Yên Bái: Đột phá ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành

Chính phủ số - Ngày đăng : 07:30, 19/07/2021

Những năm trở lại đây, tỉnh Yên Bái đã đặc biệt quan tâm việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như ứng dụng CNTT. Theo đó, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác quản lý, điều hành và xây dựng chính quyền điện tử.

Trong lĩnh vực quản lý điều hành, hiện nay, hạ tầng CNTT tại các cơ quan trong bộ máy hành chính tỉnh Yên Bái được đầu tư đồng bộ với 100% máy tính từ tỉnh tới huyện, xã  được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng. Trong đó, 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (tổng số 1.683 máy tính) và 100% cấp huyện (tổng số 863 chiếc máy tính) đã có mạng LAN và kết nối Internet tốc độ cao; 100% các xã, phường, thị trấn được kết nối Internet bằng ADSL, FTTH, 3G với tổng số 3.831 máy tính. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện của tỉnh có tài khoản thư điện tử.

Đồng thời, tỉnh Yên Bái đã tổ chức thuê dịch vụ CNTT đối với Hệ thống hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện của Viễn thông Yên Bái kết nối từ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh đến 100% Văn phòng cấp ủy và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và 108 xã, phường, thị trấn. Hệ thống được đầu tư với trang thiết bị công nghệ hiện đại, sẵn sàng phục vụ 24/7 các cuộc họp của Lãnh đạo tỉnh với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, nhiều cuộc họp quan trọng, họp khẩn chỉ đạo phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh, học tập, triển khai nghị quyết, chính sách mới… từ tỉnh tới các đơn vị, địa phương được thực hiện trực tuyến nhanh nhạy hiệu quả.

Đặc biệt, hệ thống cổng dịch vụ công (DVC), phần mềm quản lý văn bản đã được triển khai đồng bộ, liên thông 4 cấp tại 100% đơn vị với tổng số 2.195 thủ tục hành chính (TTHC); trong đó, tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 3, 4 chiếm khoảng 30%. Việc ứng dụng CNTT thời gian qua đã góp phần để tỷ lệ giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp (DN) đạt trên 99%, tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng đạt xấp xỉ 100%...

Yên Bái: Đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành - Ảnh 1.

Việc ứng dựng CNTT trong công tác quản lý điều hành góp phần xây dựng hiệu quả chính quyền điện tử từ đó phục vụ tốt nhất cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Với những sự đầu tư trọng điểm về CNTT và cải tiến mạnh mẽ trong việc điều hành quản lý Cổng dịch vụ công (DVC), năm 2020, Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Yên Bái được xếp hạng thứ 24/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 6 trong vùng Trung du miền núi phía Bắc với tổng điểm đạt được là 84,70 điểm, tăng 3,04 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2019 (năm 2019 chỉ số cải cách hành chính đạt 81,66 điểm xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố).

Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành CCHC đạt 8,50 điểm; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy  phạm pháp luật (QPPL) đạt 8,89 điểm; cải cách thủ tục hành chính đạt 12,44 điểm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đạt 8,74 điểm; xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức đạt 10,43 điểm; tài chính công đạt 10,08 điểm; hiện đại hóa hành chính đạt 13,59; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đạt 12,01 điểm.

Không chỉ vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT hiệu quả cũng đã góp phần đẩy nhanh việc xây dựng thành công CQĐT. Nếu như năm cuối năm 2018, UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt kiến trúc CQĐT tỉnh Yên Bái, phiên bản 1.0 thì cuối năm 2020, UBND tỉnh Yên Bái đã tiếp tục phê duyệt kiến trúc CQĐT tỉnh Yên Bái, phiên bản 2.0.

Theo đó, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu xác định các thành phần và mối quan hệ giữa các thành phần của kiến trúc CQĐT tỉnh Yên Bái, phiên bản 2.0 nhằm đảm bảo các điều kiện để kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin thông qua việc tuân thủ các danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành; đảm bảo khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, tránh trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước tại tỉnh.

Đồng thời, nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống ứng dụng CNTT theo điều kiện thực tế của tỉnh; tạo cơ sở xác định các thành phần, hệ thống ứng dụng CNTT cần tiếp tục xây dựng, phát triển trong lộ trình triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam; xác định lộ trình và lập kế hoạch triển khai xây dựng CQĐT tỉnh Yên Bái gắn với phát triển đô thị thông minh tiến tới xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số…/.

Đỗ Thêu