Diện mạo mới của các tác phẩm văn học kinh điển thiếu nhi thế giới
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 20:30, 19/07/2021
"Hắc Tuấn Mã - Hồi kí của một chú ngựa"- tượng đài của văn học thiếu nhi thế giới
Đây là phiên bản tiếng Việt mới nhất của tác phẩm kinh điển Black Beauty - một trong những tượng đài của văn học thiếu nhi thế giới: His Grooms and Companions, the Autobiography of a Horse của tác giả Anna Sewell.
Hắc Tuấn Mã - tên của chú ngựa - trong suốt cuộc đời nhiều thăng trầm của mình, dù chỉ được hưởng những khoảng thời gian thanh bình ngắn ngủi, hiếm gặp cùng những người chủ tốt bụng, biết yêu thương loài vật, nhưng chú vẫn tin vào tình cảm thiêng liêng giữa người chủ và vật nuôi, đó là ánh sáng hi vọng, là nguồn nước mát xoa dịu phần nào những đắng cay đau đớn của roi vọt, sự lạnh lẽo thiếu vắng sự thấu hiểu.
"Hắc Tuấn Mã - Hồi kí của một chú ngựa" cho chúng ta một cái nhìn từ phía bên kia trong mối quan hệ giữa con người và những người bạn bốn chân, "là tiếng nói cảnh tỉnh và thiết tha mong muốn loài vật sẽ được đối xử nhân đạo hơn".
"Hắc Tuấn Mã - Hồi kí của một chú ngựa" được NXB Kim Đồng phát hành tháng 7/2021 là bản dịch mới hoàn toàn của Bùi Bảo Dung, một người dịch tuổi 9X. Trung thành với nguyên tác, Bùi Bảo Dung chia sẻ, cô mong muốn tạo ra một bản dịch gần gũi, dễ hiểu, tự nhiên nhất đối với bạn đọc Việt Nam dù là lần đầu tiên, hay đã từng đọc tác phẩm này.
"Chuyện rừng xanh" - thông điệp sâu sắc về cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên
Một tác phẩm Văn học Anh chọn lọc khác là "Chuyện rừng xanh" cũng được làm mới và phát hành trong đợt này. "Chuyện rừng xanh" là tuyển tập những câu chuyện về thế giới động vật kì thú của Rudyard Kipling - chủ nhân giải Nobel Văn học 1907.
"Chuyện rừng xanh" là tiếng gọi sinh tồn trong khoảnh khắc sống - chết bộc lộ cái cao cả và thấp hèn trong mỗi tâm hồn, nơi bản lĩnh và phẩm chất cao quý được đề cao, dù đó là cậu bé Người sói Mowgli trong cuộc chiến với con hổ thọt hung dữ Shere Khan, hay chú hải cẩu trắng Kotick giữa đại dương bao la tìm một chốn thanh bình cho cả bầy, là chú cầy lỏn Rikki-tikki-tavi diệt rắn hổ mang trả ơn cho ông bà chủ...
Rudyard Kipling đã khắc họa tài tình bức tranh thiên nhiên hoang dã, huyền bí và thành công gửi gắm những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên tới độc giả.
"Chuyện rừng xanh" bản dịch của Sâm Nam là bản dịch tiếng Việt mới nhất của tác phẩm này giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Bản dịch đã mang lại một hơi thở hiện đại, trẻ trung phù hợp với bạn đọc thế kỉ 21 mà vẫn không làm mất đi không khí thâm trầm, hùng vĩ và hoang sơ của nguyên tác. Sâm Nam cũng là một người dịch trẻ tuổi 9X.
Diện mạo trẻ trung các tác phẩm của Gianni Rodari
Nếu "Hắc Tuấn Mã - Hồi kí của một chú ngựa" và "Chuyện Rừng Xanh" được đổi mới từ nội dung bản dịch thì với 4 tác phẩm kinh điển của Gianni Rodari: "Cuộc phiêu lưu của Mũi Tên Xanh", "Cuộc phiêu lưu của chú Hành", "Gelsomino ở xứ sở nói dối" và "Giữa trời chiếc bánh gatô" là một diện mạo trẻ trung đến từ các minh họa do các họa sĩ Việt Nam trình bày.
