõ ràng và toàn diện về tất cả các quy trình liên quan đến chuyển đổi số. Từ đó, từng địa phương điều chỉnh trong xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện và thế mạnh, góp phần đưa đấtCnước tiến lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển một Việt Nam hùng cường, vững mạnh.
----
1. Digital Economy Report 2019, UNCTAD
2. Indonesia, Philippines,Thailand, Malaysia, Singapore, Vietnam.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2021)