Founder Woay - Startup vừa về đội shark Bình: Rèn nghề ở Loship, tích lũy ở công ty làm website và nổi danh với Woay
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 17:15, 01/08/2021
Trong tập 4 Shark Tank 2021, Hồ Tiến Lộc đã đến chương trình để gọi 450 triệu USD cho 1% cổ phần, sau đó xuống 1 tỷ cho 10% cổ phần; song Shark Bình chỉ chịu trả 1 tỷ cho 20% cổ phần cùng lời hứa sẽ biến 3 founder của Woay thành tỷ phú. Vì không thuyết phục được Shark Bình trả thêm, nên cuối cùng Hồ Tiến Lộc cùng team founder đã đồng ý mới mức giá mà ‘cá mập’ này đưa ra.
Hỏi Hồ Tiến Lộc về câu chuyện “ngã giá” ở Shark Tank, founder này bày tỏ ‘cũng không phải tôi dễ dãi hay quá hiền lành, việc đồng ý với Shark Bình không chỉ vì tiền, mà còn vì những mối quan hệ cùng nhiều nguồn lực khác mà Chủ tịch NextTech sẽ hỗ trợ Woay sau này’.
Tuy nhiên, với những ai quen biết và làm việc thời gian dài cùng Hồ Tiến Lộc, sẽ không cảm thấy lạ với những hành xử của anh trên chương trình Shark Tank 2021.
Cuộc đời Hồ Tiến Lộc cho đến thời điểm này là những ngày tháng không ngừng học hỏi, vấp ngã – đứng dậy – vấp ngã – đứng dậy. Trong hành trình khởi nghiệp của mình, điều anh sợ nhất không phải là thất bại mà là ‘không biết những điều mình không biết’!
Rèn nghề ở Loship
Như rất nhiều bạn trẻ 9x khác, Hồ Tiến Lộc đi làm khá sớm, từ năm 2 lúc theo học Cao đẳng Công nghệ thông tin là anh đã tự mình bươn chải làm part-time. Sau khi ra trường, anh bắt đầu làm việc toàn thời gian ở Loship – lúc đó còn là một startup non trẻ với tên gọi Lozi.
Hồ Tiến Lộc đang chụp hình với CEO Loship - Nguyễn Hoàng Trung trong những ngày còn 'chiến đấu' ở startup này.
"Có thể nói, những ngày làm việc ở Lozi là những trải nghiệm không thể nào quên được trong cuộc đời của tôi.
Lúc đó, tôi mới ra trường, tinh thần cống hiến vẫn ngùn ngụt; còn Lozi cũng mới chập chững bước đầu khởi nghiệp. Thế nên, dù là nhân viên của phòng marketing, nhưng cái gì tôi cũng làm, từ marketing, partnership đến chạy SEO.
Mục tiêu khi đó mà ban lãnh đạo Lozi đưa ra cho team SEO là phải đạt được Top 3 thị trường tìm kiếm trên Google (thời điểm lúc đó là: Foody và Diadiemanuong.com đang dẫn đầu). Trong khi, vì mới lập nghiệp, Lozi không có nhiều tiền, không có con người để làm content, vì làm SEO cho startup công nghệ không đơn giản – vừa phải hiểu công nghệ vừa phải hiểu SEO.
Để hoàn thành mục tiêu, tôi và rất nhiều bạn ở phòng marketing đã tìm đủ mọi cách thức, ưu tiên hoàn thành mục tiêu của công ty và quyền lợi cá nhân đứng sau. Để có thêm người chạy SEO, chúng tôi đã thuê ngoài và lắm khi tôi phải lấy tiền lương của mình để bù vào lương cho cộng tác viên. Tôi vẫn nhớ, lương của tôi có 6 triệu/tháng, nhưng cuối tháng thỉnh thoảng chỉ còn 2 triệu/tháng", Hồ Tiến Lộc hồi tưởng.
Dù làm việc cực lực mà thu nhập chẳng bao nhiêu, song Hồ Tiến Lộc chưa bao giờ oán thán gì về những ngày tháng đó, mà còn cảm thấy biết ơn, vì Lozi đã dạy cho anh nhiều bài học ‘vỡ lòng’ về tinh thần khởi nghiệp. Lozi như là một bầu trời đủ rộng để nhân viên của mình mặc sức bay lượn, Lozi khuyến khích nhân viên sáng tạo và nếu có sai cũng không sao, chỉ cần nhân viên có tinh thần ‘chiến đấu’ đến cùng là được.
