Học cách sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn qua cuốn sách “Lắng nghe hơi thở”

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 09:18, 18/07/2021

"Lắng nghe hơi thở" là một cuốn sách ý nghĩa dành cho những ai đang muốn học cách yêu thương, buông bỏ sân si và tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình.

Cuốn sách viết bằng sự hàm ơn cuộc sống

"Lắng nghe hơi thở" là cuốn sách của tác giả Lưu Đình Long vừa được ra mắt bạn đọc thời gian gần đây. Cuốn sách gửi đến bạn đọc những bài học nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa về cách yêu thương người khác hay khi phải đối mặt với khổ đau qua những giải pháp sâu xa của Phật Giáo.

Tác giả Lưu Đình Long là một cư sĩ được biết đến với vị trí là nguyên Phó thư ký toàn soạn Báo Giác Ngộ - cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Từng là nhà báo, nguyên Phó thư ký Báo Giác Ngộ, có học và thực tập thiền nên góc nhìn về cuộc sống của tác giả theo triết nhân duyên của đạo Phật.

Những bài viết của anh như lời tâm tình, giúp tháo gỡ những nút thắt trong lòng người đọc về tất cả những điều trong cuộc sống như tình yêu, đổ vỡ, kể cả cái chết, bệnh tật, mất mát vốn dĩ trong cõi vô thường.

Sinh ra và lớn lên ở Nông Sơn (Quảng Nam), Lưu Đình Long thiếu hụt tình thương của ba, chỉ có bà ngoại và mẹ nuôi anh ăn học. Nhà nghèo, nổi danh hiếu học, vượt khó, anh đã nhận được nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ của người khác, trong đó có thầy cô, bạn bè, các nhà hảo tâm từ Sài Gòn… 

"Tôi luôn nhớ ơn tất cả sự giúp đỡ quý giá đó từ những người đã quý thương mình. Vì vậy, tôi tâm niệm dù cả đời mình dành thời gian chia sẻ với người khác cũng không đủ với những gì mình đã nhận được", nhà báo Lưu Đình Long nói.

Chính vì vậy, anh cứ cần mẫn viết lách, sẻ chia những câu chuyện nhẹ nhàng trên mạng xã hội. Chọn công tác ở một tờ báo Phật giáo, mang chất thiền trong đời sống, anh còn giúp người khác - bạn đọc qua những cái nhìn đưa đến sự an định tâm hồn.

Nói về những gì mình viết, nhà báo sắp bước sang tuổi 38 này cho rằng: "Tôi làm báo nên tiếp xúc được nhiều người ở đủ giai tầng, ai cũng có những nỗi buồn, khó khăn riêng, và họ cần được lắng nghe, chia sẻ. Chính vì vậy, khi nghĩ tới những ách tắc, khổ đau nơi họ, tôi quyết định viết với tâm không phán xét mà chân thành gửi tới họ một cái nhìn tươi tắn hơn. Thực ra, cuộc sống dù khó khăn đến mấy cũng luôn có cách giải quyết, luôn có hướng đi tốt hơn".

Chia sẻ về lý do ra đời của tác phẩm "Lắng nghe hơi thở", tác giả Lưu Đình Long cho biết: "Lắng nghe hơi thở đã được đón nhận với sự hoan hỷ của nhiều người, nhất là bạn đọc trẻ tuổi. Có bạn đọc nhắn tin, viết mail chia sẻ rằng, nhờ cuốn sách mà họ buông bỏ được vài "cục đá" trong lòng, thấy nhẹ nhàng hơn".

Chạm vào những điều khó quên trong tâm hồn

Sách gồm 2 phần: "Lắng nghe chính mình" và "Hạnh phúc trong Giáo Pháp", giảng giải các vấn đề: thương quý bản thân, thông qua một lời xin lỗi tự mình dành cho mình… Những đoạn viết tuy ngắn nhưng khiến người đọc phải suy ngẫm.

Với "Lắng nghe hơi thở", người đọc có thể lật bất cứ trang nào và bắt đầu đọc từ đó. Cứ qua mỗi một trang sách, cuộc sống lại trở nên nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Văn của Lưu Đình Long khiến người ta trăn trở ở từng câu từng chữ. Không cần phải "đao to búa lớn" gì, chỉ cần những phút yếu lòng là đã đủ đủ để cuốn sách len lỏi vào từng góc nhỏ trong tâm hồn bạn. Cũng có thể, tác giả đủ khéo léo để mượn những thứ rất đời, rất người, rất thở để làm tiền đề mở ra những cảm giác hạnh phúc của một con người giác ngộ. Chính vì vậy, khi đọc người đọc sẽ không cảm thấy bị nặng nề trước những triết lý cao siêu.

Khi các giá trị vật chất đang dần lấn áp các giá trí cốt lõi về tinh thần, "Lắng nghe hơi thở" của tác giả Lưu Đình Long là một quyển sách hữu ích cho những ai đang muốn tìm lại niềm tin vững chắc vào các giá trí đạo đức. Sách dạy chúng ta cách yêu thương cuộc sống từ những điều nhỏ bé, tập buông bỏ những thứ ngoài tầm với, buông bỏ những hận thù khổ đau để tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình.

Tác giả Lưu Đình Long dường như không thích nói tốt về mình, nói đúng hơn, anh thích viết về những thứ mà bản thân khi nghĩ lại thấy có lỗi, thấy nuối tiếc. Có lẽ vì thế mà phần mở đầu này khiến cho người đọc phải phải nghĩ suy. Vì nó quá giống với chính mình, giống ở sự thờ ơ, vô tâm, giống cả ở những lần "giá mà", "nếu như" mỗi khi nghĩ về quá khứ.

Nhưng cuốn sách không chỉ dừng lại ở những sự tiếc nuối mà còn mở ra cho độc giả về những cách để trân quý bản thân mình hơn. Thông qua một trang thư, một lời cảm ơn, một lời xin lỗi tự mình dành cho mình. Và có lẽ, xuất sắc nhất chính là khi tác giả tự nói với bản thân cũng như việc anh nương tựa chính bản thân mình. Lời chia sẻ ấy tuy giản dị những chân thành và sâu sắc.

Đó là những điều đang đón đợi độc giả khi bước vào những trang sách của "Lắng nghe hơi thở" để chạm đến những lắng đọng khó quên trong tâm hồn!./.

Phương Linh