Đà Nẵng: Cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số ra đời
Phát triển doanh nghiệp số - Ngày đăng : 16:35, 17/07/2021
Cơ hội vươn ra thế giới
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều nhà đầu tư đã và đang rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ số bởi đây là lĩnh vực có xu hướng phát triển nhanh, mạnh mẽ, ít rào cản và có nhiều cơ hội vươn ra thị trường quốc tế. Về phía Chính phủ và các nhà đầu tư, bên cạnh lợi ích về kinh tế, công nghệ số còn được quan tâm bởi được kỳ vọng sẽ trở thành động lực cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Theo số liệu thống kê từ Sở Khoa học và Công nghệ và các vườn ươm, tính đến nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hơn 136 dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được ươm tạo, hỗ trợ, trong đó đã thành lập được hơn 50 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm đa số là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bước vào kỷ nguyên số, với cơ hội lớn trên nền tảng hạ tầng thông minh hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể thay đổi các mô hình kinh doanh, đưa được hàm lượng công nghệ cao, tính sáng tạo cao hơn vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Ví dụ như phát triển các giải pháp thông minh phục vụ cho chính quyền, các hệ thống hành chính một cửa, hệ thống quản lý khám chữa bệnh, quản lý giáo dục, du lịch, giao thông thông minh…
Ông Viên cho biết thêm, trong thời gian qua, đã có một số các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Đà Nẵng nổi lên như những doanh nghiệp công nghệ đầy tiềm năng, và đã gọi được vốn của các quỹ đầu tư như Dự án xe máy điện Datbike đã gọi vốn thành công 2,6 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore; Dự án kính thông minh của Công ty Multi Việt Nam đạt quán quân Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp quốc gia năm 2019.
Dự án EM&AI đạt á quân Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp quốc gia năm 2020, đạt giải nhất Cuộc thi Startup Pitching lĩnh vực công nghệ số do VINASA trao tặng và đã gọi vốn được 850.000 USD; Dự án Liberzy đã nhận được thỏa thuận gọi vốn trên Shark Tank năm 2019.
Dự án Robot trí tuệ nhân tạo NYM của Công ty Cổ phần Công nghệ Hekate được chọn làm sản phẩm tiêu biểu cho sáng tạo Việt Nam trình diễn trong lễ khai mạc Techfest 2020, nhóm Dự án đã được gặp Thủ tướng Chính phủ để giới thiệu về Robot NYM. Hekate cũng là một doanh nghiệp được bình chọn trong top 10 startup công nghệ tiêu biểu do Vnexpress tổ chức và nhiều startup công nghệ khác có tiềm năng phát triển như Shipway, Cashbag, Selly, Tradeline, Botstar, Easy Salon…
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội là không ít các thách thức và rủi ro mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần vượt qua như việc tìm kiếm thị trường, vốn đầu tư, phát triển các mô hình kinh doanh phù hợp, đội ngũ nhân sự hay sự thích ứng của sản phẩm và doanh nghiệp trong một bối cảnh thị trường luôn thay đổi.
Nhiều chính sách hỗ trợ dành cho các startup
Ông Viên cho biết, về phía Sở Khoa học và Công nghệ, bên cạnh các hoạt động để tạo lập môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho các thành tố trong hệ sinh thái phát triển và kết nối mạng lưới trong và ngoài nước, từ năm 2020 đến nay thành phố đã hỗ trợ trực tiếp cho các startup, trong đó năm 2020 đã hỗ trợ 7doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm với kinh phí từ ngân sách sự nghiệp Sở Khoa học và Công nghệ là 1,108 tỷ đồng.
Năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tiếp nhận 25 đề xuất hỗ trợ của các doanh nghiệp và đã ký kết hợp đồng hỗ trợ cho 5 doanh nghiệp, 2 vườn ươm với kinh phí là 1,262 tỷ đồng và đang thẩm định để tiếp tục hỗ trợ 2 doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngoài việc hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các startup hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm mới, marketing, thương mại hóa sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ gián tiếp thông qua các vườn ươm về Chương trình ươm tạo để các startup được huấn luyện các kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp, chiến lược phát triển sản phẩm, các kỹ năng gọi vốn… với mục tiêu ươm tạo ít nhất thêm 10 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2021.
Ngoài ra, từ năm 2018 thành phố cũng đã hỗ trợ các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng tham gia các sự kiện, cuộc thi có uy tín về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong, ngoài nước. Thông qua việc tham gia các sự kiện/cuộc thi giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng nâng cao năng lực, tích lũy kinh nghiệm và có cơ hội kết nối với các nhà đầu tư để giới thiệu sản phẩm, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, phát triển doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp nếu đáp ứng các yêu cầu cũng có thể được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của thành phố. Theo chính sách này, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 40 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 6,061 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó 6 tháng đầu năm 2021 hỗ trợ 10 doanh nghiệp với kinh phí là 1,509 tỷ đồng.
Việc triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian qua đã góp phần lan tỏa, thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố, phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đồng hành và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố nhằm góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển.
"Thời gian tới, Đà Nẵng tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm và sử dụng các dịch vụ về khởi nghiệp; hỗ trợ truyền thông giới thiệu dự án với cộng đồng; hỗ trợ các chương trình ươm tạo tại các vườn ươm nhằm hỗ trợ đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, nâng cao năng lực tư duy, kỹ năng, kiến thức, đủ lực bước vào vòng kêu gọi đầu tư, bứt phá và thâm nhập thị trường...; Hỗ trợ tham gia các sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp, kết nối đầu tư trong và ngoài nước...". Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho hay.