Tích lũy với công ty làm website
Sở dĩ, với mức lương 2 triệu/tháng mà Hồ Tiến Lộc vẫn sống tốt và hùng hục cống hiến cho Lozi, còn bởi thời điểm đó anh có 1 công ty nho nhỏ khác hoạt động trong mảng thiết kế website. Như rất nhiều sinh viên công nghệ thông tin ở thời điểm đó, công việc đầu đời của anh chính là lập trình website, nên việc thành lập công ty chuyên về làm web là ‘tuần tự nhi tiến’.
Mục tiêu ra đời của công ty này đơn giản là để anh kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống cũng như tích lũy một số vốn nhất định nhằm khởi nghiệp. Với Hồ Tiến Lộc, mảng miếng kinh doanh website là một ‘đại dương đỏ lè đỏ lét’, để tồn tại thì dễ những tiến xa rất khó.
Trong ngành này, mỗi tháng kiếm từ 5 đến 10 khách hàng là đủ sống và chỉ cần mình làm tốt – dịch vụ hậu mãi kỹ càng, sẽ được khách hàng giới thiệu truyền miệng miễn phí giúp. Hiện tại, sau 5 năm gầy dựng phát triển, công ty này của Hồ Tiến Lộc vẫn giữ quy mô nhân sự khoảng 10 người. Có thể xem, đây là phương án back-up của anh sau khi quyết định chính thức tham gia lĩnh vực khởi nghiệp đầy phiêu lưu mạo hiểm và lắm bất trắc.
Woay 1.0 nhanh chóng tan tác vì thiếu kinh nghiệm khởi nghiệp
Một sản phẩm của Woay.
Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ hơn, thì phải trong năm 2019, Hồ Tiến Lộc mới chính thức bước chân vào lĩnh vực khởi nghiệp, khi tự mình và một co-founder khác bắt đầu dự án game marketing với tên gọi Woay.
Câu chuyện khởi nghiệp Woay 1.0 vô cùng thuận lợi. Sau khi khảo sát nhu cầu thị trường, cả team nhanh chóng ra sản phẩm thử nghiệm và ngay lập tức được khách hàng đón nhận nhiệt liệt. Một trong những khách hàng lớn đầu tiên chính là Grab Food với 3 chiến dịch được thực hiện vào đầu năm 2019 (Vòng Quay May Mắn Tết, Lắc Gấu 8/3 và Món Độc Quán Quen).
Tuy nhiên, trong trường hợp này, thành công nhanh quá cũng không tốt. Lúc đó, Woay chỉ có 3 người: Hồ Tiến Lộc làm CEO, một bạn CTO và 1 bạn phụ trách bán hàng.
Sau 1 năm phát triển thần tốc, Hồ Tiến Lộc muốn dấn thêm một bước, định hướng Woay phát triển theo đúng con đường của một startup công nghệ - đổi mới sáng tạo – giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số; song co-founder phụ trách công nghệ chỉ muốn làm ra sản phẩm dễ bán, rồi đi bán hàng kiếm tiền, không muốn đi theo con đường mà Hồ Tiến Lộc đề nghị.
Ngoài việc không cùng đích đến, team founder còn một vài mâu thuẫn về các vấn đề quan trọng không thể giải quyết, vậy nên Woay 1.0 chính thức đã ‘tan đàn xẻ nghé’.
Theo Hồ Tiến Lộc, sở dĩ phiên bản đầu tiên của Woay chẳng đi đến đâu là vì anh thiếu kinh nghiệm khởi nghiệp, do khởi đầu quá thuận lợi nên không xem trọng độ hòa hợp giữa các founder cũng như quan điểm về tương lai của dự án từ các founder. Đáng lẽ những điều quan trọng đó phải được đưa ra bàn luận trước khi chính thức bắt tay khởi nghiệp, chứ không phải sau khi doanh nghiệp đã hoạt động được một thời gian dài.
Woay 2.0 và hành trình đi tìm ‘hero product’
Woay mà chúng ta thấy trên Shark Tank 2021 là phiên bản 2.0, cùng tên gọi nhưng sản phẩm và team sáng lập đã không còn như lúc đầu. Trong lần khởi nghiệp thứ hai này, như chia sẻ của Hồ Tiến Lộc, mọi chuyện cũng khá suôn sẻ vì mức độ sẵn sàng của thị trường với sản phẩm game trong lĩnh vực marketing còn lớn hơn lần 1.
Nhằm đa dạng hóa kênh doanh thu, Woay tính đi song song 2 chân: thứ nhất là nền tảng chung để các chủ doanh nghiệp nhỏ/marketer tự tạo game marketing riêng cho doanh nghiệp của họ - giá tính theo gói tháng (chỉ từ 500k/tháng); thứ hai là dịch vụ riêng cho các nhãn hàng lớn.
