Ma Cao đẩy mạnh phát triển thành phố thông minh, phục hồi kinh tế sau đại dịch

Kinh tế số - Ngày đăng : 10:52, 19/07/2021

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến GDP của Ma Cao - một phần lớn là do ngành du lịch đóng cửa. Bằng cách thúc đẩy thị trường thương mại điện tử (TMĐT) và thanh toán không tiếp xúc, Chính quyền Ma Cao đã vượt qua thách thức và từng bước phục hồi nền kinh tế.

Tác động rộng lớn và kéo dài của đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế phát triển theo định hướng xuất khẩu dịch vụ của Ma Cao. Bị ảnh hưởng bởi các hạn chế đi lại và các biện pháp giãn cách xã hội, GDP của Ma Cao đã giảm hơn 50% vào năm 2020 và lượng du khách giảm 79,6% trong quý 4/2020. Hiện nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi chậm. Đại dịch đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân và khiến thương mại trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Để thích ứng với những thay đổi và tăng tốc độ phục hồi kinh tế, chính quyền Ma Cao đã đặt ra tầm nhìn mới về phát triển thành phố thông minh (TPTM), trong đó sử dụng các công nghệ và dữ liệu điện tử khác nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Con đường phục hồi

Năm 2020 đánh dấu một năm đầy khó khăn đối với đặc khu hành chính Ma Cao, với những thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19. Doanh thu từ trò chơi và du lịch bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đóng góp hơn 50% vào GDP và tạo ra hơn 70% doanh thu cho chính phủ, trò chơi và du lịch là hai trụ cột chính của ngành công nghiệp Ma Cao. Do sự bùng phát của đại dịch, doanh thu từ trò chơi đã giảm 79,3% vào năm 2020 và GDP giảm 45,9% theo giá trị thực trong quý 4/2020.

Tiêu dùng cá nhân giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước do người dân hạn chế ra ngoài và ít đi du lịch hơn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Tất cả các thành phần của xã hội - từ doanh nghiệp (DN) nhỏ đến DN lớn - đều bị ảnh hưởng lớn và gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, bất chấp sự suy thoái của ngành công nghiệp trò chơi và du lịch, tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng từ 1,7% (quý 4/2019) lên 2,7% (quý 4/2020).

Khi Covid-19 dần được kiểm soát, các hạn chế đi lại đã được nới lỏng vào tháng 8/2020. Tính đến tháng 3/2021, tổng lượng khách đến Ma Cao là 750.000, tăng 76,7% so với tháng trước và tăng 255,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu tiêu dùng ở Ma Cao đã bắt đầu tăng trở lại và thị trường đã được cải thiện. Doanh thu từ trò chơi đã tăng trở lại, đạt khoảng 40% so với mức trước đại dịch trong quý đầu tiên của năm 2021. Vào tháng 3/2021, doanh thu từ trò chơi đã tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 1,04 tỷ USD, đây là mức tốt nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Khi chương trình tiêm chủng tiếp tục được thúc đẩy, xu hướng đi lên của nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục.

Ma Cao trên đà phát triển thành phố thông minh mạnh mẽ - Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu trò chơi và GDP của Ma Cao theo tỷ lệ phần trăm

Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng của Ma Cao đã phát triển mạnh mẽ và bắt đầu phục hồi vào cuối năm 2020. Theo Cơ quan tiền tệ Ma Cao (AMCM), lợi nhuận hoạt động của ngành năm 2020 đạt 2,14 tỷ USD, tăng từ 2,13 tỷ USD vào cuối năm 2019.

Ngoài hoạt động kinh doanh ngân hàng truyền thống, ngành ngân hàng ở Ma Cao cũng thúc đẩy các lĩnh vực mới để duy trì đà tăng trưởng của ngành, như thanh toán điện tử và ngân hàng trực tuyến.

Thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử

Kế hoạch Phát triển 5 năm lần đầu tiên (2016-2020) của đặc khu hành chính Ma Cao được ban hành năm 2017, với các mục tiêu chính bao gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống và giáo dục, củng cố chính quyền, bảo vệ môi trường tốt hơn và tăng hiệu quả quản lý lĩnh vực du lịch và giải trí.

Ngay sau khi Kế hoạch Phát triển 5 năm được công bố, Chính quyền Ma Cao đã bắt đầu nghiên cứu sâu và phân tích những công nghệ nào cần thiết để phát triển TPTM và những đối tác nào có thể giúp Chính quyền có được sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết. Chính quyền đã thiết lập quan hệ đối tác với Tập đoàn Alibaba và các đối tác thông qua việc ký kết Thỏa thuận khung về hợp tác chiến lược phát triển TPTM.

Việc phát triển Ma Cao thành một TPTM đòi hỏi một kế hoạch bài bản và xác định các mục tiêu phù hợp với những đặc điểm và lợi thế riêng của Ma Cao.