Gianni Rodari là tác giả người Ý viết cho thiếu nhi nổi tiếng nhất thế kỉ 20. Tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và đoạt được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Andersen danh giá dành cho văn học thiếu nhi (1970).
"Cuộc phiêu lưu của chú Hành", được minh họa bởi họa sĩ Phạm Hùng Vinh, kể về hành trình đi tìm công lí của chú Hành đã gặp rất nhiều bạn tốt, bản thân chú cũng làm được nhiều việc tốt cho mọi người. Cuối cùng, chú Hành cùng các bạn đã cứu thoát được nhiều người bị bắt oan, lật đổ vua Chanh cùng bọn quần thần ngu dốt, xu nịnh, giành lại cho người lao động cuộc sống công bằng và tốt đẹp hơn.
Trong khi đó, "Cuộc phiêu lưu của Mũi Tên Xanh" kể về chuyến đi đến với trẻ em thiệt thòi của một… đoàn tàu đồ chơi, được minh họa bởi họa sĩ Bích Khoa.
Mũi Tên Xanh là đoàn tàu hỏa chạy bằng điện. Đó là món đồ chơi mà bất cứ em nhỏ nào cũng yêu thích, nhưng muốn mua được nó phải có tiền.
Vào buổi tối cuối năm, theo lời bàn thông thái của chú chó vải, Mũi Tên Xanh đã chở tất cả các đồ chơi có trong cửa hàng của bà Tiên đem tặng cho trẻ em nghèo.
Trẻ em cần phải được yêu thương chăm sóc về đời sống tinh thần và vật chất. Đó chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi đến cho tất cả chúng ta.
Cuốn tiếp theo là "Gelsomino ở xứ sở nói dối", được minh họa bởi họa sĩ Kim Duẩn. Sách kể về giọng hát của Gelsomino kinh khủng đến mức có thể làm vỡ cửa kính, rơi quạt trần, thậm chí sập cả nhà. Tình cờ Gelsomino đến xứ sở nói dối. Ở đó chó được gọi là mèo, mèo thì phải sủa... gâu gâu. Gelsomino đã quyết tâm sử dụng giọng hát trứ danh của mình để mang sự thật về với cuộc sống.
Cuối cùng, cuốn "Giữa trời chiếc bánh gatô" được minh họa bởi họa sĩ Kim Duẩn.
Theo cuốn sách, vào một buổi sáng tháng tư, trên bầu trời thành phố Trullo bỗng xuất hiện một chiếc đĩa bay. Cảnh sát và quân đội lập tức vào cuộc. Bộ tổng chỉ huy "chiến dịch chống thảm họa vũ trụ" đã phải làm việc suốt ngày đêm để tìm cách tiếp cận chiếc đĩa bay bí hiểm kia.
Trong khi Bộ tổng chỉ huy dùng máy bay, xe tăng, quân đội... để đến gần đĩa bay thì tất cả trẻ em ở Trullo chạy tới chỗ chiếc đĩa bay hạ cánh và thả sức... khám phá nó.
Chiếc đĩa bay kì dị đó chính là một chiếc bánh gatô sôcôla vĩ đại do nhà bác học X. đã vô tình sáng chế ra khi tìm cách thu thập nấm nguyên tử trong vũ trụ. Nhân loại phải được sống trong hòa bình! Đó chính là điều hằng mong của Gianni Rodari và của tất cả chúng ta.
Đây là những tác phẩm nổi tiếng nhất của Gianni Rodari và đã được giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam từ những năm 80 của thế kỉ XX.
Với việc làm mới tác phẩm thông qua những bức tranh minh họa của các họa sĩ Việt Nam, những tác phẩm này sẽ gần gũi với độc giả hiện nay. Những bức tranh minh họa cũng làm lung linh thế giới cổ tích đầy ẩn dụ rất riêng của Gianni Rodari./.