Lúc đầu, họ tính tập trung vào các doanh nghiệp to – thương hiệu lớn, vì một hợp đồng của 1 tập đoàn có thể bằng 100 hợp đồng nhỏ. Và bước đầu họ cũng đã có những thành công nhất định, với tệp khách hàng có nhiều cái tên đình đám như Home Credit, Grab, Coop Mart, Mai Linh, Golden Gate ...
Một vài dự án tiêu biểu của Woay: Quay số Nụ Cười do Woay cùng đối tác thực hiện cho là chương trình Online-to-Offline đầu tiên của Coop Smile nhân dịp chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại này khai trương cửa hàng thứ 100.
Tết Vui cùng Home Credit do Woay cùng đội ngũ Home Credit thực hiện là chương trình Gamification đầu tiên được Home Credit triển khai và chiến dịch này đã lọt Top 20 Chiến dịch thành công trong tết 2021 do YouNetMedia xếp hạng.
"Dù chúng tôi vẫn đang trong quá trình chuẩn hóa sản phẩm và quy trình vận hành, nhưng sản phẩm (nền tảng thiết kế mini game) của Woay ra đời cũng đã dựa trên những bộ tiêu chí chung như dựa vào nhu cầu của khách hàng, kết quả thực tế hơn 1.000 dự án lớn nhỏ – trả lời cho câu hỏi khách hàng thực sự cần gì, điều gì tốt với họ?
Mini game đó có thể ứng dụng được nhiều kênh và có thể kết hợp với các chương trình marketing offline, online ra sao", Hồ Tiến Lộc bày tỏ.
Team founder của startup Woay.
Tuy nhiên, khi Covid-19 ập đến, nhiều nhãn hàng lớn bắt đầu thắt chặt chi tiêu, buộc Woay phải chuyển hướng chiến lược tập trung phát triển sản phẩm và mở rộng sang hướng khách hàng nhỏ (SME), bởi chi phí bỏ ra không nhiều dễ thuyết phục đối tác, còn Woay có thêm nhiều người dùng.
Ở khía cạnh khác, dù Woay đã có những thành công nhất định, như được chọn vào hệ sinh thái của Zone Startups hay gọi được 1 tỷ đồng từ Shark Bình; nhưng doanh nhân sinh năm 1992 này không vì thế mà tự mãn.
"Trong tương lai gần, Woay cần phải làm 3 điều sau: sáng tạo ra được một hero product, tuyển thêm nhân sự về tech và xây dựng một đội ngũ tinh gọn và linh hoạt hơn nữa", Hồ Tiến Lộc tiết lộ.
Về hero product: tức Woay phải tạo ra một sản phẩm mà bất kỳ doanh nghiệp nào có hoạt động bán buôn (online, offline) cũng cần và ăn đứt đối thủ cạnh tranh trên thị trường, hoặc về sự hiệu quả hoặc về giá. Có thể mức phí vài trăm ngàn đến vài triệu/người đăng ký không đáng kể, nhưng nếu sản phẩm có thể thu hút vài trăm ngàn doanh nghiệp, vẫn sẽ tạo doanh thu đáng kể.
Về tuyển dụng nhân tài: với mục tiêu đạt doanh thu 4,5 tỷ đồng vào cuối năm 2021 hay lợi nhuận 1 triệu USD/năm như gợi ý của Shark Bình trong 2 năm tới, startup này cần thêm tài năng công nghệ. Tuy nhiên, theo điều nghiên của anh, bài toán tuyển nhân sự giỏi về công nghệ chưa bao giờ dễ với doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện một nhân sự công nghệ tầm trung, lương trung bình trên thị trường phải tầm 30 triệu đồng/tháng và giỏi có thể cao hơn rất nhiều.
Về xây dựng một đội ngũ tinh gọn và linh hoạt: lúc khởi nghiệp lần 2, team Woay cũng có khoảng vài người, sau 1 năm đã lên 12 người và nay có 17 người. Tuy nhiên, chiến lược nhân sự của Woay không phải càng đông càng tốt mà càng tinh gọn càng tốt – tức họ chỉ tuyển nhân sự làm các công việc chủ chốt còn những gì có thể thuê ngoài, thì họ sẽ thuê.
Như tất cả startup khác, Woay vẫn khát khao “go global”, không chỉ trở thành doanh nghiệp số 1 về Game Marketing Việt Nam mà cả Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong thời điểm bệnh dịch khó khăn như thế này, họ nghĩ tốt nhất vẫn cứ tập trung toàn lực tại thị trường Việt Nam cái đã.