TS. Huỳnh Thế Thiện: Phòng thí nghiệm là nhà, “ẵm” 3 bằng sáng chế
Bản tin ICT - Ngày đăng : 15:25, 17/07/2021
3 sáng chế và những gian nan
Nhìn vào bảng thành tích của TS. Huỳnh Thế Thiện ai cũng phải giật mình và trầm trồ ngưỡng mộ.
Tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm 2011, chàng trai trẻ sinh năm 1998 học xong thạc sỹ và nhận học bổng tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại ĐH ĐH Kyung Hee (TP Suwon, Hàn Quốc).
Hiện, TS. Huỳnh Thế Thiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, Viện Công nghệ Quốc gia Kumoh, Hàn Quốc.
Từ năm 2014 đến nay, TS. Huỳnh Thế Thiện có 58 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Ngoài ra, anh còn có 2 báo cáo quốc tế xuất sắc, trong đó một bài là tác giả chính ở các hội nghị về lĩnh vực viễn thông; đồng tác giả của 3 sáng chế.
Năm 2020, anh là một trong 10 gương mặt trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng lĩnh vực Khoa học Công nghệ. Đây là con số rất ấn tượng với một tiến sĩ sinh năm 1988.
Tuy nhiên, con đường đi của nhà khoa học trẻ không hề dễ dàng và trải thảm hoa hồng. Anh kể, năm 2014 khi đặt chân sang Hàn Quốc, đã có thời gian anh hoang mang và hụt hẫng vô cùng.
Lý do là vì lĩnh vực anh học và nghiên cứu trước đây về thuật toán để xử lý ảnh rất khác với với yêu cầu nghiên cứu về hệ thống nền tảng dữ liệu lớn mà thầy hướng dẫn đưa ra.
Thời gian đó, khoảng 3-4 tháng, TS. Thiện bị stress bởi hướng nghiên cứu của giáo sư và của mình không trùng với nhau. Thậm chí, anh từng có ý tưởng bỏ cuộc, chuyển sang trường khác để tìm hướng nghiên cứu phù hợp.
Tuy nhiên, sau những phút chông chênh, anh quyết tâm xác định làm đến cùng. Anh đọc tài liệu, tìm hiểu thêm các bài báo chuyên ngành, trau dồi kiến thức về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.
Đi sâu tìm hiểu, anh thử tìm cách ứng dụng AI để phát hiện và nhận dạng hành động của con người cho camera giám sát. Thành công của nghiên cứu giúp anh nhận được ba sáng chế được đăng ký ở Hàn Quốc.
Trong đó, một sáng chế được áp dụng vào dự án chăm sóc sức khỏe, nhằm phân loại và phát hiện các hành vi bất thường của người bệnh, hai sáng chế còn lại được ứng dụng cho camera giám sát trong nhà, tìm ra các hoạt động vật lý (như đứng, ngồi, nằm, đọc sách).
"Mặc dù thời gian đầu rất khó vượt qua, nhưng đổi lại bản thân có thêm những kiến thức mới sâu rộng hơn, làm dày kỹ năng nghiên cứu", anh chia sẻ.
Xem phòng lab là nhà
Để có được thành quả hiện nay, TS. Huỳnh Thế Thiện cho rằng mình đã trải qua một hành trình đầy nỗ lực và đam mê của tuổi trẻ.
Anh kể, khi mới sang Hàn Quốc, anh có thuê nhà để sống. Nhưng để theo kịp dự án và làm hết những thứ mình muốn anh dành hầu hết thời gian ở phòng lab và nhà chỉ là nơi đi về những ngày cuối tuần.
Chia sẻ lý do chọn phòng thí nghiệm làm nhà, nhà khoa học trẻ cho hay, 8 tiếng làm việc cơ học dường như là không đủ với anh. Việc ở lại phòng thí nghiệm giúp anh có thêm thời gian để nghiên cứu. Anh tâm sự, may mà thầy hướng dẫn rất tạo điều kiện còn đùa lại rằng “coi như có thêm người trông phòng lab”.
Hiện TS. Huỳnh Thế Thiện đang là chủ nhiệm một đề tài dự án nghiên cứu cấp quốc gia tại Hàn Quốc với nghiên cứu về cảnh báo sớm các hành vi nguy hiểm trong nhà với độ chính xác cao thông qua thuật toán học sâu (deep learning). Dự kiến đề tài sẽ hoàn tất vào khoảng tháng 5/2022.
Tài năng, chuyên nghiệp, TS. Huỳnh Thế Thiện có rất nhiều cơ hội và những lời mời ở lại Hàn Quốc hoặc một số quốc gia khác. Tuy nhiên anh cho biết, nhiều khả năng sau khi hoàn tất đề tài, anh sẽ trở về Việt Nam để có thể cống hiến ngay tại quê nhà. Khi về nước anh sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các thuật toán khác không chỉ trong lĩnh vực xử lý ảnh, thị giác máy tính mà còn sang lĩnh vực thuyền thông và thông tin liên lạc.