"Ma Cao có những đặc điểm và ràng buộc về xã hội, kinh tế, địa lý và chính trị độc đáo. Chúng ta phải xác định các giải pháp phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của Macao, áp dụng những giải pháp có hiệu quả cao và bền vững, để tạo ra sự thịnh vượng kinh tế và phúc lợi xã hội", Zhang Du, Đại học Khoa học và Công nghệ Ma Cao cho biết.

Theo Zhang Du, các sáng kiến về TPTM mang lại cho Ma Cao một cơ hội mới để bắt đầu tăng trưởng bền vững và hiệu quả cao hướng tới sự thịnh vượng kinh tế và phúc lợi xã hội, trong đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Ma Cao là mục tiêu quan trọng nhất của việc phát triển TPTM.

Trong Kế hoạch Phát triển 5 năm 2021-2025 được ban hành mới đây, tầm nhìn phát triển Ma Cao thành một TPTM chỉ rõ thanh toán di động là một trong những nhân tố chính để biến tầm nhìn này thành hiện thực. Theo AMCM, thành phố có khoảng 70.000 hệ thống POS được sử dụng để thanh toán bằng mã QR (thanh toán điện tử). Trên thực tế, các quy định mới đã được ban hành để thúc đẩy sự phát triển của TPTM kể từ năm 2019, như luật an ninh mạng, luật quản trị điện tử và các sửa đổi đối với luật phòng chống tội phạm mạng.

Chính phủ đã khuyến khích các giải pháp thanh toán không tiếp xúc và ngân hàng trực tuyến thay vì các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Ngoài các ứng dụng thanh toán di động, thanh toán điện tử hiện có ở Ma Cao, các ngân hàng đã ứng dụng những tiếp cận mới dựa trên công nghệ và hiện đại hơn.

Simple Pay, một nền tảng thanh toán điện tử tích hợp mới do Chính quyền Ma Cao giới thiệu, sẽ cho phép khách hàng sử dụng điện thoại di động của họ quét mã QR của DN để thanh toán cho sản phẩm hoặc dịch vụ. Giai đoạn thử nghiệm đã bắt đầu từ tháng 2/2021. Simple Pay nhằm mục đích tích hợp tất cả loại hình thanh toán điện tử vào một hệ thống, cho phép các DN chấp nhận tất cả các phương thức thanh toán hiện có bằng một thiết bị đầu cuối hoặc mã QR. Trước khi triển khai Simple Pay, các nhà cung cấp sẽ cần các máy riêng biệt để chấp nhận thanh toán từ các ngân hàng khác nhau.

Ma Cao trên đà phát triển thành phố thông minh mạnh mẽ - Ảnh 2.

Trong năm 2020, Ma Cao đã ghi nhận hơn 65,49 triệu giao dịch thanh toán qua Internet, với tổng số tiền là 791,25 triệu USD. Trong năm 2021, AMCM sẽ tiếp tục đầu tư nhiều nguồn lực hơn để cải thiện cơ sở hạ tầng tài chính số tại Ma Cao. Thanh toán không tiếp xúc dự kiến sẽ tiếp tục phát triển trong giai đoạn sau đại dịch.

Phát triển hệ sinh thái tài chính số

Các ngân hàng tại Ma Cao cũng đã thực hiện chiến lược chuyển đổi ngân hàng thông minh, nhằm chuyển dịch vụ ngân hàng từ ngoại tuyến sang trực tuyến, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng hoạt động của khách hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng còn tích hợp những sản phẩm ngân hàng bán lẻ phổ biến vào ngân hàng di động với nhiều tính năng ưu việt ở Ma Cao, như chuyển khoản bằng một cú nhấp chuột, dịch vụ chuyển tiền 24/7. Đồng thời tiếp tục phát triển các hoạt động kinh doanh sáng tạo và thiết lập nền tảng cho sự phát triển không ngừng của các dịch vụ thanh toán ngân hàng trực tuyến, nhằm tạo ra một hệ sinh thái tài chính mở.

Ví dụ, dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) tại Ma Cao năm 2020 đã thu hút được 110.000 người dùng và hỗ trợ hơn 7.000 thương nhân ở Ma Cao, tăng 140% so với năm 2019. Số lượng giao dịch đạt gần 3 triệu với giá trị vượt trên 50 triệu USD, tăng trưởng hơn 200%/năm. ICBC Ma Cao cũng đã đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử với mục tiêu thúc đẩy các dịch vụ "xuyên biên giới", "xuyên ngành" và "ngân hàng không biên giới", nhằm khắc phục những rào cản và tạo ra một mô hình kinh doanh mới cho ngành ngân hàng.

Hơn 12 tháng qua đã thử thách quyết tâm của Chính quyền Ma Cao nói chung và ngành ngân hàng tại Ma Cao nói riêng. Bằng cách thúc đẩy thị trường TMĐT và thanh toán không tiếp xúc, Chính quyền Ma Cao đã vượt qua những thách thức và từng bước phục hồi nền kinh tế./.

Ngọc Diệp