Chuyển đổi số tạo đột phá để phát triển Đà Nẵng
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:02, 20/07/2021
Để cung cấp cho bạn đọc những thông tin về quá trình triển khai chuyển đổi số của Thành phố Đà Nẵng, Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng.
PV: Với ưu thế của Đà Nẵng là địa phương có 12 năm liên tiếp được đánh giá dẫn đầu khối các tỉnh, thành trên Bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam Index), vậy Đà Nẵng đã và đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực như thế nào cho thực hiện chuyển đổi số, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Thạch: Thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, "hạ tầng phải đi trước một bước" để phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Có thể kể ra, đó là Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/4/2019 của Ban thường vụ Thành ủy về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông tiếp cận các xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0, Chương trình số 37-CTr/TU ngày 31/01/2020 của Ban thường vụ Thành ủy triển khai chuyên đề "Tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0". Các chủ trương chính sách này tập trung vào việc xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; hạ tầng dữ liệu; truyền thông; công nghiệp...
Trong kỷ nguyên số, dữ liệu được đánh giá là nguồn tài nguyên mới vô hạn. Dữ liệu chỉ thực sự có giá trị khi được kết nối để tạo ra giá trị mới, việc chia nhỏ manh mún, cát cứ thì dữ liệu sẽ mất đi giá trị và không tạo được tri thức và sức mạnh. Trong bối cảnh chuyển đổi số, dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng, là tài sản, tài nguyên, điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số.
Về nguồn nhân lực, Đà Nẵng xem việc xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin mang yếu tố quyết định trong việc xây dựng thành công chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Theo đó, nguồn nhân lực này cần có khả năng xây dựng, phản biện, góp ý và đề xuất các đề án, chương trình liên quan đến chính quyền điện tử, thành phố thông minh; đặc biệt có khả năng làm việc với các tập đoàn, đối tác, chuyên gia trong môi trường quốc tế.
Về đào tạo, hiện nay tất cả các trường từ tiểu học trở lên ở Đà Nẵng đều dạy tin học/công nghệ thông tin; đặc biệt là số lượng sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin chiếm tỷ lệ lớn (gần 20%). Năm 2020, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố là 5.300 học sinh, sinh viên, trong đó trình độ đại học, cao đẳng có khoảng 3.700 sinh viên (Đại học Bách khoa Đà Nẵng: 800; Đại học Đà Nẵng: 420 sinh viên; Đại học Duy Tân: 300; Đại học sư phạm: 100 sinh viên…). Chuyên ngành điện tử - viễn thông có hơn 700 sinh viên.
Nhân lực công nghệ thông tin là nguồn nhân lực làm việc trong các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin; cho ứng dụng công nghệ thông tin; nhân lực cho đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin. Nguồn nhân lực này là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc thúc đẩy chuyển đổi số. Nhân lực sản xuất công nghệ thông tin của Đà Nẵng chiếm tỷ trọng lớn trong số lượng nhân lực công nghệ thông tin toàn quốc.
Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn thành phố có trên 40.000 nhân lực trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong đó có khoảng 16.500 nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số; mức lương bình quân đạt 17,6 triệu đồng/người/tháng.
So với nhân lực làm việc trong lĩnh vực điện tử chủ yếu là thâm dụng lao động thì trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số phần lớn là nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng tốt, được đào tạo bài bản, năng động, là các quản trị dự án có kinh nghiệm; có khả năng đề xuất các giải pháp đáp ứng các yêu cầu khi triển khai các nội dung liên quan đến chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Tại các trường đại học, cao đẳng hiện có hơn 120 tiến sĩ, 37 phó giáo sư chuyên ngành công nghệ thông tin và các chuyên ngành gần hỗ trợ tốt cho việc gắn kết giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, giúp thu hẹp khoảng cách nghiên cứu, ứng dụng trên lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông, tạo dựng các nền tảng cho các nghiên cứu xử lý dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (AI)...
Ngoài ra, trong số cán bộ công chức viên chức thành phố có 892 cán bộ chuyên trách hoặc có trình độ đại học công nghệ thông tin trở lên, 100% cán bộ công chức viên chức được tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm. Tính đến đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp đăng ký ngành nghề hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố hơn 2.000 doanh nghiệp (nếu tính cả ngành nghề phụ là 7.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 20% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố); số lượng doanh nghiệp tăng trung bình 35%/năm.
PV: Một số chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin cho rằng chuyển đổi số là "cuộc chơi rất công bằng, ai nhanh hơn thì sẽ thắng", quan điểm của ông về nhận định này?
Ông Trần Ngọc Thạch: Một số chuyên gia có quan điểm như trên xuất phát từ việc chuyển đổi số là như mới, việc tiếp cận của các tổ chức, các quốc gia khác nhau là như nhau và ai/tổ chức/quốc gia nào tận dụng được cơ hội sẽ thành công và vượt lên.
Đối với thành phố Đà Nẵng, để có thể thành công trong việc triển khai chuyển đổi số, có bốn yếu tố sau đây được coi là thiết yếu. Về lãnh đạo, sự cam kết, quyết tâm của lãnh đạo thành phố thông qua việc ban hành kịp thời, nhất quán các chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho ứng dụng công nghệ số vào giải quyết các bài toán của ngành, địa phương mình.
Về liên kết, sự phối hợp, tham gia, đồng hành của các cơ quan trên địa bàn thành phố trong hoàn thiện chính quyền điện tử, triển khai thành phố thông minh, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là trong việc tạo lập, chia sẻ các dữ liệu số chuyên ngành.
Về nguồn lực, đảm bảo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố; xúc tiến đầu tư, hợp tác, huy động nguồn lực tài chính và công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia xây dựng thành phố thông minh, phát triển kinh tế số, tạo nên tính đa dạng góp phần đạt được sự cân bằng giữa Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà cung cấp giải pháp. Về lâu dài, xác định xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số là quá trình lâu dài; khung kiến trúc tổng thể là mô hình để định hướng; lộ trình là để cam kết, thể hiện các bước đi cụ thể của thành phố; đa đối tác tạo nên sự đồng hành của cộng đồng, tránh được các hiện tượng như: "dò đá qua sông", "trăm hoa đua nở", "bị bắt làm con tin"… nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro trong triển khai.
PV: Đà Nẵng chọn đột phá khâu nào trong thực hiện chuyển đổi số nhằm nhanh chóng giải quyết các "điểm nghẽn", thưa ông?
Ông Trần Ngọc Thạch: Theo đánh giá của các chuyên gia trong xây dựng Nghị quyết 43-NQ/BCT của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng đến năm 2045; sau nhiều năm phát triển vượt bậc, Đà Nẵng đã gặp những "điểm nghẽn" trong phát triển.
Do vậy, chuyển đổi số được xem là "chìa khóa" để tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; là cơ hội giải quyết các "điểm nghẽn" cũng như tạo đột phá trong phát triển thành phố. Cụ thể: chuyển đổi số góp phần thay đổi hay hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy trình lâu nay; đặc biệt là gắn kết mô hình chính quyền đô thị áp dụng từ ngày 01/07/2021, chẳng hạn việc xây dựng đầy đủ hạ tầng dữ liệu, trong đó có cơ sở dữ liệu đất đai, tài chính…
Các dữ liệu đều phải công khai minh bạch, các tổ chức cá nhân có quyền tiếp cận bình đẳng các dữ liệu. Điều này được coi là nguồn tài nguyên mới vô hạn, được kết nối để tạo ra giá trị mới.