Doanh nghiệp công nghệ thông tin: Chủ động với '3 tại chỗ'
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 10:53, 22/07/2021
Dù có những trở ngại, nhưng DN vẫn chủ động tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh để nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép" của TPHCM.
Thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) tại TPHCM đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc duy nhất một cung đường vận chuyển, tập trung nhân viên từ nơi sản xuất đến nơi ở. Dù có những trở ngại, nhưng DN vẫn chủ động tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh để nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” của TPHCM.
Chuẩn bị từ sớm
Ông Trần Phúc Hồng, Phó tổng giám đốc TMA Solutions cho biết, công ty đã triển khai làm việc tại nhà từ tháng 5 nên không bị động khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. Do đã chuẩn bị sẵn về trang thiết bị và cơ sở hạ tầng nên nhân viên công ty có thể làm việc ở nhà 100%. Công ty đã có nhiều kinh nghiệm duy trì hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh từ năm 2020 nên nay đã chủ động hơn. Tuy nhiên, do thời gian giãn cách hiện nay có thể kéo dài nên công ty sẽ tìm thêm các giải pháp mới để phù hợp với hoạt động của DN.
Công ty TNHH Swiss Post Solutions (SPS Việt Nam) là DN chuyên xử lý dữ liệu, dịch vụ gia công quy trình DN phức tạp và các dịch vụ vận hành CNTT, hiện có khoảng 90% nhân viên đang làm việc tại nhà và 10% làm việc tại công ty theo phương án “3 tại chỗ”. Phương án này được lựa chọn cho một số dự án không thể áp dụng hình thức làm việc tại nhà do tính chất bảo mật dữ liệu. Phía công ty này còn đẩy mạnh truyền thông nội bộ trên tất cả các kênh như Intranet, BeeKeeper, email và các ứng dụng xã hội để nhân viên có thể truy cập thông tin một cách nhanh chóng và duy trì các hoạt động gắn kết.
Bà Nguyễn Thị Điệp, Giám đốc nghiệp vụ Công ty TNHH DIGI-TEXX cho biết: “Là một DN cung cấp dịch vụ đa dạng cho các khách hàng lớn ở châu Âu và châu Mỹ, nhiều dự án có yêu cầu bảo mật cao nên chúng tôi không được phép làm việc tại nhà. Do đó, khi có yêu cầu “3 tại chỗ”, kế hoạch đảm bảo kinh doanh đã được kích hoạt và tất cả bộ phận liên quan đã ráo riết thực hiện để có thể hoàn thiện việc “set up” chỉ trong 1 ngày cho gần 100 nhân viên. Chúng tôi trang bị đủ cơ sở vật chất từ lều cá nhân, nệm, mền, gối, các nhu yếu phẩm cần thiết, để các “chiến sĩ” được an tâm khi ăn, ngủ, làm việc tại công ty”.
Vẫn lạc quan
Là một DN công nghệ lớn với hơn 4.000 lao động, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, VNG đã kích hoạt làm việc tại nhà 100% các văn phòng tại TPHCM từ ngày 1-6 đến nay. Riêng với một số bộ phận bắt buộc phải có người trực như an ninh, datacenter, VNG có một đội 30 người đang làm việc tại trụ sở chính của VNG ở quận 7 theo quy định “3 tại chỗ”.
So với nhiều ngành nghề khác, các mảng kinh doanh của VNG ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hơn do lĩnh vực hoạt động là digital business và công ty đã chuẩn bị phương án kinh doanh thích ứng với mùa dịch từ khá sớm. Ưu tiên hiện nay của VNG là đảm bảo sức khoẻ tinh thần và thể chất của tất cả thành viên VNG. VNG cũng sẵn sàng các phương án làm việc và kinh doanh trong tình hình Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, phát triển các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, đồng hành chống dịch cùng Chính phủ.
Tuân thủ yêu cầu của thành phố, FPT cũng triển khai 100% CBNV ở khu vực TPHCM làm việc tại nhà. Đối với những bộ phận không thể làm việc tại nhà, FPT triển khai phương án cách ly ngay tại nơi làm việc, bảo đảm quy định phòng dịch. Nhờ linh hoạt đưa ra chiến lược, kịch bản kinh doanh phù hợp, FPT đã chủ động ứng phó và thích nghi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đảm bảo kinh doanh không gián đoạn và duy trì tăng trưởng ổn định. 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT tăng trưởng 19% và 21% so với cùng kỳ, đạt 16.228 tỷ đồng và 2.936 tỷ đồng.
“Chuyển đổi số nội bộ là một trong những yếu tố quan trọng giúp FPT chủ động, linh hoạt ứng phó kịp thời trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19”. Dựa trên thế mạnh công nghệ, chúng tôi sẵn sàng đồng hành giúp tổ chức, DN nhanh chóng triển khai các giải pháp, nền tảng công nghệ vào hoạt động quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh cũng như phòng chống dịch bệnh”, đại diện truyền thông FPT cho biết.
Doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao gặp khó
Theo bà Lê Thị Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), hiện tình hình sản xuất của DN trong khu rất khó khăn. Chỉ có gần 40 trong số hơn 100 DN duy trì hoạt động theo phương châm "3 tại chỗ", tức chỉ duy trì những hoạt động sản xuất ở những khâu hết sức cần thiết, tỷ lệ 20-30% lao động của DN. Các DN tại SHTP với đặc thù lao động trực tiếp tại nhà máy nên khi thực hiện "3 tại chỗ", DN không chỉ lo lắng ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu mà còn các chi phí phát sinh khác. Tại SHTP, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam là một trong những DN nỗ lực duy trì sản xuất theo "3 tại chỗ" và nhà máy Intel đang áp dụng "1 cung đường 2 địa điểm" cho số lao động trụ cột, trực tiếp sản xuất. Phía nhà máy Intel cho hay, thực hiện quy định phòng chống Covid-19, nhiều lao động bị cách ly hoặc ở vùng phong tỏa nên thiếu nhân lực để ổn định sản xuất và kiến nghị TPHCM sớm có hướng giải quyết linh hoạt hơn.